Gắn bó bất thường – Sai trái đạo đức hay cuộc vật lộn với sinh lực thần thiêng
Ronald Rolheiser, 25 Tháng Năm 2015
Ngòi bút thiêng liêng trứ danh, Henri Nouwen, không giấu diếm gì về việc cha quá nhạy cảm về mặt tình cảm, và đã chịu những ám ảnh xúc cảm, đôi khi đến mức trầm cảm lâm sàng. Henri Nouwen, một người khấn độc thân khiết tịnh, nhiều lần đã đơn thuần là bị chế ngự bởi cảm giác đang yêu một người không cách nào với tới được, và khiến cha trở nên tê liệt tâm lý đến mức cần đến sự hỗ trợ chuyên khoa.
Nhưng, với đức tính trung thực và đời sống minh bạch của cha, người ta hầu như không thể quy cho cha là một người sai trái về mặt đạo đức, cho dù đôi khi có lơi chân về mặt cảm xúc. Đơn giản là có những lúc cha không thể giữ mình trước sự nhạy cảm xúc cảm quá đỗi.
Hầu hết những người nhạy cảm đều chịu đựng một sự tương tự như vậy, dù không dữ dội như trường hợp của Henri Nouwen. Hơn nữa, những dạng ám ảnh xúc cảm này tác động đến toàn bộ cuộc đời chúng ta, bao gồm cả đời sống luân lý và tôn giáo. Những gì chúng ta làm trong cơn đau và tê liệt của ám này, hiếm khi là chuyện cho chúng ta tự hào, và cũng càng không phải là một hành động tự ý. Bị giữ chặt trong những ám ảnh xúc cảm, chúng ta không thể suy nghĩ tùy ý, cầu nguyện tùy ý, hay quyết định được điều gì tùy theo ý mình, và chúng ta có xu hướng hành động cưỡng bách theo những cách thức không hợp đạo đức. Vậy thì hành động của chúng ta có tính luân lý thế nào?
Các ngòi bút thiêng liêng kinh điển đã nói về một sự mà họ định danh là ‘gắn bó bất thường’ và với họ, những ‘gắn bó bất thường’ này là một sai lỗi luân lý, một điều mà chúng ta cần phải kiểm soát bằng sức mạnh ý chí. Tuy nhiên, ‘gắn bó bất thường’ có một mức nghĩa rộng. Theo các nhà linh đạo kinh điển, chúng ta có thể gắn bó một cách bất thường với danh vọng, với vẻ ngoài của mình, với tiền bạc, quyền lực, lạc thú, tiện nghi, của cải, tình dục, và cả một lô một lốc những thứ khác nữa. Họ thấy đây là sự đối nghịch với đức tính từ bỏ. Và do bởi nó đối lập với một nhân đức, nên ‘gắn bó bất thường’ là một tính xấu, một sai lầm luân lý và thiêng liêng.
Nhưng có thể nói ra rất nhiều điều tích cực từ quan điểm này. Thông thường, thì việc thiếu tính từ bỏ, là một sai sót đạo đức. Nhưng có lẽ, có một ngoại lệ. Một gắn bó bất thường, cũng có thể là một ám ảnh xúc cảm với người khác, và điều này khiến cho vấn đề luân lý ở đây trở nên rối rắm mơ hồ. Thường thì, các ám ảnh, không phải là do chúng ta tự ý chọn lấy cũng không phải trong tầm kiểm soát của ý chí, hay ít nhất là cảm xúc. Giáo lý và các sách thần học của chúng ta thường dạy rằng: Chúng ta có trách nhiệm với hành động của mình, nhưng không có trách nhiệm về cảm giác của mình. Cảm xúc như con ngựa bất kham, chúng lồng lên khi muốn, và không dễ gì để thuần hóa.
Do đó, tôi tin rằng, khái niệm ‘gắn bó bất thường’ trong linh đạo kinh điển, cần được thêm vào một điều nữa. Ví dụ như, ngày nay chúng ta nói về ‘ám ảnh’ và ai cũng biết ám ảnh mạnh mẽ và gây tê liệt đến mức nào. Bạn không thể muốn hay quyết định mình không bị ám ảnh được. Nhưng, đây là một sai trái đạo đức hay sao?
Đôi khi chúng ta nói về ‘quỷ ám’ và điều này cũng có nhiều nghĩa. Chúng ta có thể bị ám bởi một thế lực vượt quá chúng ta, áp đảo ý chí của chúng ta, và đó có thể là ma quỷ hay một chứng nghiện quá độ như nghiện rượu hay thuốc phiện. Hầu hết chúng ta không bị chế ngự, nhưng mỗi người chúng ta đều phải chiến đấu với những con quỷ của mình, và ranh giới giữa ám ảnh và bị ám, đôi khi rất mỏng manh.
Hơn nữa, các nhà tâm lý học nguyên hình ngày nay có nói về một sự mà họ gọi là ‘quỷ quái’ nghĩa là họ tin rằng để giải thích hành động của chúng ta, thì không chỉ hạn chế trong tự nhiên và giáo dưỡng, nhưng còn là ‘thiên thần’ và ‘ác quỷ’ quyền lực bên trong chúng ta, vốn không ngừng ám ảnh thân xác và tâm trí chúng ta, khiến chúng ta bị ám ảnh và bị cầm cương kinh niên. Nhưng những ‘quỷ quái’ này cũng thường là cội rễ sáng tạo của chúng ta, và đó là lý do vì sao chúng ta thường thấy (trong hành văn của Michael Higgins) ‘các thiên tư bị đày đọa’ trong những người đạt được thành tựu cao, người lãng mạn, những người có khí chất nghệ sỹ, và những người như Van Gogh hay Nouwen, do một ám ảnh đè nén, mà đã cắt tai của mình hay phải đi viện chữa trị.
Vậy điểm nhấn ở đây là gì? Chính là một hiểu biết sâu hơn về bản thân và người khác. Chúng ta không được quá hoang mang trước những chuyện đôi khi xảy đến trên thế giới hay trong bản thân mình. Chúng ta là những tạo vật hoang dại, bị ám ảnh, và phức tạp, mà sự phức tạp này không bắt rễ chính từ sự dữ bên trong chúng ta. Đúng hơn, sự phức tạp này bắt rễ từ điều thâm sâu nhất trong chúng ta, cụ thể chính là, hình ảnh giống với Thiên Chúa. Chúng ta là những linh hồn bất diệt đang du ngoạn trong một thế giới hữu diệt. Các ám ảnh là một phần tất yếu. Trong thần thoại cổ, các nam thần và nữ thần thường không kìm nổi tình yêu với con người, nhưng người cổ đại tin rằng chính tình yêu này là nơi thần thiên và nhân trần hội ngộ. Vẫn là như vậy, sự thần thiêng trong chúng ta, đôi khi cũng vô vọng phải lòng một phàm nhân khác. Tất nhiên, điều này không là cớ để chúng ta chối tội khi cứ chiều theo cảm tính, nhưng đây là một nhắc nhở cho chúng ta rằng sự nhạy cảm xúc cảm không phải là một sai trái đạo đức cho bằng là sự gặp gỡ giữa thần thiêng và nhân trần.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch