Khóc than cho sự cằn cỗi của chính mình
Ronald Rolheiser, 21 Tháng Hai 2016
Vài năm về trước, khi đang dạy một khóa hè ở Đại học Seattle, tôi có một sinh viên nữ, dù cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, nhưng không thể có con. Cô không thấy ra ý nghĩa gì trong chuyện này. Nó khiến cô rất phiền lòng. Ngày lễ Mẹ thật là ngày khó khăn với cô. Cô đã viết một luận văn nghiên cứu rất hay về khái niệm cằn cỗi trong Kinh thánh, và qua đó phát triển một bài tĩnh tâm đã được áp dụng ở nhiều trung tâm canh tân.
Là một người độc thân với lời khấn hứa có kèm theo sự cằn cỗi sinh học nhất định, tôi đã từng đến dự một buổi tĩnh tâm của cô, và là người nam duy nhất ở đó. Thật là một cảm nghiệm nhóm đầy mạnh mẽ, nhưng cần phải trải qua đủ hai ngày cuối tuần mới thấy được. Ban đầu, hầu hết mọi người đi tĩnh tâm khá là e dè và ngại ngùng, không muốn nhìn nhận với bản thân hay người khác về nỗi đau mất mát khả năng làm cha mẹ về mặt sinh học trong đời mình. Nhưng đến đêm thứ bảy, mọi thứ vỡ òa, sau khi cả nhóm xem bộ phim Bí mật và Dối trá của những năm 1990, một phim tinh tế mà mạnh mẽ về nỗi đau không có con cái. Những giọt nước mắt trong phim, làm rơi những giọt nước mắt của những người trong nhóm vỡ òa. Mọi người khóc không chút dè dặt, và từng người một bắt đầu kể chuyện đời của mình. Rồi, sau những dòng nước mắt và những câu chuyện, bầu khí thay đổi, như thể màn sương đã tan đi và gánh nặng được nhấc bổng. Sự nhẹ nhàng lan tỏa. Mỗi người trong nhóm đã khóc than cho mất mát của mình, và giờ đây mỗi người thấy được một sự nhẹ nhõm khi biết rằng người ta có thể không bao giờ có con nhưng vẫn hạnh phúc mà không cần phải chối bỏ nỗi đau của mình về chuyện này.
Cằn cỗi không chỉ là để mô tả sự bất lực về sinh học không thể có con cái, hay một lựa chọn sống không muốn có con. Nhưng nó còn rộng hơn. Cằn cỗi mô tả tình trạng nhân sinh phổ quát khi bất lực không thể sinh sôi theo cách mình mong muốn, đồng thời cho thấy sự trống rỗng và nản lòng do nó gây ra. Karl Rahner đã tóm gọn trong những lời này. Trong giày vò khi không có đủ mọi sự có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học biết rằng, ở đời này mọi hòa âm vẫn còn dang dở. Dù có con cái về mặt sinh học hay không, thì tất cả chúng ta vẫn thấy bản thân mình cằn cỗi, bởi không một ai trong chúng ta có được bản hòa âm trọn vẹn trên đời này. Luôn luôn có một sự cằn cỗi trong đời sống, và như thế sự cằn cỗi về mặt sinh học đơn thuần chỉ là một trong số đó thôi, dù cho nó có thể là sự cằn cỗi lớn nhất. Không một ai trong chúng ta, khi chết đi, mà đã sinh sôi được tất cả mọi sự chúng ta muốn ở đời này:
Vậy thì chúng ta làm gì trước tình cảnh này? Có một câu trả lời nào hay không? Có một lời đáp nào có thể đưa chúng ta vượt lên những cái nghiến răng và khắc khổ chịu đựng hay không? Có. Câu trả lời là nước mắt. Như Alice Miller nói đến trong bài luận kinh điển của mình, Tấn kịch của Đứa trẻ Thiên tư, thì từ tuổi trung niên và sau đó, chúng ta cần phải khóc than để lay động những căn cứ căn bản nhất của chúng ta. Nhiều vết thương của chúng ta không thể nào đảo ngược được, và nhiều khiếm khuyết của chúng ta là bất biến. Chúng ta sẽ đi đến cái chết với sự bất toàn này. Không thể nào lấy lại được những mất mát của mình. Nhưng có thể khóc, cả cho những gì chúng ta đã mất mát và những gì không đạt được. Trong than khóc đó, là sự tự do.
Tôi luôn xúc động bởi ẩn dụ mạnh trong câu chuyện về con gái ông Jephthah, sách Thẩm phán chương 11. Trong một hình tượng nguyên mẫu, đoạn sách này cho chúng ta câu trả lời duy nhất cho sự cằn cỗi đời này. Phải chết trong tuổi thanh xuân mãnh liệt nhất, chỉ vì lời thề ngu xuẩn của cha mình, cô đã bảo cha rằng cô sẵn sàng chết trên bàn thờ hiến tế, nhưng với một điều kiện. Cô sẽ không chết mà không được cảm nghiệm đêm tân hôn và sinh con cái. Nên cô xin cha cho cô hai tháng trước khi chết để ‘khóc cho sự trinh trắng của mình.’ Khi khóc cho đúng, thì một cuộc sống bất toàn có thể được sống trong bình an và ra đi trong bình an.
Những giọt nước mắt là câu trả lời cho sự cằn cỗi, cho tất cả mọi mất mát và thiếu hụt. Trong quyển sách Giã từ Thành tín, Marilyn Chandler McEntyre đã nói thế này về những giọt nước mắt: ‘Nước mắt giải phóng cho tôi đi vào sự đau buồn chân thật. Cho tôi thoát khỏi việc hăm hở đi tìm ngôn từ giải đáp. Cho tôi về lại thời thơ ấu khi tôi cần được bồng ẵm và thấy an lòng trong vòng tay ôm, trong vòng tay của người khác và của Thiên Chúa. Những giọt nước mắt giải phóng tôi khỏi cối xay ken két của những suy nghĩ lo lắng, và còn khỏi sợ hãi nữa. Nước mắt giải thoát tôi khỏi sự căng thẳng khi cố níu giữ. Nước mắt là ưng thuận. Và ít nhất là một lần, rửa sạch những kháng cự và phủ nhận. Nước mắt cho tôi buông bỏ ý niệm tự dối của tôi rằng tôi kiểm soát được mọi sự. Nước mắt làm dịu đi phẫn uất và tẩy sạch những rác rưởi mà con sóng giận dữ đã xô đến.
Và không phải vô cớ, nước mắt là nước muối. Nhân sinh khởi thủy từ đại dương. Những giọt nước mắt nối kết chúng ta với nguồn cội mọi sự sống trên địa cầu, một sự dư dật đến phung phí thắng vượt mọi cằn cỗi.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch