Đức Phanxicô lên án các vụ tấn công ở Bruxelles

164

aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2016-03-23

Đức Phanxicô lên án các vụ tấn công ở Bruxelles

Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 24 tháng 3-2016, Đức Phanxicô kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho các nạn nhân và cầu nguyện cho sự “cải hóa tâm hồn” của những kẻ khủng bố.

Ngày hôm sau các vụ tấn công ở Bruxelles, Đức Phanxicô nhắc lại lời chia buồn của mình đối với gia đình các nạn nhân và các người bị thương, ngài bày tỏ sự “đau buồn sâu xa và nâng đỡ” của mình. Nhân buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư trước hàng ngàn tín hữu hành hương ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã bày tỏ sự hoang mang của mình, ngài kêu gọi “tất cả những ai thiện chí phải đồng loạt lên án các hành động bỉ ổi chỉ đưa đến cái chết, sự kinh hoàng và khủng khiếp này”.

Sứ điệp của Đức Phanxicô trước các vụ tấn công ở Bruxelles

Sau các vụ tấn công ở Bruxelles ngày thứ ba 22-3, Đức Phanxicô đã lên án “bạo lực mù quáng” của những tên khủng bố đã gây không biết bao nhiêu đau khổ và cầu xin Chúa ban bình an cho các gia đình bị nạn và cho người dân Bỉ”. Sau đó, vào buổi chiều, ngài viết câu tweet: “Con xin phó thác những người đã mất mạng sống mình vào lòng thương xót Chúa. #Bruxelles”.

Hôm nay, trong buổi giáo lý về lòng thương xót Chúa và Tam Nhật Thánh bắt đầu vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngài xin tất cả giáo dân “hãy kiên trì cầu nguyện”, không những chỉ cho các nạn nhân mà cả cho sự “hoán cải tâm hồn” của những người “mù quáng bởi một chủ nghĩa tận căn bạo lực khủng khiếp”. Phối hợp hành vi với lời nói, ngài xin giáo dân có mặt ở Quảng trường Thánh Phêrô cùng đọc một Kinh Kính Mừng, rồi thinh lặng cầu nguyện cho các “người bị chết, người bị thương, thân nhân của họ và tất cả người dân Bỉ”.

Tuần Thánh đau thương

Tam Nhật Thánh từ thứ Năm Tuần Thánh đến Chúa nhật Phục Sinh là trọng tâm của năm phụng vụ. Trong những giờ đau thương, lời nói của Đức Giáo hoàng giải thích ý nghĩa của ba ngày này mang một âm vang đặc biệt nhất là trong bối cảnh hiện tại: xin anh chị em nhớ lại, ba ngày này là “tưởng niệm một thảm kịch của tình yêu, thảm kịch cho chúng ta xác quyết, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi trong các thử thách của cuộc đời… Nó cho chúng ta thấy tình yêu của Chúa đi rất xa, tình yêu của Chúa là không giới hạn”:

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể; đó là tình yêu đưa đến tinh thần phục vụ. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta và Ngài xin chúng ta ở trong Ngài để cũng làm giống như Ngài đã làm.

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là đỉnh cao của tình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá diễn tả tình yêu trao ban đến trọn vẹn, cho đến cùng, một tình yêu không loại trừ một ai. “Nếu Chúa yêu thương chúng ta đến như vậy thì chúng ta có thể và chúng ta phải   thương yêu nhau”, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh.

Và ngày Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày thinh lặng của Chúa, “một thinh lặng nói lên tình yêu là tình đoàn kết với những người luôn bị bỏ rơi.  Thiên Chúa thinh lặng vì tình yêu trong sự mong chờ ngày sống lại”.

Đức Phanxicô kết thúc bài giáo lý của mình bằng tiếng Pháp và mời gọi các tín hữu hành hương nói tiếng Pháp “trong những ngày hướng đến lễ Phục Sinh này, mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót vô bờ của Chúa, Đấng trao ban cho chúng ta trong cái chết và trong sự sống lại của Con Thiên Chúa!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch