Hướng đến thánh lễ ngày chúa nhật tại vương cung thánh đường thánh Phêrô kỷ niệm 100 năm cuộc diệt chủng, Giáo hoàng đã gặp các thành viên của Giáo hội Công giáo Armenia. Sự hòa giải giữa các quốc gia vẫn chưa đi đến đồng thuận hợp lý về cách nhìn đối với sự việc này.
Vatican Insider – Iacopo Scaramuzzi
Giáo hoàng Phanxicô đã tưởng niệm ‘những người Armenia bị thảm sát’ dưới tay chính quyền Ottoman cách đây 100 năm, trong buổi hội với Hội đồng Thượng phụ của Giáo hội Công giáo Armenia đến Roma tuần này để dự Thánh lễ Trọng thể do chính Giáo hoàng chủ tế hôm chúa nhật này tại vương cung thánh đường thánh Phêrô, nhân dịp 100 năm xảy ra cuộc diệt chủng này. Không dùng cụm từ thực sự ‘diệt chủng’ vốn gây bất hòa ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giáo hoàng nói thẳng với Erevan và Ankara, kêu gọi họ có ‘các động thái hòa giải và hòa bình giữa các quốc gia, vốn vẫn chưa đạt được đồng thuận hợp lý về cách nhìn nhận đối với các sự kiện đau buồn này,’ đồng thời Đức Phanxicô cũng nói đến ‘những thế lực tối tăm’ có thể trỗi dậy trong lòng người và ‘có thể dẫn chúng ta đến việc tàn sát có hệ thống các anh chị em của mình.’
Giáo hoàng nói với các thượng phụ rằng, ‘Tôi chào đón các anh em, và cảm ơn vì đã đến buổi hội này trước thánh lễ ngày chúa nhật tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho những người con trai con gái của dân tộc yêu quý của các bạn, những nạn nhân cách đây 100 năm. Chúng ta sẽ cầu xin Đấng Giàu Lòng Thương xót giúp sức cho tất cả chúng ta, để trong tình yêu mến sự thật và công bằng, biết đi chữa lành cho tất cả mọi thương tích và thúc đẩy các hành động hòa giải và hòa bình cụ thể giữa các quốc gia vốn chưa đạt được đồng thuận về cách nhìn nhận những sự kiện đáng buồn này.’ Trong thánh lễ ngày chúa nhật này, dự kiến có 200 người Công giáo Armenia, các thượng phụ Karekine II và Aram I, cùng tổng thống Armenia, Serzh Sargsyan, người đã mời giáo hoàng đến thăm đất nước mình.
Đức Phanxicô ngỏ lời với các đại diện Armenia rằng, ‘Dân tộc các bạn, trở lại đạo Kitô vào năm 301, đã có lịch sử 2000 năm và giữ gìn di sản thiêng liêng và văn hóa đáng phục này, cả trong những thời gian bị bách hại và gian khó nhiều. Tôi mời gọi các bạn hãy luôn luôn giữ một tình cảm tri ân Thiên Chúa, vì đã giữ cho các bạn trung thành với Ngài ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Và cũng hãy xin Chúa ơn khôn ngoan trong lòng: việc tưởng niệm các nạn nhân cách đây 100 năm, đưa chúng ta đối diện với sự tối tăm của một sự ác cùng cực không hiểu nổi. Chỉ như thế chúng ta mới hiểu được những sự khác. Như lời Tin mừng, từ sâu thẳm trong lòng, những thế lực tối tăm nhất có thể ngoi lên, có thể khiến chúng ta lập nên những tàn sát có hệ thống các anh em mình, xem họ như đối thủ, kẻ thù, hay thậm chí là những cá thể không có phẩm giá con người. Nhưng với các tín hữu Kitô, vấn đề tội lỗi của con người, cũng cho chúng ta thấy mầu nhiệm chung phần vào cuộc Thương khó Cứu chuộc: nhiều người con của đất nước Armenia có thể tuyên xưng danh Chúa Kitô cho đến tận khi họ đổ máu hay chết vì đói trên đường bị lưu đày. Các cảnh đau thương trong lịch sử dân tộc các bạn vẫn đang viết tiếp cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhưng trên mỗi dòng này chính là hạt giống của phục sinh. Các bạn, những mục tử, phải dạy cho các tín hữu nhìn nhận thực tế với nhãn quan mới, để họ có thể tự nhủ mỗi ngày rằng: dân tộc của tôi không chỉ chịu đau khổ vì Chúa Kitô, nhưng đã trỗi dậy trong Ngài. Vì lý do này, điều quan trọng là phải nhớ được quá khứ, nhưng cũng phải rút ra từ đó dòng máu nóng tươi mới để nuôi dưỡng hiện tại với lời hân hoan của Tin mừng và chứng tá đức ái.
Suy nghĩ tri ân của chúng ta trong thời điểm này, cũng dành cho những người đã hành động để xoa dịu những nỗi đau của các bậc cha ông. Tôi đặc biệt nhớ đến giáo hoàng Benedicto XV, người đã lên tiếng yêu cầu Sultan Mehmed V ngưng ngay cuộc tàn sát người Armenia. Giáo hoàng Benedicto XV, là một người bạn lớn của Kitô giáo Đông Phương, ngài đã lập Thánh bộ các Giáo hội Đông phương, và Viện Giáo hoàng Đông phương, và vào năm 1920, ngài đã công bố thánh Ephrem của Syria là Tiến sỹ Hội thánh. Tôi vui mừng khi chúng ta có thể gặp nhau trước khi tôi có một hành động tương tự, là tôn vinh thánh Gregory thành Narek. Tôi đặc biệt cậy vào ngài cho đối thoại đại kết giữa Giáo hội Công giáo Armenia và Giáo hội Tông tòa Armenia, bởi cách đây 100 năm, sự bách hại và máu tử đạo đã thực sự tạo nên một ‘tinh thần đại kết bằng máu.’ Giáo hoàng cũng đau buồn trước những vùng như Aleppo, nơi ‘giám mục đã cho tôi biết, đây là thành phố tử đạo,’ một nơi cách đây 100 năm là chỗ trú ẩn cho số ít những người sống sót, vậy mà gần đây sự an toàn của tất cả mọi Kitô hữu ở đây đều đang trong tình trạng nguy ngập.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch