Đức Phanxicô nhìn qua lăng kính của Arnaud Bédat

730

Đức Phanxicô nhìn qua lăng kính của Arnaud Bédat

jurapastoral.ch, Pascal Tissier, 06-03-2015

bedat 1

“Ai cũng phải lòng giáo hoàng”

Ngày thứ năm 28 tháng 5 vừa qua, ký giả phóng viên Arnaud Bédat được mời đến Trung Tâm Thánh Phanxicô để kể kỷ niệm ngày 13 tháng 3 năm 2013 khi ông có mặt ở Rôma lúc đó, lúc hồng y Jorge Bergoglio lên ngôi giáo hoàng và điều gì đã thúc đẩy ông viết quyển sách “Phanxicô, người Argentina”, một quyển sách mà các nhân chứng kể lại tiến trình của giáo hoàng ngoại hạng đã làm cho cả thế giới thích thú.

Ngày thứ tư 6 tháng 8-2014 ở Vatican: khi Phanxicô người Argentina nhận quyển sách “Phanxicô, người Argentina” từ tay của tác giả...
Ngày thứ tư 6 tháng 8-2014 ở Vatican: khi Phanxicô người Argentina nhận quyển sách “Phanxicô, người Argentina” từ tay của tác giả…

“Đúng, mọi người đều phải lòng giáo hoàng. Trong những lần ngài xuất hiện ở Quảng trường Thánh Phêrô, giáo dân gào thét, la hét, khóc lóc, có khi còn ngất xỉu, ngài y như một “ngôi sao nhạc rock” lạc giữa fan của họ. Chuyện chưa bao giờ thấy ở Vatican!” Ngồi trong một góc bàn, đối diện với mấy chục khán giả trong một phòng của Trung Tâm Thánh Phanxicô ở Delémont, ký giả Arnaud Bédat nhắc đến giáo hoàng… giáo hoàng “của ông”, “Phanxicô người Argentina” như ông đã đặt tựa cho quyển sách của mình, xuất bản vừa đúng một năm và là một thành công trong giới xuất bản. Trong hơn một giờ, ký giả của tỉnh Porrentruy kể động lực nào đã thúc đẩy mình đi Ý, đi Argentina nhiều tuần lễ: “Sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, tạp chí ‘L’Illustré’ gởi tôi đi Rôma để tường thuật về mật nghị. Trong tiệm ăn có các ký giả Thụy Sĩ, các ông Darius Rochebin và André Kolly, mọi người đều nói tiên đoán của mình. Ai cũng có người mình yêu thích riêng. Tôi đưa ra một danh sách và làm cho cả bàn cười: các bạn quên Bergoglio à? Mọi người xem tôi là thằng điên, vậy mà chiều hôm sau ngài là Giáo hoàng Phanxicô.”

Arnaud Bédat ở sân thượng của Trung tâm Thánh Phanxicô ở Delémont
Arnaud Bédat ở sân thượng của Trung tâm Thánh Phanxicô ở Delémont

Không có một ghi chú nào trong tay, Arnaud Bédat tự phát kể hết giai thoại này qua giai thoại khác: “Chiều 13 tháng 3-2013, tôi đứng dưới ban công, bên cạnh các người Ý, khi họ nghe tên tân giáo hoàng, họ reo lên: “A! Một người Ý!” tôi không nói cho bạn nghe sự tuyệt vọng của họ như thế nào khi tôi cho họ biết Bergoglio là người Argentina”.

Một đất nước ăn mừng

Ngày hôm sau ngày bầu chọn, Arnaud Bédat bay đi Buenos Aires, thành phố đã biến đổi nhờ đà nhiệt huyết này: “Ở đó có một lòng sốt sắng lạ lùng, như thử cả dân tộc đứng đàng sau lưng giáo hoàng”. Để hoàn thành bài viết của mình, ký giả đã gặp các người thân, láng giềng và bạn bè của Đức Giáo hoàng: “Tất cả đều hạnh phúc nhưng họ khóc. Họ buồn vì nghĩ “hồng y” của họ không bao giờ về lại Argentina”. Dĩ nhiên người em gái của Đức Giáo hoàng bị báo chí ‘quản thúc’ ngay, nhưng ký giả Bédat cũng đến và cũng được bà tâm tình: “Từ đó tôi gặp bà lại nhiều lần. Bà biết tôi, tôi là người tặng bà sôcôla Thụy Sĩ.”

Arnaud Bédat với Liu Ming, người châm cứu cho Đức Giáo hoàng
Arnaud Bédat với Liu Ming, người châm cứu cho Đức Giáo hoàng

Sau khi đăng bài viết của mình, ý tưởng gom lại các lời chứng để làm một quyển sách cứ lởn vởn trong đầu ông. Với sự trợ giúp của nhà xuất bản Flammarion, Arnaud Bédat quay lại Argentina. Từ tháng bảy đến tháng chín 2013, ông sẽ gặp hoặc gặp lại tất cả các nhân vật của hành tinh Bergoglio: em gái, các cháu, các người bạn trung thành và các bạn khác, từ người may áo đến người săn sóc bàn chân, từ anh thợ kim hoàn, thợ giày, người châm cứu hay người bán báo. Như một nhà điều tra, trong hơn hai tháng Arnaud Bédat đi theo vết chân Bergoglio đã để lại: ông thu thập tài liệu, lục lọi thư khố, đi thăm các nơi chốn, sắp xếp lại các câu chuyện lớn nhỏ chứng tỏ cho thấy trước khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã làm thay đổi nhiều cuộc đời: “Ngài dùng lại và làm thích ứng lại các bài giảng cũ của mình. những gì ngài đã làm, đã nói ở Argentina thì bây giờ ngài nói và làm cho thế giới”.

Ở Vương cung thánh đường San Jose, Buenos Aires, tòa giải tội danh tiếng nơi thanh niên trẻ Bergoglio 17 tuổi nhận ra ơn gọi của mình. bây giờ đây là một nơi tôn kính
Ở Vương cung thánh đường San Jose, Buenos Aires, tòa giải tội danh tiếng nơi thanh niên trẻ Bergoglio 17 tuổi nhận ra ơn gọi của mình. bây giờ đây là một nơi tôn kính

Đức Giáo hoàng đến Porrentruy?

Ngay khi ra đời, quyển sách “Phanxicô, người Argentina” đã ở trong danh sách các sách bán chạy của các nhà sách. Bây giờ giữa hai phóng sự cho báo “L’Illustré”, Arnaud Bédat theo dõi thời sự Vatican hàng ngày: chỉ cần đọc trang Twitter hay trang Facebook của ông thì rõ.

Ở Buenos Aires, Arnaud Bédat với Gustavo Vera, người bạn rất thân của giáo hoàng...
Ở Buenos Aires, Arnaud Bédat với Gustavo Vera, người bạn rất thân của giáo hoàng…

Thứ năm vừa qua, sau phần nói chuyện đến phần đặt câu hỏi, trong số các câu hỏi có một câu khá đặc biệt: “Ông có nghĩ đến việc mời Đức Phanxicô đến Jura không?” Gương mặt của ký giả bỗng sáng lên! “Từ khi bầu chọn ngài đến nay, tôi có về lại Rôma, nhất là vào tháng 10 vừa qua trong dịp Thượng Hội đồng về Gia đình. Trong những ngày ở lại đây, tôi bắt liên hệ, làm quen nhiều người và tôi có thể nói với ông dự trù mời giáo hoàng đến Porrentruy không phải là ngông cuồng như mình nghĩ đâu. Người Argentina họ rất biết ơn Hội Hồng Thập Tự, không phải là chuyện không tưỏng khi nghĩ có một ngày giáo hoàng sẽ đến trụ sở Hội đồng Quốc tế Hồng Thập Tự (Comité international de la Croix-Rouge, CICR) ở Genève, tại sao không, rồi ghé Ajoie để cử hành Thánh lễ ngoài trời trên cánh đồng Courtedoux.”

Theo Arnaud Bédat, một hội đồng do ông François Lachat và vài nhà hảo tâm đã được thành lập: “Họ đã gặp và đã được sự hỗ trợ của giám mục Felix Gmür, địa phận Bâle, giám mục phụ tá Denis Theurillat và hồng y Kurt Koch, cựu giám mục địa phận Bâle, bây giờ ngài ở Rôma làm chủ tịch Hội đồng giáo hoàng cổ động cho sự hợp nhất Kitô hữu. Tôi không biết dự trù này có thành tựu không nhưng tôi tin, với Đức Phanxicô không có gì là không thể được.”

Arnaud Bédat cho biết mình theo thuyết bất khả tri, nhưng giống như tất cả những ai đã gần Đức Giáo hoàng ngoại hạng này, ông cũng đã phải lòng ngài. Nếu không, tại sao ông lúc nào cũng mang tượng Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt trong mình, tượng mà Đức Phanxicô rất sùng kính? “Đúng, ngài làm cho tôi muốn tin. Đức Phanxicô là người ở đúng lúc, đúng nơi và… đúng người! Tôi nghĩ đó là giáo hoàng đầu tiên người ta sẽ trao Giải Nobel hòa bình. Tôi cá như vậy!”

Tháng 6-2014 trong một tiệm sách ở Lisbonne, quầy của ấn bản Bồ Đào Nha của “Phanxicô, người Argentina”
Tháng 6-2014 trong một tiệm sách ở Lisbonne, quầy của ấn bản Bồ Đào Nha của “Phanxicô, người Argentina”

Marta An Nguyễn chuyển dịch