Năm chìa khóa để hiểu Nhà nước Hồi giáo Tự xưng

451

lavie.fr, Anne Guion, 24-2-2015

Quân IS diễu binh dọc bờ biển phía Lybia ngày 8 tháng 2-2015
Quân IS diễu binh dọc bờ biển phía Lybia ngày 8 tháng 2-2015

Khai thác sự mất thăng bằng địa chính trị, Nhà nước Hồi giáo rút tỉa lợi tức từ thu nhập dầu hỏa ở Irak và Syria cũng như họ có tài năng quản trị dân chúng địa phương. Đó là lý do cho sự thành công hiện nay của chế độ phiến quân Hồi giáo thời internet.

   1.  Nhà nước Hồi giáo Cực đoan bắt đầu từ đâu?

Nhà nước Hồi giáo cực đoan có nguồn gốc từ tên vô lại Abou Moussab al-Zarqaoui, khi còn ở trong tù, ông này khám phá chủ nghĩa siêu chính thống (salafisme, chủ trương về nguyên thủy Hồi giáo). Năm 2000 ông gặp Oussama Ben Laden nhưng sau đó ông nhanh chóng giữ khoảng cách với al-Qaida. Tại sao? Zarkaoui không muốn chiến đấu chống kẻ thù Mỹ xa xuôi, chương trình làm việc của ông có tính địa phương hơn: chiến đấu chống chính quyền Jordan và thiết lập một Nhà nước Hồi giáo trong vùng. Để làm công việc này, ông tự “đào tạo” ở Afghanistan. Nhưng để chống sự can thiệp của Mỹ năm 2003, ông chọn địa bàn hoạt động của mình ở Irak. Và thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Irak (EII) và tổ chức này được Oussama Ben Laden công nhận dưới tên al-Qaida ở Irak. Phong trào đánh bom-tự tử đưa nước này vào tình trạng nội chiến. Ông chết trong một trận tấn công của Mỹ năm 2006.

Năm 2010, khi Abou Bakr al-Baghdadi trở thành lãnh đạo al-Qaida ở Irak thì nhóm này bị suy yếu. Ông tái sinh nó bằng cách khích động mâu thuẫn tiềm tàng giữa người Irak phái sunnite và người Irak phái chiite, sau khi ông nhận thấy nên dùng người chiite (khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, người Mỹ đưa người chiite lên nắm chính quyền). Ông giữ khoảng cách với al-Qaida và dùng lại tên Nhà nước Hồi giáo ở Irak (EII). Nhất là khi al-Baghdadi gởi quân thánh chiến đến Syria ngay từ những ngày đầu xung đột năm 2011. Những ngày đó, tiền bạc đổ dồn về để giúp các quân phiến loạn và nhóm thánh chiến này, để họ  chiến đấu chống lại chế độ ở Damas. “Không những được ủy quyền để gây chiến tranh, đào tạo quân sự cho thành viên của Nhà nước Hồi giáo ở Irak, mà họ còn hỗ trợ phương tiện tài chánh để phát động cho nhóm, không giống như các tổ chức vũ trang Hồi giáo khác, tổ chức này đóng vai trò chính với thành trì địa phương và bộ máy quân sự riêng”, nữ ký giả người Ý Loretta Napoleoni đã viết như trên trong quyển sách của mình “Nhà nước Hồi giáo, đa Nhà nước của bạo lực (Calmann-Lévy).

  1. Làm sao giải thích sự phát triển quá nhanh của họ?

Với việc lên nắm chính quyền ở Faloudja, thuộc Irak, đó là sự kiện vũ trang lớn của những người thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo ở Irak vào tháng 11-2013 và 29 tháng 6-2014, ngày mà al-Baghdadi tự phong mình là thủ lãnh nguyện đường Hồi giáo ở Mossoul thì chỉ cách nhau vài tháng. Làm sao giải thích sự phát triển nhanh chóng như vậy? Trước hết Nhà nước Hồi giáo ở Irak (EII) trở thành Nhà nước Hồi giáo (EI, État islamique) sau khi họ chiếm Mossoul – họ lợi dụng sự yếu kém của Nhà nước Irak. Ông Michel Goya, thành viên của hội đồng Tối cao đào tạo và nghiên cứu chiến lược nhận xét, “Những người thánh chiến này làm giàu trên đất của các Quốc gia yếu. Ở Irak, độc quyền của quốc gia về mặt bạo lực bị tan rã theo nhịp cá nhân hóa quyền lực: Thủ tướng Nouri al-Maliki giữ bên cạnh ông những thành viên giỏi nhất như Saddam Hussein đã làm trước đó với đội canh gác cộng hòa của ông. đương nhiên vì lý do an ninh nhưng cũng là để họ dưới quyền kiểm soát của mình, để tránh đảo chính. Như vậy, dần dần họ xa trung tâm quyền lực, tiềm năng bị phân mỏng. Một yếu tố khác của sự yếu kém trong quân lực Irak: không được dân chúng ủng hộ. Thành viên chính yếu của họ thuộc nhóm chiite. Nhóm này bị nhóm sunnite ghét.”

Đối với Nhà nước Hồi giáo thì quá dễ để được dân chúng chấp nhận khi dân chúng đã quá chán ngán một tình trạng bị lợi dụng lâu ngày. “Quân đội Irak theo lệnh của chính quyền Bagdad trở thành một quân đội bị chiếm đóng”, Ông Pierre-Jean Luizard đã viết như trên trong quyển sách Cái bẫy Daech, Nhà nước Hồi giáo hay sự trở về của Lịch sử (La Découverte). “Đó là trường hợp của tỉnh Faloudja, nhưng cũng là trường hợp của Tikrit hay của Mossoul, nơi quân đội Irak đã bị kiềm chế bởi các cuộc ném bom mù quáng của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và của những cuộc biểu tình ngồi để phản kháng chống việc gạt người Ả rập sunnite ra bên lề chính trị.” Nhờ lợi tức của dầu hỏa mà Nhà nước Hồi giáo Irak đã có vị thế. Những người thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo đã có chính nghĩa khi tố cáo nạn tham nhũng của các thành phần ưu tú. Tháng 9 năm 2014, tổ chức đã đưa lên mạng một video cho thấy các chiến quân của họ vào dinh của một chính trị gia Mossoul và thấy ở đó hàng tấn vàng…

Cuối cùng, sức mạnh chính yếu của Nhà nước Hồi giáo đương nhiên là động lực của các phiến quân. “Quân đội Phương Tây thường làm tất cả để tránh tổn thất nhân mạng. Chúng tôi chỉ huy chiến tranh với những phương tiện hạn chế, trong khi họ, họ có trọn phương tiện, ông Michel Goya nhấn mạnh. Năm 2003 khi các binh đoàn cơ khí hóa của Saddam Hussein nhanh chóng suy sụp trước quân đội Mỹ và thủ đô Bagdad bị thất thủ chỉ trong vài ngày, một năm sau đó, cũng chính những người Mỹ này phải mất tám tháng để tái chiếm tỉnh Faloudja, Faloudja chỉ có một binh đoàn với vài ngàn chiến binh được vũ trang bằng súng kalachnikov và bom rốc-két có từ thời 1960.” Và bây giờ thì các phiếm quân của Nhà nước Hồi giáo phối hợp động lực này với vũ khí tân kỳ hơn.

  1. Nhà nước Hồi giáo có đích thực là một Nhà nước không?

Hiện nay Nhà nước Hồi giáo kiểm soát một vùng đất có 6 triệu dân. “Tất cả được điều hành theo nguyên tắc trung thành với chức vua tự phong của Abou Bakr al-Baghdadi. Đứng đầu các cơ quan quản trị là những chức sắc trung thành với Aleteia-Baghdadi, ông Romain Caillet giải thích, ông là nhà nghiên cứu ở Liban, chuyên gia về các phong trào cực đoan ở Irak và ở Syria. Phần còn lại của dân chúng không ủng hộ Nhà nước Hồi giáo về mặt ý thức hệ nhưng họ phải tuân lệnh.”

Được sự đồng ý của dân chúng là vấn đề sống còn. “Trong khuôn khổ những cuộc chiến không đồng điệu, khi các nhóm không không có nền tảng dựa trên dân chúng, như nhóm al-Qaida, thì quân đội truyền thống có thể triệt hạ họ, ông Michel Goya giải thích. Chỉ khi nào họ được quần chúng hỗ trợ như phong trào Hezbollah ở Nam Liban thì khi đó mới bắt đầu rắc rối. Và đó là sức mạnh rất lớn của những người Taliban, họ biết đưa ra đề nghị cho chính quyền kế nhau. Họ đưa luật vào, dù luật rất khắc khe, nơi không có luật.”

Nhà nước Hồi giáo cũng cho thấy họ có một tài năng quản trị. “Những người thánh chiến rõ ràng họ kiểm soát được vùng đất họ chiếm, ông Romain Caillet xác nhận. Họ có khả năng cai trị một cách hiệu quả bằng cách ghép vào các dịch vụ xã hội và công cộng đã có sẵn của những người phản loạn, họ chỉ thay đổi bằng cách cắt xén. Và người ta không còn nói đến tỉnh bang mà các wilaya. Nhà nước Hồi giáo rất nghiêm nhặt giữa biên giới Syria và Irak, tỉnh wilaya của Euphrate.”

Họ cũng có tòa án của họ, họ áp dụng triệt để luật Hồi giáo (charia). Họ ưu tiên cho các dịch vụ công cộng như cung cấp điện. “Oái oăm thay dịch vụ này lại tốt hơn trong các vùng bị Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng hơn là ở một vài bang của Liban”, ông Romain Caillet nhậ xét.

Bằng chứng cho thấy các người thánh chiến này đã có dự án, đã suy tính cho kế hoạch lâu dài, đặc biệt họ quan tâm đến chương trình giáo dục học đường. Tại sao họ quyết tâm thành lập một Nhà nước? Vì các lý do ý thức hệ: tái lập chế độ vua lãnh thổ (califat), bắt chước người đã cai trị ở Raqqa vào thế kỷ thứ thứ VIIIe và đứng đầu quyền lực của Byzance. Nhưng cũng là đặt lại vấn đề các biên giới xuất phát từ chế độ thuộc địa. Một trong những cú đảo chánh đầu tiên của những người thánh chiến này là  phá vỡ bức tường cát ở biên giới ngăn cách Syria và Irak, bức tường có từ sự thỏa thuận giữa hai nước Pháp và Anh vào năm 1916.

  1. Làm sao họ tự đứng vững về mặt tài chánh?

Lợi tức chính của Nhà nước Hồi giáo là dầu hỏa của Irak và Syria. Nhóm của họ kiểm soát khoảng hai mươi giếng dầu. Tiền bán dầu khí thu được từ 1 đến 2 triệu đô la mỗi ngày nhờ các đường dây lậu có từ thời Irak bị cấm vận dưới chế độ của Saddam Hussein. “Ở Syria, vùng do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát cũng là vựa lúa của xứ sở, ông Romain Caillet cho biết. Họ kiểm soát các tháp chứa lúa mì và các cối xay ở vùng Bắc-Đông Alep, trử lượng có thể nuôi sống một triệu người mỗi ngày.”

Và nhất là, Nhà nước Hồi giáo có một hệ thống thuế má riêng trên vùng đất họ chiếm đóng. “Từ năm 2014, vài tuần sau khi chiếm Faloudja, Nhà nước Hồi giáo đã thiết lập một hệ thống thuế theo luật Hồi giáo, với phần đóng thuế như zakât, đóng góp hợp lệ, như sadaqa và jizya; cho phép nhân viên nhận lương trong khi dưới chế độ của Nouri al-Maliki thì lương công chức bị treo lại để trả đũa. Tù điểm này, tỉnh Faloudja trở nên một loại phòng thử nghiệm của một chính quyền địa phương trải rộng ra nhiều thành phố khác kể từ tháng sáu” ông Pierre-Jean Luizard viết.

  1. Tại sao Nhà nước Hồi giáo thu hút được như vậy?

Theo cơ quan tình báo Mỹ CIA, từ tháng 9-2014, Nhà nước Hồi giáo có 31 500 quân chiến đấu, nhưng khả năng trưng dụng trong những vùng họ chiếm đóng và ở ngoại quốc rất mạnh. Vì các lý do nêu trên. Và bởi vì tổ chức những người thánh chiến Hồi giáo này chưa bao giờ ai vào được.

Trong những năm 1980, để vào hàng ngủ Áp-ghan để chiến đấu chống người Nga thì trước hết phải được một người tuyển mộ trong nguyện đường Hồi giáo thu nhận. Rồi sau đó phải lên vùng núi Áp-ghan băng qua các vùng của các bộ lạc Pakistan. Sau ngày 11 tháng 9-2001 và với sự phát triển của Net, rồi đến thời của siêu mạng-thánh chiến. Để tiếp xúc với những người tuyển mộ, sau khi thu thập tin tức trong các diễn đàn đặc biệt, các tân binh phải vào trang Deep Web, trang “Web vô hình”, hàng triệu trang vô hình này thoát được lưới truy cập nhờ một phần mềm ứng dụng riêng.

Bây giờ, cuộc chiến Syria và Irak được cập nhật trực tiếp trên các trang mạng xã hội, Facebook, Instagram (chia sẻ hình ảnh) giữa những người thánh chiến này với nhau. Như thế một cô học sinh trẻ có thể nói chuyện trên Facebook với người tuyển mộ của Nhà nước Hồi giáo. Và Nhà nước Hồi giáo tuyển mộ trong lãnh vực này nhất là ở  Twitter.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch