Phỏng vấn Hồng y Joseph Zen vào lúc Đức Giáo hoàng muốn giải hòa với Giáo hội chính thức Trung Quốc. Hồng y Joseph Zen là người nổi tiếng chống đối Bắc Kinh.
lavie.fr, Jordan Pouille, 2016-02-26
“Kinh nghiệm của linh mục Dòng Tên Ricci (linh mục Dòng Tên người Ý truyền giáo ở Trung quốc 1551-1610) dạy cho chúng ta biết, chính yếu là phải đối thoại với Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc quy tụ một kho tàng minh triết và lịch sử.” Các lời khen ngợi của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn với Asia Times trên trang mạng ở Hong Kong, hồi đầu tháng 2, bị báo chí Trung Quốc tiếp nhận một cách dè dặt.
Hai ngày trước đó, dù không có thông báo chính thức, nhật báo Ý Corriere della Sera cho biết có một cuộc gặp mật giữa Tòa Thánh và các người trong “ban tôn giáo của bộ Ngoại giao”, qua đó, Đức Giáo hoàng đã thỏa thuận phong ba tân giám mục do Bắc Kinh đề nghị. Các thương thuyết này là để dọn đường cho việc phong tân giám mục ở Trung Quốc, một điểm bất hòa của cả hai bên. Dù Trung Quốc không còn thù nghịch với ảnh hưởng của giáo hoàng trên cộng đoàn công giáo – ngược với trường hợp của Đức Đạt Lai Lạt Ma với phật tử Tibê -, đảng cộng sản Trung Quốc vẫn từ chối mọi sự can dự của Vatican vào nội bộ tôn giáo.
Hiện nay ước chừng có 12 triệu tín hữu công giáo ở Trung Quốc, và từ 60 năm nay, luôn có sự chia rẽ giữa “Công giáo yêu nước” mà hàng giáo sĩ do đảng cộng sản chọn và “Giáo hội chui”, có nghĩa bất hợp pháp đối với Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc không chấp nhận các giám mục do Rôma phong. Các tín hữu đa số ở miền quê, họ phải lén lút đi xem lễ để tránh bị cảnh sát sách nhiễu. Về mặt ngoại giao, Tòa Thánh công nhận Đài Loan mà không công nhận Bắc Kinh. Ở Đài Loan mới có một cuộc triển lãm ở Viện bảo tàng Quốc gia, nơi đây trưng bày 60 vật dụng của Tòa Thánh, từ thánh tích của Thánh Phanxicô Axixi đến cây trượng thánh giá của Đức Gioan-Phaolô II. Một chuyện không thể nào xảy ra ở Bắc Kinh.
Hồng y Joseph Zen, giám mục danh dự của Hong Kong, người nổi tiếng chống đối triệt để chế độ cộng sản Bắc Kinh. Nền dân chủ ở Hong Kong và tự do tôn giáo ở Trung Quốc là hai cuộc tranh đấu chính của hồng y. Khi một giám mục chính thức của Trung Quốc đến Hong Kong, họ bị cấm không được gặp hồng y Zen. Dù vậy, năm 2006, hồng y Zen được chỉ định đứng đầu Hội đồng Phúc âm hóa các dân tộc, mà một trong các sứ vụ là khẳng định đường lối chính trị của Vatican đối với Trung Quốc. Từ đó, ảnh hưởng của ngài gần như không còn. Ngài chỉ còn giảng trong sa mạc…
Cuộc phỏng vấn Hồng y Zen
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Phanxicô đã khen nền văn hóa Trung Quốc và tuyên bố “dân tộc Trung Hoa phải giải hòa với chính lịch sử của mình” và “đối thoại không có nghĩa là đầu hàng”. Hồng y cũng nghĩ như vậy đúng không?
Không. Nếu ở địa vị của ngài, tôi sẽ nói chính quyền phải biết nhìn nhận các sai lầm của mình trong quá khứ, phải ngừng áp đặt ý thức hệ, không được đòi hỏi Giáo hội công giáo phải đầu hàng. Ở Rôma, người ta nói tôi cứng đầu, rằng lúc nào tôi cũng hát một bè riêng. Còn tôi thì tôi thấy họ ngây thơ.
Hồng y có biết gì về nội dung của sự xích lại gần giữa Vatican và Giáo hội chính thức Trung Quốc mà Đức Giáo hoàng mong muốn không?
Tôi không liên lạc thường xuyên với Vatican. Tôi viết cho giáo hoàng nhiều lần nhưng ngài không trả lời cho tôi, dù tôi biết ngài mến tôi. Ngược lại, tôi không có một liên lạc nào với hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin. Tin đồn có sự xích lại gần có thể có thật, nhưng nó không mang lại cho tôi niềm an ủi nào. Đúng hơn chúng tôi phải chiến đấu để có những giải pháp cụ thể cho các vấn đề, chứ không phải với các hành vi khó hiểu này.
Khi chấp nhận các giám mục do Hội đồng Giám mục Trung Quốc đề nghị, Tòa Thánh sẽ biết trên thực tế có ‘Giáo hội yêu nước’ Trung Quốc. Có thể nào Tòa Thánh sẽ có được một cái gì đó để trao đổi, chẳng hạn như không còn nạn bách hại các tín hữu kitô không?
Không có một chủ đích nào có thể biện minh cho một sự “mở ra” đưa Giáo hội đến một tình trạng khác tình trạng mà Chúa Giêsu mong muốn. Trên thực tế, mọi mở ra đối với chính quyền Trung Quốc chỉ làm cho Giáo hội nô lệ chính quyền hơn. Tôi vẫn tin người dân có thể có ý kiến riêng của mình, hoặc giáo hoàng phải có trách nhiệm với quan điểm của ngài, cũng có thể ngài lầm.
Nhưng đối với một tín hữu công giáo Trung Quốc bình thường, và nghi thức phụng vụ lại cũng là một, vậy đâu là tầm quan trọng nếu một giáo xứ theo Rôma hay theo Bắc Kinh?
Có những người không biết gì về các nét đặc biệt Rôma của Giáo hội Công giáo, và đó là điều thiết yếu cần phải biết, nếu không chúng ta không còn là Giáo hội Công giáo! Bây giờ chúng tôi cũng không biết giám mục chui Cosma Shi còn sống hay đã chết (giám mục bị cảnh sát bắt năm 2001 và từ đó không có tin tức gì của ngài). Chúng tôi cũng không biết giám mục Jacob Shu ở đâu. Và chúng tôi cũng không biết trong hoàn cảnh nào linh mục chui Wei Heping đã chết, cha chết hồi đầu tháng 11-2015, cha mới 41 tuổi. Vì cẩn thận, tôi không liên lạc trực tiếp với giám mục Tađêô Mã Đạt Khâm (Thaddeus Ma Daqin), địa phận Thượng Hải, người đã quay lưng với chính quyền kể từ ngày ngài được Giáo hội chính thức phong chức. Tôi cũng không biết ngài có được tự do chút nào không kể từ ngày ngài bị quản thúc tại gia năm 2012.
Phỏng vấn linh mục Jeroom Heyndrickx, người luôn lạc quan
“Tất cả hợp nhất sau Đức Giáo hoàng”, đó là lời linh mục người Bỉ, Jeroom Heyndrickx nhắc, cha đứng đầu một cơ quan có mục đích làm cho Giáo hội xích lại gần với Trung Quốc. Từ năm 1984 đến nay, hàng năm cha đều được Bắc Kinh mời đến Trung Quốc. Ngày 5 tháng 2, trong một lời kêu gọi trên trạng mạng UCA News của cộng đoàn công giáo Hong Kong, cha viết: “Có thể nào Đức Giáo hoàng làm một hành vi của lòng thương xót khi chính thức hóa các giám mục bất hợp pháp không? Không có gì cho biết đó là chính thức, nhưng chúng ta có thể mong chờ điều này trong điều hợp lý là năm nay là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Rất nhiều người ở Trung Quốc hy vọng, và đó là một bước tiến thật!” Theo cha, tình trạng mục vụ hiện nay ở Trung Quốc không đứng vững. Linh mục Heyndrickx kêu gọi nên tiến hành nhanh việc phong chức, một vài địa phận thiếu trầm trọng, dù đã công nhận tám giám mục bất hợp pháp (vì do chính quyền phong), ba trong số đó lại bị Rôma dứt phép thông công.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch