Vatican Radio Eng – 13/3/15
Nhập cư và buôn thuốc phiện, cải tổ Giáo triều, các thách thức của Hội đồng về Gia đình và nhu cầu cần phải làm cho Giáo hội trở thành một mái ấm an toàn cho tất cả trẻ em và người trưởng thành dễ bị tổn thương. Trong bài phỏng vấn bao quát với Valentina Alazraki, từ Đài truyền hình Mễ Tây Cơ, Giáo hoàng Phanxicô đã đánh dấu năm thứ hai triều giáo hoàng của mình bằng nhận định về các vấn đề đang chiếm sóng trên truyền thông đại chúng kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng, và tiết lộ những chi tiết về Mật nghị Hồng y bầu ngài làm người kế vị thứ 265 của thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha đã quyết định buổi phỏng vấn này diễn ra tại Nhà trọ thánh Martha. trong phòng mà Hội đồng 9 hồng y thường họp, có treo một hình lớn Đức Mẹ Guadalupe.
Nói về hình này, giáo hoàng giải thích rằng Đức Mẹ Mễ Tây Cơ là ‘một nguồn hiệp nhất văn hóa, dẫn dắt chúng ta đến sự thiêng liêng ngay giữa quá nhiều những tủi nhục, bất công, bóc lột và cái chết.’
Bài phỏng vấn mở đầu với câu hỏi tại sao trong chuyến công du Hoa Kỳ nhân ngày Gia đình Thế giới vào tháng 9, lại không có điểm dừng nào ở Mễ Tây Cơ.
Giáo hoàng trả lời rằng ngài có nghĩ đến việc tiến vào Hoa Kỳ từ ngả biên giới với Mễ Tây Cơ. Nhưng đi đến Ciudad Juarez hay Morelia mà không viếng Đức Mẹ Guadalupe thì thật là khó hiểu đối với người dân Mễ. Giáo hoàng cũng nói rằng ngài không thể chỉ ghé qua loa Mễ Tây Cơ, bất kỳ chuyến công du nào đến thăm một quốc gia và người dân, đều cần ít nhất một tuần và ngài hứa là sẽ có chuyến công du này sớm hết sức có thể.
Phóng viên hỏi Giáo hoàng, cũng là con của một người nhập cư, xem ngài thấy việc đi vào Hoa Kỳ từ đường biên giới Mễ Tây Cơ, có ý nghĩa thế nào đối với hiện tượng di cư này.
Giáo hoàng Phanxicô trả lời bằng cách chỉ ra rằng không chỉ người Mễ đi qua đường biên giới đó, nhưng là người dân từ khắp vùng Trung Mỹ, như Guatemala chẳng hạn, băng qua Mễ Tây Cơ để tìm một tương lai tươi sáng hơn. Đức Phanxicô nói rằng, ‘Ngày nay, di cư là hậu quả của một tình trạng quẫn bách, với đúng nghĩa gốc của từ này, là hậu quả của nạn đói. Chuyện tương tự cũng diễn ra ở châu Phi, khi rất nhiều người từ nhiều quốc gia khác nhau, tìm cách băng qua Địa Trung hải, bởi quê nhà của họ đang phải trải qua những thời gian khó khăn bởi nạn đói, chiến tranh. Ngày nay, di cư được gắn liền với thiếu ăn và thiếu công việc. Người ta bị sa thải, và buộc phải tìm việc ở một nơi nào khác.
Ngay bây giờ, vấn đề di cư toàn cầu đang rất nhức nhối. Bởi có nhiều kiểu biên giới ngăn chặn người di cư. Tôi mừng là châu Âu đang xem xét lại chính sách di cư của mình. Và tôi cũng muốn nói rằng nước Ý rất quảng đại. Thị trưởng Lampedusa, một phụ nữ đã liều mình khi biến hòn đảo này từ một điểm đến du lịch thành một nơi trú ẩn và chào đón các di dân. Điều này nghĩa là giảm thu nhập. Thật là anh hùng hào hiệp. Nhưng bây giờ, tạ ơn Chúa, tôi thấy châu Âu đang xem xét lại tình hình. Trở lại vấn đề di dân ở biên giới Mễ Tây Cơ, vùng này cũng có nhiều vấn đề liên quan đến buôn thuốc phiện. Morelia và cả vùng đó bây giờ đang chịu nhiều thương đau, khi các tổ chức buôn thuốc phiện thậm chí còn không cần ẩn mình nữa. Họ đang làm công việc của sự chết, họ là sứ giả cái chết vì thuốc phiện và vì ‘quét sạch’ những người chống thuốc phiện, 43 sinh viên (bị giết ở Iguala) đang đòi, tôi không nói là báo thù, nhưng là công lý và sự tưởng nhớ. Và về điều này, tôi muốn làm cho rõ một chuyện hiếu kỳ: Tôi muốn phong tổng giám mục Morelia làm hồng y, bởi ngài đang trong đường lửa đạn, ngài là người thực sự đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng và là một chứng tá của đời sống Kitô giáo, một linh mục tuyệt vời. Nhưng chúng ta sẽ nói về các hồng y sau.
Nhà báo hỏi Giáo hoàng liệu việc ngài là người Mỹ La tinh có khiến ngài thấy có trách nhiệm hơn đối với việc lên tiếng cho hàng triệu người đang bị buộc phải rời bỏ quê hương mình, băng qua các đường biên giới và hàng rào trên khắp thế giới.
Giáo hoàng trả lời có. Ngài muốn trở nên tiếng nói của các di dân và sự nhạy cảm của ngài với các di dân không phải mang tính hệ tư tưởng, nhưng là những gì bộc phát và đến từ chuyện đời của ngài cũng như của cha mẹ ngài, những người nhập cư.
Nhà báo trở lại vụ 43 sinh viên ở Iguala, và hỏi giáo hoàng xem nếu xét trên các giá trị và nền văn hóa riêng ở đây mà thôi, thì người ta có thể phản ứng với tình trạng khó khăn này cách nào.
Giáo hoàng nhắc lại lịch sử lâu dài của các vị thánh và tử đạo ở Mễ Tây Cơ, và nhắc lại tầm quan trọng của việc xã hội cần vị tha để thắng vượt căn bệnh quốc gia này. Giáo hoàng nói rằng ‘chúng ta không thể quay lưng đi như thể các vấn đề này chẳng hề gì đến mình, và chúng ta cũng không thể đổ hết tội lên chính phủ hay chính quyền một khu vực, một nhóm hay một cá nhân nào, bởi như thế thật là ấu trĩ.’
Phóng viên hỏi xem Giáo hoàng nghĩ gì về sự lan tràn các giáo phái ở Mễ Tây Cơ, và rộng hơn nữa là châu Mỹ La tinh, cũng như trách nhiệm của Giáo hội khi để mất các tín hữu. …
Giáo hoàng bắt đầu nói về các phong trào phúc âm hóa và liệu đây có phải là các giáo phái hay không. Nét đặc thù của các nhóm này là liên hệ cá nhân, khả năng gần gũi với người dân, thăm hỏi và gặp gỡ từng người một. Ngài nói rằng ở châu Mỹ La tinh, một chủ nghĩa giáo quyền mạnh đã tạo ra khoảng cách nhất định với người dân. Chủ nghĩa giáo quyền ở châu Mỹ La tinh là một trong những chướng ngại lớn nhất cho sự trưởng thành của giáo dân. Giáo dân ở châu Mỹ La tinh chỉ lớn lên nhờ lòng mộ đạo bình dân, mà theo Giáo hoàng, đã cho các giáo dân cơ hội được sáng tạo và tự do trong phụng vụ, các buổi kiệu … Nhưng về mặt tổ chức, giáo dân không trưởng thành đủ do bởi một chủ nghĩa giáo quyền gây ngăn cách.
Trở lại câu hỏi, giáo hoàng phân biệt giữa các phong trào phúc âm hóa ngay thật và tốt đẹp với những thứ bị xem là giáo phái. Ví dụ như, có những đề xuất không mang lòng đạo và tính phúc âm hóa Kitô giáo, thậm chí là loại trừ những đặc tính này. Có những giáo phái, một số bắt rễ từ thần học thịnh vượng, hứa hẹn một đời sống tốt đẹp hơn, và dù chúng lấy sức sống từ một tinh thần tôn giáo cao đẹp, đến cuối cùng vẫn là để bòn rút tiền mà thôi.
Bạn không thể vơ đũa cả nắm, nhưng phải đánh giá từng trường hợp một.’
Giáo hoàng cũng nói về các bài giảng ‘thảm họa’ là một lý do khác khiến người Công giáo xa Giáo hội. ‘Tôi không biết liệu đây có phải là nguyên do chính hay không, nhưng mà đúng là chúng không chạm đến được lòng người ta. Chúng là những bài học thần học và mơ hồ, hay quá dài, và đây là lý do vì sao tôi đã dành rất nhiều phần trong Niềm vui của Tin mừng để nói về chuyện này. Những người phúc âm hóa điển hình phải gần gũi dân, nhắm đến lòng dân và chuẩn bị bài giảng thật sự tốt. Tôi nghĩ chúng ta phải có sự biến đổi trong chuyện này. Người Tin Lành quan niệm về bài giảng mạnh hơn người Công giáo. Bài giảng gần như là một bí tích vậy.’ Tóm lại, Giáo hoàng nói rằng việc người Công giáo bỏ Giáo hội là do bởi sự xa cách, bởi chủ nghĩa giáo quyền, các bài giảng chán ngắt đi ngược lại sự gần gũi, công việc, sự chung phần, và những lời nóng bỏng của Thiên Chúa. Và đây là một hiện tượng tác động không chỉ đến Giáo hội mà thôi nhưng còn đến những phong trào phúc âm hóa nữa.
Giáo hoàng kết luận bằng việc chỉ ra tầm quan trọng của công việc cam kết hợp tác giữa Giáo hội và các mục sư truyền giáo ở Buenos Aires.
Nhà báo muốn Giáo hoàng kể về những chuyện xảy ra ngày này hai năm trước khi ngài được bầu lên Ngai tòa Phêrô.
Giáo hoàng trả lời rằng, ngài đến Roma mang theo ít hành lý mà thôi, bởi không bao giờ ngài tin là mình sẽ được bầu, và sẽ sớm về lại nhà để chuẩn bị cho Tuần Thánh. Ngài tin chắc là mình sẽ về Buenos Aires trước ngày lễ Lá, tin rất chắc, nên ngài đã chuẩn bị sẵn bài giảng, và cũng nghĩ là Mật nghị Hồng y lần này sẽ rất ngắn. Ngài không có trong bất kỳ danh sách ứng cử viên khả dĩ nào, và trong đầu ngài cũng vậy. Thực sự, ở thị trường cá cược Luân Đôn, người ta xếp ngài vào vị trí thứ 42 và 46 trong danh sách tiềm năng. Nhưng, chuyện như đùa, khi một người quen đã đánh cược vào ngài, và đã thắng lớn.
Giáo hoàng kể rằng, khi bỏ phiếu, các nhà báo chỉ xem ngài là một cử tri lớn, và họ chỉ cần ngài cho một cái tên là đủ, rồi không quấy rầy ngài nhiều. Đến vòng bỏ phiếu đầu tiên, tối ngày thứ ba, rồi vòng thứ hai và thứ ba vào sáng ngày thứ tư trước bữa trưa. ‘Hiện tượng trong một mật nghị hồng y thật là sinh động. Có những ứng cử viên rất mạnh. Nhưng nhiều người không biết nên bỏ phiếu cho ai. Vậy nên, có 6 hay 7 cái tên được chọn hờ, nhưng người ta vẫn chờ để xem thử nên dứt khoát bầu cho ai. Đây là cách bỏ phiếu khi nhóm ứng cử viên khá đông. Tôi không phải là người nhận những phiếu dứt khoát, nhưng phiếu tạm thời thì đúng là có.’
Nhà báo hỏi liệu có đúng là ở mật nghị trước ngài đã nhận được 40 phiếu bầu, và ngay lập tức giáo hoàng nói không. Nữ phóng viên nhấn mạnh vào việc có người khác lại nói là có. Giáo hoàng trả lời: Họ nói thế, chứ không phải tôi. Nhà báo lặp lại, là có một hồng y đã cho biết như thế.
‘Vậy thì cứ để hồng y đó nói những gì ngài muốn. Tôi cũng có thể lên tiếng bởi bây giờ tôi có thẩm quyền lên tiếng, nhưng cứ để hồng y đó có tiếng nói của mình. Thật sự, cho đến trước buổi chiều đó, tôi chẳng thấy có gì lạ. Và rồi có chuyện xảy đến, tôi không biết là chuyện gì. Trong phòng, tôi thấy có những dấu hiệu lạ, nhưng rồi … Họ hỏi tôi về sức khỏe của tôi … và đủ chuyện. Và khi chúng tôi quay lại vòng bỏ phiếu buổi chiều, thì việc đã rồi. Trong hai vòng bỏ phiếu, mọi chuyện đã xong. Đây thật là một ngạc nhiên ngay cả đối với tôi. Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào buổi chiều thứ tư khi tôi nhận ra tình hình này là không thể thay đổi được nữa, thì tôi quay qua người ngồi kế bên mình, hồng y Hummes, một nhân vật trụ cột, và một người bạn của tôi. Ở tuổi của mình, ngài là đại diện của Hội đồng Giám mục vùng Amazon, và rất tích cực trong mục vụ. Vòng bỏ phiếu đầu tiên đã diễn ra được một nửa, và khi chúng tôi thấy chuyện gì đang diễn ra, ngài ngồi ngay bên tôi và bảo tôi đừng lo lắng, bởi đây là cách Thần Khí hành động. Điều này làm tôi thấy vui hơn. Sau vòng bỏ phiếu thứ hai, khi đạt được đa số 2/3, có tiếng vỗ tay vang lên, mọi người luôn vỗ tay ở thời điểm này của mật nghị, vậy nên hồng y Hummes hôn tôi và bảo tôi đừng quên người nghèo, và câu này cứ bắt đầu ám ảnh trong đầu tôi, và cũng là lý do dẫn đến danh hiệu mà tôi đã chọn. Suốt vòng bỏ phiếu, tôi lần hạt, tôi thường lần 3 chuỗi mỗi ngày, và tôi thấy rất an bình, gần như đến độ vô giác. Và khi mọi chuyện đã thành sự cũng vậy, tôi thấy hết sức an bình, và với tôi đây là một dấu chỉ rằng Chúa muốn như thế. Từ ngày đó, tôi đã không mất cảm thức này. Đây là một ‘cái gì đó từ trong lòng,’ như một ơn Chúa vậy. Tôi không biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. Các hồng y mời tôi đứng dậy. Hỏi xem tôi có đồng ý không. Tôi nói có. Tôi không biết liệu các hồng y có bảo tôi thề điều gì không nữa, tôi quên mất rồi. Tôi rất bình an. Rồi tôi đi thay áo. Và khi đi ra, tôi muốn trước hết đến chào hỏi hồng y Diaz, người đang ngồi trên xe lăn, và sau đó tôi chào hỏi các hồng y khác. Rồi tôi nhờ đại diện thành Roma và hồng y Hummes đi cùng với tôi. Có nhiều việc không có sẵn trong giao thức.
Rồi chúng tôi đến cầu nguyện ở nhà nguyện Paulline, trong khi hồng y Tauran tuyên bố tên tôi. Sau khi bước ra ban công, tôi chẳng biết phải nói gì. Và bạn cũng đã chứng kiến hết mọi chuyện tiếp theo. Tôi thực sự thấy một nhu cầu của người thừa tác viên cần được Thiên Chúa chúc lành, và được cả người dân chúc lành nữa. Tôi không dám nhờ dân chúng chúc lành cho tôi. Tôi chỉ đơn giản nói: hãy cầu nguyện để Chúa chúc lành cho tôi qua các bạn. Nhưng đây là những lời bộc phát, cả lời cầu nguyện cho Đức Bênêđictô cũng vậy. ‘
Cha có thích làm Giáo hoàng?
Tôi không nghĩ đến!
Cha thích và không thích chuyện gì khi làm Giáo hoàng? Hay cha thích mọi thứ?
Điều duy nhất tôi muốn là một ngày nọ được ra đường, mà không ai nhận ra mình, và được đến cửa tiệm ăn bánh pizza.
Sẽ thật thú vị
Không, đây là chuyện cũ kể lại. Ở Buenos Aires, tôi là một người rong ruổi. Tôi đi quanh các giáo xứ, và thói quen này đã phải thay đổi … phải vất vả lắm để thay đổi. Nhưng mà bạn đã quen với kiểu này rồi. Nên bạn phải tìm cách để rong ruổi, trên điện thoại, hay bằng những cách khác … ‘
Nhà báo hỏi Giáo hoàng về việc ngài thường nói rằng triều giáo hoàng của mình sẽ ngắn thôi, và thường nói đến khả năng chết vì tuổi già …
Tôi có cảm giác rằng triều giáo hoàng của tôi sẽ ngắn thôi: 4 hay 5 năm, tôi không biết nữa, thậm chí là 2 hay 3 năm. Hai năm đã trôi qua rồi. Đây là một cảm giác khá mơ hồ. Có lẽ nó như tâm lý của một người đánh bài, tự vấn rằng mình sẽ thua, để nhằm không nản lòng khi thất bại, và nếu thắng, sẽ rất hạnh phúc. Tôi chẳng biết nữa. Nhưng tôi cảm giác rằng Thiên Chúa đặt để tôi ở đây trong một thời gian ngắn, và chỉ thế mà thôi … Nhưng đây là cảm giác thôi mà. Tôi luôn luôn sẵn sàng trước mọi chuyện có thể xảy đến.’
Cha cũng đã nói rằng cha sẽ theo gương Giáo hoàng Bênêđictô … Mà làm như thế thay đổi một chút ‘khái niệm về Giáo hoàng, bởi chúng con thường quen với việc Giáo hoàng là một vị trí được Thần Khí tạo lập, cho đến tận lúc chết.’
Có một số hồng y, trước thời gian mật nghị, trong những phiên khoáng đại, đã đưa ra những vấn đề rất đáng chú ý, rất phong phú về mặt thần học Tôi nghĩ rằng Giáo hoàng Bênêđictô đã mở ra một cánh cửa. 60 năm về trước, không có giám mục danh dự. Và bây giờ chúng ta có 1400 vị như thế. Dần có quan niệm rằng, một người đến tuổi 75, hay gần tuổi đó, không thể mang nổi sức nặng của một giáo hội địa phương. Nhìn chung, tôi nghĩ những gì Đức Bênêđictô đã rất can đảm thực hiện, chính là mở ra một cánh cửa cho các Giáo hoàng danh dự. Không nên xem Đức Bênêđictô là một ngoại lệ, nhưng là một cơ chế. Có lẽ ngài sẽ là giáo hoàng danh dự duy nhất trong một thời gian dài, nhưng cũng có lẽ ngài sẽ không là giáo hoàng danh dự duy nhất. Nhưng một cánh cửa cơ chế đã được mở ra. Ngày nay, Giáo hoàng Danh dự không còn là chuyện hiếm có, bởi cánh cửa cho phép tồn tại một nhân vật giáo hoàng danh dự đã được mở ra.’
Cha có hình dung tình trạng một Giáo hoàng về hưu ở tuổi 80 như trường hợp các giám mục hay không?
Tôi có thể. Tuy nhiên, tôi không thực sự thích ý tưởng về một giới hạn tuổi tác. Bởi tôi tin rằng Giáo hoàng là một đặc biệt. Là một ơn đặc biệt. Với một vài thần học gia, Giáo hoàng là một bí tích. Những người Đức rất sáng tạo trong những chuyện này. Tôi thì không nghĩ như thế, nhưng tôi muốn nói rằng Giáo hoàng là một sự đặc biệt. Nói rằng một người làm giáo hoàng cho đến 80 tuổi, sẽ gây nên một cảm giác rằng cương vị giáo hoàng có điểm dừng và điều này sẽ không tốt. Sẽ là trù tính. Tôi không ủng hộ khái niệm đặt giới hạn tuổi, nhưng tôi chia sẻ cùng quan niệm với Đức Bênêđictô. Sau đó, tôi gặp ngài tại Hội nghị Hồng y. Ngài hạnh phúc, hài lòng. Ngài được mọi người kính trọng. Tôi đến thăm ngài. Và rất thường xuyên nói chuyện với ngài qua điện thoại. Như tôi đã nói, có ngài như thể có một người ông thông thái trong nhà. Một người có thể cho lời khuyên. Trung thành đến chết. Tôi không biết liệu bạn có nhớ khi chúng tôi cùng dự buổi hội ngày 28 tháng 2 (năm 2013) tại sảnh Clementine, ngài đã nói rằng, trong số các bạn sẽ có người kế vị tôi, và tôi hứa trung thành, tin tưởng và vâng phục. Và ngài đã làm như thế. Một Con người của Chúa.’
Nhà báo hỏi Giáo hoàng về cải tổ Giáo triều, và liệu đây là một tiến trình kỹ thuật thuần túy hay còn có vấn đề về tinh thần, về lòng người …
Giáo hoàng trả lời rằng tất cả mọi thay đổi phát xuất từ lòng người, nhưng cũng là một sự biến đổi trong lối sống. Và về Giáo triều, ngài nói rằng:
‘Tôi nghĩ đây là triều đình duy nhất còn tồn tại ở châu Âu. Các triều đình khác đã được dân chủ hóa, thậm chí cả những triều cổ xưa nhất. Có một vài điểm trong triều đình giáo hoàng vẫn còn sót lại một truyền thống có lẽ là sơ khai. Và tôi không nói rằng đây là một đường lối xấu, mà là một vấn đề văn hóa. Điều này phải thay đổi, vẻ ngoài của triều đình có thể được giữ lại, nhưng đây phải là một nhóm làm việc phục vụ Giáo hội. Với việc phục vụ từ các giám mục.’ Nhắc lại các chất vấn khơi lên các vấn đề đạo đức và luân lý ở Vatican (vụ Vatileaks chẳng hạn …), Đức Phanxicô cho rằng cần phải có sự biến đổi của các cá nhân và phải bắt đầu từ chính Giáo hoàng để sửa chữa tình trạng này.
Về chủ đề Hội đồng Gia đình, phóng viên hỏi Giáo hoàng liệu ngài có thúc đẩy các thay đổi về việc cho người li dị rồi tái hôn được rước lễ và về đồng tính luyến ái hay không.
Giáo hoàng trả lời bằng cách chỉ ra rằng có những kỳ vọng quá lớn. Về Hội đồng và việc chọn chủ đề, Đức Phanxicô đi lại những bước tiến dẫn đến việc thiết lập chủ đề cho hội đồng, chủ yếu là bởi các khó khăn nghiêm trọng mà gia đình đang phải trải qua trong xã hội, và đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ. Suy tư về cuộc khủng hoảng gia đình, Giáo hoàng bảo ngài tin rằng Thiên Chúa muốn chúng ta xác định một số vấn đề đặc thù như: chuẩn bị tiền hôn nhân, nâng đỡ cho các cặp sống chung, đồng hành với các đôi tân hôn, nâng đỡ những ai thất bại trong hôn nhân và tái hôn. Việc hiểu được bí tích hôn phối có tầm quan trọng nhằm ngăn không để người ta biến hôn phối thành một sự kiện mang tính xã hội hơn là đức tin.
Về vấn đề xâm hại trẻ em và tuyệt đối không dung thứ cho chuyện này
Giáo hoàng trả lời rằng Ủy ban [Bảo vệ Trẻ em, mà ngài đã lập năm 2013] không phải lo về các vụ việc, nhưng là để bảo vệ trẻ em. Nghĩa là, ngăn chặn trước. Vấn đề xâm hại tình dục là một chuyện đau lòng, với hầu hết các vụ xâm hại diễn ra trong bối cảnh gia đình hay liên quan đến những người quen biết với cả gia đình. Dù chỉ một linh mục mắc tội này, cũng là lý do đủ để đánh động toàn thể cơ cấu Giáo hội phải đứng lên đương đầu với nó. Thật vậy, trách nhiệm của một linh mục là giáo dưỡng một bé trai bé gái lớn lên trong sự thánh thiện, và trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, vậy mà những gì họ làm là hủy hoại cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu. Đức Phanxicô nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe các nạn nhân, và kể lại cảm nghiệm của mình khi gặp 6 nạn nhân bị xâm hại. Giáo hoàng nói rằng sự hủy hoại nội tâm mà họ đã chịu thật tàn phá quá độ, và dù chỉ một linh mục mắc tội này cũng đủ để chúng ta thấy hổ thẹn và phải bắt tay làm mọi việc có thể để ngăn chặn. Giáo hoàng Phanxicô cũng công nhận sự dũng cảm của Đức Bênêđictô XVI khi công khai tuyên bố đây là một tội ác hủy hoại tạo vật ngây thơ, và thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã mở ra việc điều tra các tội ác này.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch