Aris Messinis: Nhiếp ảnh gia-ký giả giữa những người tị nạn

394

parismatch.co, Marion Mertens, 2015-11-03

Một tay cầm máy chụp hình, một tay bồng em bé, Aris Messinis làm hai nhiệm vụ: thông tin và giúp đỡ. Hình: © Petros Tsakmakis
Một tay cầm máy chụp hình, một tay bồng em bé, Aris Messinis làm hai nhiệm vụ: thông tin và giúp đỡ. Hình: © Petros Tsakmakis

Quen thuộc ở chiến trường, Aris Messinis là nhiếp ảnh gia của hãng thông tấn Pháp AFP ở trụ sở Athene, Hy lạp. Mỗi ngày ông thu thập tài liệu về các chuyến cập bến của người tị nạn, họ vượt bờ biển phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ để đến các hòn đảo ở Hy lạp.

Theo Cao ủy Liên hiệp quốc người Tị nạn thì từ đầu năm 2015 có 580.125 đến Hy lạp trong tổng số 723.221 đến từ Địa Trung Hải. Theo báo cáo mới của lực lượng tuần duyên, ngày 1 tháng 11, có ít nhất 15 người di dân, trong số này có 6 trẻ em, bị chết trong hai vụ đắm tàu ở các đảo Samos và Farmakonissi của Hy lạp. Ngày 26 tháng 10 có hàng chục người chết ở vùng biển Egée, vùng biển ngăn cách Thổ Nhĩ Kỳ và Hy lạp. Hơn một nửa số người chết là trẻ em. Một thảm cảnh mà nhiếp ảnh gia Aris Messinis rất đau lòng nên ông quyết định nêu lên để nói cho mọi người biết.

Ngày 2 tháng 11, tàu chở người tị nạn quá tải cập bến ở đảo Lesbos.© Aris Messinis / AFP

Ông đưa tin về cơn khủng hoảng người tị nạn từ bao giờ?

Aris Messinis. Cũng đã mười năm tôi làm công việc này. Nhưng tôi làm nhiều hơn kể từ mùa xuân này khi tình trạng ngày càng nặng hơn.

Công việc của ông đã thay đổi trong sáu tháng vừa qua?

Không, lịch sử đã thay đổi chứ không phải cách tôi chụp hình thay đổi.

Bây giờ có nhiều tàu đến từ miền biển Hy lạp hơn không?

Vấn đề không phải là để biết có nhiều hay ít tàu hơn, vì làn sóng người đến vẫn tiếp tục. Vấn đề chính là thời tiết ngày càng xấu.

Các hình ảnh ông chụp người tị nạn lành mạnh cập bến có sức tác động mạnh, ông có thì giờ để nói chuyện với họ không, ông có biết câu chuyện của họ hay theo dõi họ sau khi họ cập bến không?

Khi một chiếc tàu đến thì rất căng thẳng, mọi sự thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Bạn có ba khả năng có thể làm lúc đó: chụp hình, cứu và giúp người tị nạn vượt lên cơn sốc của chuyến đi. Trong vài giây đồng hồ này, bạn vừa là một người lo lắng cho đồng loại, vừa là thiện nguyện viên vừa là người chụp hình. Và rồi sau đó vài phút, bạn chạy theo một chuyến tàu khác vừa mới đến.

Có khi nào ông phải bỏ máy hình để giúp đỡ không? Chẳng hạn cho người mới đến thức ăn áo mặc?

Đây là chuyện không cần phải nghĩ. Tôi không thể là một con người xứng đáng với danh xưng là người mà không giúp đỡ. Đặc biệt trong những ngày gần đây, tôi giúp đỡ nhiều hơn là chụp hình. Tôi mong lúc nào mình cũng có sẵn thức ăn và áo quần để cho.

Ông cảm thấy khó khăn khi chụp hình ở đâu?

Khi tôi làm phóng sự chiến tranh ở Syria. Tôi chứng kiến cái chết của các trẻ em và các bé sơ sinh. Tình trạng ở đây thật gay về mặt xúc cảm, nếu không muốn nói là quá khổ. Nhìn các trẻ em và các em bé sơ sinh chết khi mới đến, những xác người bị chết đuối ngay trên bờ biển nước tôi, một nước thuộc Liên hiệp Âu Châu, sau khi họ trốn chiến tranh thì đối với tôi không dễ gì dằn xuống cảm xúc được.

Giải cứu người tị nạn Lybia, Aris Messinis/AFP

Tôi không thể là một con người xứng đáng với danh xưng là người mà lại không giúp đỡ

Ông có nghĩ các tấm hình của ông sẽ góp phần để người ta đừng quên những gì đang xảy ra hàng ngày không?

Có, và chính vì vậy mà tôi ở đây và chụp các sự kiện này mỗi ngày, tôi ở xa ba đứa con tôi, chúng ở nhà.

Ông có theo dõi một gia đình nào sau khi họ đến bờ biển Hy lạp không?

Có. Tôi có theo dõi một gia đình trẻ người Irak, hai vợ chồng và em bé bốn tháng, từ miền Bắc Hy lạp cho đến Munich, Đức. Việc này giúp cho tôi có một cái nhìn bao quát về sự việc.

Chính quyền địa phương ở các vùng biển phản ứng như thế nào trước làn sóng người tị nạn đến?

Họ cố gắng giúp đỡ trong khả năng của họ. Trong những trường hợp cực kỳ nguy hiểm, các ngư dân thường đến cứu giúp người tị nạn. Họ xứng đáng được sự kính trọng lớn nhất.

Trong cuộc đời hành nghề của ông, ông đã từng gặp những hoàn cảnh khó khăn, ông xem hoàn cảnh này như thế nào?

Nếu khó khăn có nghĩa là nguy hiểm thì chuyện này không khó khăn gì cả. Điều quá khó là chụp hình chiếc tàu đang chìm với người lớn, trẻ em chết đuối trước mắt bạn.

Trên đảo Lesbos ngày 2 tháng 11: một người tuần duyên Tây Ban Nha đem một em bé tị nạn vào bờ. © Aris Messinis / AFP

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch