Andrea Tornielli, Vatican, 5-Jan-2015
Với Hội nghị hồng y sắp đến, Đức Phanxicô đang tiếp tục đi theo con đường mà ngài đã vạch ra cách đây một năm, là tái cấu trúc Giáo triều và tập trung vào các vùng ven, đồng thời tránh các chức danh được tự động ấn định.
Việc công bố tên các tân hồng y, không chỉ là một phân tích về tỷ lệ và thống kê, mà thực sự là dấu chỉ thay đổi trong Hội nghị hồng y sắp tới: hầu hết những người được chọn đều gây kinh ngạc và hoàn toàn không ngờ đến. Các mục tử ở vùng ven của thế giới, và một số còn là giám mụcc của các giáo phận chưa từng có hồng y trước đó. Đây là dấu chỉ cho thấy Giáo hoàng Phanxicô muốn tiếp tục con đường mà ngài đã vạch ra cách đây một năm: cắt giảm số hồng y đang là thành viên Giáo triều (vào ngày 14 tháng 2 tới, con số này sẽ giảm từ 30% xuống 27%); chấm dứt việc tự động phong chức hồng y cho giám quản các tòa nhất định, vốn là truyền thống bất thành văn lâu nay phong chức hồng y cho các tổng giám mục ở các tòa được xem là “tòa hồng y”, và trên hết, là ngài cho vùng phía Nam của thế giới thêm tiếng nói, nghĩa là tỏa rạng hơn nữa tính toàn thể thực sự của Giáo hội.
Có lẽ chính giáo hoàng đích thân chọn lựa các tân hồng y, vì các tân hồng y chỉ biết mình được phong chức đầu tiên hết là qua truyền hình. Tổng giám mục Edoardo Menichelli, người Ý, biết được tin này qua một người bạn gọi điện đến để báo tin, và lúc đầu ngài tưởng đây là chuyện đùa. Tổng Giám mục cao niên người Sardinian, Luigi de Magistris, một học trò của hồng y Ottaviani, lúc đó đang ở nhà thờ chính tòa Cagliari để giải tội. Còn những “người được chọn khác” cũng miễn cưỡng tin vào các nhà báo, trong lúc đang cố gắng xác nhận chính thức. Không có chút tin tức gì rò rỉ ra ngoài, và ngay cả thời điểm công bố cũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Rõ ràng Đức Phanxicô muốn tái lập lại phong cách cho Mật nghị Hồng y sắp đến, khi ngài đưa vào Hội đồng Hồng y, những người bỏ phiếu có kinh nghiệm mắt thấy tai nghe với những hoàn cảnh khó khăn, như ở các nước Tonga và Myanmar khi giáo hội phải đương đầu nơi tiền tuyến, ở các nước mà tôn giáo bị giằng xé bởi bạo lực như ở thành phố Morelia, Mễ Tây Cơ, và còn là ở những Giáo hội nhỏ hay những nơi mà Giáo hội chỉ là cộng đồng thiểu số. Ở Ý, giáo hoàng chọn các mục tử ở các giáo hội vùng ven thay vì các giám mục ở các giáo phận lớn nhất như Turin và Venice. Người được chọn là tổng giám mục Menichelli từ Ancona và Francesco Montenegro từ Agrigento. Đức cha Menichelli thường lái chiếc Fiat Panda cũ của mình quanh giáo phận và đã khởi xướng các chương trình giúp đỡ các cuộc hôn nhân dễ tan vỡ. Còn đức cha Montenegro là giám mục của Lampedusa, ngay giữa tâm bão vấn đề nhập cư. Ba trong số các tân hồng y là người Ý, hai trong số đó là người có quyền bỏ phiếu mật nghị, và một người trên 80 tuổi, chứng tỏ sự quan tâm của Đức Phanxicô với Ý quốc.
Cách đây một năm, Đức Phanxicô đã nói, “Tôi chắc một điều: Các thay đổi lớn trong lịch sử được thực hiện khi người ta không nhìn hiện thực từ trung ương ra nhưng là từ vùng ven vào.” Và các tân hồng y dường như củng cố chặt chẽ cho lời tuyên bố này.
15 tân hồng y dưới 80 tuổi có quyền bỏ phiếu mật nghị, họ đến từ 14 quốc gia khác nhau. Con số này lên đến 18 nếu chúng ta tính cả 5 vị “ngoài cuộc” không được bỏ phiếu vì quá bát tuần. Nếu một Mật nghị Hồng y được tổ chức để bầu lên tân giáo hoàng, thì hội đồng bỏ phiếu sẽ có ít đại diện từ Giáo triều và từ châu Âu hơn, cho dù danh sách các hồng y được bỏ phiếu mà Giáo hoàng vừa công bố, có 5 người từ châu Âu, 3 từ châu Á, 3 từ châu Mỹ La tinh, 2 từ châu Phi, và 2 từ châu Đại dương.
Không có thêm mũ đỏ nào cho Hoa Kỳ và Canada, nhưng Bắc Mỹ đã có nhiều đại diện và con số các hồng y được bỏ phiếu ở vùng này vẫn ổn định. Tổng Giám mục Chicago, Blaise Cupich và tổng giám mục Madrid Carlos Osoro đều không được nhận mũ đỏ. Cả hai vừa mới được chính Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm và được cho là thân cận đặc biệt với ngài. Vậy nên, có thể thấy Đức Phanxicô muốn giữ luật bất thành văn là chưa phong hồng y cho tổng giám mục nếu tổng giám mục danh dự về hưu ở giáo phận đó vẫn chưa quá 80 tuổi (nghĩa là được bỏ phiếu trong mật nghị),
Đức Phanxicô đã chọn tấn phong cho Trưởng Tối cao Pháp viện Tòa thánh, tổng giám mục Mamberti, một thành viên Giáo triều. Ngài vẫn còn trẻ theo tiêu chuấn Vatican, vậy nên Đức Phanxicô có thể không chọn ngài lần này, nhưng quyết định được đưa ra cho thấy Đức Phanxicô vẫn giữ tiêu chuẩn mà thánh Gioan Phaolô II đã đặt ra. Những người có quyền được nhận chức hồng y trong Giáo triều của Đức Phanxicô đều đã được phong. Còn trưởng các Hội đồng Giáo hoàng, vốn đang trong quá trình cải tổ, không được phong hồng y. Giáo triều sẽ chiếm tỷ lệ ít hơn trong việc bỏ phiếu bầu Giáo hoàng.
J.B.Thái Hòa dịch