America Mag | Kevin Clarke | 20-5-2015
Trong những ngày qua, vừa có một bước nhỏ nhưng quan trọng hướng đến chấm dứt đau khổ của người Hồi giáo Rohingya đang phải trôi nổi trên biển Andaman. Đáp lại chỉ trích quốc tế về các quyết định trước đây là quay lưng với các thuyền chật kín người Rohingya cập bến nước mình, các quốc gia lớn ở Đông Nam Á là Malaysia và Indonesia đã đồng ý chấp nhận người tị nạn tạm thời trong vòng 1 năm. Các quốc gia này lên kế hoạch họp chung vào cuối tháng này nhằm thảo luận các cách tiếp cận giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya và nạn buôn người giữa các quốc gia lân cận.
Chỉ trong tuần qua, các tàu chật kín những người đang đói lả và kiệt quệ, thuộc dân Rohingya, một sắc dân thiểu số bị đàn áp nặng nề đang tìm cách thoát khỏi Myanmar, khi cập bến 2 nước này, đã bị buộc phải trở lại vùng biển, nơi vô số người phải bỏ mạng, có cả trẻ em và phụ nữ. Việc từ chối những người tìm kiếm chỗ lưu vong ở đường biên giới, dù là biển hay đất liền, là một sự vi phạm nguyên tắc không trả ngược, nghĩa là không trục xuất những người có quyền được quốc tế bảo vệ. Chris Lewa, trưởng Dự án Arakan, đã giám sát các hoạt động của người Rohingya trong hơn 10 năm qua, cho biết có khoảng ‘8000 người Rohingya và Bangladesh đang tìm kiếm tị nạn, có thể bị kẹt trên tàu ở eo biển Malacca,’ không thể cập được vào bờ biển Malaysia và Thái Lan. Tờ New York Times cho biết tổng con số người đang lênh đênh trên biển có thể lên đến 20 ngàn người.
Cha Bambang A. Sipayung S.J giám đốc hiệp hội Phục vụ Tị nạn Châu Á Thái Bình Dương của Dòng Tên cho biết, ‘Sự hiếu khách và tình đoàn kết là hai giá trị nhân văn nguyên tắc, được phát triển qua phản ứng nhân văn và đồng hành với những người bị loại ra ngoài rìa xã hội. Đây là lúc chúng ta nhận lấy thách thức bảo vệ mạng sống của những người đang phải chịu đau khổ ghê gớm.’ Cảnh ngộ của người Hồi giáo Rohingya, mới được dư luận quốc tế chú ý đến trong tháng này, khi họ bị buộc phải tiếp tục lênh đênh trên biển vì bị từ chối không cho lên bờ ở Thái Lan, Indonesia, và Malaysia. Các viên chức Thái Lan cho biết họ đã bổ sung nước uống và thực phẩm cho các nạn dân, nhưng các tấm ảnh về tình trạng thảm thương của các dân tị nạn lênh đênh trên biển cho thấy tình hình của họ đang thực sự bị đe dọa đến tính mạng.
Sự thay đổi của người Thái và Malaysia, được Hoa Kỳ tán đồng, và theo lời phát ngôn viên Marie Harf, Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ các nước Đông Nam Á giải quyết cuộc khủng hoảng này. Bà Harf thêm rằng Hoa Kỳ cũng sẵn sàng chấp nhận cho người Rohingya tị nạn, góp phần vào nỗ lực quốc tế. Bà cho biết từ 01 tháng 10, Hoa Kỳ đã nhận hơn 1000 người Rohingya.
‘Tôi nghĩ Malaysia và Indonesia đã yêu cầu giúp đỡ về việc tái định cư cho những người này. Chúng tôi đang xem xét cẩn thận đề nghị này. Đây phải là một nỗ lực giữa nhiều quốc gia. Rõ ràng, chúng ta không thể tự làm việc này. Nhưng chúng tôi sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực này.’
Một sự đảo ngược đáng kinh ngạc từ chính Myanmar, khi mới đây phát ngôn viên của nhóm đối lập chính trong nước, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ [NLD], hôm 19-5, đã yêu cầu các quan chức Myanmar giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo này bằng cách cho người dân Rohingya một điều mà từ lâu họ bị chối bỏ, đó là quyền công dân.
Trong buổi phỏng vấn với tờ The Independent của Anh quốc, ông U Nyan Win của NLD cho biết, ‘Vấn đề này cần phải được giải quyết bằng luật pháp. Cần phải sửa đổi luật. Sau 1 hay 2 thế hệ [cư trú] họ phải có được quyền công dân.’
Tuyên bố này là một hành động dứt khoát nhằm phá vỡ sự thinh lặng của đảng đối lập về vấn đề này. Cả NLD, và lãnh đạo của mình, người đoạt giải Nobel Hòa bình, Aung San Suu Kyi, đều bị chỉ trích vì sự dè dặt không chịu đưa ra lập trường vì nhân quyền đối với vấn đề được xem là dễ gây kích động trong nước này. Nhiều người ở Myanmar xem người Rohingya là đáng sợ và đáng ngờ, những cảm giác đôi khi dẫn đến sự đàn áp bạo lực đối với người Rohingya, do tay các lãnh đạo Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc.
Nói với AFP, ông U Nyan Win cho biết, ‘Nếu người Rohingya không được chấp nhận là công dân, thì cũng không thể đẩy họ xuống sông. Không thể cứ đẩy họ ra biển. Họ là con người. Tôi thấy họ là con người có các quyền con người.’ Với cuộc tổng bầu cử vào tháng 10 tới, chúng ta sẽ sớm thấy, NLD sẽ có vị thế hay phải trả giá thế nào, vì lập trường mới về nhóm thiểu số bị đàn áp này.
Phi Luật Tân đã tuyên bố rằng sẽ nhận khoảng 3000 người tị nạn Rohingya. Bộ trưởng Truyền thông Phi Luật Tân, ông Herminio Coloma, cho biết, ‘Chúng tôi sẽ tiếp tục phần việc của mình để cứu lấy mạng sống của nhiều người,’ và ông thêm rằng vào những năm 1970, người dân Phi đã chào đón các ‘thuyền nhân’ trốn khỏi Việt Nam sau chiến thắng của Cộng sản ở Nam Việt. Ông nói rằng Phi Luật Tân sẵn sàng nhận lấy các bổn phận của mình chiếu theo thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc vào năm 1951 về người tị nạn, đòi buộc các chính quyền ‘cung cấp hỗ trợ và cứu trợ cho những người bị buộc phải rời bỏ quê hương mình do bởi xung đột.’
Cha Socrates Mesiona, điều hành toàn quốc của Hội Truyền giáo Giáo hoàng ở Phi Luật Tân, đã ủng hộ quyết định này của chính phủ. ‘Trách nhiệm của chúng ta là chào đón những người này. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ chào đón họ và cố gắng bảo đảm cho họ một cuộc sống tươm tất. Họ là con người, và là con cái Thiên Chúa, được tạo ra theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Việc họ là người Hồi giáo không gây ra bất kỳ vấn đề gì và cũng không thay đổi tình trạng này. Như lời Tin mừng dạy, chúng ta sẵn sàng chào đón họ với lòng hiếu khách.’
Đây sẽ là một sự thay đổi tuyệt vời với người Rohingya. Nhiều người đã lênh đênh hàng tháng trời trên biển Andaman và Vịnh Bengal, sau khi nhiều lần bị các chính quyền sở tại khước từ không cho cập bến. Các nạn dân đang phải chạy trốn tình hình ở Myanmar, nơi họ phải đối mặt với sự vi phạm các quyền căn bản của con người. Trong những năm gần đây, cộng đồng Hồi giáo thiểu số thường là mục tiêu bạo lực của cộng đồng Phật giáo đa số. Các chính phủ Myanmar, kể cả chính phủ hiện nay dưới quyền Thein Sein, đều áp dụng luật công dân 1982, trong đó loại trừ người Rohingya khỏi danh sách 135 sắc tộc trong nước, và khước từ quyền công dân đối với tộc người này. Các viên chức Myanmar xem nhóm sắc tộc này là ‘người Bengal’ và nhất quyết rằng họ đã nhập cư trái phép từ Bangladesh, cho dù hầu hết người Rohingya đã sống ở đất nước này qua nhiều thế hệ.
Người Rohingya là nhóm sắc tộc thiểu số với phần lớn là người Hồi giáo, theo truyền thống Sunni pha lẫn Sufi. Ước tính khoảng 800 ngàn đến, 1.3 triệu người Rohingya sống ở bang Rakhine phía tây Myanmar, và thêm 1 triệu nữa rải rác khắp Ả-rập Saudi, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Malaysia và các nơi khác. Hơn 140 ngàn người Rohingya ở Myanmar bị buộc phải vào sống trong các trại tập trung, vào những năm 2012 do các xung đột sở tại, và hơn 120 ngàn người đã trốn ra đường biên giới Myanmar/Bangladesh để chạy trốn bạo lực, đàn áp, và sự khó khăn kinh tế. Liên hiệp quốc đã xem người Rohingya là một trong những nhóm thiểu số bị đàn áp trên thế giới.
Bảo tàng Tưởng niệm thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã của Hoa Kỳ đã cho ra báo cáo hồi đầu tháng này với tiêu đề ‘Họ muốn tất cả chúng tôi biến đi: Những dấu hiệu sớm cảnh báo cuộc diệt chủng ở Miến Điện.’ Báo cáo này cho biết người Rohingya là đối tượng của các bài diễn thuyết mang tính hận thù phi nhân, các xâm hại thân thể, sự tách ly, điều kiện sống kinh khủng, các hạn chế về di chuyển, bị cướp của sung công, các xâm hại tình dục, tùy ý bị bắt giam, bị hạn chế quyền bầu cử, mất quyền công dân, bị bóc lột và đủ loại vi phạm quyền con người khác nữa.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch