Vai trò chính yếu của những người nữ trong việc thông truyền đức tin

392

Vai trò chính yếu của những người nữ trong việc thông truyền đức tinVai trò hàng đầu và không thể thiếu của phụ nữ trong việc thông truyền đức tin cho các thế hệ mai sau, chính là thông điệp của giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai 26-01. Ngày hôm nay,  giáo hội mừng kính thánh Timothy và Titus, giám mục và là môn đồ của thánh Phaolô Tông đồ,  giáo hoàng lấy ý bài giảng chính yếu từ thư thứ hai thánh Phaolô gởi Timothy.

Những người bà, người mẹ thông truyền đức tin

Thánh Phaolô nhắc thánh Timothy về nguồn gốc ‘đức tin chân thành’ của ngài đến từ đâu: Đức tin của thánh Timothy là từ Chúa Thánh Thần, ‘qua mẹ và bà của ngài.’ ‘Những người mẹ, người bà là những người thông truyền đức tin.’ Giáo hoàng Phanxicô tiếp rằng:

Truyền đức tin là một chuyện, và dạy các vấn đề đức tin lại là chuyện khác. Đức tin là một ơn: không thể nào học Đức tin được. Chúng ta học các chuyện của đức tin, đúng là thế, để hiểu được đức tin tốt hơn, nhưng nếu chỉ có nghiên cứu học hỏi mà thôi, thì không bao giờ có thể đạt đến Đức tin. Đức tin là ơn của Chúa Thánh Thần, vốn vượt trên mọi đào tạo hàn lâm.

Hơn nữa, đức tin là một ơn truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, qua ‘công việc tuyệt đẹp của các người mẹ, người bà, công việc tốt lành của những người phụ nữ, trong gia đình, dù là các cô dì hay người hầu gái, bởi họ là những người thông truyền đức tin:

Tôi thấy rằng, tại sao phụ nữ có vai trò chính yếu trong việc truyền lại đức tin? Đơn giản là bởi người đã đưa Chúa Giêsu đến với chúng ta là một người nữ. Đó chính là con đường mà Chúa Giêsu chọn. Ngài muốn có một người mẹ: ơn đức tin đến với chúng ta qua các người nữ, như Chúa Giêsu đến với chúng ta qua Mẹ Maria.

Hãy biết nâng niu ơn đức tin bởi vì bạn hay làm đức tin suy yếu

Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, ‘Chúng ta cần suy tư, ngay thời này, xem thử phụ nữ có thực sự thấy được trách nhiệm của mình là phải thông truyền đức tin hay không.’ Thánh Phaolô đã mời gọi Timothy bảo vệ Đức tin, bảo vệ Đức tin được ký thác, và tránh ‘những huyên thuyên trống rỗng của dân ngoại, những huyên thuyên rỗng tuếch của thế gian.’ Giáo hoàng tiếp rằng, ‘Chúng ta, tất cả chúng ta, đã nhận lãnh ơn đức tin, thì phải giữ lấy, ít nhất để đừng rơi rụng, để đức tin đó vẫn mạnh mẽ, với sức mạnh của Thánh Thần, Đấng ban đức tin cho chúng ta.’ Chúng ta giữ đức tin bằng cách nâng niu và nuôi dưỡng mỗi ngày:

Nếu mỗi ngày, chúng ta không chăm lo hồi phục ơn Chúa ban là Đức tin, nhưng lại cứ để đức tin yếu dần đi, bị loãng đi, thì đến cuối cùng Đức tin trở thành một nền văn hóa: ‘Ừ, đúng, vâng, đúng, tôi là Kitô hữu, đúng, đúng rồi,’ một nền văn hóa thuần túy, hay một kiến thức ngộ đạo thuyết: ‘Vâng, tôi biết rất rõ các vấn đề Đức tin, tôi biết giáo lý.’ Nhưng mà, bạn sống đức tin mình thế nào? Chính đây, điều quan trọng để phục hồi ơn này mỗi ngày: là đem đức tin vào cuộc sống.

Sự hèn nhát và hổ thẹn không mở mang đức tin

Thánh Phaolô nói rằng, cách riêng, có hai sự đối lập với đời sống đức tin: ‘sự hèn nhát và hổ thẹn.’

Thiên Chúa không cho chúng ta một tinh thần hèn nhát. Tinh thần hèn nhát đi ngược lại với ơn đức tin: nó không để đức tin lớn lên, tăng tiến, mạnh mẽ. Còn sự hổ thẹn, là một tội nữa chống lại đức tin: ‘Vâng, tôi có Đức tin, nhưng tôi che giấu nó, để người ta không thấy nó nhiều.’ Một chút chỗ này, một chút chỗ kia, đúng thật, như ông cha đã nói, đây là một đức tin ‘nước hoa hồng’ [dung dịch thơm, nhưng rất loãng so với nước hoa] bởi tôi xấu hổ không dám sống cho trọn: Không, như thế thì không phải là đức tin, bởi Đức tin không hèn nhát cũng không xấu hổ. Vậy thì Đức tin là gì? Là tinh thần dũng mạnh, yêu thương và khôn ngoan: đây là Đức tin.’

Đức tin không thỏa hiệp

Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng tinh thần khôn ngoan nghĩa là biết chúng ta không thể làm mọi sự chúng ta muốn: nghĩa là tìm những con đường, lối đi, phương cách đưa đức tin tiến tới, một cách thận trọng.

Giáo hoàng kết lời rằng, ‘Chúng ta hãy xin ơn Chúa cho chúng ta có đức tin chân thực, một đức tin không thỏa hiệp dựa trên vận hội, một Đức tin mà hằng ngày chúng ta cố gắng phục hồi hay ít nhất là xin Chúa Thánh Thần phục hồi, và làm sao để Đức tin sinh nhiều hoa trái.’

J.B. Thái Hòa dịch