Vatican Insider – Andrea Tornielli – 11/7/15
Asunción
Giáo hoàng Phanxicô đã gặp cộng đồng dân sự tại sân vận động León Condou, nhắc lại kinh nghiệm của các ‘Cộng đồng thu nhỏ’ do Dòng Tên thiết lập ở mảnh đất này, nhằm phúc âm hóa cho người da đỏ với sự tôn trọng truyền thống và văn hóa của họ.
‘Paraguay được biết đến khắp thế giới là nơi mở ra các ‘Cộng đồng thu nhỏ’. Đây là một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất của phúc âm hóa và tổ chức xã hội trong lịch sử. Tin mừng là linh hồn và sự sống của các cộng đồng này, nơi họ không còn phải chịu nạn đói, thất nghiệp, mù chữ, hay đàn áp.
Kinh nghiệm lịch sử này cho chúng ta thấy rằng, ngay cả ngày nay, vẫn có thể có một xã hội nhân văn hơn nữa. Nơi nào có tình yêu thương con người và ý chí muốn phục vụ, thì nơi đó có khả năng tạo được những điều kiện cần thiết để tất cả mọi người có thể tiếp cận được những nhu cầu thiết yếu, để không một ai bị ngoài lề.’
Các ‘Cộng đồng thu nhỏ’ của Dòng Tên là những trung tâm thị dân nhỏ được dòng lập ở Paraguay, Ecuador, và Chilê. Mục đích là để phúc âm hóa các dân bản xứ, dạy cho họ, đặc biệt là nghệ thuật và âm nhạc, để tạo lập một cộng đồng xã hội Kitô giáo.
Đức Thánh Cha ngỏ lời với Paraguay rằng: ‘Một dân tộc vô tình và không có dấn thân, thụ động chấp nhận những gì đang là, thì đó là một dân tộc chết. Nhưng, ở nơi các bạn, tôi thấy một sức sống và hứa hẹn, Paraguay không chết! Chúa đã luôn luôn chúc lành cho dân tộc này. Chúa luôn luôn bên cạnh những ai góp tay nâng đỡ và cải thiện đời sống của con cái Ngài.’
Để trả lời cho câu hỏi của một thanh niên, giáo hoàng nói:
‘Điều quan trọng là các con, những người trẻ, nhận ra rằng hạnh phúc đích thực đến từ việc làm kiến tạo một thế giới thân ái hơn! Hạnh phúc đích thực đến từ việc nhận ra rằng hạnh phúc và khoái lạc không như nhau. Hạnh phúc mang tính đòi hỏi, cần có dấn thân và nỗ lực. Các con quá sức quan trọng, nên không được thỏa mãn với một kiểu sống mê man mất cảm giác! Paraguay có dân số trẻ rất đông và đây là nguồn lực lớn để làm phong phú cho quốc gia. Vậy nên cha nghĩ rằng điều trước hết phải làm là bảo đảm rằng tất cả sinh lực này, ánh sáng này không lịm dần đi trong lòng các con, và phải chống lại cái tinh thần đang ngày một lên cho rằng khao khát những điều cần đến nỗ lực là vô dụng và ngu ngốc. Hãy tận tâm cho một việc gì đó, cho ai đó. Đừng sợ mạo hiểm. Đừng sợ trao đi cái tốt đẹp nhất của bản thân mình!’
Rồi Đức Phanxicô thúc giục các người trẻ hãy lắng nghe những câu chuyện đời của những người già và ông bà mình: ‘Hãy cứ ‘phí’ thời gian để được nghe đủ mọi sự tốt lành mà các ông bà dạy cho các con.’
Giáo hoàng thúc giục người trẻ hãy thiết thực, đừng có nói mà không làm: ‘Cha cảm thấy dị ứng khi nghe những bài diễn văn đao to búa lớn với rất nhiều từ ngữ mà ngay cả người đang nói cũng tự biết rõ là mình đang nói dối. Chỉ nói không thôi thì chẳng có giá trị gì.’
Nói về các chướng ngại còn cần phải vượt qua, Đức Phanxicô nêu bật ‘đối thoại như những khí cụ để thăng tiến mục tiêu một quốc gia dung nạp hơn. ‘Đối thoại phải được xây dựng trên một sự gì đó. Đối thoại bao gồm và cần có một nền văn hóa gặp gỡ. Một sự gặp gỡ biết rằng sự đa dạng không chỉ là điều tốt, mà còn là điều căn thiết. Vậy nên, chúng ta không thể mở đầu được chuyện gì khi cứ nghĩ là người kia sai lầm. Để tìm kiếm lợi ích chung, thì phải bắt đầu từ chính những khác biệt của chúng ta, không ngừng dành chỗ cho các chọn lựa mới.’
Và Đức Phanxicô nói tự phát, ‘Đối thoại không phải là thương lượng. Nhiều lần nền văn hóa đối thoại có thể có cả xung khắc. Điều này hợp lý và đáng mong muốn. Đây không phải là chuyện chúng ta phải e ngại hay bác bỏ. Nhưng đúng ra, chúng ta được kêu gọi hãy giải quyết nó.
Nền tảng cho gặp gỡ là: tất cả chúng ta chúng ta là anh chị em, là con cùng một Cha trên trời, và mỗi người chúng ta với nền văn hóa, ngôn ngữ, và truyền thống riêng của mình, có rất nhiều điều để đóng góp cho cộng đồng. Các nền văn hóa đich thực không khép kín trong bản thân, nhưng được kêu gọi gặp gỡ các nền văn hóa khác và tạo dựng những thực tế mới. Không có giả định căn bản này, không có nền tảng huynh đệ thân ái này, thật khó để đi đến đối thoại. Nếu ai đó nghĩ rằng có những con người, nền văn hóa, hay vị trí xã hội thứ cấp, hay thuộc tầng lớp thứ ba, thứ tư, thấp hơn nữa … thì chắc chắn mọi chuyện sẽ thật tồi tệ, bởi người ta không có được điều tối thiểu, chính là sự nhìn nhận phẩm giá của người khác.’
Rồi, vẫn nói tự phát, Đức Phanxicô mời gọi mọi người hiện diện hãy tiếp đón ‘tiếng kêu của người nghèo để xây dựng một xã hội dung nạp hơn.’ ‘Chúng ta tất cả đều cần tất cả mọi người. và một phần căn bản trong việc giúp đỡ người nghèo hệ tại ở cách chúng ta nhìn nhận họ. Một cách tiếp cận hệ tư tưởng thì thật vô ích, cuối cùng nó lợi dụng người nghèo cho các lợi ích chính trị hay cá nhân. Các hệ tư tưởng đến tận cùng thật tồi tệ, thât vô dụng. Các hệ tư tưởng liên hệ với con người một cách không trọn vẹn, yếu ớt và xấu xa. Các hệ tư tưởng không đón nhận con người … Các hệ tư tưởng huyênh hoang rằng chúng làm mọi sự vì con người, nhưng lại chẳng làm được gì cả!’ Những lời này có tầm quan trọng rất lớn và cho thấy quan điểm phúc âm hóa của Giáo hoàng khác xa với những dạng lôi kéo của hệ tư tưởng đến thế nào.
Đức Phanxicô tiếp lời, ‘Để thực sự giúp đỡ cho người nghèo, điều trước hết là chúng ta phải thực sự lo cho con người họ, trân trọng sự tốt lành của họ. Và trân trọng họ cũng có nghĩa là sẵn sàng học từ họ. Người nghèo có nhiều điều để dạy chúng ta về nhân cách, sự thiện, và hi sinh. Là Kitô hữu, chúng ta có một lý do nữa để yêu thương và phục vụ người nghèo, là bởi trong họ chúng ta nhìn ra gương mặt và thân thể Chúa Kitô, Đấng đã tự biến mình nên nghèo để làm giàu cho chúng ta bằng sự nghèo của mình … nếu chúng ta không nhìn vào mắt của người mà chúng ta cho tiền, thì chính là chúng ta không biết cảm kích họ. Chúng ta phải tôn trọng người nghèo và không bao giờ được lợi dụng họ để xoa dịu lương tâm mình. Hãy trân trọng người nghèo vì giá trị đích thực của họ.’
Đức Phanxicô kết rằng, ‘Mọi quốc gia cần tăng trưởng kinh tế và tạo của cải, cho mỗi một công dân của mình, không loại trừ ai. Việc tạo nên của cải này phải luôn luôn phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải cho một số người. Tôi mong các bạn đừng phục tùng một kiểu kinh tế thờ ngẫu tượng đang hi sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc và lợi nhuận. Trong các nền kinh tế, kinh doanh và chính trị, điều trước hết và trên hết chính là con người, và môi trường mà con người đang sống.’
Đức Phanxicô quay qua các chính trị gia (tổng thống cũng có ở đó) mà nói tự phát: ‘Với các chính trị gia đang hiện diện, tôi muốn nói một lời thân tình rằng: trên đường đến đây, tôi được nghe kể về một người vừa mới bị quân đội ‘bắt cóc’ … Tôi không biết chuyện này có thật hay không, nhưng tất cả những gì tôi nói là, đây là một phương pháp của các chế độ độc tài thế kỷ trước, gạt con người sang một bên, đàn áp họ, hay đẩy họ vào các trại tập trung, như Phát xít đã làm vậy …’ Một điều nữa, tôi muốn nói là,
một phương pháp không cho con người tự do để thực thi trách nhiệm của mình trong xã hội, thì đó chính là sự cưỡng ép, là tống tiền, kiểu như: bạn phải làm điều này để có được điều kia. Cưỡng ép như thế cũng là tham nhũng. Và tham nhũng là mưng mủ thối nát của một dân tộc.’
Trước khi dâng lời cầu nguyện, Đức Phanxicô kết rằng, ‘Điều tệ nhất các bạn có thể làm khi rời nơi này, là nói với nhau rằng: giáo hoàng nói về chuyện này chuyện kia chuyện nọ… mà lại không nhận ra được rằng những lời này là nói cho bạn đó.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch