Đức Phanxicô, “hiệp sĩ áo trắng” của báo chí

355

cath.ch, Raphặl Zbinden, 2015-11-05

hiệp sỹ áo trắng

Quạ đen, rắn độc, chuột chũi, bao nhiêu là danh từ xấu xa xuất hiện trên báo chí trong vụ phanh phui các chuyện “bê bối” ở Vatican. Đối với báo chí, Đức Phanxicô là hình ảnh “hiệp sĩ áo trắng”, người cố gắng đấu tranh chống các nọc độc này.

Báo tiếng Pháp cũng không nương tay khi mô tả các sự kiện gần đây ở Vatican, nhất là trong lãnh vực tài chánh. Các tựa đề cho thấy một bầu khí trả thù. Báo “Bổn phận (Le Devoir)” của bang Québec, Canada với tựa “Các tội lỗi trên lãnh vực tài chánh của Tòa Thánh”, báo “Thế giới (Le Monde)” của Pháp thì có tựa “Chiến tranh bí mật ở Vatican.” Các từ “sai lầm”, “bê bối” hay “mafia” thường xuất hiện khi nói đến các “phanh phui” của hai ký giả Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi trong hai quyển sách vừa được xuất bản của họ. Báo chí nói chung gần như không nghi ngờ gì về các thông tin trong hai quyển sách này. Đa số mặc nhiên cho Vatican là nạn nhân của sự bất lực hoàn toàn về mặt tài chánh, thậm chí cả về mặt đạo đức. Báo Thế giới khẳng định, “các tài liệu mô tả một nước bị buông trôi, do những người nghiệp dư quản lý, có thể nói do những kẻ xảo trá “quản lý”. Báo “Giải phóng (Libération)” thì nói, “ngoài các vụ thâm lạm công quỹ còn thêm việc thiếu khả năng trầm trọng”. Báo “Trọng Điểm (Le Point)” của Pháp nói đến sự “lãng phí do thiếu khả năng, những vụ mua bán dựng đứng của những kẻ lừa đảo qua các vụ tranh dành nhau giữa các phe phái khác nhau”.

Hình ảnh không tốt này thường được gán cho sự “canh gác già nua” của các giám chức, họ “lợi dụng ở các căn hộ sang trọng với giá thuê rẻ mạt hoặc không trả tiền”, báo “Giải phóng” đưa tin. Còn báo “Thế giới” thì cho biết, “hai phe công khai chạm trán: một bên là những người quản lý khắc khổ và thanh đạm nhóm lại chung quanh Đức Phanxicô, bên kia là những người ăn tiêu hoang phí, những người quen xa hoa võng lọng vương quyền”.

“Hiệp sĩ” Phanxicô chống cối xay gió

Rất nhiều báo chí đưa ra hình ảnh một giáo hoàng “hiệp sĩ áo trắng”, người có bản chất trung thực và mong muốn chấm dứt sự “quản lý gian dối, lối quản lý thông thường ở Vatican”, báo “Thế giới” khẳng định. Tờ báo viết tiếp, “Đức Giáo hoàng, người muốn mang Giáo hội đến gần với những người nghèo nhất phải đối diện với bè phái lộng quyền mặc áo chùng, những người chỉ muốn giữ các lợi ích mình đã có”. Ít cương quyết hơn, báo “Thập giá (La Croix)” cho rằng “giáo hoàng đến từ cuối chân trời đã mang một làn gió mới vào hệ thống rất xưa cũ này. (…) Và đã đi được nửa đường (cải cách giáo triều), một vài người có vẻ như muốn chận tiến trình này, thậm chí còn muốn làm cho nó thất bại”. Ngay cả các báo được cho là ở “cánh tả” và còn tỏ ra chống Giáo hội, họ cũng phân biệt giữa một giáo hoàng muốn “thanh lọc nội bộ” và nhóm hồng y ngang ngạnh. Báo “Giải phóng” nhắc lại, vì thế “để làm gương, chắc chắn Đức Phanxicô đã chọn sống ở một căn hộ khiêm tốn 50 mét vuông.”

Tóm lại báo chí tỏ ra bi quan về khả năng Đức Phanxicô có thể cải tổ đám “quân mất trật tự” này, theo từ ngữ báo “Thế giới” dùng để mô tả guồng máy quản trị của Tòa Thánh. Nhật báo Pháp này khẳng định Giáo hoàng Argentina “biết tính kiêu ngạo và tật xấu của từng con chiên của mình. Có thể nào ngài chỉ hoán cải một chuyện, đó là làm sao để họ sống đơn giản hơn không? Không có gì là chắc chắn.” Báo “Giải phóng” nhắc lại Đức Phanxicô muốn một “Giáo hội nghèo cho người nghèo”. “Rõ ràng có một con đường dài từ giấc mơ đến thực tế”, tờ báo kết luận.

Nguyễn Trung Tín chuyển dịch