Jane Fae
Khi báo đài đưa tin Giáo hoàng Phanxicô ôm một người chuyển giới tại Vatican, chính là ngài đang đem lại hi vọng cho những ai đang nỗ lực mong được chấp nhận trong Giáo hội.
Lần đầu tiên khi đọc thấy việc giáo hoàng đã gặp mặt và ôm một người chuyển giới, tôi đã quá đỗi vui mừng. Trong thánh lễ sáng hôm nay, ngày tôi viết bài này, tôi chợt nghĩ rằng phải làm gì đó để thổi thêm sinh lực cho quan điểm của ngài rằng phải ‘làm chứng với niềm vui và sự đơn sơ.’
Niềm vui của tôi nhanh chóng được đẩy lên thêm bởi các bài phân tích về chủ đề này. Câu chuyện, theo dòng truyền thông chính, rất rõ ràng. Một người chuyển giới ở Tây Ban Nha, Diego Neria Lejarraga, đã viết thư kể với giáo hoàng về những đấu tranh của ông với mong muốn được chấp nhận trong Giáo hội. Và ngạc nhiên thay, giáo hoàng đã trả lời bằng cách nhấc điện thoại gọi đi và hẹn với ông một buổi gặp mặt tại Vatican.
Khi được ông Diego hỏi chân thành rằng, sau khi sửa đổi giới tính, liệu ‘có chỗ nào trong nhà của Chúa dành cho ông hay không,’ Đức Phanxicô trả lời bằng cách ôm lấy ông.
Đến đây, tôi tự hỏi mình, tại sao Giáo hoàng Phanxicô lại nhanh chóng được lòng những người cảm thấy mình bị loại ra ngoài rìa, bị loại trừ bởi chính tay Giáo hội mà họ vẫn khát khao muốn tin vào.
Rồi tôi đọc đến những bài phân tích của các nhà quan sát Vatican và chuyên gia về các vấn đề trong hội thánh. Các bài này, không xác nhận cũng không chính thức bác bỏ chuyện này. Từ đó có thể hiểu là, buổi gặp này có lẽ đã diễn ra, nhưng sự khẳng định đơn sơ cho tình yêu Kitô hữu này, vẫn còn gây quá nhiều tranh cãi nên Giáo hội không thể chính thức đưa ra được.
Trái tim và cái đầu. Chủ nghĩa truyền thống thận trọng đấu với sự vui hưởng đời sống. Có lẽ, còn là chủ nghĩa lý tưởng bất cẩn đối đầu với chủ nghĩa bảo thủ có trách nhiệm. Có lẽ nhiều người đã dễ dãi nhìn nhận triều giáo hoàng này bằng sự phân rẽ. Còn tôi nghĩ rằng, các vấn đề thực sự phức tạp hơn nhiều, và rất khó rõ ràng với những người cứ dùng cái đầu mà phán định: vấn đề là một tôn giáo thế giới có ý nghĩa gì trong thế kỷ XXI ngày càng thế tục này. Với tôi Giáo hội luôn luôn là thế.
Khi còn là một đứa trẻ ở nhà nguyện Birmingham, tôi đã sớm học biết được ‘đừng phán xét để không bị phán xét’ và ‘người nào không có tội, hãy ném đá trước đi.’ Chúng ta không có quyền phán xét, cũng không được nói nhân danh Chúa bất kỳ lời gì mà Ngài không lệnh truyền cho chúng ta nói.
Bản thân tôi thấy mình thật may mắn, có phúc. Là một phụ nữ chuyển giới, tôi sống mỗi một giây phút đều hướng về giáo xứ của mình.
Người ta thường nói rằng thời khắc định mệnh là lúc bạn đang trải qua ca phẫu thuật. Nhưng không phải thế. Tôi không có nỗi sợ hết sức hợp lý khi phải chịu phẫu thuật, và cũng không có chút nghi ngại nào trong đầu về sự đúng đắn của việc này. Khó khăn thực sự nằm ở cuộc sống thường nhật, khi khám phá ra rằng, dù trước khi chuyển giới tôi có sống thế nào đi chăng nữa, thì bây giờ tôi hoàn toàn khác thường về mọi mặt, vừa là tài sản chung vừa là mục tiêu chung. Trong năm đầu tiên sau khi chuyển giới, tôi chịu nhiều xúc phạm hơn cả 20 năm về sau cộng lại.
Đó thực sự là một thời gian rất đáng sợ, khi ngay cả khi ở giữa bạn bè, và một trong những thời điểm đáng sợ nhất với tôi, chính là lần đầu tiên đi vào nhà thờ với tư cách một phụ nữ. Khi đặt chân vào, tôi đã chấn động trong nỗi sợ. Và khi ra khỏi, tôi đầm đìa nước mắt, dù là nước mắt vui mừng. Những gì giúp tôi vượt qua được, chính là tình yêu thương, nâng đỡ và chấp nhận từ những người khác trong cộng đoàn, đặc biệt là từ các bà mẹ.
Với những người thích nghĩ về Giáo hội như một sự đặt nền tảng trên Tin mừng tình yêu, thì đây đúng là một hồi chuông thức tỉnh. Liệu họ có thực sự tin rằng Chúa Giêsu, người đã cho phép tội nhân rửa chân mình, và trách mắng những người Pharisiêu vì cố gắng lấy cớ đó làm Ngài bẽ mặt, liệu Chúa Giêsu có tự hào khi Giáo hội của Ngài lại gây nên cho người ta nỗi sợ hãi như thế hay không
Nhưng có lẽ, chỉ mình tôi nghĩ như thế này thôi sao? Đáng buồn là không. Là một nhà báo, một người chuyển giới và giữ đạo Công giáo, tôi đã nhận được nhiều email, rất thường xuyên, từ những người đang phải đối mặt với tình trạng đau lòng này, thậm chí còn tệ hơn nữa. Một phụ nữ đã không đi lễ hơn mười năm, vì sợ bị lên án. Các học sinh, một số đã chuyển giới, một số là con của người chuyển giới, đã cho biết các em bi bắt nạt ở các trường Công giáo được xem là tốt, và đôi khi các giáo viên còn tích cực chống lưng cho chuyện này nữa.
Nhưng giáo lý của Giáo hội không tán thành kiểu hành động này. Ngay cả khi người ta lựa chọn sai lầm về luân lý, thì Giáo hội vẫn đưa người đó về nhà, bằng cách nâng đỡ, chỉ dạy và yêu thương chứ không phải la mắng và lên án. Mà các bậc cha mẹ điều biết rằng, cách thứ hai, chẳng những không được cảm tình của con cái, mà còn dễ ghẻ lạnh và mất luôn người con. Điều này đặc biệt đúng với vấn đề người chuyển giới, dù có vẻ như, đến lúc Giáo hội sẽ hiểu được rằng Thiên Chúa không sai lầm về vấn đề giới tính, nhưng quan điểm hiện thời của chúng ta về vấn đề nam hay nữ, có lẽ là không được trọn vẹn.
Với hành động đơn sơ của giáo hoàng khi ôm lấy người chuyển giới, có vẻ như đây là hành động từ trái tim, và thực sự tôi rất tin tưởng là thế. Nhưng, về lâu dài, con đường mà Đức Phanxicô đang đi là con đường hợp lý duy nhất, bởi nếu không thể được lòng người ta bằng niềm vui và yêu thương, thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể thuyết phục họ vâng theo Giáo hội được.
Jane Fae là nhà báo, cô dự định đến Roma cuối năm nay trong thời gian diễn ra hội đồng về gia đình, để làm chứng về sự hiện diện của người chuyển giới trong Giáo hội.