Trích sách “Đối thoại về Thánh Kinh” với Abraham Skorka, Marcelo Figueroa và Đức Phanxicô
Chúng ta có một khả năng lơ đãng phi thường mà lúc nào Chúa cũng gởi người đến đánh thức chúng ta.
Khả năng đãng trí để khỏi phải lo cho người anh em này của chúng ta thật ấn tượng. Đó là liều thuốc gây mê mà chúng ta vừa nói chuyện, nhưng Chúa lúc nào cũng gởi người đến để đánh thức chúng ta.
Tôi xin kể câu chuyện xảy ra cho tôi trong những năm 80. Khi đó tôi là khoa trưởng của một phân khoa ở Đại học San Miguel, vào một buổi chiều mùa đông, trời rất lạnh, người ta gọi tôi ra cửa vì có một bà muốn gặp tôi nói chuyện. Tôi ra gặp, bà nói bà có bảy người con, cả nhà sống trong một căn nhà nhỏ kiểu như cái lều, nhà bà cách đây năm đường và chúng đang đói và lạnh. Tình cảnh của bà làm tôi xúc động và tôi nói với bà: “Được rồi con, cha dàn xếp như thế này nhé: sáng thứ hai, văn phòng Caritas mở cửa, con đến đây và họ sẽ giúp con”. Người đàn bà này nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh mắt bà là ánh mắt phản đối chứ không hung hăng, một ánh mắt làm tổn thương nhưng đầy dũng cảm của một bà mẹ, bà nói với tôi: “Thưa cha, các con của con đang đói. Hôm nay chứ không phải thứ hai.”
Lập tức tôi cảm thấy xấu hổ và dĩ nhiên là tôi phải hành động: “Con chờ cha một chút”. Tôi vào bếp và gom tất cả những gì còn trong bếp, tôi lấy thêm một vài cái mền và nói với bà: “Con trở lại đây ngày thứ hai nhé”.
Thật lạ lùng, kỷ niệm này tiếp tục đi theo tôi mãi và đối với tôi, cuộc viếng thăm này như một cái tát Chúa gởi đến cho tôi. Chúng ta phải luôn tĩnh thức đừng để mình bị ru ngũ. Luôn luôn tĩnh thức với các sứ giả mà Chúa gởi đến hàng ngày này với lời nói của họ là cái tát cho chúng ta.
Marta An Nguyễn chuyển dịch