atlantico.fr, Jean-Paul Mialet, 04-08-2015
Chủ đề được nghiên cứu với hơn 9000 gia đình và một kết luận được đưa ra: Bí mật của giáo dục thành công vẫn là… “yêu cho roi cho vọt.” Cái mà người Anh gọi là “yêu cứng rắn” mang lại kết quả. Bản báo cáo của công ty thăm dò Demos cho thấy, sự phát triển các khả năng về mặt xã hội tốt hơn nơi các em bé được dạy dỗ nghiêm khắc.
Atlantico: Trong một xã hội cấm đánh trẻ con và lời của trẻ con được thần thánh hóa, quan điểm cho rằng phạt là điều cần thiết cho sự phát triển của trẻ con không được mọi người đồng ý. Trong chừng mực nào thì cha mẹ có thể phối hợp cứng rắn với yêu thương để mang lại lợi ích cho trẻ con?
Jean-Paul Mialet: Đa số động vật – nhất là loài có vú – khi sinh ra là chưa hoàn tất. Chính khi va chạm với môi trường mà nó phát triển cách ứng xử sao cho thích ứng. Điều này đặc biệt đúng cho loài người. Con người ra đời với một vài phản xạ để sống còn rất hạn chế, chẳng hạn phản xạ bú.
Phần còn lại là phải học: từ đó nảy sinh ra khả năng thích ứng tùy hoàn cảnh không thể nào so sánh được. Vì lý do phức tạp của hệ thống thần kinh nên con người càng ngày càng cho thấy tính sáng tạo. Và tính sáng tạo nơi loài người còn đi đến mức biến đổi môi sinh tự nhiên thành những dữ liệu trừu tượng được diễn tả qua ngôn ngữ. Như thế sự phát triển của con người ở trong một môi trường phức tạp, phức tạp không những trong môi trường cụ thể mà còn trong môi trường của văn hóa. Trẻ con phát triển trong biển tình cảm của hai cha mẹ yêu thương nhưng cũng của hai cha mẹ có quyền trên mình. Quyền thực tế và quyền biểu tượng: quyền của những “người lớn”.
Trong khi con mèo tránh gần lửa vì bản năng tự đề phòng có sẵn trong nó thì một em bé sẽ đến gần lửa vì hiếu kỳ, một tính hiếu kỳ hữu ích nhưng cũng nguy hiểm. Sự thám hiểm môi trường của trẻ con thì ít giới hạn, chính cha mẹ là người phải ấn định các giới hạn này. Chận đứng tính hiếu kỳ của trẻ con không phải là không đau khổ: đó chính là chận đứng ước muốn của nó. Mà cha mẹ, trong vai trò giáo dục, phải thường xuyên chống lại các ước muốn bừa bãi này để làm cho trẻ con không những thích ứng với những dữ liệu tự nhiên, như lửa cháy, nhưng cũng phải thích ứng với những dữ liệu văn hóa như giờ ăn, những đòi hỏi phải giữ sạch sẽ vv. Tất cả những giới hạn này chỉ có thể học một cách thích ứng trong bầu khí yêu thương và yên tâm, để trẻ con không thấy mình là chủ thể của việc thực thi quyền, nhưng còn là chủ thể của tình thương. Lệnh “không” của cha mẹ cũng là lệnh “không” mà trẻ con phải học để tôn trọng, và nó sẽ kiểm được trong một vài trường hợp cụ thể như sẽ phỏng khi chơi với lửa, sẽ kẹp tay khi cứ chơi với cánh cửa. Như thế lệnh “không” là biểu hiện quyền của người lớn để tâm chăm sóc chứ không phải chỉ ra lệnh để bó buộc.
Tuy nhiên đôi khi cũng phải tỏ ra nghiêm mạnh để kiềm chế đứa trẻ. Để bảo vệ nó cũng như bảo vệ mình. Tính thích mạo hiểm của trẻ con đôi khi rất nguy hiểm, lúc đó phải hành động mà không có thì giờ giải thích; hoặc trong chiều hướng tốt đôi khi cũng phải giựt lấy đồ vật nó đang cầm giữ. Lúc đó không chọn lựa giữa canh chừng và giải thích: phải hành động ngay. Có những luật sống không cần phải giải thích mà đơn thuần chấp nhận.
Như thế trong khuôn khổ giáo dục, cha mẹ phải biết chống lại trẻ con, thậm chí có thể nói: phải biết áp đặt. Vậy thì trẻ con, cũng giống như khi nó tìm cách thám hiểm thế giới của đồ vật, nó cũng tìm cách thám hiểm xem mình có quyền không. Như vậy xung đột với cha mẹ không phải là hậu quả của các cấm đoán nhằm bảo vệ trẻ con nhưng còn là thách thức của quyền. Khi đã chịu các lệnh “không” của cha mẹ trong những năm đầu tiên, bây giờ đến lượt chúng ra lệnh “không” cho cha mẹ, chúng khẳng định. Nhà tâm lý học Wallon nói, “chúng xác nhận vị trí của mình bằng cách chống đối”.
Vậy cha mẹ phải biết nói “không” với trẻ con để bảo vệ chúng khỏi mọi nguy cơ bên ngoài cũng như bên trong, bên trong do bị nung nấu bởi tham vọng lấn quyền quá mạnh. Trong đa số trường hợp, vai trò người có quyền cấm phải được thực hiện trong êm dịu với lòng kiên nhẫn và với tình yêu thương. Nhưng cấm đoán đôi khi phải đi theo một vài hình phạt. Hình phạt cần thiết để tái tạo yên tỉnh… và cũng cần thiết cho quan hệ được dịu xuống.
Làm sao tìm một thế cân bằng giữa trao đổi và hình phạt khi cha mẹ ngại la mắng vì sợ con cái không thương mình?
Câu hỏi này phản ảnh ưu tư hàng đầu của thời buổi này: người ta chỉ nói đến tình thương, họ sợ mất định hướng ở điểm này. Đối với trẻ con, sẽ sai lầm khi nghi ngờ chúng không thương mình. Trong số vốn bản năng hiếm hoi chúng được trang bị khi vào đời, phải thêm vào đây một nhu cầu cực mạnh đó là nhu cầu yêu thương, nhu cầu này sẽ tự nhiên hướng chúng về những người nuôi dưỡng mình. Chúng ta biết các trẻ con bị đối xử tệ, chúng cũng thương cha mẹ chúng biết chừng nào, có thể còn hơn các trẻ em khác. Ngoài ra còn một yếu tố khác để suy nghĩ: yêu trẻ con là vun xới các quan hệ để giúp chúng tự lập. Kinh nghiệm cho thấy các cha mẹ ruồng bỏ lại được con cái quá yêu thương, chúng vẫn đi tìm những gì chúng thiếu và chúng không cách nào tự lập được.
Trả lời thẳng thì không có một công thức nào. Thật ra giáo dục trẻ con được chỉ đạo bằng tình yêu nhưng cũng bằng trách nhiệm đối với người mình thương và tùy thuộc vào mình. Đôi khi hình phạt lại là cần thiết. Nó là lối thoát tùy thuộc vào từng tình huống và từng trường hợp. Một vài giai đoạn phát triển xảy ra trong sự chạm trán – chạm trán xây dựng nhưng cũng đòi hỏi phải vạch giới hạn; một vài tính chất cần được kiềm chế nhiều hơn các tính chất khác. Hình phạt sẽ được trẻ con chấp nhận nếu chúng nhận ra cha mẹ không phạt vì một lý do riêng tư, không phải chạm trán với những mong chờ riêng hay theo khuôn khổ xã hội. Chia sẻ, trao đổi với trẻ con, vui với những thành quả của nó, với con người thật của nó: đó là nền tảng của một quan hệ – xét cho cùng, có đúng đó là những gì được gọi là tình yêu không? – làm cho trẻ con khoan dung với tất cả những sai lầm trong giáo dục. Khi trở thành người lớn, nếu quan hệ thấm đậm trong tình yêu chân thành, thì trẻ con sẽ tha thứ cho cha mẹ nào tỏ ra quá nghiêm nhặt và phạt mình hơn là ngược lại, cha mẹ bị khiếm khuyết vì quá khoan hòa. Giáo dục hoàn hảo là một lý tưởng: chắc chắn sai lầm lớn nhất trong các sai lầm là muốn mình là người cha mẹ lý tưởng bằng cách tạo ra những đứa con lý tưởng.
Đâu là những khả năng của một đứa bé quen thuộc với bối cảnh phạt, trong môi trường sống chăm sóc yêu thương sẽ dễ dàng được phát triển?
Người ta thường lầm với nghiêm và phạt, và chắc chắn việc hiểu lầm này đã góp phần hợp pháp hóa cho một vài loại hoảng sợ một giáo dục nghiêm khắc. Thay vì nói quen thuộc với phạt, tôi thích nói quen thuộc với nghiêm – thỉnh thoảng nghiêm phải nhờ đến phạt. Chúng ta vừa mới nói: nghiêm là khuôn khổ bảo vệ để tránh tự cho mình quá tự do và làm điều xấu. Một khi đi ra khỏi khuôn khổ chăm sóc yêu thương và bảo vệ của gia đình thì phải biết thích ứng vào những thực tế không vui gì mấy: xét cho cùng, người ngoài ít ai quan tâm đến mình. Sau khi đã học để tôn trọng các đòi hỏi của những người mà với họ mình sống trong gia đình thì những điều học hỏi này sẽ giúp đứa trẻ khép mình vào những đòi hỏi của một tập thể ít nhiều dửng dưng, và đánh giá mình theo những gì mình mang đến cho họ. Như thế, nghiêm giúp thích ứng vào xã hội dễ hơn. Nó cũng giúp mình thoải mái chấp nhận các bất công của cuộc hiện sinh: “Cuộc đời không phải màu hồng”, như người ta hay nói và đôi khi phải kiên nhẫn chờ đến giờ đến lúc. Nhưng nó cũng là yếu tố để xây dựng cá nhân. Trong những năm 90, tôi bị đánh động về các phản hồi của các giáo viên đến gặp tôi để tư vấn, họ nói về khả năng tập trung của học trò: tất cả đều giải thích cho tôi càng ngày càng khó để duy trì sự tập trung trong lớp, không thể nào quá ba mươi phút. Vậy, khả năng tập trung là gì? Đó là cố gắng giữ tập trung, tự mình, cố tâm theo dõi một việc mình cho là hàng đầu, cự với đãng trí – có nghĩa cự lại với phản xạ, với cái gì xảy ra bất ngờ. Cố gắng này đòi hỏi phải biết nói “không” trong đầu. Nếu không học tính nghiêm, một đức tính giúp đầu óc có một khuôn khổ, thì sẽ có nguy cơ sống trong sự phân tán, không học được cũng như không xây dựng có chiều sâu. Có phải đó là lý do mà bây giờ phát sinh ra các chứng rối loạn tập trung dưới nhiều hình thức khác nhau và đã tác động đến nhiều đồng nghiệp của tôi, dù những chuyện này không xảy ra từ hôm qua, nó đã có từ những năm 70? Chúng ta có thể tự vấn.
Có cách tốt, cách xấu trong việc phạt trẻ con không? Làm sao để việc phạt đưa đến kết quả tích cực và dạy dỗ được bền lâu?
Về các cách tốt, tôi nghĩ tôi đã trả lời. còn các cách xấu thì tôi phân biệt hai hình thức. Trước hết là cách phạt của những cha mẹ hết chịu đựng nổi, họ không dự đoán được giới hạn của mình. Như thế mất kiểm soát là phản tác dụng: cha mẹ thì bị mặc cảm tội lỗi, con cái thì lo lắng, cha mẹ không nhận định để chọn lựa hình phạt. Một cách phạt khác cũng tiêu cực. Phạt chỉ để phạt, chỉ để làm đứa bé khuất phục, nếu quan hệ cha mẹ con cái trong giáo dục là tình yêu và ước muốn, khi quan hệ này bị chuyển qua thành một cuộc đọ sức, hình phạt bị xem như “dạy thú” thì chắc chắn là đứa con sẽ không đón nhận một cách tích cực.
Tình trạng có thể nặng hơn bằng thách thức, một thái độ không được có.
Chúng ta nói đến uốn nắn là nói đến các hình thức phạt của các chuyên gia dạy thú vật. Chúng ta biết rằng, trong việc dạy cho thuần, một cách ứng xử sẽ xuất hiện vì có kết quả lợi ích củng cố cho cách ứng xử này, nó sẽ không còn khi không được củng cố nữa. Con chuột mắc bẫy, bật cái cần vì đối với nó, làm như vậy là có đồ ăn. Nó sẽ không bật cái cần sau nhiều lần cố gắng mà không có thức ăn. Cái gì xảy ra nếu khi nó bật cái cần, nó bị điện giựt? nó sẽ ngưng ngay lập tức. Nhưng điều kiện hóa này không bị loại hẳn, sau khi nghĩ một thời gian, nó lại bật lại. Như thế có vẻ như hình phạt ấn định cách ứng xử. Bằng chứng cho một cách ứng xử không mong muốn có thể biến mất khỏi hiện trường nhưng nó vẫn còn hiện diện ở đó.
Ví dụ trên cho chúng ta thấy giới hạn của hình phạt. Nó chỉ hữu ích trong một vài trường hợp để chận ngay lập tức một cách ứng xử không phù hợp, để bứt cái vòng hư hỏng, để có được yên tỉnh trước khi mất kiểm soát. Nhưng nó không thể thay thế cho cố gắng dạy dỗ, giúp cho trẻ con hiểu lý do và để nó tìm trong con người nó động lực cần thiết để chấm dứt cách “ứng xử không được mong muốn”. Đứa bé được dạy dỗ với sự hỗ trợ của cha mẹ, không uốn nắn đứa bé như làm thuần súc vật.
Đâu là các nguy cơ của quá khoan hòa hoặc ngược lại quá độc tài?
Quá khoan hòa: tôi nghĩ vấn đề này chúng ta đã đề cập đến. Những kinh nghiệm như kinh nghiệm của trường Summerhill (Trẻ em tự do ở Summerhill) đã chứng minh đầy đủ các giới hạn của một giáo dục dựa trên khoan hòa, chú trọng đến tự do của trẻ con. Hội nhập xã hội sẽ gặp khó khăn. Quá độc tài? Chúng ta xem lại những gì chúng ta nói từ đầu. Mọi cố gắng dạy dỗ của cha mẹ là để con cái tự lập. Vì thế điều cần thiết là đứa bé phải xây dựng cho mình một miếng đất riêng, một miếng đất nội tâm để nó có thể suy nghĩ theo cách của nó. Nguy hiểm của việc lạm dụng quyền là biến đứa bé thành con bù nhìn, chỉ biết phản ứng theo lệnh mà không dám suy nghĩ một mình. Lớn lên, đứa bé này sẽ trở thành phiên bản tuân theo các đòi hỏi của cha mẹ, hoặc ngược lại, sẽ là người phản kháng, luôn đả phá quyền uy của cha mẹ dù quyền này chẳng còn, đôi khi còn phải trả giá cho sự tự hủy chính mình.
Jean-Paul Mialet là bác sĩ tâm thần, cựu Trưởng khoa Bệnh lý ở Bệnh viện Thánh Anna và Giám đốc chương trình dạy dọc ở Đại học Paris V. Ông nghiên cứu chính yếu về khả năng tập trung, về đau đớn và gần đây về sự khác biệt giữa các giới.
Marta An Nguyễn chuyển dịch