Vatican Insider | Andrea Tornielli | 02-01-2015
Đức Gioan Phaolô II gọi ông là ‘giám đốc công du của tôi.’ Đức Bênêđictô XVI, với một chút khôi hài, gọi ông là Reisemarschal, nguyên soái công du trong tiếng Đức.
Ông đã làm phụ tá cho hồng y dòng Tên Roberto Tucci từ năm 1982. Và suốt 10 năm qua, ông chính thức là người đảm trách tổ chức các chuyến công du quốc tế của các giáo hoàng. Con người Roma gốc, với khí chất quý ông Ăng-lê này, chuẩn bị về hưu khi bước qua tuổi 70. Ông rời vị trí điều hành ở Vatican Radio, và cả vị trí ‘điều hành tour’ cho giáo hoàng. Thay thế ông sẽ là linh mục Mauricio Rueda Beltz, đã làm việc trong phân bộ hai của Phủ Quốc vụ khanh, và từng làm việc trong ngoại giao đoàn Vatican ở Hoa Kỳ và Jordan. Ngoại trưởng Vatican, tổng giám mục Paul Richard Gallagher, đã công bố tin này ngay trước lễ Giáng Sinh.
Như thế, chuyến công du của Đức Phanxicô đến Mễ Tây Cơ 12-18/01 năm nay sẽ là chuyến cuối cùng của nguyên soái công du Gasbarri tuyệt vời. Mỗi năm, ông ở nước ngoài ít nhất là nửa năm rồi, để kiểm tra tất cả những chuẩn bị cần thiết cho các chuyến công du của Đức Giáo hoàng, dù là đến nước nào đi nữa. Ông cũng thường giao thiệp công vụ với các chính phủ, cảnh binh, cảnh sát, và cục tình báo trên khắp thế giới.
Ông Alberto Gasbarri là cha của hai người con, là một chuyên gia luật lao động và lấy bằng Kinh tế hồi thập niên 1960, cùng khóa với nhà kinh tế học Federico Caffè. Ông bắt đầu làm việc cho Vatican Radio khi mới 23 tuổi, và về sau là giám đốc điều hành. Năm 1979, ông và hồng y Tucci bắt đầu làm việc phát sóng các chuyến công du của Đức Wojtyla. Rồi giám mục Paul Marcinkus, người điều hành công du của giáo hoàng, bị thất sủng vì dính vào vụ tai tiếng Banco Ambrosiano. Lúc đó, hồng y Quốc vụ khanh Agostino Casaroli, triệu Gasbarri và hồng y Tucci đến, đặt họ ‘tạm thời’ đảm trách các chuyến công du của Đức Gioan Phaolô, một giáo hoàng có lần viếng thăm 8 quốc gia trong chỉ một chuyến công du. Và trong Tòa Thánh, thỉnh thoảng cũng có việc bổ nhiệm như vậy khiến cho con người 37 tuổi lúc đó, vừa tổ chức các công việc của Vatican Radio, vừa kiểm tra từng chi tiết nhỏ cho các chuyến công du giáo hoàng vốn không ngừng thay đổi vào phút chót. Như lần năm 1988, khi chuyến bay của Đức Gioan Phaolô hướng đến Lesotho, nhưng phải hạ cánh ở Johannesburg, Nam Phi, do thời tiết xấu. Như thế nghĩ là ông Gasbarri phải ngay lập tức sắp xếp vận chuyển cho 200 người, vượt 600km qua ngả Marsu. Vài năm trước đó, cũng có chuyện tương tự khi hạ cánh về Ý, chuyến bay của giáo hoàng trở về từ Ấn Độ, nhưng một cơn bão tuyết đã khiến không thể hạ cánh xuống Roma. Sau khi cố gắng hạ cánh xuống Pisa nhưng thất bại,cuối cùng máy bay cũng hạ cánh được xuống Napoli, và nguyên soái công du này phải sắp xếp cho Đức Giáo hoàng và đoàn tùy tùng về Roma bằng tàu hỏa.
Đức Gioan Phaolô II là người thường hay có những thay đổi phút chót, còn dưới thời Đức Bênêđictô XVI mọi thứ theo sát lịch trình từng phút một, và bây giờ, với Đức Phanxicô, mọi thứ lại trở về phong cách thay đổi vào phút chót.
Như lần ông Gasbarri đã giải quyết ở Rio de Janeiro, để bảo đảm Đức Giáo hoàng có thể gặp 5000 đồng hương của mình theo ý ngài mong muốn. Hay khi Đức Giáo hoàng không chấp nhận hủy chuyến đi đến Tacloban cách đây 1 năm, dù cho một cơn bão đang tiến đến. Lần đó, ông Gasbarri liên lạc không ngừng với các phi công quân đội phụ trách máy bay của giáo hoàng, để khởi hành sớm nhất có thể nhằm tránh cơn bão, nhưng cũng muộn nhất có thể như ý Đức Phanxicô muốn để ngài ở cùng với người dân nghèo bị bão tàn phá trên hòn đảo này.
Nguyên soái công du giờ đã gần nghỉ hưu, thường nói với cộng sự thân cận của mình là Paolo Corvini, về một thái độ chung của ba giáo hoàng mà ông từng phục vụ, đó là sự điềm tĩnh, nay cả giữa những thời điểm nguy hiểm nhất hay gay go nhất trong mỗi chuyến công du.
Luôn hoàn hảo trong bộ vest xanh, trên bất kỳ vĩ tuyến nào, bất kể thời gian hay nhiệt độ nào, ông Gasbarri luôn luôn xem hồng y Roberto Tucci là người thầy và cha thiêng liêng, và luôn kề cận cha đến tận cùng. Năm 2001, khi Đức Gioan Phaolô II tấn phong hồng y cho đức cha Tucci, thư ký của giáo hoàng, Hồng y Stanislao Dziwisz đã nói với Gasbarri: ‘Chiếc áo hồng y có bao nhiều nút nào? Nhưng ít nhất, 8 chiếc nút trên áo hồng y Tucci là của anh đó!’ Đây là cách nói nhìn nhận công lao phục vụ vô giá của ông trong việc tổ chức các chuyến công du giáo hoàng. Tháng 4 vừa qua, khi hồng y Tucci qua đời, cánh tay phải của ngài đã xin 8 chiếc nút từ áo chùng của ngài, và giữ trong bàn làm việc của mình, để ghi nhớ mỗi lần nhìn thấy. Với ông Gasbarri, niềm vui phục vụ phát xuất từ một tình cảm tri ân chân thành.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch