Một cựu tù nhân làm chứng: “Trên đường đi Thánh Giacôbê, tôi đã thấy sự Hiển Linh!”
famillechretienne.fr, Sybille d’Oiron, 2016-02-19
Đây là năm thứ ba, ban tuyên úy nhà tù Saint-Quentin-Fallavier (Isère) tổ chức chuyến đi năm ngày cho một nhóm nhỏ các tù nhân dài hạn. Sau đây là lời chứng của một cựu tù nhân đã tham dự chuyến đi đầu tiên.
“Từ tám năm nay, tôi chưa ra khỏi nhà tù trừ một lần tôi đi luyện tập. Sáng 24 tháng 10-2014, chúng tôi là bốn tù nhân cùng với năm người tháp tùng lên chiếc xe buýt nhỏ. Chúng tôi trực chỉ Le Puy-en-Velay. Đó là ban ngày, nhưng chúng tôi phải mất nửa giờ mới nhận ra mình đang ở đâu. Chúng tôi nhìn nhau như trong một giấc mơ. Chúng tôi đã bàn với nhau trước cả tháng về chuyến đi này. Nhưng từ trong giấc mơ đến sự thật lại là một chuyện khác… Nó làm thay đổi “cái nhìn từ đường hầm” của bốn bức tường. Tôi còn nhớ xe cộ: hồi đó có quá nhiều kiểu mới. Và rồi chúng tôi bị bắt…
Trên Con Đường đi, mọi giác quan đều thức dậy
Trời rất đẹp. Được đi ra ngoài, buồng phổi được hít thở không khí trong lành, mũi được ngữi mùi rơm rạ khô, tai được nghe tiếng chim hót, mắt được nhìn bầu trời trong xanh, cây cối với hoa cỏ đồng dại muôn màu. Rồi vác ba lô trên vai, nghe nằng nặng trên lưng, cảm thấy cần phải cố gắng khi lên dốc: tất cả mọi giác quan đều được thức dậy, ôi sảng khoái biết bao!
Tôi ở hai nhà tù. Nhà tù đầu tiên, người ta nói tôi là “tù nhân gương mẫu”, nhà tù thứ nhì, tôi là tù nhân “không chê vào đâu được.” Theo các tâm lý gia và các quan tòa, có vẻ như tôi “quá thích ứng”, họ trách là tôi không bao giờ xin đi ra ngoài. Nhưng vì họ đã từ chối không cho tôi về dự tang lễ mẹ tôi…
Trước khi vào tù, dù là em bé giúp lễ, tôi cũng đã đánh mất đức tin. Tôi lập gia đình, tôi có con, tôi làm việc rất nhiều, quá nhiều là đàng khác, tôi vào làm việc ở nghiệp đoàn, phần còn lại chẳng có gì đáng nói. Hôn nhân lần đầu không thành công, lần thứ nhì cũng không và từ đó là xuống dốc…
Trong nhóm tù nhân, tôi là người duy nhất đi lễ mỗi chúa nhật hoặc đi dự các buổi họp ngày chúa nhật. Ngay lập tức, tôi thích bầu khí nhân loại thân tình ấm cúng trong các buổi họp này; có người công giáo, tin lành, báp-tít. Và rồi tôi được phát một quyển Thánh Kinh và tôi đọc, tôi cũng có một quyển sách cầu nguyện, các tạp chí đạo, tôi xem các chương trình tôn giáo trên đài RCF, tôi nghe đọc kinh cầu nguyện. Tôi tập yoga. Cũng có người hồi giáo trong nhóm, tôi trao đổi thân tình với họ, chúng tôi tôn trọng lẫn nhau.
Buổi chiều, tôi cám ơn các cuộc trao đổi, cám ơn đã nhận được những gì tốt đẹp…
Chúng tôi đi năm ngày. Tôi nghĩ Chúa Giêsu đã nói: “Ta là Đường!” Đôi khi tôi cảm thấy cái ba lô quá nặng, tôi nghĩ Chúa Giêsu đã mang thánh giá, để đi đến cùng con đường của mình. Và tôi quên cái đau của tôi.
Mỗi buổi chiều, cha tuyên úy làm một bản tổng kết, mỗi người nói cái gì đã đánh động họ nhưng đây không phải là lời cầu nguyện. Trên giường ngủ, tôi cố gắng làm như các sư huynh Dòng Phanxicô Salê dạy tôi khi còn nhỏ: tôi cám ơn cho những gì đẹp, cho các trao đổi, cho sự bình đẳng giữa chúng tôi. Một buổi sáng, khi thức dậy, tôi thấy bên phải tôi là cha tuyên úy đang mặc quần ngắn, cha đang thay áo quần. Tôi quay lưng lại: tướng tá gì cũng ăn mặc giống nhau. Tôi cười trong lòng, đó là khiêm tốn, đó là bình đẳng. Và tôi vui.
Giai đoạn cuối cùng của tôi là ở Conques. Nhóm đề nghị với chúng tôi đọc kinh và xem lễ buổi sáng. 7 giờ sáng, các đan sĩ sắp hàng vào nhà thờ. Trong số họ có các tuyên úy của chúng tôi. Gương mặt của họ tỏa sáng đã làm tôi phải khóc. Tôi nghĩ, tôi đã thấy sự Hiển Linh. Ba tù nhân khác cũng dự thánh lễ, họ ngồi bên cạnh tôi. Và tôi nghĩ, người ta không rao giảng Tin Mừng bằng các bài diễn văn nhưng băng gương sống.”
Tác giả của lời chứng này được trả tự do từ một năm nay. Bây giờ ông đã 75 tuổi và đã về hưu, ông vẫn giữ liên lạc với các cha tuyên úy và Hội Ái Hữu Thánh Giacôbê.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch