Aleteia, Elisabeth de Beaudoin, 4 tháng 2-2015
Chưa đến ngày lễ người cha nhưng Đức Phanxicô đã tặng cho các người cha một món quà đẹp: cẩm nang giúp họ trở thành những “người cha tốt của gia đình,” những người cha mà vai trò của họ ngày nay đang bị phê phán, nhưng thế giới vẫn rất cần vai trò này và trước hết, khởi từ mỗi gia đình, người con rất cần người cha.
Sau “Cha ơi, cha ở đâu” của thứ tư tuần trước, 28-1-2015, hôm nay Đức Phanxicô nói về “hình ảnh của người cha trong gia đình” và “giá trị của chức vụ người cha” trong buổi tiếp kiến chung ở Hội trường Phaolô VI.
Đức Phanxicô phác họa những nét lớn của “người cha gia đình nhân hậu” trên hai hình ảnh: hình ảnh thánh Giuse và hình ảnh người cha của người con hoang đàng trong Phúc Âm và trên đoạn Châm ngôn: “Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan, thì lòng dạ cha cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chính trực thì cha sẽ mừng rỡ hân hoan” (Cn 23,15-16).
Chân dung này có thể tóm trong bảy đức tính sau:
Khôn ngoan
Để người cha có thể “tự hào và xúc động khi đã trao truyền những gì mình cho là quan trọng trong cuộc sống, có nghĩa là một tâm hồn khôn ngoan. Theo Đức Phanxicô, người cha khôn ngoan sẽ không nói với con: “Cha tự hào vì con giống cha, vì con lặp lại những gì cha nói và làm những gì cha làm”. “Người cha sẽ nói cái gì quan trọng hơn thế mà chúng ta có thể tóm tắt như sau: “Cha sẽ hạnh phúc khi thấy con hành xử khôn ngoan, sẽ xúc động khi nghe con nói với lòng chính trực. Và đó là những gì cha muốn để lại cho con, để điều này thuộc về con: hiểu và hành động, nói năng và phê phán với tinh thần khôn ngoan và chính trực.”
Trưởng thành
Để người cha có thể nói với người con: “Cha đã dạy con những chuyện mà con chưa biết, cha đã sửa các lỗi mà con chưa thấy. “Cha đã làm cho con cảm nhận được một cảm nhận sâu đậm và kín đáo, có thể con chưa nhận thức đủ vì con còn trẻ và chưa chắc chắn về mình. Cha đã làm chứng cho con một tinh thần nghiêm nghị và cứng rắn mà có thể bây giờ con chưa hiểu khi con chỉ muốn cha che chở con và về cùng một phe với con. Chính cha là người đầu tiên hết phải thử thách với sự khôn ngoan của quả tim, phải cẩn trọng trong các sự quá độ của tình cảm để mang gánh nặng của những điều không thể tránh được, của những chuyện không thấu tình, để làm cho mình được hiểu.”
Gần gũi
Để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có sự hiện diện của người cha… không phải hiện diện để kiểm soát: “Điều cần thiết đầu tiên là người cha có mặt trong gia đình. Ông phải “ở gần vợ mình để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, đau khổ và hy vọng. Người cha cũng phải gần với con cái trong tuổi lớn lên của chúng: khi chúng chơi, khi chúng học, khi chúng vô tư, khi chúng lo lắng, khi chúng thổ lộ tâm tình, khi chúng im lặng, khi chúng dám làm, khi chúng sợ, khi chúng đi sai đường và khi chúng trở về nhà. Người cha có mặt ở nhà, luôn luôn. Có mặt không có nghĩa là “kiểm soát”! Vì những người cha kiểm soát con quá sẽ kiềm chế chúng và không làm cho chúng phát triển được.”
Kiên nhẫn
Như người cha nhân hậu trong dụ ngôn người con hoang đàng trở về. “Người cha đứng ở cánh cửa để chờ con về, đó là cả một phẩm giá, cả một tấm lòng, Đức Phanxicô đã phải thốt lên! Người cha phải kiên nhẫn. Bao nhiêu lần, có thể người cha chẳng biết làm gì ngoài việc phải chờ, phải cầu nguyện. Chờ trong kiên nhẫn, chờ trong dịu dàng, độ lượng và thương xót”.
Cao thượng
Vì “người con cần thấy người cha đang chờ mình khi mình trở về sau những lần thất bại. Chúng sẽ làm tất cả để không thừa nhận cha và để đừng thấy ông nhưng chúng cần ông. Và khi chúng không tìm thấy ông thì việc này mở ra trong lòng chúng những vết thương khó chữa lành.
Kiên nghị
Về vấn đề cứng rắn, giáo hoàng Dòng Tên nhấn mạnh theo kiểu: “cũng… nhưng mà”: Một người cha nhân hậu biết sửa lỗi nhưng không làm sỉ nhục. Ông biết chờ và tha thứ nhưng cũng biết cứng rắn sửa: ông không phải là người cha yếu đuối, nhường bước và ủy mị. Ông biết sửa mà không làm nhục. Trong một buổi họp, tôi nghe một người cha nói: “Đôi khi con phải đánh con của con … nhưng không bao giờ con đánh trên mặt để không làm nó bị sỉ nhục”. Người con hiểu phẩm giá của mình được tôn trọng.
Đức tin
Không có ơn Chúa thì các người cha trần thế sẽ nản chí và bỏ cuộc.” Người cha phải noi gương thánh Giuse, gương mẫu của đức tin trong lòng tốt, trong công chính và trong sự quan phòng của Chúa. Dù thánh Giuse đã muốn ra đi khi nghe tin Đức Mẹ mang thai nhưng thiên thần hiện ra mặc khải cho ngài chương trình hoạch định của Thiên Chúa và sứ mệnh người cha, xem Chúa Giêsu như con của mình. Và thánh Giuse, người công chính đã nhận Đức Mẹ và là người cha của gia đình Nadarét”. Tất cả đã nói lên!
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch