Đào tạo các giáo chủ hồi giáo

462

choisir.ch, 2015-11,27

Đức Phanxicô và giáo chủ hồi giáo Nehedi Tidjani ở Nguyện đường Hồi giáo Koudoukou, Bangui sáng thứ hai 30-11-2015
Đức Phanxicô và giáo chủ hồi giáo Nehedi Tidjani ở Nguyện đường Hồi giáo Koudoukou, Bangui sáng thứ hai 30-11-2015

Phong trào khủng bố gia tăng cực mạnh ở Âu Châu đã làm cho  chính quyền các nước và các nhà chức trách của cộng đồng hồi giáo đặt câu hỏi. Từ nhiều năm nay, đã có nỗ lực cơ cấu hóa việc đào tạo các giáo chủ hồi giáo, trong một vài nước, công việc này đã được cụ thể hóa và đã được đưa vào khuôn khổ cho các chiều hướng thần học và ý thức hệ của các người đi rao giảng.

Ở nước Bỉ, Bộ trưởng Công Pháp Koen Geens, và Chủ tịch Hội đồng hồi giáo Bỉ, Noureddine Smạli, đã đồng ý cần phải có một sự hợp nhất trong việc đào tạo các giáo chủ hồi giáo. Việc đào tạo các người đi giảng sẽ được dạy trong các đại học và các trường cao đẳng với nội dung là thần học nhưng cũng học cả khoa học xã hội với một chương trình do chính phủ liên bang hay chính phủ các địa phương quyết định. “Chúng tôi phải phát triển trong đường hướng của một hồi giáo Âu Châu”, bộ trưởng Koen Geens tuyên bố. Còn về phần  chủ tịch Noureddine Smạli, giáo chủ hồi giáo ở Liège, ông nhấn mạnh “cộng đồng hồi giáo sẽ tốt nếu tất cả các giáo chủ của mình được đào tạo quy củ ở nước Bỉ”.

Ở Pháp, Bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve cũng đã tiếp các thành viên của Hội đồng thờ phụng hồi giáo, qua cuộc gặp gỡ này, hội đồng tuyên bố sắp tới đây sẽ cung cấp chứng chỉ cho các giáo chủ hồi giáo nào đã qua kỳ thử nghiệm về sự hiểu biết về thần học cũng như về các giá trị của nền Cộng hòa Pháp. Theo ông Anouar Kbibech, chủ tịch Hội đồng thờ phụng hồi giáo, sáng kiến trên nhằm cổ động cho một “đạo hồi có tinh thần dung thứ và cởi mở”. Về phần mình, ông Bộ trưởng Nội Vụ nhấn mạnh “quyết tâm của chính quyền là làm mọi việc để cho những người rao giảng hận thù phải bị gạt ra ngoài, không để họ làm hại quốc gia”.

Ở Thụy Sĩ, một Trung tâm hồi giáo và xã hội Thụy Sĩ được thành lập ở Đại học Fribourg. Trong tháng 10 vừa qua, trang mạng Công giáo Thụy Sĩ đã phỏng vấn linh mục Dòng Tên người Ai cập, cha Samir Khalil Samir, trong dịp cha đến Zurich dự buổi họp của “Giúp Giáo hội Đang Khó khăn”. Cha là chuyên gia về hồi giáo, cha tuyên bố: “Phải suy nghĩ lại về hồi giáo theo xã hội ở đây. Điều này sẽ cần đến hàng chục năm, nhưng chúng ta không thể thất bại. Gần đây, nước Áo yêu cầu tất cả các giáo chủ hồi giáo phải giảng bằng tiếng Đức, chứ không được giảng bằng tiếng Ả Rập hay Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo chủ hồi giáo phải theo các khóa học, phải hiểu biết xã hội nơi mình sống, cũng như các nguyên tắc của nó, như sự bình đẳng giữa đàn ông đàn bà. Nếu họ không chấp nhận nền dân chủ hiện hành trong xã hội này thì họ phải ra đi! Điều cần thiết đối với người hồi giáo, nếu họ muốn sống trong xã hội Phương Tây, họ phải tôn trọng luật pháp.” Ngoài ra, đối với giáo sư hồi giáo học, người hồi giáo tuyệt đối phải học cách chú giải các bản văn nền tảng của họ nếu họ muốn chống lại công cụ hóa hồi giáo của những người cực đoan.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch