Chuyện bên lề của một chiến lược truyền thông có thể gặp bất trắc

266

atlantico.fr, 2015-10-16

Chuyện bên lề của một chiến lược truyền thông có thể gặp bất trắc

Sức nặng của chữ

Chuyện Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn báo Paris Match ngày 9 tháng 10 vừa qua đã làm cho làng báo Pháp tốn nhiều giấy mực. Trang mạng Atlantico có bài phỏng vấn sử gia Jean-Baptiste Noé chuyên về Thiên Chúa giáo về cuộc phỏng vấn này.

Trong bài phỏng vấn này, Đức Phanxicô đã trả lời cho nữ ký giả Caroline Pigozzi của báo Paris Match nhiều câu hỏi về các vấn đề như tiền bạc, khí hậu, tín hữu Trung Đông. Trong bối cảnh có đụng chạm với một vài giám mục Pháp, việc chọn báo Paris Match để trả lời phỏng vấn không phải là một lựa chọn có tính tình cờ.

Atlantico: Có yếu tố nào mới trong bài nói chuyện không? Có một tiến triển nào đáng kể không?

Jean-Baptiste Noé: Đức Giáo hoàng nói lại những điều ngài đã nói trong những lần nói chuyện với báo giới gần đây. Chúng ta ghi nhận có sự nhất quán trong những gì ngài nói với đời sống thiêng liêng của ngài. Ngài nêu lên những giây phút cầu nguyện của mình, quan hệ của mình với Chúa. Ngài cũng nói đến ông bà Marin, thân sinh của Thánh Têrêxa sẽ được phong thánh vào ngày chúa nhật 18 tháng 10 sắp tới. Ngài có những lời rất đẹp về họ: «Họ là một cặp rao giảng Phúc Âm qua đời sống của mình, họ làm chứng cho nét đẹp của lòng tin vào Chúa Giêsu.» Đức Giáo hoàng giới thiệu họ như gương mẫu của đời sống vợ chồng.

Tại sao Đức Phanxicô lựa một báo Pháp để diễn tả ý của mình? Điều này có thể giải thích vì có sự căng thẳng giữa một vài giám mục Pháp với Đức Giáo hoàng không? Như thế ngài có tìm cách để có lại hình ảnh tốt về mình không?

Cuộc phỏng vấn do nữ ký giả Caroline Pigozzi thực hiện, người rất được lòng Vatican, bà đã có những cuộc phỏng vấn với các Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI trước đây. Vì Đã có một sự tin tưởng giữa Vatican và bà, nên mới có cuộc phỏng vấn này. Đức Giáo hoàng chưa bao giờ nói chuyện thẳng với nước Pháp. Đây cũng là một cách lấp cho sự thiếu sót này trong khi chờ đợi một chuyến đi thăm nước Pháp có thể có sau này.

Theo ông, vì sao ngài lại chọn một tờ báo không phải là tờ báo đặc biệt của người Công giáo, một tờ báo có số lượng đôc giả rất lớn và đa số là người không có đạo đọc?

Ngài luôn có ý muốn đi đến các vùng ngoại vi. Tờ báo đại chúng này có thể trình bày con người thật của ngài chứ không phải con người bị giới truyền thông bóp méo. Cũng không phải ngài chọn bất cứ tờ báo nào: Paris Match có một lịch sử rất lâu dài và được cho là tờ báo nghiêm túc và có chất lượng.

Ngài chọn nữ ký giả mà không bàn trước với Vatican. Ngài tiếp theo tư cách cá nhân. Ngài có đi ngược với thể chế không?

Đàng sau khía cạnh tự phát là cả một công việc được sắp xếp. Cuộc phỏng vấn sẽ không được thực hiện nếu không có sự đồng ý của văn phòng báo chí hoặc các cố vấn truyền thông Vatican.

Khi dùng chiến thuật truyền thông này, có thể nào có bất trắc ngài rơi vào vòng xoắn ốc khi ngài để các chọn lựa của mình một chỗ quan trọng cho dư luận và như thế có thể làm xa giáo điều không?

Nhãn quan của ngài là trình bày giáo điều thật cho dư luận, một dư luận có cái nhìn bị báo chí bóp méo. Trong bài phỏng vấn, ngài nói không ngừng về Chúa. Người ta thấy đó là cái gì trọng tâm đối với ngài. Dù ngài nói một cách ngẫu nhiên nhưng tất cả đều có cơ sở và không có gì đi xa chính thống.

Một cách chung chung, đâu là các giới hạn có thể có khi dùng chiến thuật này?

Để chuyển đạt, lời phải hiếm. Phải tìm liều lượng đúng giữa cái mới trong ngành báo và tác động thật sự trên dư luận. Nếu các cuộc phỏng vấn kiểu này càng ngày càng nhiều thì lời của Giáo hoàng sẽ mất đi một ít nét đặc biệt của nó.

Ngược lại, thì có thể có lợi cho Giáo hội?

Nó có thể đưa Giáo hội vào các gia đình và cho thấy gương mặt đúng của Đức Giáo hoàng: đó là một người tha thiết yêu Chúa và muốn chia sẻ tình yêu này của mình cho mọi người.

Marta An Nguyễn chuyển dịch