Những lời ứng khẩu lay chuyển người nghe của Đức Phanxicô

1294

Forbes – Carmine Gallo – 27/9/2015

‘Òa, tuyệt quá.’ Đây là những từ đầu tiên đến trong đầu của ký giả Chris Cuomo, CNN, sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô có bài nói chuyện ứng khẩu về gia đình.

640x0Tối thứ bảy, buổi tối cuối cùng trong chuyến công du lịch sử đến Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành 2 tiếng đồng hồ, thưởng thức âm nhạc và lễ hội cùng với hàng ngàn người khác đến chung dự Đại hội Gia đình Thế giới ở Philadelphia. Ngài cũng thân mật lắng nghe 6 gia đình nhập cư chia sẻ câu chuyện đấu tranh, tình yêu, đức tin và hi vọng của họ.

Đến lượt mình phát biểu, ngài đã bỏ hẳn bài diễn văn soạn sẵn, và mở lời từ trái tim. Đức Phanxicô không đơn giản là thêm vài câu, nhưng ngài đã bỏ hoàn toàn bài diễn văn dài 2 trang được soạn sẵn, và đã được phát cho các hãng truyền thông. Các nhà bình luận đã đúng khi nhận xét những lời của ngài thật quá say mê, đầy sức sống, và mạnh mẽ đến mãnh liệt. Dấu ấn của một người truyền đạt đầy hứng khởi, chính là việc liệu người đó có thể nói cho thính giả những gì họ cần nghe vào đúng thời đúng điểm, và có sẵn sàng bỏ qua bài soạn sẵn nếu như thấy cần phải nối kết với những người đang lắng nghe mình.

Khi xem bài diễn văn được truyền hình trực tiếp trên CNN, tôi cho rằng đây là bài được soạn sẵn, bởi bài nói chuyện của ngài quá hay, quá đẹp. Tuy nhiên, một vài phút sau, tôi nhận ra đây hẳn phải là một bài nói ứng khẩu, bởi Đức Phanxicô không có tờ giấy hay màn hình chạy chữ nào bên ngài. Ngài mở đầu với một chủ đề ‘Thiên Chúa tốt lành, Thiên Chúa tuyệt đẹp, Thiên Chúa là sự thật’ và rồi dùng óc hài hước, các hình ảnh ẩn dụ, ngụ ngôn, các chuyện đời riêng, và một kết luận đầy nhiệt tình để đem lại sức sống mãnh liệt cho chủ đề của mình. Và đây chỉ là vài câu trong bài nói ứng khẩu của ngài.

Xã hội mạnh mẽ nếu như xã hội được xây dựng trên vẻ đẹp, tốt lành, và sự thật.

Có lần một em bé hỏi cha, ‘Cha ơi, Chúa làm gì trước khi tạo dựng thế giới?’ Cha nói, trước khi tạo dựng thế giới, Thiên Chúa yêu thương … Tất cả mọi tình yêu Ngài đã ban, đã chia sẻ, và ban xuống trên gia đình.

Gia đình có nhiều khó khăn. Gia đình hay gây gỗ, đôi khi bay chén bay đĩa, và con cái thì thật là nhức đầu, và cha sẽ không nói về các bà gia đâu nhé.’ Nhưng trong gia đình luôn luôn có ánh sáng.

Gia đình như là một nhà máy của hi vọng. Trong gia đình có các khó khăn, nhưng những khó khăn này sẽ được vượt qua, nhờ tình yêu.

Hãy chăm sóc đặc biệt cho con cái và ông bà. Con cái là tương lai, là sức mạnh thúc đẩy chúng ta tiến tới. Ông bà là ký ức sống động của gia đình. Chăm sóc ông bà, chăm sóc con cái, chính là biểu hiện của tình yêu.

Chris Cuomo của CNN thốt ra khi bài nói chuyện kết thúc. ‘Òa, tuyệt quá. Đây chính là Bergoglio huyền thoại ở Argentina. Đây là sự say mê và cách nói chuyện mà ai cũng biết nơi ngài.’

Một chuyên gia, giáo sư kinh thánh nói rằng, ‘Đức Giáo hoàng Phanxicô không ra khỏi bản văn, ngài vẫn luôn trong bản văn đó chứ. Ngay khi ngài bước lên đài, tôi đã nghĩ, à, ừ. Đây là mục tử. Đây là những ngài làm tốt nhất. Đây là lý do vì sao các hồng y bầu ngài lên.’

Thời khắc ứng khẩu của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc tôi về một câu chuyện thật đàng sau một trong các bài diễn văn vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Nhiều người không biết rằng bài diễn văn nổi tiếng của Martin Luther King, hay còn gọi là ‘Diễn văn Giấc mơ’ là một bài ứng khẩu. Martin Luther King, mở đầu bằng cách đọc bài viết soạn sẵn của mình. Rồi thì Mahalia Jackson, đang đứng gần ông, kêu lên rằng, ‘Martin! Hãy nói với họ về giấc mơ!’

Chỉ người nghe được tiếng kêu này, nhưng King đã nghe thấy. Và ông biết chính xác cô ấy muốn nói gì.

Martin Luther King đã dùng hình ảnh ẩn dụ của giấc mơ trong các bài diễn văn trước đó, nhưng không có ý định dùng lại lần này ở Washington. Và bài diễn văn của ông hôm đó không phài là bài được gởi trước cho báo giới. Clarence Jones, người viết diễn văn cho King, biết chuyện gì đang diễn ra, bởi ông là người viết bài diễn văn cho hôm đó, bài mà King đột nhiên không dùng nữa. ‘Những người ở đây chưa biết đến điều này, nhưng họ đang sẵn sàng đến nhà thờ rồi đấy.’ Clarence thì thầm vào tai người đứng kế bên ngày hôm đó.

Có thể dạy cho một lãnh đạo cách viết và trình bày bài diễn văn sao cho tốt hơn, nhưng chỉ có các diễn giả đầy hứng khởi mới có thể thổi bùng ngọn lửa. Và hứng khởi là đến từ trái tim. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lay động hàng triệu người Mỹ bởi ngài nói những lời gắn kết chúng ta lại với nhau. Đôi khi những lời từ trái tim, được viết trước, nhưng thường thì không. Những lời từ trái tim, đột nhiên nảy sinh, và chính trong những thời điểm ứng khẩu, mà xuất hiện những điều kỳ diệu.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch