CNA – 08-5-2015
Hôm thứ năm, Giáo hoàng Phanxicô đã thúc giục các Kitô hữu ở Mali, quốc gia tây Phi, hãy làm chứng tá mạnh mẽ cho gia đình, và thúc giục các giám mục ở đây hãy chú tâm đặc biệt hơn nữa cho tình trạng của phụ nữ nước này.
Hôm thứ năm 07-5-2015, Đức Phanxicô đã nói với các giám mục Mali đến Roma trong chuyến ad limina [các giám mục cứ 5 năm một lần, sẽ đến Roma, viếng mộ hai thánh tông đồ, và gặp ĐGH] rằng, ‘Chứng tá Kitô hữu trong gia đình vẫn cần phải chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong bối cảnh văn hóa của các bạn, nơi nạn li hôn và đa hôn đang còn hằn đậm, thì người Công giáo được kêu gọi hãy tuyên xưng một cách cụ thể, qua chứng tá của mình cho Tin mừng sự sống và gia đình.
Tôi cũng khuyến khích các bạn tiếp tục công tác mục vụ của mình, dành sự chú tâm đặc biệt cho hoàn cảnh của phụ nữ: thăng tiến vai trò của phụ nữ trong xã hội. Mà đấu tranh chống lại những xâm hại và bạo lực với phụ nữ cũng là loan báo Tin mừng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chọn sinh ra từ cung lòng một người nữ, Đức Trinh nữ Maria.’
Nạn buôn người và cắt xẻo âm hộ cũng là các thách thức lớn ở quốc gia vùng Sahara này.
Giáo hoàng Phanxicô mở đầu bài nói chuyện của mình bằng những lời ‘hướng về thân thể Chúa Kitô trong tình trạng nhạy cảm mà quốc gia các bạn đã đối diện trong những năm qua.’
Trong khi 90% người Mali theo Hồi giáo, 5% thiểu số theo Kitô giáo và 5% còn lại theo các tôn giáo Phi châu truyền thống, thì quốc gia này từ lâu đã có một sự đa nguyên lành mạnh, và có một chính phủ thế tục. Tuy nhiên, từ năm 2012, xuất hiện xung đột vũ trang ở miền bắc Mali, mở đầu với người Tuareg đòi li khai, nhưng rồi kéo theo sự can thiệp của người Hồi giáo, vốn từng kiểm soát đất nước này cho đến khi bị nước Pháp can thiệp.
Giáo hoàng nói rằng, xung đột này nhiều lần ‘xói mòn sự đồng hiện diện giữa các mảng khác nhau trong xã hội, cũng như xói mòn sự hòa hợp giữa mọi người nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau trên mảnh đất Mali, với quá khứ huy hoàng, cùng những truyền thống đáng trọng đầy khoan dung và gắn kết. Tôi cảm ơn Hội đồng Giám mục các bạn vì đã biết gìn giữ tinh thần đối thoại liên tôn trong bối cảnh nhạy cảm ngày nay.
Và một ví dụ hùng hồn là sự dấn thân chung của các Kitô hữu và người Hồi giáo nhằm bảo vệ kho báu văn hóa của Mali, đặc biệt là các thư viện lớn ở Timbuktu, một di sản của nhân loại. Khi các bạn trở về, tôi hi vọng các bạn sẽ cho mọi người thấy sự đồng lòng của tôi, không chỉ với các tín hữu, nhưng còn là với các công dân đồng bào thuộc mọi tầng lớp xã hội và tôn giáo, mọi người thiện tâm đang đấu tranh chống lại bất dung và loại trừ.’
Giáo hoàng cũng cảm ơn các Kitô hữu, khi đối điện với xung đột , đã và đang ‘loan truyền văn hóa đoàn kết và hiếu khách’ cung cấp giáo dục và hòa giải ‘mà không màng đến khác biệt sắc tộc hay tôn giáo.’
Tình trạng hiện nay cũng kêu gọi các Kitô hữu ‘hãy làm chứng hơn nữa cho đức tin của mình, một đức tin được xây dựng trên việc theo đuổi vô điều kiện các giá trị Tin mừng.’ Đức Phanxicô cũng nói đến những nỗ lực của các giám mục nhằm thực thi đức tin này, qua việc dịch Kinh thánh sang tiếng bản xứ, cũng như chuẩn bị các bài giáo lý căn bản. Giáo hoàng nói rằng, ‘nhờ sự giáo dục vững vàng, đời sống của các tín hữu bén rễ sâu hơn trong đức tin và được củng cố vững vàng hơn khi đương đầu với mọi mối đe dọa.’
Giáo hoàng Phanxicô nhận định rằng, ‘bất chấp các vấn đề nghiêm trọng phải đối mặt, Giáo hội Mali đã cho thấy động năng tuyệt vời của mình trong công cuộc phúc âm hóa, và gìn giữ sự tôn trọng lương tâm sâu sắc,’ đồng thời giáo hoàng thêm rằng các Kitô hữu đang tăng dần về con số cũng như lòng nhiệt thành, rồi ngài nói về nhu cầu cần có chứng tá cụ thể cho giá trị của gia đình và phụ nữ.
Đức Phanxicô kết luận rằng, ‘được tăng sức bởi lời Chúa hứa cho chúng ta làm gia đình của Ngài cho đến khi thời gian viên mãn, tôi tin chắc rằng bất chấp mọi khó khăn trên đường, Giáo hội Mali sẽ tiếp tục là một chứng tá cho hi vọng và hòa bình.’
J.B. Thái Hòa chuyển dich