echomagazine.ch, Patrice Favre, 2015-01-29
Họ từng mơ in 10.000 ấn bản cho vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp. Bây giờ họ sẽ in hàng triệu quyển cho năm châu. Quyển sách “Yêu là cho đi tất cả” là cả một cuộc phiêu lưu trong ngành xuất bản mà Đức Phanxicô đóng vai hàng đầu.
Ông Daniel Pittet gặp Đức Giáo hoàng tháng 10 năm 2014: “Tôi muốn xin Đức Giáo hoàng viết lời nói đầu cho quyển sách về đời sống thánh hiến, vì ngài cũng là một tu sĩ, tu sĩ Dòng Tên”. Với một nhóm nhỏ, công dân 55 tuổi người tỉnh Fribourg, Thụy Sĩ, là quản thủ thư viện, ông mong khơi động tinh thần Năm Đời sống Thánh hiến bằng cách xuất bản các lời chứng của các nam nữ tu sĩ Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp.
Năm 1994, ông đã có kinh nghiệm như vậy với quyển sách về các đan viện. Ông nhận hàng trăm lời chứng, quá nhiều cho một quyển sách, vì thế các lời chứng này ông cho đăng trên trang mạng: www.vieconsacree.com. Còn quyển sách thì chỉ giới hạn một số trích đoạn với các hình ảnh phù hợp. Khổ sách gọn gàng, dễ dùng, chắc bền và trau chuốt kỹ. Tất cả với giá 10 quan, một giá đã là một trong rất nhiều “phép lạ” cho cuộc phiêu lưu trong ngành xuất bản này.
Chắc chắn Đức Giáo hoàng có nhiều quan tâm khác hơn là viết lời nói đầu. Nhưng ông Daniel Pittet có cánh tay rất dài, nhất là khi mạng giao thiệp rộng rãi của ông và Thần Khí cùng bắt tay làm việc với nhau: một cựu Cận vệ Thụy sĩ, ông Jean-Daniel Pitteloud, người vùng Valais giới thiệu ông Daniel cho thư ký của Đức Phanxicô, Đức ông người Argentina Guillermo Karcher. Đức ông Karcher lắng tai nghe vì các văn phòng của Vatican chưa dự trù xuất bản một quyển sách nào như thế về Năm Thánh Hiến (từ tháng 2-2015 đến tháng 2-2016). Vậy là ít nhất hôm nay có ấn bản của ông Daniel Pittet: “Đức Giáo hoàng bằng lòng nội dung nhưng chưa bằng lòng mấy cái tựa và ngài muốn gặp tôi”.
Micheline ở dòng tu
Thế là tôi đi sau lưng Đức ông Karcher qua suốt các hành lang của Dinh Tông Tòa, cho đến một phòng có Đức Phanxicô đang đứng chờ. Ông Daniel không biết nói tiếng Ý, Đức Phanxicô không biết nói tiếng Pháp nhưng hai người hiểu nhau: “Ngài nói tựa đề quyển sách “Đời sống Thánh hiến” của chúng tôi thì thích hợp cho luận án thần học nhưng không có tính cách truyền giáo. Ngài đề nghị tôi dùng một câu của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Yêu là cho đi tất cả” và tôi nhận lời ngay lập tức. Ngài xin tôi làm trẻ trung mấy cái hình trên trang bìa. Ngài rất thích lời dẫn nhập của tu sĩ Dòng Tên Albert Longchamp và lời bạt của nữ tu Micheline: ngài không biết nữ tu Micheline Calmy-Rey, cựu ủy viên hội đồng liên bang thuộc đảng xã hội của chúng ta là người viết lời bạt!”
Chỉ còn một vấn đề: Đức Phanxicô muốn quảng bá trên toàn thế giới, trong khi quyển sách chỉ là tiếng nói của các tu sĩ Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp, như ông Daniel giải thích với ngài. “Khi đó Đức Phanxicô cầm tờ quảng cáo quyển sách có hình bìa và chỉ vào một nữ tu Phi Châu. Đó là xơ Marie-Reine, người Togolais, giám tỉnh Dòng Nữ Âugutinô ở Saint-Maurice. Rồi ngài đưa tay chỉ vào một hình khác: linh mục Stefano Dòng Capuxinô người Ý, cha là giám đốc một bệnh viện ở Sénégal. Và Đức Giáo hoàng nói: ‘Cả thế giới, cả thế giới!’ (E’ mondiale, mondiale!). Cũng may ngài chỉ tay vào hai tu sĩ duy nhất không phải người Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp!”.
Thánh Giuse bị cháy túi
Để tài trợ, Đức Phanxicô giới thiệu nhà tài trợ đẳng cấp cao: Thánh Giuse. “Tôi đã thử giải thích cho ngài, tôi đã xin Thánh Giuse rất nhiều và có lẽ bây giờ ngài đã cháy túi, nhưng Đức Phanxicô nhéo má tôi, ngài bảo đảm với tôi, mọi việc sẽ trôi chảy nếu tôi có lòng tin. Ngược lại, tôi phải dịch ra ngay lập tức bảy ngôn ngữ: Ba Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… Ngài lo việc quảng cáo, tôi chỉ việc trở lại Vatican 15 ngày sau với quyển sách đã in xong.” Và đó là tích sự bức hình Đức Phanxicô lật quyển sách ở Quảng trường Thánh Phêrô: “Đó là tháng mười một, người ta chỉ thấy trang bìa. Còn trong ruột chỉ là quyển sách giả, không dính gì với đời sống thánh hiến! Và đã làm cho ngài cười một phen!”.
Ngay sau buổi gặp Đức Giáo hoàng, ông Daniel Pittet đi đứng loạng choạng, thần trí phiêu bạt. “Ngày hôm sau, tôi gọi cho Đức ông thư ký của Đức Giáo hoàng để kiểm lại xem tôi có nằm mơ không và tôi có hiểu đúng không.” Tầm mức hoàn vũ của Đức Phanxicô đã làm cho các nhân vật chủ chốt của chương trình, ông Daniel và xơ Anne-Véronique Rossi, bề trên Dòng Thánh Ursule ở Fribourg toát mồ hôi lạnh. “Sau chuyến đi gặp Đức Giáo hoàng, chúng tôi đi Paris gặp bà Isabelle d’Ornano (gia đình chủ nhân hãng mỹ phẩm Sisley, ghi chú của người viết). Bà cho chúng tôi biết tính cách của người Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp, các nơi cần gặp gỡ, các gia đình và các dòng tu: không thể đi ra nước ngoài với những chuyện này! Tất cả đều phải suy nghĩ lại.”
Vì thế phải chọn hình thức đơn giản nhất: các điểm chuẩn của Thụy Sĩ phải biến mất, các lời chứng chỉ để tên riêng (không để họ), không ghi chú trên các hình ảnh. Chỉ giữ lại trần trụi đời thánh hiến. “Như nữ dịch giả người Ba Lan của chúng tôi cho biết, các hình ảnh cho thấy các gương mặt thấm tuyền niềm vui và tâm hồn bình an”, xơ Anne Véronique giải thích.
Khổ sách nhỏ, dễ đọc tại chỗ, trên xe buýt, trên tàu lửa. “Chúng tôi không muốn một quyển sách dùng để trang hoàng nằm trong thư viện. Cũng không phải quyển sách người ta dùng trong nhà thờ để cầu nguyện. Đó là dụng cụ giúp cho các tu sĩ tận hiến nói lên những gì đã lôi cuốn họ và đã làm cho họ sống”.
Những con số ấn tượng
Những con số in ấn thì rất ấn tượng: lần xuất bản đầu tiên là 200.000 ấn bản, được phát ở Quảng trường Thánh Phêrô chúa nhật sau Phục Sinh trong buổi tiếp kiến của Đức Giáo hoàng. “Đó là quà của các Dòng tu Thụy Sĩ”, ông Daniel Pittet giải thích.
Sau đó quyển sách ở trong túi xắc lưng của những người trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Cracovia năm 2016 (dự trù in một triệu ấn bản). Đã tìm được các ân nhân tài trợ và được in ở nhà in Ba Lan với chất lượng y hệt như in ở nhà In Saint-Paul, Fribourg. Bảo đảm cùng một chất lượng!
Ở Phi Châu sách được tặng cho các giáo phận, các cộng đoàn tu sĩ. Nhưng làm sao để đem tới các vùng mà mỗi di chuyển, mỗi biên giới là một trở ngại? Daniel Pittet và xơ Anne-Véronique đã ở Vatican từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 1. Họ biết được các quyển sách có thể du hành… theo hành lý ngoại giao của Tòa Thánh! Thêm một lần nữa, một ưu tiên rất hiếm có và đó là nhờ vào sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng. Người, trên đường từ Phi Luật Tân trở về chỉ xin thêm một chuyện: quyển sách được dịch ra tiếng Trung Quốc.
Marta An Nguyễn chuyển dịch