Radio Vatican, 2015-06-24
Linh mục Thierry Dourland, Dòng Salêsiêng, phụ trách một hội bảo trợ ở ngoại ô Torino tuyên bố: “Tôi thấy trên gương mặt ngài nét bình an mà chúng ta thường thấy trên gương mặt các thánh.”
Chúa nhật 21 tháng 6, ngày đầu tiên trong chuyến đi Torino, Đức Phanxicô đã gặp nhiều đoàn thể, nhiều tầng lớp giáo dân vùng Piémont: các người lao động, người trẻ, người bệnh, người khuyết tật, người nghèo, các tu sĩ Dòng Salêsiêng. Ngài đã có những lời nói mạnh khi ngài kêu gọi không được xem người di dân là những “món hàng”, khi ngài lên án thêm một lần nữa “xã hội của phế thải” hoặc khi ngài nói chuyện với gia đình Salêsiêng nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Gioan Bosco, ngài nhắc họ có “cùng thách thức” với tông đồ của người trẻ: “Đi đến với các em trẻ bị bỏ rơi”. Linh mục Thierry Dourland, Dòng Salêdiêng, người phụ trách một hội bảo trợ ở vùng ngoại ô Torino đã thật sự xúc động khi gặp Đức Phanxicô. Cha nói với nữ ký giả Hélène Destombes của Đài Vatican.
“Nét bình an mà chúng ta thấy trên gương mặt các thánh”
Linh mục Thierry Dourland vui vẻ nói: “Đức Phanxicô không sợ mất thì giờ với chúng tôi. Chúng tôi ở trong nhà thờ rất đông, nhưng ngài đi suốt dọc nhà thờ để bắt tay, trao đổi một lời, một chữ với từng người một. Tôi thật sự thấy ngài quan tâm đến mọi người, ngài có vẻ như rất thoải mái với anh em Dòng chúng tôi. Tôi thấy trên gương mặt ngài nụ cười, nét bình an mà chúng ta thường thấy nơi các thánh, những người ở trong Bình an của Chúa, chúng tôi thấy rõ điều này. Và đó là điều đã đánh động tôi rất mạnh.”
Lời kêu gọi người trẻ dấn thân cho người nghèo
Linh mục nhấn mạnh: “Thành phố Torino như một Giáo hội bên cạnh người nghèo, thêm một lần nữa, Đức Phanxicô nhắc các người trẻ phải dấn thân như các thánh thời thế kỷ thứ 18 để ở trong xã hội, trong văn hóa, để giúp những người bị bỏ quên, nhất là những người còn nhỏ, ở bên cạnh các em; đối với chúng tôi, lời kêu gọi này là lời kêu gọi đầy hy vọng và cũng là sứ mạng mà thêm một lần nữa được nhắc lại cho thành phố này”.
“Chúng tôi phải ở bên cạnh các người trẻ, với những người sẽ đến đây, dù thành phố Torino đã đón tiếp rất nhiều di dân nhưng chúng tôi phải mở thêm cửa để đón họ, cha Dourland cho biết. Đó là điều tốt đối với chúng tôi khi Đức Giáo hoàng nói những lời này với giới trẻ vì các em có rất nhiều gương trong đời sống của các em, rất nhiều người trong Giáo hội ở địa phận Torino cũng hành động như vậy. Bây giờ có thêm Đức Phanxicô, ngài khuyến khích các người trẻ quan tâm đến tất cả những chuyện này.”
Thánh Gioan Bosco, một di sản quý giá cho toàn Giáo hội
Ngày nay chúng ta đang ở trong cơn khủng hoảng mà mọi người lên án và Đức Giáo hoàng nói: “Anh chị em phải sẵn sàng tiếp tục giáo dục dù đang ở trong tình trạng khủng hoảng này, chúng ta có Thánh Gioan Bosco, ngài là gương mẫu của chúng ta.” Linh mục Dourland nói thêm: “Đức Giáo hoàng nói với gia đình Salêsiêng, Thánh Gioan Bosco là ơn cho toàn Giáo hội”. Đức Phanxicô đã đến viếng mồ Thánh Gioan Bosco, ngài mang hoa đến, quỳ trước mồ và nói: ‘Anh chị em có một gia tài, một gia tài đã được giao phó cho anh chị em, một gia tài cho toàn Giáo hội; 200 năm sau, chúng ta phải lên đường lại, phải bắt đầu lại với một đà vươn lên mới’”. Linh mục Dourland cho biết: “Lời của Đức Phanxicô đã khuyến khích chúng tôi rất nhiều”.
Đức Phanxicô về đất mẹ của mình
Linh mục Dourland thố lộ tiếp: “Trong bài giảng buổi sáng, khi Đức Giáo hoàng vừa đọc vài hàng bài thơ của một thi sĩ người Piémont, (…) ngay lập tức giáo dân vỗ tay reo hò vì họ thấy ngài biết họ, biết đất mẹ của họ. Giáo dân không thể kềm được lòng hân hoan! Chúng tôi thấy thật sự ngài đúng là người con của vùng chúng tôi. Các giám mục địa phận Piémont nói cho chúng tôi biết, khi họ đến gặp ngài ở Vatican, ngài chào họ bằng tiếng Piémont: “Cerea”. Ngay lập tức họ thấy ngài thương đất mẹ và hiểu lòng giáo dân Torino như thế nào. Tôi thấy ai cũng vui khi được gặp ngài trong thành phố của mình, người lớn, các tu sĩ nhưng nhất là nơi các em trẻ”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch