Đức Phanxicô và đất nước, người dân Bồ Đào Nha

321

Radio Renascença – Aura Miguel – 14/9/15

Trích bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô, thực hiện bởi Aura Miguel, Radio Renascença, ngày 08-9

Sanctuary-of-Fatima-Tours-in-Portugal

Là giáo hoàng đến từ ‘tận cùng Thế giới,’ cha thấy đất nước và người dân Bồ Đào Nha như thế nào?

Tôi chỉ đến Bồ Đào Nha có một lần, dừng lại ở sân bay thôi, cách đây vài năm. Tôi đang bay đến Roma với Varig và chuyến bay tạm dừng ở Lisbon, nên tôi chỉ biết có mỗi sân bay mà thôi. Nhưng tôi biết nhiều người Bồ Đào Nha. Trong chủng viện ở Buenos Aires, có nhiều nhân viên là người Bồ nhập cư. Những người tốt, họ rất gần gũi với các chủng sinh. Và cha tôi có một đồng nghiệp người Bồ. Tôi nhớ tên của ông, Adelino, một người tốt. Và có lần tôi gặp một bà người Bồ, hơn 80 tuổi, đã để lại ấn tượng tốt trong tôi. Có thể nói, tôi chưa gặp một người Bồ nào xấu cả.

Trong bài nói chuyện với các giám mục Bồ, bên cạnh lời khen ngợi dành cho người dân Bồ Đào Nha, và cái nhìn toàn cảnh thanh bình về tình trạng Giáo hội, cha có nhắc đến 2 bận tâm, một là về giới trẻ và hai là về Dạy Giáo lý. Cha dùng một hình ảnh, và nói rằng ‘chiếc áo rước lễ lần đầu, không còn vừa với một người trưởng thành trẻ tuổi,’ nhưng có nhiều cộng đoàn lại ‘nhất định bắt các bạn trẻ phải mặc nó …’ Vậy vấn đề là gì?

Đây là một cách nói. Những người trẻ có tính vượt khuôn phép hơn, và họ có nhịp độ riêng của mình. Chúng ta phải để họ lớn lên, đồng hành với họ, đừng để họ một mình, nhưng phải đi cùng họ. Và để biết cách đồng hành trong cẩn trọng, thì phải biết khi nào nên nói, và biết cách lắng nghe thật nhiều. Người trẻ thì đầy thao thức. Họ không muốn bị chán, và như thế, bạn có thể nói rằng ‘chiếc áo thưở rước lễ lần đầu không còn vừa với họ nữa.’ Mặt khác, trẻ con, cũng như chiếc áo rước lễ lần đầu vậy. Đây là một điều đẹp đẽ. Nhưng các thanh niên trưởng thành có các mộng đẹp khác, bởi họ đang thay đổi, đang lớn lên, đang tìm kiếm, có phải không nào? Đó là lý do vì sao bạn cần phải để họ lớn lên, đi cùng họ, tôn trọng họ, và nói với họ trong tình cha con.

Bởi vì có những đường hướng nhất định để trình ra với người trẻ, nhưng những đường hướng này thường không hấp dẫn!

Đó là lý do vì sao bạn cần phải tìm cho ra những gì thu hút giới trẻ, và phải làm cho được điều đó. Ví dụ như: Nếu bạn đề xuất, mà chuyện này chúng ta thấy khắp nơi, một cuộc đi bộ, hay một trại dã ngoại, hay đi ra làm một nhiệm vụ, hay đôi khi là đến một ‘cotolengo’ [Nhà cho những người bệnh, hay người bị khuyết tật nặng, đã bị gia đình bỏ rơi và trong tình cảnh nguy khó. Được một linh mục Ý thành lập.] để chăm sóc người bệnh trong một tuần, hay hai tuần, thì người trẻ sẽ đầy nhiệt huyết, bởi người trẻ muốn làm một điều gì đó cho người khác. Người trẻ sẽ cảm thấy mình được bao bọc.

‘Được bao bọc’?

Đúng, người đó đi vào trong, người đó gắn bó. Người đó không nhìn từ bên ngoài vào. Nhưng dự phần vào, và đó là, dấn thân gắn bó.

Vậy tại sao người đó không ở lại luôn?

Bởi vì người đó có con đường của mình.

Vậy thì đâu là thách thức mà Giáo hội phải thực hiện? Cha nói về một dạng dạy giáo lý, vốn thường lý thuyết và không thể đưa ra được một cuộc gặp gỡ riêng …

Đúng, điều quan trọng là giáo lý không được thuần lý thuyết. Như thế chẳng làm được gì. Giáo lý là trao cho người trẻ nghĩa lý  cho cuộc sống, và như thế, thì giáo lý phải có 3 ngôn ngữ. Ngôn ngữ của cái đầu, ngôn ngữ của trái tim, và ngôn ngữ của đôi bàn tay. Giáo lý phải có 3 điều này, để cho người trẻ suy nghĩ và biết đức tin là gì, nhưng cùng lúc đó, cũng cảm nhận trong tim mình đức tin là gì, và mặt khác, thực hiện đức tin đó cho thành sự. Nếu giáo lý thiếu mất một trong 3 ngôn ngữ này, thì nó trì trệ. Ba ngôn ngữ này: suy nghĩ về những gì bạn cảm nhận và những gì bạn làm, cảm nhận những gì bạn nghĩ và làm, làm những gì bạn cảm nhận và suy nghĩ.

Nghe cha nói, thì chuyện này thật rõ ràng … nhưng, nhìn quanh, đặc biệt là ở châu Âu già, ở thế giới Kitô giáo già này, thì mọi chuyện không như thế. Thiếu mất điều gì đây? Một sự thay đổi về tâm tính? Cha nghĩ thế nào?

Tôi không biết về việc thay đổi tâm tính, bởi không phải chuyện gì tôi cũng biết, phải không nào? Nhưng, sự thật là, phương pháp học đôi khi không đủ. Chúng ta phải tìm một phương pháp học giáo lý gắn kết 3 sự này. Những chân lý mà chúng ta phải tin, những gì một người nên cảm nhận, và những gì người đó làm, nên làm, phải đi cùng với nhau.

Đức Thánh Cha, chúng con mong cha đến Bồ Đào Nha nhân dịp bách niên Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đã có 3 giáo hoàng đến thăm chúng con (riêng Đức Gioan Phaolô II đến 3 lần.) Cha rất sùng kính Đức Trinh nữ Maria, cha nghĩ gì về một chuyến công du năm 2017 nào?

Vâng, để tôi nói thẳng chuyện này. Tôi rất muốn đến Bồ Đào Nha nhân dịp bách niên này. Năm 2017, cũng là kỷ niệm 300 năm tìm thấy tấm hình Đức Mẹ Aparecida ở Brazil.

Vậy nên tôi cũng muốn đến đó, và tôi đã hứa là sẽ đến. Còn về Bồ Đào Nha, tôi đã nói là tôi muốn,tôi thích đến. Thật dễ hơn nhiều khi chọn đến Bồ Đào Nha, chúng ta có thể đi về trong ngày, hoặc, đi một chuyến một ngày rưỡi hay hai ngày. Đến và xem Đức Mẹ. Mẹ là người mẹ, quá đầy tình mẫu tử, và sự hiện diện của Mẹ đồng hành với dân Chúa. Vậy nên tôi muốn đến Bồ Đào Nha, một đất nước nhiều ân sủng.

Và người dân Bồ Đào Nha chúng con, có thể kỳ vọng gì? Làm sao để chúng con chuẩn bị tốt nhất cho chuyến công du của cha và vâng theo những lời Đức Mẹ mong mỏi?

Đức Trinh nữ Maria luôn luôn muốn chúng ta cầu nguyện, chăm lo cho gia đình, và tuân giữ các điều răn. Mẹ không có những yêu cầu lạ lùng nào. Mẹ yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho những người lầm lạc, những người xem mình là tội nhân, mà tất cả chúng ta là thế phải không nào? Và tôi là người đầu tiên đó. Nhưng Mẹ có yêu cầu, và nên lấy những yêu cầu của Mẹ để làm việc chuẩn bị, qua các thông điệp đầy tình mẫu tử, quá sức hiền mẫu … Và để người ta biết đến Mẹ qua con cái Mẹ. Một điều rất đáng tò mò, Mẹ luôn luôn nhìn đến những linh hồn đơn sơ, có phải không? Rất đơn sơ.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch