Dân phố Buenos Aires phỏng vấn Giáo hoàng Phanxicô

209

La Cárcova News, một tờ báo cây nhà lá vườn của cộng đồng khu ổ chuột ‘Đại Buenos Aires’ đã đăng các câu giáo hoàng trả lời cho một loạt câu hỏi mà các thanh niên đặt ra cho ngài. Nạn buôn thuốc phiện, đức tin, các mạng sống bên bờ vực, thế giới thực, và chính trị có trong những chủ đề được nói đến.

Vatican Insider – Gianni Valente – 03/ 9/2015

aa2d18e72d

Hai năm sau khi được bầu lên kế vị thánh Phêrô, giáo hoàng Phanxicô lại có thêm một bài phỏng vấn về rất nhiều chủ đề. Và bài này, không phải được đăng tải trên một tờ báo có tầm ảnh hưởng hay nổi tiếng toàn cầu. Đây cũng không phải là một bài bình luận văn hóa, và cũng không phải được thực hiện bởi một nhà báo lão luyện hay một tổng biên tập, nhưng lần này, ấn bản có bài phỏng vấn riêng với giáo hoàng trên trang nhất, là một tờ báo địa phương mới mở ở Đại Buenos Aires, một trong những khu ổ chuột của thủ đô Argentina, hay còn gọi là villas miserias theo tiếng địa phương. Tờ báo gây nhiều tò mò này là La Cárcova News.

Tờ báo này vừa mới mở cửa hồi tháng 12 năm ngoái và hoạt động nhờ những thanh niên sống ở Cárcova, một khu ổ chuột ở Leon Suarez, vùng ngoại ô Buenos Aires. Khu ổ chuột này xuất hiện vào thập niên1950, mọc lên quanh ga xe lửa, và cha José Maria “Pepe” di Paola, một đứa con tinh thần của cha Bergoglio, đang phụ trách chăm lo mục vụ cho cộng đoàn ở đây.

Cha José Maria “Pepe” di Paola và Tổng giám mục Buenos Aires Jorge Bergolio
Cha José Maria “Pepe” di Paola và Tổng giám mục Buenos Aires Jorge Bergolio

Sáng nay, các cô cậu bé từ giáo xứ San Giovanni Bosco, đã băng băng trên mọi con đường để đem báo đến mọi người dân khu phố nghèo. Lý do là bởi, có thể nói rằng, toàn thể khu phố nghèo này đã phỏng vấn Giáo hoàng. ‘Bài phỏng vấn tập thể với giáo hoàng’ là một thử nghiệm chưa từng có.

Alver Metalli, một nhà báo viết cho Vatican Insider và là bộ não phía sau việc mở ‘tờ báo đường phố’ của Cárcova, đã giải thích cho việc nảy sinh ý tưởng phỏng vấn giáo hoàng. Đó là hồi tháng 1 vừa qua, trong sân nhà nguyện, sau một buổi kiệu và mọi người được thêm hứng từ ‘một hai ly rượu.’ Ý tưởng này trở thành một khởi xướng của cộng đồng, với một loạt câu hỏi chọn ra từ 600 thanh niên tham dự trại hè do giáo xứ tổ chức. Cha Pepe Di Paola ghi lại những câu trả lời của giáo hoàng khi hai người gặp nhau hôm 07 tháng 2 tại Roma.

Bài phỏng vấn này thật đáng kinh ngạc, và không giống như bất kỳ bài phỏng vấn nào khác, bởi cách làm khác thường của mình. Không có những câu hỏi bình thường về quan hệ pháp lý và việc cắt đặt các phụ nữ vào các bộ Vatican. Cũng không có các vấn đề liên quan đến Giáo triều, hay những tranh luận lớn quanh chuyện cải tổ và các bất hòa ở Ngân hàng Vatican. Các câu hỏi trong bài phỏng vấn này nhắm đến đời sống thực của những thanh niên thanh nữ trong khu phố. Phía sau những câu chuyện về sự loại trừ ở thành thị, là sự lay động của nỗi sợ và khao khát muốn được sống và hạnh phúc. Bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn từ vùng ven thay vì từ trung tâm, Giáo hoàng Phanxicô đã lặp lại câu này khi trả lời cho các thanh niên Cárcova. Bởi nếu ‘đi ra từ trung tâm, và xa khỏi trung tâm, chúng ta sẽ khám phá được nhiều điều hơn.’ Và dịp này, các câu trả lời của Đức Phanxicô mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và đi thẳng vào vấn đề. Ngài trả lời rõ ràng và đơn giản. Sau đây là tóm gọn bài phỏng vấn.

Những người trẻ kiểu viện bảo tàng và Nạn thuốc phiện hóa quốc gia Những thanh niên nhắc lại rằng thuốc phiện thường hủy hoại thanh niên trong khu phố. Và Đức Phanxicô lên án hiện tượng này là một phần của ‘hệ thống’ và nói về một ‘thái độ chiến thắng cao ngạo của những người buôn thuốc phiện. Những người này lớn tiếng hát bài khải hoàn, họ cảm thấy mình đã chiến thắng, họ đã giành thắng lợi. Đây là sự thực. Có những quốc gia hay vùng lãnh thổ hoàn toàn bị kiểm soát bởi thuốc phiện.’ Về những người trẻ, Giám mục thành Roma suy tư về những mối nguy của thực tế sống động và dòng thông tin qua các mạng xã hội. ‘Chúng ta có năng lực vĩ đại trong việc thu thập thông tin, và điều này có thể biến những người trẻ thành các ‘viện bảo tàng,’ thành những nhà sưu tập các hình ảnh và dữ liệu, vốn làm mù tối và suy yếu khả năng phê phán của họ. Trong đời, sự sinh sôi không chỉ đến từ việc tích lũy thông tin hay đơn giản là qua truyền thông ảo … Tình yêu ảo không tồn tại. Có thể tuyên bố về một tình yêu thực sự, nhưng tình yêu chân thực cần có mối liên hệ thể lý, cụ thể.’

Đức tin là một ơn ‘Cha thật đau lòng khi thấy những trẻ em không biết cách làm dấu thánh giá. Điều này nghĩa là đứa trẻ không được trao cho điều quan trọng nhất mà một người cha người mẹ có thể đem lại cho con mình, chính là đức tin.’ Giáo hoàng Phanxicô nói rằng chúng ta cần phải làm quen với việc đức tin không phải là một cảm giác. Đôi khi Chúa cho chúng ta ơn cảm giác này, nhưng đức tin còn hơn thế. Đức tin là mối liên hệ của tôi với Chúa Giêsu Kitô, tôi tin rằng Ngài cứu tôi. Đây mới thực sự là ý nghĩa của đức tin. Nhìn về những thời khắc trong đời khi các con gục ngã, khi mất mát lạc lối, và khi chẳng có gì đúng đắn tốt đẹp, và hãy xem Chúa Kitô cứu con như thế nào.’ Giáo hoàng lặp lại, ‘Tận cùng, đức tin là một ơn, chứ không phải một tình trạng tâm lý. Khi các con được ban ơn này, các con có nhận hay là không?’

Bắt đầu lại và những mảnh đời bỏ đi. Trả lời cho câu hỏi về điều gì cho mọi người, cá nhân hay đoàn thể, đứng vững trên đôi chân mình, cho dù dường như đã mất đi mọi thứ, thì Đức Phanxicô trả lời rằng, ‘tất cả mọi người có thể thay đổi. Ngay cả những người đang đối mặt với những tình huống rất thử thách, tất cả mọi người. Cha biết một số người đã đánh mất bản thân mình, đã ném đi đời mình, nhưng giờ đang có một gia đình để gắn bó. Đây không phải là lạc quan mà thôi. Nhưng là một thực tế hệ tại ở hai điều: ở con người và Ngôi Ba. Một con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa, và Thượng đế không coi rẻ hình ảnh mình, Ngài cứu con người bằng cách nào đó, Ngài luôn tìm ra cách để phục hồi cả khi nó nó tăm tối rồi. Thứ hai, chính sức mạnh của Thần Khí thay đổi lương tâm. Thiên Chúa không bỏ rơi con cái Ngài.’ Và kể về bản thân, Đức Phanxicô nói rằng: ‘Cha đã có một thời lang bạt. Những lúc đó, cuộc sống không quá mãnh liệt cũng không phong phú lắm. Cha là một người có tội như mọi người khác. Chính Thiên Chúa dẫn dắt cha làm những chuyện mà mọi người thấy được, nhưng chúng ta rất thường thấy nhiều người làm rất nhiều việc tốt mà chẳng ai hay!’

Tầm quan trọng của việc lắng nghe. Trả lời cho một câu hỏi khác, giáo hoàng nói rằng ngài nhận thức được rằng bao quanh mình có nhiều người không hài lòng với những lời nói việc làm của ngài, nhưng ngài thêm rằng, ‘lắng nghe người khác chẳng bao giờ gây hại gì cho cha cả. Mỗi khi cha lắng nghe người khác, đều luôn tốt cho cha. Những lần cha không lắng nghe, thì mọi chuyện không được tốt cho lắm. Bởi ngay cả khi mình không đồng ý với người khác, mà lúc nào cũng có chuyện này, thì vẫn hãy cho mình một điều gì đó, hay đặt mình vào một địa vị nào đó, để thúc đẩy mình nghĩ lại về quan điểm của họ. Và việc này sẽ cho các con trở nên những người tốt hơn.’

Vận động hành lang tài chính và chính trị. Khi được hỏi liệu ngài có gợi ý gì co các chính trị gia Argentina về cuộc bầu cử năm nay hay không, Giáo hoàng Phanxicô đã cho một vài lời khuyên về phương pháp, có thể áp dụng vào bối cảnh của các nước khác nữa: Ngài kêu gọi một ‘cương lĩnh tranh cử rõ ràng, nói rõ rằng: nếu thắng cử, chúng tôi sẽ làm việc này việc kia. Rất cụ thể rõ ràng!’ Trên tất cả, giáo hoàng hi vọng rằng ‘chiến dịch tranh cử sẽ tự do và không gom tiền. Bởi khi các chiến dịch tranh cử được tặng tiền, thì có nhiều lợi ích kèm theo, và về sau bạn phải chạy theo các lợi ích này.’ Giáo hoàng thêm rằng đây là một điều mong mỏi của ngài, bởi trong thực tế, ‘tiền bạc luôn luôn cần cho các buổi nói chuyện và tin bài quảng bá trên truyền hình.’ Dù thế, phải có sự minh bạch trong việc gây quỹ cho chiến dịch tranh cử. Là một công dân, tôi biết là tôi đang tặng tiền cho ứng viên này với chính xác số tiền này. Phải có sự minh bạch và trung thực trong mọi lĩnh vực.’

Sợ đau đớn thể lý Khi được hỏi về lúc ngài sẽ công du Argentina lần đầu tiên, Đức Phanxicô xác nhận ngài sẽ đến vào năm 2016, nhưng ‘cần phải kèm theo các nước khác nữa.’ Một số người lo lắng sau khi nghe tin tức trên truyền hình về việc ‘những người cuồng tín muốn giết cha.’ Đức Phanxicô trả lời rằng ‘mạng sống nằm trong tay Chúa. Cha nói với Chúa rằng: ‘Chúa chăm lo cho con. Nhưng nếu nếu ý Chúa là con phải chết, hay ai đó làm gì với con, thì con chỉ xin Chúa một điều, xin đừng để con đau.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch