Năm Đời sống Tận hiến, chúng tôi xin gởi quý vị một số bài về đời sống tận hiến của các nam nữ tu sĩ đã chiến đấu, làm việc trong những điều kiện gian khổ. Ở các nước có truyền thống Công giáo, nhà cầm quyền hiểu được tầm quan trọng của các “di sản quốc gia” này nên đã thưởng cho họ các huân chương cao quý nhất, cũng như hỗ trợ cho các công việc làm của họ.
Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu với các bạn Nữ tu Marguerite Tiberghien thuộc dòng Vinh Sơn. Bà sinh năm 1926 ở Pháp và suốt đời làm việc ở Brazzaville, Congo.
Năm 2006, bà gặp ông Jacques Séguéla, ông vua của ngành quảng cáo ở Pháp. Nhanh chóng ông bị nhân cách ngoại hạng của bà cuốn hút, ông đề nghị được viết tiểu sử cho bà và quyển sách Xơ Dũng Cảm, cuộc gặp gỡ không chờ đợi của ông vua quảng cáo và công chúa của Chúa ra đời, kể lại cuộc chiến đấu chống nạn mù chữ và những tàn phá trong xã hội.
Sau đây là bài giới thiệu của ông Jacques Séguéla
Cám ơn maxơ
“Tôi không tin vào đời sống về sau nhưng dù vậy tôi cũng mang theo áo quần để thay.”
Woody Allen
Bà không có tuổi, nếu không, đó là tuổi của khôn ngoan. Bà có bước đi của người có thì giờ trước mặt. Nhưng cũng thường thôi: tất cả thì giờ của bà, bà đã cho Chúa hết rồi.
Bà không đi, bà lướt chân này trên chân kia như để xóa mờ hình bóng mình. Nhưng hụt mất rồi, bước chân bà chiếm hết khoảng không gian.
Bà có khuôn mặt của một thiên thần lướt nhanh xuống trần thế, chiếc khăn lúp như đội hào quang trên đầu và đặc biệt là cặp mắt, cặp mắt nói lên con người của bà, sáng suốt, nhanh nhẹn, tài hoa, rực sáng. Một ánh nhìn tuổi con gái, con gái mới lớn. Bà vẫn là con gái mới lớn suốt đời.
Người làm sao giọng nói làm vậy. Trong thanh nhưng kín đáo, đơn giản nhưng rung động, mạnh mẽ nhưng quảng đại. Chúng ta thường bóp méo ngữ điệu, bà không vậy, bà không biết chuyện này. Một điều rất hiếm ở thời buổi truyền thông hiện đại khi, dù trong vòng thân mật, mỗi lời nói thu thanh đều tìm cách tạo hiệu quả đặc biệt, gây dấu ấn cảm xúc. Ấy thế mà, bà có giọng nói tuy không ấn tượng nhưng nội dung của nó đôi khi lại rất dữ dội, một nội dung kềm nén quá lâu ngày. “Lúc nào cũng nói về người nghèo nhưng kỳ thực là kỳ thị họ”, mới vào bà đã nói với tôi như vậy.
Đó, xơ Marguerite Tiberghien là như vậy, người ta hay gọi bà là xơ Marguerite nhưng tôi thích gọi bà là “Xơ Dũng Cảm” dù bà rất ghét loại xưng hô ca tụng này.
Các bạn sẽ ngấu nghiến đọc câu chuyện hồi hộp, khủng khiếp của nạn diệt chủng được một tâm hồn sống trực tiếp trong cảnh đó kể thẳng ra với hết cả tấm lòng. Một câu chuyện không màu mè, không phô trương, không làm vừa lòng. Một câu chuyện làm bạn tin vào Chúa dù câu chuyện này có những điều khủng khiếp phơi bày như tuốt hạt.
Khi Xơ Dũng Cảm đề cập đến nước Cônggô bị thiêu cháy, bà khám phá ra ngoài nạn bất công do kỳ thị còn nạn bất công tâm hồn do: vô minh. Bà dấn thân vào mặt trận này với vũ khí là đức tin, là niềm say mê. Bà tin phương thuốc giải độc duy nhất để chống nạn thanh trừng chủng tộc là bài trừ nạn mù chữ. Và thế là bà bắt đầu sứ mạng tông đồ chính trị giáo dục, một sứ mạng đụng chạm liên tục với cơn điên cuồng của loài người.
Từ vận may đến các thúc đẩy của tâm hồn, từ thúc đẩy tâm hồn đến phải hét to tiếng, bà đã làm chuyện không thể thành chuyện có thể.
Dưới mắt chúng tôi, sự cùng cực về mặt vật chất là bất công đầu tiên của thế giới. Nó vẫn là bất công nhất. Nhưng khốn cùng về mặt trí tuệ còn làm cho bất công không tránh được kia còn tệ hơn nữa. Nó nghiền nát mọi hy vọng, đập tan mọi dự án, hủy bỏ mọi lối đi. Nghèo khổ sinh ra nghèo khổ, giáo dục mới làm cho giàu có. Còn chúng ta, những đứa con sinh ra của khoa học và văn hóa, chúng ta làm gì để chống lại sự pha giống này của miền Bắc, nơi nền giáo dục được miễn phí và chúng ta làm gì cho miền Nam, nơi, nhiều khi lại không có cả nền giáo dục?
Nước Cônggô độc lập năm 1960. Nhưng đến năm 1965 là đã có cách mạng. Thủ tướng đầu tiên, cha xứ Youlou đã phải bỏ trốn. Ngay lập tức xứ sở rơi vào tay khoa học mác-xít và nạn khiếp sợ để rồi dẫn đến nạn diệt chủng năm 1997. Từ phía bên kia biên giới của những chuyện không giải thích, không xin lỗi, không chịu đựng được nổi bùng cơn giận. Cựu nước Cônggô Bỉ nếm mùi chiến tranh lớn nhất châu Phi: ba triệu người chết. Các loạt giết người liên tiếp kéo theo nhau.
Chiến đấu không ngừng, tội ác không đáy, người chết không đếm được, trọng tâm Phi châu chỉ còn là nấm mộ của chính mình. Đó là cảnh địa ngục mà mỗi ngày Xơ Dũng Cảm chạm trán, đi qua những điều kinh hoàng nhưng không đánh mất nét dịu dàng, kề bên cái chết mà chỉ nghĩ đến sự sống. Còn chúng ta, chiều chiều ngồi xem truyền hình nhưng không thấy nó, giữa chương trình dở ẹt trước giờ cao điểm và chương trình mồi chài của giờ cao điểm. Thánh lễ tám giờ tối của chúng ta toàn thảm kịch, đó là cơm gạo hàng ngày, nó chỉ còn là đám tang chôn người. Chúng ta nhìn mà không thấy nó, xem như việc hạ huyệt này là của những người không quen biết, nơi người ta cư xử tốt với nhau trong những lúc tốt đẹp với nhau. Chúng ta dửng dưng nhìn cảnh các em bé phỏng cháy trước mặt các bà mẹ đang bị hãm hiếp. Một thái độ dửng dưng được đông lạnh, được vô trùng, được khử trùng theo phương pháp Pasteur bởi một xã hội cổ võ cho tính ích kỷ và thói co cụm. Sự mất mát các giá trị, sự cổ động thường xuyên cho cá nhân chủ nghĩa đã làm cho các hoạt động sôi nổi của những người sinh vào các năm 70, tính nhẹ dạ không lo âu của các người sinh năm 80 thành có lý. Giờ đây chúng ta đi vào kỷ nguyên của loại tôn giáo “ưu tiên cho tôi” mà không cần phải bàn cãi. Cái chết của nền văn minh chúng ta đến kỳ hạn thì nó sẽ tới.
Ở một nơi cách xa nước Pháp năm ngàn cây số, một nữ tu nhỏ bé của người nghèo và của dòng Bác Ái, từ tuổi thanh xuân đã âm thầm xả thân cho một đời sống khác, đời sống “ưu tiên cho người khác”. Tin vào Chúa trước hết là tin vào con người. Chống lại mọi sự, chống lại mọi người.
Một ngày nọ, văn sĩ Jean-Claude Carrière nói với tôi: “Để câu chuyện luân lưu trên toàn cầu, câu chuyện đó phải xảy ra ở một nơi nào đó, được một người nào đó viết.” Câu chuyện của xơ Dũng Cảm là câu chuyện sống của những chuyện kinh hoàng có thật và những hạnh phúc nhỏ bé bị đánh mất, mỗi câu chuyện mang một thông điệp. Đây là các dụ ngôn Lã Phụng Tiên của thế kỷ 21. Bối cảnh câu chuyện không phải là bối cảnh miền quê thanh bình nhưng là bối cảnh chiến tranh với các phụ tùng chém giết, tống tiền, thảm sát, xác chết. Nhưng luân lý của câu chuyện thì giống nhau, mỗi câu chuyện có các bài học của nó, bài học hy vọng. Có một vũ khí nào khác để sống còn khi đối diện với cảnh thoái hóa của một dân tộc bị bỏ mặc cho số phận của họ và tự kéo họ đi trở về với thời man dại sơ khai không? Câu chuyện như tấm gương phản hồi làm chúng ta phải suy nghĩ đến cảnh khốn quẫn tuyệt vọng của lục địa đang bị bỏ quên này.
“Thay vì tu viện, các nữ tu sẽ có các căn nhà cho người bệnh, các phòng bệnh viện; thay vì nhà nguyện và cuộc sống cấm cung trong hàng rào tu viện, các nữ tu sẽ có hè phố mà hàng rào là đức vâng lời, thanh chắn là lòng kính sợ Chúa, khăn lúp là cuộc sống thánh thiện khiêm tốn.” Câu nói của thánh Vinh Sơn Phaolô đã quyết định cuộc đời của xơ Marguerite. Bà còn thêm vào đó một giới luật tối hậu: sứ mệnh của tôi là sứ mệnh giáo dục ở Phi châu. Cuộc phiêu lưu nhân bản và thiêng liêng này đang chờ bạn ở những trang giấy sau. Bạn đừng hy vọng đọc ở đây câu chuyện bệnh hoạn mà các tác giả túng đề tài phải viết. Ở đây, thảm kịch lúc nào cũng được tình yêu bù lại và ở tận cùng của khủng khiếp lúc nào cũng có một niềm hy vọng. Xơ Marguerite hy vọng điều này ở nơi con người dù ngay khi bước chân đến xứ Công-gô, bà đã thấy cái dã man không dập tắt được của những cuộc xung đột chủng tộc, của dân chúng mù quáng chỉ biết dùng dao rựa. Các cuộc chém giết rồi cũng qua đi, nhưng ít nhất sự sống vẫn còn. Và từ đó, đối với bà, chỉ có một cách để tránh tái diễn cảnh giết chóc, đó là giáo dục.
Bà là hỗn hợp một phần ba mẹ Têrêxa, một phần ba cha Pierre, một phần ba nhà nhân đạo Bernard Kouchner, bà không chịu trở về Pháp dù tòa đại sứ Pháp nhiều lần báo động, dù áp lực của nhà dòng, dù bạn bè chung quanh nhẹ nhàng khuyên nhủ. Văn hào Victor Hugo đã nói: “Anh hùng là những người ở lại.” Bà ở lại. Và xơ Marguerite, một mình, giữa cảnh xâu xé của một nước Cônggô trong tay Quỷ, bà thiết lập ngôi trường của Chúa. Đầu tiên hết chẳng có một phương tiện nào, thế mà bây giờ đã có hơn ba mươi ngàn học sinh học trong những cơ sở này. Bao nhiêu cuộc đời được cứu khỏi nạn mù chữ, khỏi bạo hành, khỏi hủy hoại. Trường của bà dạy miễn phí, mở cửa cho tất cả mọi sắc dân, mọi lứa tuổi, mọi tôn giáo. Đặc biệt cho những em khuyết tật tinh thần mà trong các xứ nghèo này, đó là những người bị bỏ quên nhiều nhất trong một xã hội bị bỏ quên.
Nói giùm cho một người khấn hứa sống khiêm hèn không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng các cuộc gặp gỡ với bà, các bạn của bà, dòng của bà đều khuyến khích tôi. Không làm chứng cho những thảm kịch đã sống và sự thắng thế của hy vọng là làm cho lương tâm nhân loại đi chậm lại, lương tâm của thế giới người giàu chỉ biết đi nạo vét thế giới của người nghèo. Đó là quên hành tinh này là của chung, một hành tinh càng ngày càng đáng ghét, càng không có gì huyền bí. Và như thế thì rất mỏng giòn. Năm 2050, chúng ta sẽ có mười tỷ người, một tỷ no nức bụng, chín tỷ không có chi. Thói ích kỷ của chúng ta có thể kéo dài mà không sợ một cuộc nổi loạn toàn cầu sao?
Nhưng bạn cũng nên tự hỏi vì sao lại có sự đột nhập của một tên quý tử ngành quảng cáo – quý tử ngành quảng cáo là quý tử đồi bại – trong những trang viết này. Có cái gì hợp lý hơn không? Tôi phục vụ cho các nữ tu đã giúp tôi học đi, học viết. Hạnh phúc thời thơ ấu của tôi có được là nhờ các nữ tu đội mũ cứng này, họ giúp tôi viết những chữ đầu tiên, những từ đầu tiên, những suy nghĩ đầu tiên.
Cha mẹ tôi là những sinh viên trẻ phân khoa quang tuyến, trên đường đi học, họ gởi tôi ở nhà trẻ của các nữ tu trên đường Tombe-Issoire. Từ giã nụ cười lo âu của mẹ tôi đón nhận nụ cười trấn an của xơ Joseph. Bà cũng thuộc dòng thánh Vinh-Sơn. Tôi còn nhớ căn phòng chơi chật chội nơi lũ con nít con trời, con đất chúng tôi chen vai thích cánh chơi chung với nhau. Từ vòng tay âu yếm dịu dàng, từ niềm vui rực sáng, từ tâm thanh tịnh mà xơ Joseph đã gieo trồng trên những bước chân đầu đời, những tập tục đầu tiên, những tiếng khóc đầu tiên của tôi. Tôi được hai bà mẹ sinh ra, được hai bà mẹ cho niềm vui sống, một niềm vui sống không bao giờ xa rời tôi, tôi mắc nợ hai bà.
Lên ba, cha mẹ tôi về Perpignan ở, một thành phố mặn ngọt tuổi vị thành niên của tôi. Cha mẹ chọn trường mẫu giáo cho tôi. Gần nhà có dòng Vinh-Sơn, các nữ tu mở trường trong nhà dòng, thế là tôi vào đó học. Tình cờ sao, suốt cuộc đời tôi, không bao giờ sự tình cờ đến tình cờ hết. Thêm một lần nữa tôi được các xơ chăm sóc, tôi từ giã các xơ đội mũ cứng ở Paris thì bây giờ tôi gặp các xơ đội mũ cứng ca-ta-lan: cùng tâm hồn, cùng từ bỏ, cùng quên mình nhưng lại có thêm giọng nói trọ trẹ.
Ba mươi năm sau, ngày xơ Marguerite đến Brazzaville, bà kế tiệp công việc của các nữ tu dòng Vinh Sơn. Vẫn những đức hạnh cũ: quãng đại, hy sinh, quên mình. Thánh Vinh-Sơn lặp đi lặp lại: “Các nữ tu của tôi không thể được đối xử tốt hơn thầy của chúng tôi. Và thầy của chúng tôi là những người nghèo.”
Marguerite là hoa cúc, một loại hoa màu trắng, khiêm tốn, bình dân, có mùi tươi mát tượng trưng cho thanh khiết. Máu quảng cáo trong người tôi không thể nào tìm được hình ảnh nào đầy đủ hơn để dán lên hàng hiệu này. Hàng hiệu khiêm tốn. Đừng đối xử với Xơ Dũng Cảm như người “đi tu”, bà sẽ nhìn bạn với một cặp mắt lạnh như băng. Bà là đệ tử của một dòng tu được thánh Vinh Sơn thành lập năm 1640, cuối thời vua Lu-i 13, tên nhà dòng là “Nữ Tử Bác Ái, nữ tì phục vụ bệnh nhân nghèo.”
Xơ Dũng Cảm nói mỗi người mang trong mình bốn hạt giống. Hạt lòng tốt, hạt hiểu biết, hạt đẹp đẽ và hạt vô tận. Chỉ những ai được giáo dục trong “yêu thương” mới có thể làm những hạt giống này nẩy mầm được. Và nếu bí mật của bà nằm ở đó, ở lòng trìu mến hơn là giáo dục thì phải làm sao đây?
Tình trạng bất an trong các trường học ngoại ô của chúng ta là do thiếu tình thương chứ không do việc giảng dạy. Tôi luôn luôn nghĩ dùng roi đánh một phát thì được việc hơn là nói dịu dàng và lắng nghe. Người ta sẽ học được gì, điều khiển được gì qua cái sợ? Đối với xơ Marguerite, “khinh ai” là làm cho người đó thành “đáng khinh”. Đe dọa ai làm cho người đó thành người đáng sợ.
Tôi thích những câu chuyện ngu đần, nó cười thẳng vào mặt mình. Vì thế tôi mơ có ngày tôi thực hiện được một đoạn phim mà người dẫn chuyện duy nhất, nếu có thể được, là bánh xe Lịch Sử. Các bạn cứ tưởng tượng một phòng thâu hình trống trơn, một cụ già tóc bạc phơ, có cái nhìn cú vọ, mặc áo thời kỵ sĩ ngày xưa, cứ như người từ một thế kỷ nào xa xưa. Trên lưng là cây cung sơ sài, tay bên này là cái thớt chém đầu, tay bên kia là thằng lùn. Vị anh hùng của chúng ta tiến vào phòng thâu hình. Ông để chú lùn dựa vào thân gỗ, lôi trái táo từ trong túi ra, đặt trên đầu chú lùn, điều chỉnh dây cung, bắn một phát xuyên trái táo.
“Tôi là Wilhelm Tell!”, ông kêu lên để đáp lại tiếng reo hò hậu cảnh của một đám đông vô hình.
Cảnh thứ nhì: cũng cùng phông nền, cùng phụ tùng. Thay đổi người bắn cùng; không phải là người cùng thời nhưng gần với chúng ta hơn, thấy rõ qua cây cung tân kỳ hơn. Ông cũng để trái táo trên đầu chú lùn, điều chỉnh tầm bắn, giương tên vừa bắn nát quả táo vừa hét: “Tôi là Robin Hood.” Vỗ tay. Cảnh mờ dần. Lúc đó tên đồng bọn thứ ba đi vào, tóc tai bù xù, cặp mắt như cặp mắt con khỉ thời sơ khai nhìn chằm chằm. Sylvester Stallone đóng vai. Vẫn có chú lùn nhưng lần này chú ở trên bệ cao. Vũ khí tân tiến của Rocky thì rợn người: kính hồng ngoại, hiệu chỉnh điện tử, nhắm bằng tia laser. Rocky đi lui, giương oai bắp thịt, kéo cung, bắn và đi xuyên… qua chú lùn.
Không xúc động, anh quay lại, đối diện với ống kính và nói theo giọng của một võ sĩ quyền anh quá mệt mỏi vì xem quá nhiều phim bạo lực: “I am sorry” “Xin cảm phiền.”
Đã đến lúc tôi phải nhường lời cho nhân vật chính của quyển sách, tôi chỉ là người chấp bút khiêm tốn. Vai trò của tôi chỉ là khuyến khích – thỉnh thoảng thôi – nhưng không bao giờ hướng dẫn. Xơ Marguerite không phải là người có thể bẫy được. Ngược lại, bà dần dần đưa người đối diện đi vào trong thế giới của bình an và tình thương. Nghe bà nói, tôi có cảm tưởng như đang được thần hạnh phúc vuốt ve. Trong thảm kịch bà nuôi hy vọng, trong đen tối của nhân loại bà nhìn bình minh tươi sáng sắp đến. Với điều kiện là phải biết chấp nhận xem lại vấn đề và hành động. Bà dằn từng chữ: “Tôi không nói đến chuyện ảo ở đây. Không thể để lục địa Phi châu hấp hối mà cứ đi ăn cắp các nguyên liệu của họ.” Và để kết luận, bà nói: “Nếu tôi đặt câu hỏi “Ai sáng chế ra máy bay”, ông sẽ trả lời máy bay do con người làm. Nhưng nếu hỏi người Phi châu, họ sẽ nói: “Mấy người da Trắng làm.” Cội nguồn sự dữ – mà xơ Dũng Cảm chiến đấu – nằm trong mặc cảm tự ti do bị trị dưới chế độ thuộc địa dù cho ngày nay người ta cố tìm một hình ảnh tốt mà chế độ thuộc địa đem lại.
Tôi kết thúc bài học cuộc sống này bằng giây phút hồi tâm. Tôi đã cho ngang tầm với những gì tôi nhận chưa? Đâu là cuộc chiến của tôi? Người khác làm giàu bằng cái gì? Sự cùng cực không phải không có kết thúc, tất cả đều tùy mình có muốn cho cảnh cùng cực kết thúc hay không. Chúng ta không có quyền đổ trách nhiệm lên cho các chính quyền tấn thảm kịch vô học chết người của những dân tộc không có gì thừa kế này. Giúp thế giới tốt hơn, có phải đó là công việc của tất cả mọi người không?
Hai ông tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett đã hiểu điều này. Hai người giàu nhất hành tinh đồng ý tặng 85% tài sản của họ để chống lại nạn cùng cực về mặt trí tuệ và thể lý ở Phi châu. Một cú đá thúc vào tâm hồn thật đích đáng!
Xơ Dũng Cảm còn làm nhiều hơn, bà cho 100% đời bà cho những người bất hạnh. Thời Trung Cổ, người dân đóng thuế thập phân, một loại thuế tự nguyện. Mỗi năm người giàu cho 10% lợi tức của mình cho người nghèo. Chúng ta thảy đều là những đứa con cưng của cuộc đời. Chúng ta đã chia sẻ lộc Chúa cho này với đồng loại kém may mắn chưa? Đó là sứ điệp của xơ Marguerite. Tôi không nghĩ tôi là người chấp bút giỏi. Tôi cũng không hiểu vì sao bà chọn tôi. Tôi không phải là khuôn mẫu tốt, viết không giỏi, lại cũng không phải là người gương mẫu. Đơn giản tôi biết là tôi không thể nói “không” với bà. Bà là nữ tu của chữ “vâng.”
Các cuộc gặp gỡ thường là những ngã tư của cuộc đời, nó đem đến cho bạn sự chọn lựa các nơi khác hay một lối khác. Thưa ma xơ, ma xơ đã kéo con ra khỏi cái xa lộ của tính thích dễ dãi và ích kỷ để đưa con đến những con đường mòn trong việc khám phá người khác; lòng tốt vẫn còn. Con đã gặp lòng tốt đó. Xơ có đem con đến gần Người Đỡ Đầu của xơ không, người mà chút gì xơ cũng nhắc đến? Chắc chắn, gặp xơ xong, chia sẻ niềm hứng khởi và các dò tìm của xơ, các lối đi lang thang và các hy vọng của xơ thì không ai từ giã xơ mà tâm hồn yên được. Chắc chắn, tôi không bao giờ tin vào đời sống vĩnh cửu. Nhưng Chúa biết, ở tuổi tôi, một viễn cảnh như thế cũng làm cho tôi rất vui. Nhưng tôi tin sau buổi gặp gỡ này có một đời sống khác ở ngay chính trần thế này mà hạnh phúc không phải những gì mà xã hội tiêu thụ này dạy cho tôi. Xơ Marguerite, làm sao khi nghe xơ nói mà con không hiểu làm điều tốt đã hình thành con người của xơ, làm sao con không chấp nhận cuộc đời đơn giản không phải là cuộc đời dễ dàng, làm sao con không thấy tình yêu cho người khác mang lại cho mình niềm vui nhiều hơn là tình yêu cho mình?
Với bao nhiêu lời nhắn xác tín của xơ gởi đi, không thể nào không có hồi âm. Khi viết những trang này, tôi có lời hồi âm thứ nhất: tôi không còn dám phách lác tự cho mình vô thần. Trước mặt Chúa – nhưng ai dám? – và trước mặt loài người.
Cám ơn xơ Dũng Cảm.
Jacques Séguéla