tempsreel.nouvelobs.com, 2015-09-17
Washington (AFP) – Tuần sau Đức Phanxicô đến Mỹ, xứ của Internet và các trang mạng xã hội, ngài là người “tiền sử trong kỹ thuật vi tính” nhưng lại là người có mặt trên Twitter, ký giả trang mạng Crux, ông Michael O’Loughlin là tác giả quyển “The Tweetable Pope” nhận định.
Đâu là tương giao của Đức Giáo hoàng với Internet?
Chính ngài nói ngài là người tiền sử với kỹ thuật vi tính và thú nhận không biết dùng máy vi tính. Ngài dùng fax với các cộng sự của mình và không xem truyền hình từ những năm 1990.
Nhưng chắc chắn triều giáo hoàng của ngài là triều của kỹ thuật. Ngài đã có những buổi trực tuyến trên Google với các sinh viên trên khắp thế giới. Ngài cũng đã từng nói “Internet là món quà của Chúa” và ngài ca tụng khả năng thành lập các cộng đoàn của nó.
Đức Phanxicô muốn gặp giáo dân nơi họ ở và ngài biết rất nhiều người ở trên các trang mạng xã hội. Nếu ngài không biết gõ iPad thì ngài lại biết giá trị của kỹ thuật và đem kỹ thuật này vào Vatican.”.
Có phải ngài có mặt trên Twitter hơn các vị tiền nhiệm? Tại sao và như thế nào?
Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên dùng các trang mạng xã hội. ngài có mặt trênTwitter. Đức Phanxicô gởi gần 700 lần các câu tweet, Đức Bênêđictô XVI chỉ gởi 39 lần. Đức Phanxicô có 23 triệu người theo mình trên tài khoản Twitter (một nửa là người nói tiếng Tây Ban Nha), Đức Bênêđictô XVI chỉ có 3 triệu người theo.
Rất nhiều người nổi tiếng và chính trị gia có nhiều người theo trên tài khoản Twitter của họ nhưng Đức Phanxicô đang là siêu sao. Đó là lãnh đạo thế giới có nhiều ảnh hưởng nhất trên tài khoản Twitter vì các câu tweet của ngài được chuyển tiếp lại và ở một mức độ rất cao. Ngài viết trong chín thứ tiếng, kể cả tiếng Ả Rập và La tinh.
Ngài không trực tiếp viết. Ngài có ý tưởng và nhóm làm việc của ngài viết câu tweet.
Một vài người cho Twitter là phù phiếm vì chỉ được viết 140 ký tự nhưng thật sự không dễ để chắt lọc một tư tưởng, một lời nhắn tạo cảm hứng, tạo khích động, tạo khuyến khích chỉ trong hai hàng mà người đọc có thể nhớ. Đức Phanxicô là bậc thầy trong lãnh vực này, vì thế mới có 23 triệu người nhiệt thành theo ngài như vậy.
Đức Giáo hoàng nói gì trên tài khoản Twitter? Như thế có thể nói ngài tiến bộ hơn các giáo hoàng khác?
Ngài đã dùng tiếng nói của mình để bảo vệ cho nhiều chính nghĩa, như huy động mọi người quan tâm đến số phận của các Kitô hữu bị bách hại, các sáng kiến để chấm dứt các cuộc xung đột, để lôi kéo sự chú ý về tình trạng môi sinh xuống cấp, vv.
Tháng 4 năm 2014, ngài đã tạo ra các cuộc thảo luận khi ngài viết câu tweet “các bất bình đẳng là gốc rễ của quỷ”.
Tháng 6 vừa qua, khi ngài công bố Thông điệp “Chúc tụng Chúa”, ngài biết là dân chúng sẽ không chăm chỉ đọc một tài liệu dài 200 trang. Vậy thì ngài dùng “bom tấn Twitter”, trong 24 giờ ngài viết các điểm chính trên tài khoản Twitter.
Twitter là dụng cụ để truyền tải các lời nhắn, dù ngài tiến bộ hay bảo thủ hoặc cả hai thì giáo hoàng gởi tin nhắn của mình nơi mà người dân muốn nghe: trực tuyến”.
Trích sách “The Tweetable Pope”, Michael J. O’Loughlin, nhà xuất bản HarperOne
Marta An Nguyễn chuyển dịch