aleteia.org, 2015-10-25
Khi các loại câu sẵn sàng để dùng biến thành những câu «bùa chú».
Đó là những câu trích ra từ báo chí, phim ảnh, sách vở, những câu tuyên bố của những người nổi tiếng, của các nhà khoa học được giải Nobel, những câu được lặp lui lặp tới hoài để cuối cùng những câu này biến thành một loại bùa chú.
Trên thực tế, một vài câu này chỉ nói lên một nửa sự thật hoặc là một câu nói dối. Những câu khác thì hoàn toàn nói dối hoặc là những câu lôi cuốn hấp dẫn nhưng không nghiêm túc. Thường thường các loại câu này chận đứng mọi suy nghĩ vì chúng được đón nhận như một sự thật tuyệt đối, trong khi thực tế thì phức tạp hơn nhiều.
«Các cuộc chiến tranh chẳng dẫn đi đến đâu.» Thật không? Đôi khi chiến tranh cũng hủy được một chế độ độc tài? Hay, ngược lại, chiến tranh còn làm cho cả triệu người đau khổ, kể cả các người thắng cuộc, đúng không?
Vấn đề của các cuộc chiến tranh là chúng dẫn đến rất nhiều chuyện…
«Sự thay đổi khí hậu làm thiệt hại nặng nề cho hành tinh.» Nhưng chúng ta nghĩ như thế nào về ‘thiệt hại nặng nề’? Trong suốt quá trình lịch sử, đã có những sự thay đổi khí hậu làm giảm hay tăng khí hậu chưa? Tại sao có một vài người muốn bằng mọi giá giữ nguyên tình trạng hiện nay? Chúng ta có thể nào hình dung một kịch bản mới về khí hậu với các khả năng và cải thiện cho nhiều người mà không làm hại cho người khác không?
«Một lời nói dối lặp lui lặp tới cả 1000 lần thì nó sẽ biến thành lời nói thật.» Không nhắc lại tác giả và bối cảnh câu này được nói ra, làm sao một câu nói dối lại thành câu nói thật chỉ vì nó được lặp lại nhiều lần? Một câu nói dối vẫn là một câu nói dối, dù nó được cả triệu người lặp lại.
«Phá thai là tiến bộ.» Nếu chúng ta đồng ý ‘tiến bộ’ có nghĩa là cải thiện đời sống con người thì phá thai sẽ không bao giờ là chuyện tiến bộ, vì mỗi vụ phá thai là một vụ tạo ra bất công nặng nề nhất: loại bỏ cuộc sống của một đứa con ngay trong lòng mẹ. Phá thai là minh họa nổi bật nhất của ‘phản tiến bộ’.
«Cơ thể của tôi là của tôi, tôi muốn làm gì nó thì làm.» Chúng ta ai cũng biết, cơ thể đi theo một số quy luật sinh lý và thể lý không tùy thuộc chúng ta. Sự tuyên truyền trong môi trường chung quanh tạo nên các ám ảnh để người đàn ông cũng như đàn bà trở thành nô lệ khi khuyến khích họ có những cố gắng phi lý, thậm chí nguy hiểm cho cơ thể họ để làm ‘người mẫu’ không một chút lành mạnh nào.
«Chủ thuyết tương đối là nền tảng cần thiết cho nền dân chủ.» Nếu bằng chủ nghĩa tương đối mà người ta nghĩ rằng tất cả mọi quan điểm đều ngang nhau thì không một nền dân chủ nào tồn tại được, khi áp dụng quan điểm bạo lực, kỳ thị, bất bao dung… không một thể chế chính trị nào có thể tiến xa khi chấp nhận tất cả mọi quan điểm (tất cả) đều có thể bảo vệ trong đời sống quần chúng.
Các công thức làm hại cho sự suy nghĩ rất nhiều và nó can thiệp vào đầu óc của hàng triệu người ở những nơi rất khác nhau, dù đó là từ quá khứ mà chúng ta tùy thuộc vào hay trong hiện tại chúng ta đang sống. Vượt ra ngoài những câu này, hôm qua cũng như hôm nay, đã có và đang có những người đàn ông, đàn bà nghiêm túc, thiết tha suy nghĩ và phê phán một cách xây dựng.
Những người này có nội lực đủ để bẻ gãy xiềng xích của những người nắm giữ loại «suy nghĩ độc tôn» và các câu khẩu hiệu dễ dãi. Họ không sợ khi cống hiến những gì tốt nhất trong tinh thần và trong quả tim của mình để tìm hiểu sự việc, để giải thích một cách trung thực, rõ ràng và cởi mở, ý thức được giới hạn của đầu óc con người và sự phức tạp của thế giới mà chúng ta đang sống.
Marta An Nguyễn chuyển dịch