Christoph Graf, thiên thần hộ thủ của Tòa Thánh

387

letemps.ch, Antonino Galofaro, 3-3-2015

Christoph Graf (L’Osservatore Romano/AP Photo)
Christoph Graf (L’Osservatore Romano/AP Photo)

Christoph Graf là tân chỉ huy trưởng quân đội của Đức giáo hoàng. Ông ở Vatican từ 28 năm nay, tuy vậy ông biểu hiệu cho mong ước mới của Đức giáo hoàng.

“Tôi có rất nhiều giấy tờ để ký.” Câu trả lời của tân chỉ huy trưởng Đội Cận Vệ Thụy Sĩ thật ngạc nhiên và chưng hửng, cũng như dáng điệu thư thái của ông toát ra. Trọng trách của chức vụ mới hình như không làm cho ai khó chịu. Vậy mà bây giờ đã 28 năm ông đi mòn gót ở Vatican để bảo vệ các đức giáo hoàng.

Ngày 8 tháng 2 vừa qua, Đức giáo hoàng đã nhanh chóng bổ nhiệm ông làm tân chỉ huy trưởng Đội Cận Vệ Thụy Sĩ, chỉ 8 ngày sau khi người tiền nhiệm của ông, đại tá Daniel Anrig rời chức vụ. Ông Graf gốc ở thành phố Lucerne, Thụy Sĩ, 53 tuổi. Ba tuần sau ngày được bổ nhiệm, ông tiếp chúng tôi ở văn phòng cũ của ông, văn phòng mới chưa làm xong. Bộ đồng phục sẩm màu và cổ điển tương phản với ánh sáng của căn phòng, ở cuối hành lang, trên bờ tường danh dự là các cờ của từng tỉnh ở Thụy Sĩ. Một vài bức tượng trang hoàng căn phòng.

Ông thích ngồi ở chiếc bàn tròn nhỏ hơn là ngồi ở bàn làm việc ngăn nắp của ông. Ông nói tiếng Ý với âm giọng đặc sệt Đức, đại tá cho biết ông ngạc nhiên khi được chọn. “Tôi chưa bao giờ có ý muốn làm chỉ huy trưởng vì tôi hạnh phúc trong mỗi chức vị của tôi.” Christoph Graf kết hôn với một cô gái Ý và có hai con, ông vào hàng ngủ Cận vệ với chức vụ đầu tiên là người cầm kích, từ đó ông leo dần lên các thang bậc của ngạch trật. Ông trưởng thành trong các bức tường cao lớn của Vatican.

Khi thay ban chỉ huy quân đội, Đức giáo hoàng mong muốn Đội cận vệ  đổi mới. Vậy mà ngài chọn một người cũ. “Tôi nghĩ là ngài muốn làm mới lại nhân sự”, đại uý Cyril Duruz, cộng sự viên trẻ của chỉ huy trưởng giải thích. Đại úy Cyril Duruz người thuộc tỉnh Lausanne, 32 tuổi, trở lại Vatican phục vụ trong chức vụ đại úy sau khi ở chức vụ lính cầm kích năm 2000, Christoph Graf hiện thân cho một sự “liên tục lô-gic” sau khi đại tá Daniel Anrig ra đi. Là người đã giữ tất cả các chức vị của Đội Cận Vệ Thụy Sĩ, “ông như đi guốc trong bụng của tất cả các vấn đề của thuộc cấp, của các gia đình và ngay cả ở khu vực Thụy Sĩ, ông đại uý nói. Ông Graf muốn quy tụ tất cả mọi người lại.”

Giám mục phụ tá Alain de Raemy, thuộc địa phận Lausanne, Genève và Fribourg là tuyên úy của Đội Cận Vệ Thụy Sĩ, ngài biết Christoph Graf vào năm 2006. Ngài nhớ lại người đội trưởng “phi thường”: “Ông cực kỳ hiệu quả trong việc phân phối công việc. Ông để ý đến từng nguyện vọng của mỗi người, và nhất là giữ làm sao để mọi người cùng làm việc chung.” Cựu tuyên úy của Đội và đại úy Duruz mô tả đây là một con người nghiêm chỉnh và có yêu cầu cao nhưng rất gần với các tân binh. Ông nói với chính mình, “kỷ luật là rất cần thiết nhưng phải tôn trọng các nguyên tắc”. Quan điểm về quyền lực của ông trội hẳn với các đồng nghiệp trong quân đội Thụy Sĩ của ông. “Phải thương thuộc cấp để hướng dẫn họ, ông nói. Các cận vệ họ đã tự nguyện rời bỏ quê hương của mình, rời bỏ gia đình người thân, rời bỏ bạn bè. Như thế chúng ta phải cho họ một mái nhà, một gia đình.”

Quan điểm này gần với quan điểm của Đức giáo hoàng hơn là quan điểm của quân đội. Và đương nhiên chẳng lạ gì khi ông được Giáo hoàng bổ nhiệm, giám mục de Raemy cũng không ngạc nhiên. “Ông là người mà Đức giáo hoàng biết nhiều nhất trong những người ở Đội Cận Vệ Thụy Sĩ”, giám mục phân tích. Đúng vậy, Christoph Graf là sĩ quan đi theo Đức Phanxicô trong tất cả các chuyến đi ra nước ngoài của ngài. Trong những chuyến đi này, hai người ngồi ăn chung với nhau. “Tiếp xúc giữa Đức giáo hoàng và người chỉ huy trưởng rất quan trọng, đại úy Cyril Duruz khẳng định. Chẳng hạn ở Quảng trường Thánh Phêrô, thường chỉ qua một ánh mắt là hiểu nhau, phải ngừng hay phải đi tiếp (xe giáo hoàng)”. Một sự hiểu nhau là thiết yếu vì phản ứng của giáo hoàng Argentina có thể bất ngờ. Việc này nhắc cho chỉ huy trưởng Graf nhớ lại những năm đầu khi ông phục vụ Đức Gioan-Phaolô II.

Nhưng sĩ quan đại úy thấy giữa hai người có một cái gì còn hơn là sự thân tình hiểu nhau. Một buổi tối, trong phòng ăn của khu vực Thụy Sĩ, Đội Cận Vệ Thụy Sĩ tiếp một phái doàn nào đó. Các sĩ quan chưa kịp đứng dậy lấy rượu mời khách thì họ đã thấy người chỉ huy trưởng của họ đã ở đó để phục vụ cho các khách mời. “Một cử chỉ gần gũi như thế làm cho tôi phải nghĩ đến Đức Phanxicô, đại úy Cyril Duruz kể. Là chỉ huy trưởng là người phục vụ cho đội và cho các sĩ quan.”

Chọn lựa bổ nhiệm ông Christoph Graf không phải chỉ tuyền do cảm nhận giữa hai bên. “Tôi nghĩ Đức giáo hoàng cần một người mà ngài biết để cùng với họ, ngài nhìn xem “điểm mới” nào cần mang lại cho đội”, giám mục de Raemy hình dung như thế. Tân chỉ huy trưởng đã có những dự án cho tương lai. “Daniel Anrig để lại một Đội Cận Vệ có tổ chức tốt, nghe lời người điều khiển mình. Chúng tôi muốn theo con đường này và nếu chúng tôi thấy cần thay đổi thì chúng tôi sẽ thay đổi.”

Các thách thức của ông là mỗi năm tìm cho ra hơn ba mươi tân binh trẻ vào hàng ngủ quân đội nhỏ nhất thế giới này, ông sẽ đích thân đi gặp ở Thụy Sĩ, một thách thức khác nữa là phải đối diện với các đe dọa mới, nhất là nạn khủng bố. Về điểm này, không có báo động gì về phía ông Christoph Graf và ông cũng ít lời: “Các cận vệ đang thi hành nhiệm vụ phải cảnh giác hơn.” Nhưng ông vui thấy đội phát triển ngày càng có tính cách chuyên nghiệp hơn. “Phải có khác biệt giữa việc canh gác ở các cổng vào Vatican và canh gác gần Đức giáo hoàng, chúng tôi được đào tạo đặc biệt để bảo vệ nhân sự và như thế phải hoàn hảo trong công việc của mình.”

Trong tình thân mật của khu vực Thụy Sĩ, đại tá Graf có cảm tưởng như mình ở trong một đại gia đình. Và như ở trong một ngôi nhà quý tộc, ông đích thân tiễn khách ra khỏi cửa. Ở địa vị cao nhất của Đội Cận Vệ Thụy Sĩ, ông hy vọng là không thay đổi, vẫn tiếp tục ngừng lại nói chuyện với các binh lính cầm kích. Như người lính ở phòng đón khách, vừa kêu ông lại để chào khách.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch