Cầu cho những ai không thuộc đàn chiên này – Một thư mở gởi đến các giám mục
Ronald Rolheiser, 27 Tháng Tư 2015
Các giám mục kính mến,
Là một người con trung thành của Giáo hội Công giáo, tôi viết thư này với một thỉnh nguyện đặc biệt: Liệu các cha có thể thêm vào Kinh nguyện Thánh Thể hiện nay, một lời cầu dành cho các Giáo hội Kitô khác và cho các lãnh đạo của họ hay không?
Ví dụ như, liệu lời cầu cho Giáo hội và các lãnh đạo thuộc các khác, có thể thêm những điều này hay không: ‘Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Giáo hoàng …., và Giám mục …., cùng với tất cả những ai đang lãnh đạo các Giáo hội Kitô khác, và toàn thể các giáo sỹ.’ Liệu Kinh nguyện Thánh Thể của chúng ta có nên có dạng dung nạp này?
Tại sao? Tại sao lại cầu nguyện cho các Giáo hội khác trong Kinh nguyện Thánh Thể của chúng ta? Vì 3 lẽ này:
Thứ nhất, chúng ta nên cầu nguyện rõ ràng cho các Giáo hội Kitô khác trong Kinh nguyện Thánh Thể, bởi Chúa Giêsu đã làm thế. Trong Tin mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu cầu nguyện rõ ràng cho những ai đang cùng một đức tin nhưng tách rời, vì bất cứ lý do gì, khỏi cộng đoàn đang cầu nguyện lúc đó. Ngài cầu nguyện cho ‘các con chiên khác không thuộc đàn này.’ (Ga 10, 6) Raymond Brown, có lẽ là học giả đáng kính nhất về Phúc âm theo thánh Gioan, trình bày rằng vào thời điểm thánh Gioan viết Phúc âm (khoảng năm 90-100) thì đã có sự chia rẽ trong Giáo hội, cũng gần giống với sự chia rẽ các phái ngày nay, và lời nguyện của Chúa Giêsu xin ‘cho những con chiên không thuộc đàn này’ thực sự là một lời cầu nguyện cho các Kitô hữu khác đang tách lìa về mặt thần học và phụng tự khỏi cộng đoàn mà Gioan đang cùng cầu nguyện. Và Chúa Giêsu, với trái tim dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho những ai ở trong một cộng đoàn riêng biệt, cầu nguyện cho tất cả những người này: ‘Ta sẽ dẫn dắt cả họ nữa. Họ sẽ nghe tiếng Ta, và sẽ chỉ có một đàn chiên, một mục tử.’
Thứ hai, nếu chúng ta, như Chúa Giêsu, thực sự yêu mến những ai chia sẻ cùng đức tin với mình, nhưng lại đang tách lìa, thì thật đau đớn khi bàn tiệc Thánh Thể của chúng ta không được trọn vẹn, khi một vài thành viên trong nhà không hiện diện, và bàn còn những chỗ trống. Người Công giáo La Mã không phải là toàn thể gia đình. Người Tin Lành không phải là toàn thể gia đình. Người phái Phúc âm không phải là toàn thể gia đình. Các Giáo hội Kitô tự do không phải là toàn thể gia đình. Chỉ có cùng với nhau, chúng ta mới làm nên một gia đình trọn vẹn. Kinh nguyện Thánh Thể mà chỉ cầu cho cộng đoàn chúng ta và cho giáo hoàng, giám mục của chúng ta, thì có vẻ không trọn, như thể chúng ta không cần nhận biết và cảm giác thấy sự thiếu vắng thực sự những con người thật tâm, đang không cùng chúng ta mừng kính sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trên bàn thánh, và cảm nghiệm sự thân mật từ Phép Thánh Thể. Thật vui mừng biết bao khi cùng những người khác mừng kính Phép Thánh Thể, nhưng tôi nghĩ, chúng ta cần phải nhìn nhận, và đặt trọng tâm lời cầu nguyện, rằng chúng ta khao khát, mong mỏi, và cầu nguyện điều này, cầu cho những ai đang không cùng bàn tiệc gia đình với chúng ta. Và một lời kinh cầu như thế sẽ là một sự nhún nhường trước các anh chị em xa cách của chúng ta. Lời kinh như thế cũng sẽ giữ chúng ta, những người Công giáo La Mã, không hài lòng với gia đình vốn đang đứt đoạn của mình, như thể chúng ta không cần những ai không cùng với chúng ta vậy.
Cuối cùng, khi cầu nguyện như thế, chúng ta có một bận tâm thực tiễn, một nhạy cảm và lòng mến khách: Dù là ở đám tang, đám cưới, các buổi tĩnh tâm liên phái, hay các sự kiện tương tự có sự hiện diện của các Kitô hữu khác đến với Giáo hội Công giáo La Mã chúng ta, thì khi cử hành Phép Thánh Thể, cần có, hay ít nhất là nên có, một cảm thức đại kết mạnh mẽ. Trong những tình huống này, về phần mình, một linh mục, tôi thấy thật khó xử và không được mến khách lắm khi cầu cho cộng đoàn Công giáo, cho Giáo hoàng, các giám mục, và hàng giáo sỹ của mình, mà không có mong muốn, hay đề cập đến các Giáo hội Kitô khác, các lãnh đạo của họ, và những nỗ lực của họ mong muốn chung hiệp với Chúa Kitô. Tôi nghĩ rằng, để mến khách, chúng ta nên (và tôi dám nói là buộc phải) có một cảm thức đại kết hơn những gì chúng ta đang có bây giờ. Chẳng phải tất cả mọi người sẽ được thêm ơn ích từ việc này ư? Chẳng phải các Kitô hữu khác, và cả bản thân chúng ta, kết thành một cộng đoàn yêu thương và mến khách, và là trọn Thân thể Chúa Kitô (vốn rộng lớn hơn cộng đoàn riêng biệt của chúng ta) sẽ được thêm phong phú, nếu trong một lời cầu nguyện quá tập trung vào mình, chúng ta biết cầu nguyện cho những ai cùng chia sẻ đức tin Kitô, nhưng đang tách biệt với chúng ta, hay sao? Chẳng phải đây là một thái độ mến khách rất tốt đẹp hay sao?
Chúng ta có thỏa hiệp gì khi làm thế hay không? Chúng ta có bảo vệ gì khi không làm thế hay không? Chúng ta có bớt nhạy cảm với Tin mừng, với lời nói và hành động của Chúa Giêsu, khi làm thế hay không?
Vậy nên, tôi thẳng thắn thỉnh nguyện rằng: Xin hãy thêm một lời cầu nguyện rõ ràng trong mỗi Kinh nguyện Thánh Thể, cầu cho các Giáo hội Kitô khác và các lãnh đạo của họ. Việc này có căn cứ. Chúa Giêsu đã làm rồi.
Tôi xin đưa ra đề xuất này, như một người con trung thành của Giáo hội.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch