Giáo hoàng Phanxicô đang sẵn sàng để thay đổi Công giáo vĩnh viễn

238

Crux – John L. Allen Jr _ 13 Tháng Hai 2015

Giáo hoàng Phanxicô đang sẵn sàng để thay đổi Công giáo vĩnh viễnBởi là một nhân vật hấp dẫn về mặt truyền thông, Giáo hoàng Phanxicô nói và làm nhiều điều có vẻ cách mạng, nhưng thực sự lại không phải vậy. Chẳng hạn như khi ngài nói rằng người Công giáo không phải ‘sinh đẻ như thỏ’, nghe có vẻ thật mới lạ, nhưng lại rất quy chuẩn theo giáo huấn chính thức của giáo hội.

Tuy nhiên, ngày thứ bảy hôm nay, sẽ cho chúng ta một sự việc mới, một hành động thực sự, và có lẽ là ngày cách mạng nhất trong 2 năm qua của Đức Phanxicô.

Bằng việc tấn phong 20 tân hồng y khắp thế giới, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ thế giới đang phát triển, đang sẵn sàng thay đổi Công giáo vĩnh viễn, không phải là về mặt hệ tư tưởng cánh tả hay cánh hữu, nhưng là về mặt địa lý, giữa bắc và nam bán cầu.

Mà đây là hội nghị hồng y lần thứ hai trong triều giáo hoàng Phanxicô, nghĩa là việc tấn phong các tân hồng y này, cũng như ấn tượng chắc chắn của quyết định đó cho thấy Đức Phanxicô đã thay đổi rất nhiều trong tiêu chuẩn cho các sự bổ nhiệm quan trọng này.

Theo lệ thường, một người vươn lên từ hàng ngũ giáo sỹ, rồi đạt được một vị trí tự động kèm theo mũ đỏ hồng y, như làm tổng giám mục Venice, Paris hay Chicago chẳng hạn. Nhưng ngày nay, Đức Phanxicô đang bỏ qua các tòa hồng y truyền thống này, mà chọn lấy hồng y từ các giáo phận nhỏ hơn, và về căn bản là dàn trải khắp trên bản đồ thế giới.

Vẫn chưa thể biết được các hệ quả của sự chuyển vần này, nhưng có vẻ như chúng sẽ rất sâu sắc. Hầu như không một hành động nào của giáo hoàng, có thể định hình văn hóa trong Giáo hội cho bằng việc chọn các vị lãnh đạo cấp dưới của mình, và các hồng y là những sự lựa chọn quan trọng nhất.

Nói cách khác, Giáo hoàng Phanxicô đang đột kích, thách thức cả sự thống trị hiện thời của Tây phương và chủ nghĩa giáo quyền đã lâu nay ăn vào máu của Hội đồng Hồng y.

Cho đến bây giờ, Đức Phanxicô nổi tiếng là một người cấp tiến hơn hẳn các giáo hoàng trước, và tự nhiên, mọi người sẽ tự hỏi không biết việc chọn các tân hồng y có phải là có ý điều hướng Giáo hội theo một đường hướng chính trị cụ thể hay không.

Thực sự, thật khó để tìm thấy một nhãn hệ tư tưởng rõ ràng trong nhóm 20 này, hay hẹp hơn là trong 15 hồng y dưới bát tuần sẽ có trách nhiệm bầu giáo hoàng kế tiếp.

Có hai người nổi tiếng là ôn hòa, tân hồng y John Atcherley Dew của New Zealand và Ricardo Blázquez Pérez của Tây Ban Nha. Nhưng, cũng có những người bảo thủ, như Berhaneyesus Demerew Souraphiel của Addis Ababa, Ethiopia, người đã ký một thư mục vụ ủng hộ cho hiến pháp cấm các hành vi đồng tính luyến ái. Tân hồng y Berhaneyesus cũng tham gia vào một lực lượng liên tôn giáo ở Ethiopia, đã xem hành vi đồng tính luyến ái là ‘cực điểm của vô luân.’

Thành thật mà nói, có vẻ như Đức Phanxicô chẳng biết gì nhiều về chi tiết các nhãn quan hay nền tảng chính trị của nhiều người trong số các tân hồng y này. Khi ngài công bố danh tính các vị hồi đầu tháng 1, rõ ràng ngài không quen lắm với nhiều người trong số họ, và một vài hồng y tân chức cũng thừa nhận rằng mình hầu như chẳng có quan hệ gì với giáo hoàng trước khi được bổ nhiệm lần này.

Ví dụ như, Giám mục Soane Patita Paini Mafi của Tonga cho biết rằng ngài đã gặp Đức Phanxicô duy nhất một lần trong đời. Đó là vào Hội đồng Giám mục năm ngoái, và chỉ để giải thích với giáo hoàng về vị trí của Tonga nằm ở đâu.

Dù tác động về mặt chính trị của các bổ nhiệm này vẫn không có gì rõ ràng, nhưng về mặt đại diện theo địa lý thì lại khá hiển nhiên.

Với loạt hồng y tân chức này Đức Phanxicô đang rải đều mũ hồng y, đến những nơi chưa từng có hồng y trước đó, và lại bỏ qua các trung tâm quyền lực truyền thống.

Có 3 nơi chưa từng có hồng y, nay sắp được có, là: Myanmar, Cape Verde, và đảo Tonga. Ngay cả trong các quốc gia vốn đã có hồng y, Đức Phanxicô cũng bỏ qua các dự kiến thường lệ mà chọn lấy các tòa bị xem là thứ cấp và bị bỏ mặc lâu nay, như Agrigento và Ancona ở Ý quốc.

Chỉ có duy nhất một quan chức Vatican trong số này, là tổng giám mục Dominique Mamberti người Pháp của Tối cao Pháp viện Tòa thánh, và trong số các tân hồng y đủ tuổi bỏ phiếu, chỉ có 5người từ châu Âu.

Khi Đức Phanxicô được bầu vào tháng 3 năm 2013, châu Phi và châu Á mỗi châu lục chỉ chiếm 9.6% lá phiếu. Sau ngày thứ bảy tuần này, châu Phi sẽ có 12% và châu Á là 11.2%, cao nhất trong lịch sử. Nhìn chung, thế giới đang phát triển sẽ chiếm 41% Hội đồng Hồng y, cao nhất trong lịch sử, và là một bước tiến vượt bậc so với con số 35% cách đây 2 năm.

Tất cả những điều này, tất nhiên, chính là việc đưa cương vị lãnh đạo của Giáo hội nghiêng nhẹ hơn chút nữa theo chiều nhân khẩu thực tế của giáo dân. Trong số 1.2 tỷ người Công giáo La Mã trong thế giới ngày nay, 2/3 sống ngoài phương Tây, và dự tính con số này sẽ là 3/4 vào cuối thế kỷ XXI.

Đến ngày thứ bảy hôm nay, có thể nói, người Công giáo ở mọi nơi sẽ sống trong một ngôi làng mang tính toàn cầu hơn, với một loạt lãnh đạo mới đưa Giáo hội theo những đường hướng không thể nói trước được. Có thể sẽ không có những hùng hồn thú vị, nhưng chắc chắn sẽ có những cách mạng thực sự.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch