Cô mang điều tuyệt vời đến những nơi đau khổ
www.parismatch.com, Vanessa Boy-Landry, 2015-11-12
Qua Tổ chức Tiếng Vang (Fondation Résonnance) một tổ chức do nữ dương cầm gia Elizabeth Sombart sáng lập, cô mang tiếng đàn đến các trường học và niềm đam mê âm nhạc của mình đến với nhiều người nhất có thể.
Elizabeth Sombart là nữ dương cầm gia ngoại hạng. Cô vừa trình diễn ở những phòng hòa nhạc uy thế nhất thế giới, cô vừa đàn ở các nhà tù, các nhà hưu dưỡng, các nhà dành cho người khuyết tật, các trại tị nạn ở Palestina của tín hữu Kitô Trung Đông… Điệp khúc của cô luôn luôn là: Chia sẻ âm nhạc cho nhiều người nhất có thể, đến những người kém may mắn nhất.
Paris Match. Bắt đầu từ đâu cô có ước mong chia sẻ âm nhạc với nhiều người nhất có thể, nhất là với những người kém may mắn nhất?
Elizabeth Sombart. Tôi thường hay nói, đây không phải là một tính tốt, nhưng đây là ơn. Tôi đã làm như thế từ khi tôi còn nhỏ. Tôi nhớ tôi còn đi ra đường để cố gắng giải thích cho người đi đường là nhịp ba giai thứ thì buồn, nhịp ba giai trưởng thì vui. Đó là điểm khởi đầu của tôi! Hồi còn nhỏ tôi đã thích chia sẻ những gì làm tôi kinh ngạc với tất cả mọi người.
Cô định nghĩa điều kinh ngạc như thế nào?
Đó là khả năng của một con người, trong một lúc nào đó, nối được những điều đã có trong lòng mình với một điều gì đó vượt cao hơn mình. Đó là kinh nghiệm tôi thường có với những người đang đau khổ. Trong một lúc nào đó, những người này nối với những gì họ có tốt nhất trong lòng họ. Đôi khi tôi còn nói với họ, không phải họ vỗ tay vì tôi đàn hay, nhưng họ vỗ tay cho người, ở trong lòng họ, đã làm họ kinh ngạc. Theo tôi, đó là khôi phục lại cảm nhận mình thuộc về, mình nối kết.
“Các tù nhân nói với tôi: ‘Chúng tôi thoát ngục được một giờ nhờ âm nhạc của cô’”
Qua Tổ chức Tiếng Vang của cô, cô đã mang âm nhạc cổ điển đến nơi chưa từng có. Điều này quan trọng như thế nào đối với ngày hôm nay?
Sau khi nghe một bản côngxectô của Chopin, thính giả cảm thấy khác sau khi nghe một buổi trình diễn nhạc rock, và tôi nghĩ đó là điều quan trọng để mang lại cho họ điều tuyệt vời này. Một trong những điều sai lầm nhất trong dư luận là cho âm nhạc cổ điển dành cho người giàu và người có học. Khi tôi đàn trong nhà tù, trong nhà hưu dưỡng hay cho những người chưa bao giờ nghe nhạc cổ điển, tôi thấy không ai dửng dưng với bản Ave Maria của Schubert hay các Khúc nhạc đêm (Nocturne) của nhạc sĩ Ba Lan Chopin. Khi các tù nhân nói với tôi “Chúng tôi thoát ngục được một giờ nhờ âm nhạc của cô”, họ đã thoát được khi khám phá một chiều kích khác của chính họ. Về căn bản, công việc của Tổ chức Tiếng Vang là tái định nghĩa lại sứ vụ của người nghệ sĩ, đem âm nhạc này đến những nơi của tình tương trợ. Trong thực tế, đâu là sự nghiệp của những nghệ sĩ, sau khi học ở trường âm nhạc, sau khi làm việc hàng ngàn giờ trong cô đơn?
“Trong một trại tị nạn ở Palestina, tất cả mọi người đều đứng dậy và nhịp tay theo bản nhạc ‘Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, Marche Turque’ của Mozart”
Cô có một kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong các kỷ niệm của cô?
Tôi có rất nhiều kỷ niệm! Nhưng có hai kỷ niệm đến trong đầu tôi lúc này. Đó là ngày tôi trình diễn ở một trại tị nạn Palestina ở Beyrouth. Người dân chưa bao giờ thấy cây đàn dương cầm và ở đó có rất nhiều trẻ con. Khi tôi đàn bản Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều đứng dậy và nhịp tay theo điệu nhạc. Họ rất vui, giống như họ đang đi diễn hành. Và tôi rất xúc động. Một lần khác, trong một trung tâm săn sóc cho những người ở giai đoạn cuối của cuộc đời, nơi tôi vẫn đến trình diễn thường xuyên. Các giường bệnh được xếp trong nhà nguyện nơi tôi sẽ trình diễn. Khi tôi đến thì đã có một bà nằm trên giường. Tôi nghe tiếng “bip” của máy đang móc ở giường bà. Tôi nghĩ tôi phải đến trước để đánh đàn theo nhịp của tiếng bip này. Khi tôi chấm dứt buổi trình diễn bằng bài Ru con (Berceuse) của Chopin, ở nhịp cuối của bài, tiếng bip này ngưng. Tôi nhìn về phía bà. Gương mặt của bà rực rỡ, một giọt nước mắt đang lăn. Bà đã chết. Cách đây ba tuần, bà đã nói với cô y tá khi bà chẳng còn nói được, rằng bà không muốn hụt buổi trình diễn này.
Tổ chức của cô gồm các nhạc sĩ do cô đào tạo, cô đã giúp họ trình diễn trong những buổi trình diễn tương trợ
Đường lối mô phạm này dạy rằng, mình không thể giữ âm nhạc cho riêng mình. Chúng tôi đã thành lập một chu trình qua bảy nước nơi có Tổ chức của chúng tôi. Tôi không phải là người duy nhất trình diễn, còn có tất cả các giáo sư và các sinh viên lớp cao cấp trình diễn. Điều tôi biết, là người nhạc sĩ nào được mời trình diễn, sau khi họ đã trình diễn lần đầu tiên, họ sẽ không phải là người như khi họ chưa trình diễn.
Marta An Nguyễn chuyển dịch