Barnabé Hounguevou: Tu sĩ Dòng Tên người Bénin, Phi Châu ở đất Trung Quốc
Báo Le Brigand số 521, tháng 1-4 năm 2016
Trong số báo Brigand vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu linh mục người Burunda Ladislas Nsengiyumva đi truyền giáo ở Trung Quốc. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu tu sinh trẻ Phi Châu Barnabé Hounguevou, anh đã đáp lời kêu gọi lên đường đi truyền giáo ở Trung Quốc. Theo lời yêu cầu của bề trên, anh đã để ra hai năm để học tiếng Quan Thoại, và đang tiếp tục được đào tạo ngành mục vụ trẻ ở Đài Loan.
Linh mục Pierre Bélanger: Barnabé Hounguevou, anh là một sinh viên Dòng Tên người Bénin, Phi Châu, bây giờ anh ở Đài Loan trong môi trường người Hoa… Xin anh cho biết tiến trình của anh, con đường dẫn anh đến đời sống tu trì và dẫn anh đến Đài Loan…
Barnabé Hounguevou: Câu chuyện ơn gọi của con bắt đầu từ thuở thơ ấu. Con nhớ con rất ngưỡng mộ một linh mục thừa sai Pháp, cha đến truyền giáo ở Phi Châu. Cuộc đời của cha đã tác động đến con rất nhiều. Nhưng khi con lên trung học thì con để dự định đi tu qua một bên. Khi lên trung học đệ nhị cấp, con bắt đầu lui tới Dòng Tên, nhưng con không có chủ đích thành tu sĩ Dòng Tên. Con chỉ muốn trao đổi với các cha Dòng Tên để biết Chúa, biết Giáo hội.
Chỉ sau khi đi tĩnh tâm ba ngày với họ, con thấy có một cái gì thay đổi trong lòng con. Con thật sự được đánh động với phút hồi tâm và với cách cầu nguyện theo Thánh I-Nhã. Sau khi đi tĩnh tâm về, con tiếp tục thực hành những gì con đã được học. Sau một thời gian, con bắt đầu ý thức hơn về những gì Chúa đã làm cho cuộc đời con. Con biết chú tâm đến các tác động nội tâm của con. Vì thế có nhiều câu hỏi đến với con, con nghĩ với cách cầu nguyện này, con có thể làm cho nhiều người được hưởng lợi, lúc đó, con bắt đầu nghĩ đến Dòng Tên.
Học xong trung học, con vào đại học, con học ngành địa lý. Con ở trong phong trào sinh viên và con muốn góp phần vào việc phát triển đất nước con. Và vì con không thấy một mối dây liên hệ trực tiếp nào giữa ơn gọi đi tu và việc phát triển nên con để ơn gọi qua một bên, con lo chuyện khác. Dù vậy, con luôn bị giằng co: một phần, con muốn thay đổi các chuyện, bằng cách đóng một vai trò trong việc phát triển Bénin, nhưng mặt khác, một phần, con cảm nhận khát khao một cái gì siêu việt mà con không thể nào đáp ứng được.
Con giữ một đức tin sống động: con làm việc ở giáo xứ, con ở trong nhóm cầu nguyện gọi là Lửa Mới. Dù con thật sự chưa ý thức, nhưng tất cả những chuyện này đã nuôi dưỡng ơn gọi của con.
Làm thế nào để cuối cùng con có được quyết định?
Giữa các dằng co nội tâm này, con may mắn tham dự một khóa tĩnh tâm tám ngày, khi đó mọi sự trở nên rõ ràng với con. Con không thể nào tiếp tục duy trì một lúc hai chương trình, con phải quyết định. Và con không thể nào chạy trốn: ơn gọi đi tu đã ở đó. Dù sao con cũng bỏ ra một ít thì giờ để kiểm xem ước muốn đi tu của con có còn hay không, khi con không còn ở trong bầu khí của khóa tĩnh tâm. Đó là thời gian nhận định: con tin chắc Chúa đã gọi con. Sau hai năm, con xin vào Dòng Tên.
Thử thách đầu tiên: vì con xong bài khảo luận địa lý một tuần sau khi khai giảng tập viện, nên nhà Dòng bắt con chờ một năm. Dù sao, đây cũng thêm một dịp để con nhận định: con có sẵn sàng “mất” một năm để vào Dòng Tên không? Nhưng Chúa đã làm nhiều việc: nếu không có năm “mất” này thì hôm nay con không ở Đài Loan. Nếu con vào nhà Dòng sớm hơn một năm thì con không để ý đến việc đi truyền giáo ở Trung Quốc, một dự án mà Bề trên Giám tỉnh của con xem rất quan trọng.
Vì sao người ở Phi Châu lại quan tâm đến Trung Quốc hay Đài Loan?
Phi Châu và Trung Quốc là các ưu tiên của Dòng Tên trên thế giới. quan trọng là phải xây cầu cho hai thực thể này. Mặt khác, Dòng Tên quan sát những gì đang xảy ra trên thế giới: Trung Quốc đang trở mình thành cường quốc kinh tế và chính trị. Trung Quốc lại đang tăng cường quan hệ rất nhiều với các nước Phi Châu. Như thế đối với Dòng Tên, quan trọng là phải có các tu sĩ am hiểu hai môi trường để làm việc cho một sự xích lại gần nhau tốt hơn của hai thế giới này. Và lịch sử Dòng Tên với Trung Quốc trong các thế kỷ vừa qua cũng rất quan trọng; con nghĩ chúng ta có thể góp phần đáng kể trong bối cảnh hiện tại, một bối cảnh có thể đưa hai dân tộc này xích lại gần nhau.
Cá nhân con, trong những năm học triết, con có ngỏ ý xin đi thực tập ở một Tỉnh Dòng khác. Con muốn thử nghiệm một văn hóa khác. Con nghĩ đến Zambia vì con nghe nói ở đó có một Trung tâm nghiên cứu về xã hội-thần học mà con rất thích. Cha bề trên Tỉnh Dòng nói với con: “Chúng ta sẽ xem…”, cha nhắc cho con nhớ, Tỉnh Dòng Tây Phi có 14 nước!
Dù vậy sau một năm, con nhận một bức thư của Bề trên Tỉnh Dòng, cha cho con biết, nếu thật sự con muốn đi đến một Tỉnh Dòng khác Tỉnh Dòng này, thì con sẽ đi không phải ở Phi Châu, cũng không phải ở Tây phương… cha không nói rõ ở đâu! Con trả lời, nếu Chúa gọi con đi truyền giáo, Ngài sẽ đi theo con và hướng dẫn con. Một tháng sau, con nhận một bức thư khác: con được gởi đi Đài Loan. Con thật ngạc nhiên vì con không bao giờ nghĩ đến. Cha Bề trên Tỉnh Dòng nói rõ, ngài mong có vài tu sĩ Dòng Tên đến với môi trường văn hóa Trung Quốc vì như thế sẽ rất quan trọng cho tương lai của Dòng.
Barnabé trong một sinh hoạt mục vụ với người trẻ
Thời gian tập viện của con như thế sẽ lâu hơn các tu sĩ khác vì con phải bỏ thì giờ ra học tiếng Hoa.
Học tiếng Hoa đúng là một thử thách; đó là một ngôn ngữ rất khác ngôn ngữ la mã. Nhưng con cũng xoay xở được: nhờ ơn Chúa, chỉ trong vòng vài tháng, con nắm vững cách phát âm và con nói được. Nhưng khó nhất là viết. Và rồi còn phải hội nhập văn hóa: văn hóa ở đây khác hẳn văn hóa Bénin. Mới đầu, con phải tế nhị rất nhiều để hội nhập vào môi trường. Phải biết chấp nhận sự việc, phải hiểu biết qua về với nhau, nhưng cần rất nhiều thì giờ để hiểu thế giới người Hoa. Tuy nhiên con gặp may rất nhiều, trước hết và trên hết là con được nhà Dòng ở đây đón tiếp nồng hậu và tin tưởng ở con.
Ở Québec, Canada, chúng tôi thường có khuynh hướng xem Phi Châu là vùng đất truyền giáo. Làm thế nào con thấy được sự góp phần của các nhà truyền giáo Phi Châu cho Giáo hội khắp nơi trên thế giới? Không có các nhu cầu cấp bách ở Phi Châu sao?
Từ lâu Giáo hội Phi Châu đã được các nhà truyền giáo ngoại quốc đến giảng Phúc Âm. Đã có một điểm ngoặc ở Phi Châu theo lời mời gọi của Đức Phaolô VI ở Kampala: “Các bạn Phi Châu, các bạn hãy chính là người truyền giáo cho đất nước mình!”, ngài nói. Người Phi Châu nhận ra, đến lượt họ, họ phải gánh lấy trách nhiệm gieo hạt giống Phúc Âm trên mảnh đất của mình. Từ nhiều năm nay, đã có sự góp phần của các nhà truyền giáo Phi Châu cho các sứ vụ của Giáo hội trên khắp thế giới. Con nghĩ mình phải thấy trong bối cảnh này, đây là một trong các đóng góp lớn nhất cho sứ vụ hoàn vũ của Giáo hội.
Phi Châu từ lâu đã có nhiều nhà truyền giáo ngoại quốc đến giảng Phúc Âm. Bây giờ đến lượt Phi Châu thực hiện lòng quảng đại của mình. Đúng là Phi Châu có những nhu cầu cấp bách, có những thách đố quan trọng cần phải thực hiện, nhưng Giáo hội Phi Châu không thể co cụm lại trong các nhu cầu của mình, giả câm giả điếc trước lời kêu gọi của Giáo hội hoàn vũ. Phi Châu được gọi để “đi ra”. Con nghĩ Giáo hội Phi Châu đang ở trong hoàn cảnh của bà góa trong Phúc Âm: không phải cho của cải dư thừa của mình, nhưng cho cái ít ỏi mà mình đang có.
Như thế, trên thực tế, sứ mệnh của con ở Đài Loan ở trong một khuôn khổ khác. Từ khởi đầu, Dòng Tên của con là Dòng truyền giáo. Khi con vào nhà tập, Linh mục hướng dẫn khi nào cũng nhắc cho chúng con nhớ, mình ở trong chi thể của Dòng chứ không phải ở trong chi thể của Tỉnh Dòng. Các tài liệu chính thức cũng nhấn mạnh việc đào tạo tinh thần tông đồ của các tu sĩ Dòng Tên là phải “phát triển tinh thần hoàn vũ, trải nghiệm tính cách quốc tế của Dòng”.
Như vậy sứ mệnh của con ở Đài Loan được hiểu như đây là ý muốn hợp tác giữa hai ưu tiên của Dòng là Trung Quốc và Phi Châu. Khi mà Trung Quốc trở thành nước khổng lồ về mặt kinh tế cũng như chính trị, và sự hiện diện của Trung Quốc càng ngày càng mạnh ở Phi Châu, thì Dòng Tên có thể tùy theo tình hình mà góp phần lớn nhất để xây dựng công chính và xây dựng tính nhân văn cao hơn trong các tương quan, nhất là trong các tương quan giữa hai dân tộc. Thêm nữa, tinh thần của Tu nghị thứ 32 của Nhà Dòng là phải hiểu, phục vụ cho đức tin bao gồm đấu tranh cho công chính.
Con cho biết chương trình con làm việc ở đây, công việc kết nối các người trẻ. Có phải đây là dạy “giáo lý” cho người trẻ công giáo hay một cách để tiếp cận với các thanh niên trẻ Trung Quốc mà đa số không phải là kitô hữu không?
Đài Loan có 23 triệu dân nhưng chỉ có 1% là người công giáo. Người giữ đạo lại còn ít hơn. Chỉ những người già là còn đến nhà thờ. Sau khi nhận định, các tu sĩ Dòng Tên nhận thấy lo cho người trẻ là ưu tiên của Dòng. Con ở trong một nhóm sáu người do một giáo dân đứng đầu, nhóm hướng các hoạt động của mình cho người trẻ công giáo và với những người lớn nào cảm thấy mình có khát vọng, có ước muốn xây dựng một quan hệ với Chúa. Chúng con là nhóm Magis Youth Center. Chương trình của chúng con nhắm đến giới sinh viên nhưng cũng với các thanh niên lao động trẻ.
Trung tâm lên chương trình mục vụ cho giới trẻ Đài Loan, một ưu tiên của Tỉnh Dòng Trung Quốc. Hàng tháng chúng con tổ chức một buổi gặp gỡ ở Trung tâm Tien Educational Center Đài Loan; sinh hoạt này chú trọng đến Thánh Thể. Đây là một buổi họp được nhiều nhóm trẻ chuẩn bị và hướng dẫn. Có diễn kịch theo Phúc Âm, chủ đề liên hệ với đời sống hàng ngày. Có trao đổi từng nhóm nhỏ theo hai hoặc ba vấn đề. Ngoài Thánh Thể, nhóm còn có các sinh hoạt khác như cầu nguyện theo cách Taizé và tổ chức các buổi gặp gỡ theo từng chủ đề.
Tất cả là để mở cánh cửa đưa họ vào các chương trình đào tạo cao hơn. Đó là giai đoạn thứ nhì của Trung tâm Magis. Chúng con tin linh đạo I-Nhã thật sự giúp được người trẻ gặp Chúa trong cuộc sống của họ, rồi sau đó họ sẽ trở thành chứng nhân cho Tin Mừng. Chúng con bắt đầu tổ chức các khóa linh đạo I-Nhã và sắp tới, chúng con tổ chức các khóa tĩnh tâm cho người trẻ. Tất cả để giúp họ biết nhận định, mà theo con, nhận định là chìa khóa thiết yếu để định hướng cho tương lai của họ.
Chúng con cũng muốn giúp các người trẻ có tinh thần dấn thân phục vụ cho người khác, chẳng hạn giúp họ có dịp phục vụ ở những khu phố nghèo ở Đài Loan như giúp các người lớn tuổi, những người bệnh ở giai đoạn cuối và cũng có thể đi giúp các nước đang phát triển như Cam-bốt. Chúng con cũng có các sinh hoạt giúp đón tiếp và hỗ trợ người di dân, chúng con kết hiệp với các nữ tu Dòng Chúa Chiên Nhân Lành để làm việc.
Mới đầu thì các sinh hoạt còn tập trung ở Đài Loan, nhưng dần dần chúng con triển khai ở các thành phố nhỏ khác của Đài Loan, chúng con hy vọng một ngày nào đó sẽ phục vụ hết cả Tỉnh Dòng Trung Quốc của Dòng Tên. Cá nhân con, con nghĩ càng ưu tiên phục vụ cho người trẻ thì Dòng sẽ đầu tư vào mục vụ gia đình. Rất nhiều vấn đề của xã hội gặp phải là từ sự tan rã của các gia đình và từ đó kéo theo các hệ quả của nó.
Một người Phi Châu giữa người Hoa. Nhóm Magis chuẩn bị rất kỹ chương trình làm việc.
Nhóm Magis tổ chức thánh lễ cho người trẻ với phần diễn kịch theo Phúc âm.
Các sinh hoạt phong phú. Chương trình được linh mục Giám tỉnh John Lee Hua yểm trợ.
Để kết thúc, cha hỏi riêng con, Barnabé, cái gì đã nuôi dưỡng con gắn bó với Dòng Tên? Con vừa là người Phi Châu, là tu sĩ Dòng Tên, là người trẻ ở thế kỷ 21 này, con thấy con như thế nào?
Con nghĩ điều nuôi dưỡng con gắn bó nhiều nhất với Dòng Tên, đó là những giây phút con lấy được sức lực nội tâm để con đem nó vào đời sống của con. Không có những giây phút này thì con chỉ là một ‘công chức thường’ của chương trình Magis. Khuynh hướng làm cho Chúa, chứ không làm những gì Chúa chờ mình vẫn hiện diện thường xuyên trong sứ vụ tông đồ. Phút hồi tâm là giây phút nhận định đích thực.
Còn về những gì là nền tảng cho ơn gọi của con thì càng ngày con càng sống phó thác vào Chúa. Trong nghĩa này, con thấy việc con đến Đài Loan đã giúp con. Từ bước đầu e ngại đến hội nhập được vào đời sống, bắt được văn hóa ở đây mà không gặp khó khăn lớn, đã củng cố cho con trong con xác tín “khi Chúa giao cho mình một sứ mệnh, thì Ngài cho mình phương tiện để thực hiện”. Kinh nghiệm đức tin này hay lòng tin tưởng vào Chúa lớn dần đã giúp con vui vẻ đảm trách đời sống của một người trẻ, một tu sĩ, một người của Dòng Tên của con. Nó cũng giúp con càng ngày càng được bình tâm khi đối diện với một vài thách đố. Chính kinh nghiệm tin tưởng vào Chúa đã tác động lên những ngày con sống ở Đài Loan.
Luca Nguyễn Trung Tín dịch