famillechretienne.fr, Hugues Lefèvre, 2016-02-29
Bruno-Nestor Azérot, Dân biểu vùng Martinique và phái đoàn Hồng Ngư (Poissons roses) một phong trào cánh tả theo tinh thần kitô sẽ gặp Đức Giáo hoàng vào ngày 1 tháng 3 sắp tới tại Rôma. Phái đoàn gồm khoảng ba mươi người, trong đó có ông Patrice Obert, chủ tịch Poissons roses, ông Dominique Potier, dân biểu Đảng Xã hội và đồng sáng lập hội Tinh thần Dân sự, mục sư Pascal Ollive ở Nymes.
Đâu là mục đích của cuộc tiếp kiến với Đức Phanxicô? Ông muốn nói gì với ngài và ông mong ngài nói gì với ông?
Khi mình có dịp may được gặp vị kế nhiệm Thánh Phêrô, một giáo hoàng, nhất là Giáo hoàng Phanxicô thì mục đích không đáng kể, nhưng đúng hơn là một tiến trình, một thông cảm. Trước hết là được đánh động bởi một giây phút ngoại thường, nhưng cũng là một trao đổi mà mình mong có. Và điều nổi trội hơn hết, đó là nghe một lời nói.
Dĩ nhiên sẽ có ban phép lành nhưng tôi nghĩ, Đức Giáo hoàng muốn can thiệp trong địa vị người mục tử, có nghĩa ngài sẽ có một sứ điệp đặc biệt riêng. Nhưng điều đáng kể đối với tôi, tôi sẽ là tìm nơi lời của ngài những luận cứ để hướng dẫn suy nghĩ và hành động của một tín hữu làm việc cho cộng đồng như tôi. Đức Giáo hoàng cũng đã mong muốn tín hữu công giáo không đứng ở ban công để nhìn thế giới…
Ở Pháp, một vài cách nhìn của giới thế tục đôi khi ngăn các người có trách nhiệm về chính trị đối thoại với các người có trách nhiệm về tôn giáo. Là dân biểu, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi là một tín hữu có lòng tin sâu xa, tôi gắn bó vào sự tự do tôn giáo của tôi và các điều tôi tin, cũng như các điều tôi hoài nghi! Nhưng là công dân nước Pháp, tôi gắn bó mạnh vào tính thế tục, một cơ sở mà nước Cộng hòa Dân chủ dựa lên để tôn trọng tất cả mọi tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng, các thực thể này ở trong đường hướng tôn trọng khuôn khổ và các thể chế của quốc gia. Tôi rất lo cho sự quân bình này, nó không cho phép tất cả nhưng làm thuận lợi cho tất cả. Đối với tôi, có nhiều quan điểm về thế tục, có thể nói là tùy theo đó. Điều đặc biệt của nước Pháp là sự quyết tâm cùng sống chung, cùng dấn thân chung quanh một “hiệp ước xã hội”. Mọi đối thoại với các nhà chức trách tôn giáo là điều mong muốn và ngay cả là một hạnh phúc, với điều kiện là không ở trong đường hướng của một tương quan xem cách giữ đạo của các cộng đoàn đối nghịch như một định đề. Tôi thường hay nói, tôi không phải là chính trị gia kitô nhưng là tín hữu kitô hoạt động chính trị, gắn bó với các giá trị của Nước Cộng hòa và tôn trọng các giá trị này trong lãnh vực chung. Còn lãnh vực riêng là một chuyện khác…
Ông đã viết cho Tòa Thánh một lá thư, trong đó ông nói “cánh tả bị vướng vào bẫy của một loại tôn giáo thế tục”. Cuộc gặp này có phải là một cố gắng để ra khỏi cái bẫy này không?
Đúng, tôi nghĩ lời của Đức Phanxicô có thể cho chúng tôi các chìa khóa để mở một con đường hành động cụ thể trên chủ đề này. Trước hết ngài là người giữ đạo sốt sắng, và tôi cũng không quên ngài là tu sĩ Dòng Tên, một tu sĩ Dòng Tên thì gắn bó với thế giới, ngài là linh mục được đào tạo dưới chế độ độc tài khủng khiếp. Tôi nghĩ lời ngài mang đến cho chúng tôi một ý nghĩa… Nhất là khi tôi đọc Thông điệp “Chúc tụng Chúa,” ngài muốn chúng tôi làm việc chung quanh Ngôi nhà chung, ngài đòi hỏi tín hữu kitô phải đi xuống ban công, hành động ở đây và bây giờ cho công chính và cho nhân loại.
Tôi không biết thế nào là tín hữu kitô cánh tả.
Tôi là kitô hữu.
Cánh tả, ông đại diện cho tư tưởng “đi ngược dòng”. Ông có nghĩ Đức Phanxicô, ngài cũng đi ngược dòng trong Giáo hội công giáo không?
Có thể chúng tôi đi ngược dòng vì chúng tôi không nói cho vừa lòng mọi người, không ở trong lối suy nghĩ thường lệ, vì chúng tôi có xác tín sâu đậm trong lòng, các xác tín của một đất nước Martinique đau khổ nhưng cũng là của nước Pháp. Quan điểm chúng tôi là quan điểm cực kỳ ngoại vi của nước Pháp có thể làm cho nước Pháp ngạc nhiên, nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi là trọng tâm. Quan điểm đặc biệt này có thể làm cho chúng tôi trở nên ‘không xếp hạng’ được… Từ quan điểm này, đúng, có thể Đức Phanxicô, người cũng đến từ Châu Mỹ La Tinh, được đào tạo ở Dòng Tên, ngài cũng có một quan điểm đặc biệt, cho phép ngài nhìn Giáo hội một cách khác. Và có thể vì thế, chúng tôi nhìn trong góc cạnh khác này, những góc cạnh tạo nên truyền thống, tạo nên một tầm quan trọng mới cho nghi thức mang đến ý nghĩa, tính thiêng liêng nhưng cũng là tính hiện đại, tính dấn thân trong thế giới. Như ông biết, tôi là người theo chủ nghĩa nhân cách, và điều đáng kể đối với tôi, đó không phải là tư thế nhưng là con người, vậy hành động trong cơ thể xã hội.
Ông sẽ nêu lên bảy biện pháp chính yếu ông giải thích trong quyển sách “Ngược Dòng” với Đức Giáo hoàng không?
Các vấn đề này đương nhiên sẽ được nêu lên. Nếu Đức Giáo hoàng muốn thảo luận với chúng tôi về các vấn đề như hôn nhân cho tất cả, vấn đề giai đoạn cuối của cuộc đời, vấn đề môi sinh nhân loại… Các vấn đề này sẽ được nêu lên, cũng như chỗ đứng của hãng xưởng trong thế giới buôn bán hay vấn đề di dân. Nhưng tôi không đến để yêu cầu Đức Phanxicô điều này điều kia hay để ngài khen các dấn thân của tôi. Tôi đến trước hết để nghe lời của ngài để tôi có sức sống và để làm cho tôi được phong phú.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch