fr.aleteia.org, Alvaro Real, 2015-11-12
Mùi “xú uế của quỷ” đã bay ra trong thâm cung Vatican…
Nạn chuyên chế của việc thờ tiền bạc.
Đó là điệp khúc Đức Phanxicô luôn nhấn mạnh mỗi khi có dịp, ngài không ngần ngại xem tiền bạc là “phân của quỷ”.
Đức Phanxicô luôn có gương mặt của lòng thương xót nhưng ngay khi ngài nói về tiền bạc thì gương mặt của ngài thay đổi: nét mặt, ngôn ngữ của ngài thành cứng rắn. Ngài biết tất cả hệ lụy của việc tôn thờ tiền bạc, đó là nạn tham nhũng của con người.
Người ta không thể vừa thờ Chúa vừa thờ tiền
Ngày 20 tháng 9-2013, trong bài giảng của mình ở Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô đã nói việc thờ tiền bạc làm nảy sinh ra tính huênh hoang và kiêu ngạo: “Tiền bạc làm tê cứng tư tưởng, đức tin và dẫn con người đi theo một con đường khác, con đường của những câu chuyện nhàn cư, vô ích… nó tạo lên các ham muốn, các tranh chấp, ngồi lê đôi mách, các xung đột, tâm hồn của người tham nhũng không tôn trọng sự thật, họ xem tôn giáo như một nguồn lợi. Tiền bạc làm tham nhũng, không có một lối thoát nào!”, ngài tuyên bố.
Tiền bạc cướp mất tâm hồn
Ngày 20 tháng 6-2014, cũng ở Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô khẳng định: “Anh chị em đừng tích trữ của cải trần gian cho chính mình. Giàu có mang đến cho mình những chuyện tốt đẹp như nuôi nấng gia đình nhưng nếu anh chị em tích trữ như một tài sản thì nó sẽ lấy mất tâm hồn mình! Chúa Giêsu trong Phúc Âm đã bàn đến chủ đề của cải và các hiểm nguy của nó”.
Vì thờ tiền bạc mà người ta có thể bán cả mẹ ruột mình
Ngày 31 tháng 1- 2015, trong buổi nói chuyện với các nông dân độc lập Ý, Đức Phanxicô đã nói về hệ thống kinh tế. Về thành ngữ theo đó vì tiền bạc mà có một số người có thể bán cả mẹ ruột mình, Đức Phanxicô giải thích: “Ở đây, bán mẹ của chúng ta là bán đất. Sự chuyên chế của luật thị trường và văn hóa phung phí làm cho nạn nghèo khó và sự đau khổ của nhiều gia đình càng bị nặng hơn”.
Người ta còn nhớ lời ngài nói với các người trẻ ở Cagliari: “Chúng ta hãy cùng nhau chiến đấu để chống nạn thờ tiền, chống một hệ thống không có luân lý, một hệ thống bất công, trong hệ thống này tiền bạc là vua”.
Nhưng trong tất cả lời chống đối tiền bạc của ngài, câu khôi hài nhất, mang tính thời sự nhất chắc chắn là câu ngài tuyên bố ở Nhà thờ Chính tòa Havana, thủ đô Cuba.
“Khi một cộng đoàn dòng tu tích trữ quá nhiều tiền bạc, thì Chúa, trong lòng tốt vô biên của Ngài sẽ gởi đến một người quản lý dỡ tệ để dẫn cộng đoàn đó đến chỗ phá sản”, ngài tuyên bố, ngụ ý “tinh thần thế gian” đã can thiệp vào các giáo xứ, các dòng tu.
Trong những ngày xảy ra vụ Vatileaks này, khi có thêm các mánh lới khác nhằm làm rung động giáo triều Vatican thì chúng ta phải đi vào trọng tâm của vấn đề. Ngay khi vừa nhận chức, Đức Phanxicô đã làm rõ chương trình của mình: “Tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Một cách ngài nói lớn và mạnh với kẻ thù của mình: tiền bạc. Vì thế ngài quyết tâm kiểm soát các tài khoản của Vatican và ngài đòi hỏi mọi việc làm phải minh bạch và từ đó những vấn đề lớn bắt đầu được ghi nhận.
Ngài phải đối diện với một kẻ thù cực mạnh, kẻ thù trở thành một vị thần mới, vị thần của thời đại mới, vị thần của tư bản chủ nghĩa. Đức Phanxicô có một kẻ thù lớn và kẻ thù này giấu mình trong chính căn nhà của ngài, đó là Vatican. Kẻ thù này là thần tiền bạc.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch