Sáng sớm ngày chúa nhật, tôi xem buổi đọc kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha, giáo hoàng Phanxicô, và chú ý đến những lời ngài nói chuyện trước khi đọc kinh với đám đông khổng lồ, đến 10 ngàn người quy tụ ở quảng trường thánh Phêrô mỗi chúa nhật. Người kế vị đáng kính và có tầm đại chúng khổng lồ này của thánh Phêrô, nói về sự trìu mến của Chúa Giêsu, lòng thương cảm yêu mến của Chúa, và đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cần phải ân cần và cảm thương các đồng loại của mình. Rõ ràng Đức Thánh Cha không chỉ được đám đông ở quảng trường thánh Phêrô ái mộ, mà còn được mọi người khắp thế giới ngưỡng mộ. Nhưng dường như không phải ai cũng chia sẻ sự ái mộ này.
Khi tôi đang xem Đức Thánh Cha nói trên truyền hình, thì hộp thư của tôi đầy một đống email về các buổi phỏng vấn và các bài báo của các anh em giám mục ít thích giáo hoàng Phanxicô hơn tôi. Những email này nhắc nhở tôi về một thời từ rất lâu rồi, khi tôi lần đầu tiên thấy bất đồng quan điểm với giáo huấn và việc làm của một giáo hoàng. Khi là một chủng sinh 20 tuổi, đang làm luận văn tốt nghiệp ở Đại học Công giáo Hoa Kỳ, tôi lần đầu tiên đọc được tông thư của thánh Gioan XXIII, Mẹ và Thầy [Mater et Magistra]. Một số người khó lòng đón nhận giáo huấn của tông thư này. Một trong những học giả đã có lời bình luận lan truyền khá rộng trong giới phản đối rằng, ‘Mẹ thì có, nhưng Thầy thì không’ [Mater si, Magistra no].
Tôi nhớ là khi cùng với một số bạn học của mình, thể hiện sự cự tuyệt với tông thư này, một linh mục trong chủng viện đã rầy la chúng tôi. Cha nhẹ nhàng quở trách sự ngây thơ của chúng tôi và chỉ ra rằng luôn luôn có một dòng bất đồng quan điểm trong Giáo hội, một số còn ở trong Hội đồng Hồng y nữa. Sau đó, tôi được nghe về hồng y Louis Billot, người khá lớn tiếng trong việc chống đối giáo hoàng Pius XI, đã lên án phong trào chính trị và tôn giáo Action Française vốn quy tụ nhiều người khao khát muốn phục hồi chế độ quân chủ ở Pháp, và đòi Giáo hội có vai trò mạnh hơn trong chính phủ dân sự. Năm 1927, theo niên giám Công giáo ghi lại, hồng y Billot ‘đã được thuyết phục từ bỏ tước hồng y của mình.’
Sự khó chịu với quan điểm của một giáo hoàng về các vấn đề dù là giáo lý, mục vụ, giáo luật, hay đơn giản là chuyện áo lễ, dường như luôn luôn tồn tại theo nhiều kiểu. Năm 1963, thánh Gioan XXIII một lần nữa trở thành đối tượng bị trút giận từ những người không ưa tông thư Hòa bình trên Trái đất [Pacem in Terris] của ngài. Chuyện này cũng xảy ra với chân phước Phaolô VI với các tông thư Phát triển các Dân tộc [Populorum Progressio] năm 1967, và cả tông thư Đời sống Con người [Humanae Vitae] năm 1968. Sự bất đồng quan điểm của một số linh mục về giáo huấn trong Đời sống Con người dẫn đến việc một số người từ bỏ thừa tác vụ linh mục của mình.
Vào năm 1969, khi Quốc vụ khanh của giáo hoàng Phaolô VI ban hành hướng dẫn về áo lễ của giám mục và hồng y, một số người cũng đã có sự bực mình đáng kể, dù nhẹ hơn trước. Nỗ lực để hợp lý hóa và bỏ đi những vật như cappa magna (một áo bào của giám mục và hồng y với cái đuôi dài lê thê) đã khiến nhiều người thấy bực mình.
Ngay cả triều giáo hoàng ngắn ngủi của Đức Gioan Phaolô I cũng không tránh khỏi những chỉ trích. Một vài người viết rằng họ thấy nụ cười của ngài không hợp với cương vị giáo hoàng, bởi đã đánh mất sức nặng của sự nghiêm nghị đối với cương vị này. Một nhà bình luận còn than rằng Giáo hoàng ân cần và đáng mến này, thực sự đã vẫy tay chào cộng đoàn khi đang cử hành thánh lễ.
Rồi tất nhiên, tiếp theo là đến thánh Gioan Phaolô II. Mọi thứ ngài viết ra đều từng bị chỉ trích, dù là các tông thư xã hội như Lao động Con người [Laborem Exercens] năm 1981, hay Bận tâm Xã hội [Sollicitudo rei socialis] năm 1987, hay Bách chu niên [Centesimus annus] năm 1991, hoặc tông thư về giá trị trường tồn của nỗ lực truyền giáo của Giáo hội, Sứ vụ Đấng cứu thế [Redemptoris missio]. Có một số người không ngừng chỉ trích ngài vì các chuyến công du của ngài, dù suốt gần 27 năm các chuyến đi của ngài đã đem lại sinh lực mới cho Giáo hội. Cá nhân tôi luôn thấy đau lòng trước những chỉ trích nhắm vào thánh Gioan Phaolô II, bởi tôi có lòng ngưỡng mộ và yêu mến ngài đặc biệt. Chủng viện mới ở tổng giáo phận của tôi, vừa mở cửa cách đây vài năm được mang tên của ngài, Chủng viện thánh Gioan Phaolô II.
Tôi sẽ không dài dòng thêm về các chỉ trích, thách đố, phản đối, và bất đồng quan điểm mà các lời dạy và công cáo của giáo hoàng Bênêđictô XVI phải đối diện trong triều giáo hoàng của ngài. Một lần nữa, tôi thấy mình thật không thể hiểu nổi những chỉ trích tiêu cực nhắm vào ngài, một người mà tôi thấy là vị Mục tử tốt lành, thánh thiện và sáng suốt của Giáo hội.
Thật khó để kỳ vọng giáo hoàng Phanxicô sẽ tránh được những sự ‘khủng bố’ kiểu như trên.
Từ những ngày non dại hồi năm 1961 đến nay, tôi đã học được rằng, khi xem xét cho kỹ, sẽ thấy trong tất cả mọi bất đồng quan điểm có một nỗi sợ chung. Họ bất đồng với giáo hoàng, bởi ngài không đồng ý với họ, và do đó không chìu theo quan điểm của họ.
Các bất đồng quan điểm có lẽ là một chuyện chúng ta lúc nào cũng có, chuyện than phiền cũng vậy, nhưng chúng ta cũng luôn luôn có thánh Phêrô và đấng kế vị của ngài, là phiến đá tảng, và tiêu chuẩn cho đức tin và sự hiệp nhất của chúng ta.
Hồng y Donald Wuerl là tổng giám mục của Washington, và được giáo hoàng Bênêđictô XVI phong hồng y năm 2010.
J.B Thái Hòa chuyển dịch từ bài trong blog của hồng y Wuerl