07 Tháng Mười Hai 2015
Vài năm về trước, một giám mục đã cáu với tôi về một bài tôi viết. Lúc đó chúng tôi đang ở trong văn phòng của ngài, và giọng điệu có vẻ hơi gay gắt: Ngài hỏi, ‘Làm sao mà cha có thể viết những thứ như thế?’ ‘Bởi nó thật.’ tôi trả lời thẳng. Ngài cũng biết là chuyện đó thật, nhưng bây giờ, tôi nhận ra rằng, điều ngài bận tâm hơn là về nghị trình của mình: ‘Đúng, tôi biết là nó thật, nhưng như thế không có nghĩa là nên nói nó ra theo kiểu đó, nhất là trên các tờ báo Công giáo như của chúng ta. Đây không phải là một lớp ở đại học hay tờ New York Times. Đây là tờ báo của giáo phận và bối cảnh này không hợp lắm để nói những chuyện như thế. Nó sẽ khiến nhiều người đọc hoang mang.’
Tôi không phải là không có tính kiêu ngạo và phản ứng bộc phát của tôi là biện minh. Ngay lập tức, trong tôi có tiếng nói rằng: ‘Tôi chỉ nói những gì có thật. Sự thật cần được nói ra. Tại sao lại sợ nghe sự thật? Chúng ta làm gì tốt cho mọi người khi che chắn họ khỏi những chuyện họ không nên nghe?’
Nhưng tôi mừng là tôi đã nuốt được sự kiêu ngạo, uốn lưỡi, và lầm bầm một lời xin lỗi không mấy thật tâm, rồi bước ra khỏi văn phòng giám mục mà không nói ra những gì tôi đã nghĩ, bởi khi đã nén lại được những cảm giác ban đầu và sau khi suy ngẫm trong điềm đạm và cầu nguyện về cuộc đối thoại này, tôi nhận ra là ngài đã đúng. Mình có sự thật là một chuyện, nói ra sự thật đó ở một nơi và theo một cách hữu ích lại là chuyện khác. Không phải vô cớ mà Chúa Giêsu muốn chúng ta nói lên các chân lý của mình trong các dụ ngôn, bởi theo T.S. Eliot từng nói, sự thật không thể lúc nào cũng được đón lấy toàn bộ, và bối cảnh cùng giọng điệu thường sẽ quyết định liệu nó có đem lại lợi ích khi được nói ra vào một thời điểm và với một người nhất định. Nói đơn giản, không phải lúc nào cũng đem lại ích lợi, không phải lúc nào cũng nhân từ hay trưởng thành, khi chúng ta ném thẳng sự thật vào mặt người khác.
Thánh Phaolô đã nói nhiều về điều này trong thư gởi tín hữu Roma: ‘Chúng ta, những người mạnh, phải cân nhắc về những người nhạy cảm với những chuyện như thế này. Chúng ta không được làm để thỏa lòng mình mà thôi. (Rm 15, 1) Như thể thánh Phaolô đang bảo một người ưu tú hãy hạ bớt một vài quan điểm và hành động minh tuệ của mình vì những người ít minh tuệ hơn. Lời khiển trách này của thánh Phaolô muốn nói đến một phân biệt căn bản có tầm quan trọng thiết yếu trong việc dạy dỗ, rao giảng và mục vụ của chúng ta, cụ thể là phân biệt giữa Giáo lý và Thần học, phân biệt giữa những gì chống đỡ và nuôi dưỡng đức tin với những gì mở rộng đức tin của người đó sao cho mang tính đồng cảm toàn thể hơn.
Giáo lý nghĩa là dạy các giáo lý căn bản, dạy cầu nguyện, dạy tín lý, làm rõ kinh thánh và các giáo huấn của xã hội, và cho mọi người một bộ khung chính thống vững vàng để hiểu đức tin Kitô của mình. Mặt khác, với thần học, những người nghiên cứu thần học thì đã học giáo lý rồi, đã biết về các tín lý và cầu nguyện, cũng như có một nền tảng chính thống vững vàng rồi. Chức năng của thần học, là mở rộng cho người học, hay cho họ các công cụ mang tính biểu tượng để hiểu đức tin của mình sao cho không còn mù mờ, lẩn khuất khiến họ e ngại dò tìm vì sợ lay động đức tin. Giáo lý và Thần học có các chức năng khác nhau, và phải được tôn trọng như nhau, bởi cả hai đều cần thiết. Cây non vừa trồng cần được bảo vệ và nuôi dưỡng nhẹ nhàng, còn cây lớn rồi thì cần được sống và vươn lên giữa những khó khăn.
Do đó, điều mà giám mục muốn nơi tôi, là một sự cẩn thận hơn với các độc giả của mình, phân biệt lớp học thần học và tạp chí hàn lâm với các bối cảnh giáo lý và nhật báo giáo hội.
Đây còn là một đòi buộc đặc biệt về nhân văn và khoan dung, ví dụ như trường hợp của khoa học triết gia Pierre Teilhard de Chardin: Khi đã già, về hưu và sức khỏe suy giảm, ông vẫn thấy mình bị Vatican ‘bịt miệng’ khi cấm ông không được xuất bản các suy tư thần học của mình. Nhưng, thay vì đáp lại bằng giận dữ và kiêu ngạo, ông lại phản ứng bằng khoan dung và nhân văn. Viết cho giám tỉnh dòng Tên, ông thừa nhận: ‘Tôi hoàn toàn nhìn nhận rằng Roma có lý do để quyết định như thế, trong tình trạng hiện nay, khái niệm của tôi về Kitô giáo có thể hấp tấp hay bất toàn, nên việc phổ biến rộng hơn những suy tư của tôi có lẽ là không phù hợp. … Lá thư này là để làm anh an lòng rằng, dù cho có nhiều chuyện mà người ta cho là rõ ràng tôi bất tuân, nhưng lòng tôi kiên quyết là một người con vâng phục. Rõ ràng, tôi không thể bỏ đi cuộc truy tìm của mình, cuộc truy tìm đã đẩy tôi vào trong một thảm họa nội tâm và trong sự bất tín với ơn gọi mà tôi trân quý nhất, nhưng tôi đã thôi không phổ biến các tư tưởng của tôi nữa, và tôi giữ mình không tìm thêm thấu suốt riêng sâu hơn nữa.’
Nhận ra tầm quan trọng của sự nhạy cảm đối với cách nói và thời điểm nơi chốn nói ra, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: ‘Hãy nói bằng dụ ngôn.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch