Giáo hoàng Phanxicô thúc giục chính phủ Phi Luật Tân hãy loại trừ nạn tham nhũng

252

Giáo hoàng Phanxicô thúc giục chính phủ Phi Luật Tân hãy loại trừ nạn tham nhũngVatican Radio

Mở đầu cho ngày trọn vẹn đầu tiên ở Manila, thủ đô Phi Luật Tân, Giáo hoàng Phanxicô đã hội kiến với tổng thống Benigno Aquino, cùng với các lãnh đạo chính trị khác, thúc giục họ hãy loại trừ tham nhũng và thăng tiến ‘sự ngay thật, liêm chính, và tận tâm lo cho công ích.’ Nói với các nhà chức trách và ngoại giao ở Sảnh Nghi lễ Rizal, Manila, Giáo hoàng nói về nhu cầu cần phải bảo vệ gia đình, thanh niên và người già, bảo đảm công bằng xã hội và tôn trọng nhân phẩm của tất cả mọi người.

Giáo hoàng sẽ có ở Phi Luật Tân 3 ngày, và hôm thứ bảy sẽ đến thành phố thủ phủ của Tacloban, đông nam thủ đô, để gặp những người sống sót qua siêu bão tàn phá Yolanda đã khiến cho 7000 người chết và mất tích hồi tháng 11 năm 2013.

Sau đây là toàn văn bài nói của Giáo hoàng Phanxicô với các nhà chức trách và ngoại giao đoàn ở Dinh Malacañang, Manila hôm thứ sáu, 16 tháng 1.

Kính thưa quý vị,

            Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống, vì đã ân cần tiếp đón và vì những lời chào mừng thay mặt cho toàn thể các nhà chức trách và người dân Phi Luật Tân, cũng như cho các ngoại giao đoàn.  Tôi vô cùng biết ơn vì ngài đã mời tôi đến thăm Phi Luật Tân.  Chuyến thăm của tôi, trên hết, là vì việc mục vụ.  Giáo hội Phi Luật Tân đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 500 năm Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cập bến nơi đây.  Thông điệp Kitô giáo có một tác động vô cùng mạnh mẽ trong văn hóa Phi Luật Tân.  Và tôi hi vọng rằng lễ kỷ niệm quan trọng sắp đến sẽ hướng đến hoa trái không ngừng và tiềm năng của giáo hội trong việc thúc đẩy một xã hội xứng đáng với sự tốt lành, phẩm giá và nguyện vọng của người dân Phi Luật Tân.

            Cách riêng, chuyến viếng thăm lần này là để thể hiện tình gần gũi của tôi với các anh chị em đã chịu nhiều đau khổ, mất mát và tàn phá do bởi cơn bão Yalanda.  Cùng với nhiều người trên khắp thế giới, tôi ngưỡng mộ sức mạnh anh hùng, đức tin và sức bật của quá nhiều người Phi Luật Tân trước thảm họa thiên nhiên này, và cả nhiều thiên tai khác nữa.  Những phẩm chất này, bắt rễ nhiều trong niềm hi vọng và tình đoàn kết nhờ đức tin Kitô giáo, đã cho tuôn tràn sự tốt lành và quảng đại, đặc biệt là nơi nhiều người trẻ.  Trong thời khắc khủng hoảng quốc gia đó, vô số người đã ra tay giúp đỡ các anh chị em đang cần kíp của mình.  Họ đã hi sinh nhiều, cho đi thời gian và của cải, tạo nên một mạng lưới giúp đỡ lẫn nhau và làm việc vì lợi ích chung.

            Mẫu gương đoàn kết trong công cuộc tái thiết này dạy cho chúng ta một bài học quan trọng.  Như một gia đình, tất cả mọi xã hội đều lấy sức từ những nguồn thâm sâu nhất của mình, để đối diện với những thách thức mới.  Ngày nay, người dân Phi Luật Tân, cùng với nhiều quốc gia khác ở châu Á, đang đối mặt với thách thức xây dựng, trên những nền móng kiên cố, một xã hội hiện đại – là một xã hội tôn trọng các giá trị nhân văn đích thực, bảo vệ phẩm giá và các quyền con người mà chính Thiên Chúa đã ban cho, và sẵn sàng đương đầu với những vấn đề sắc tộc và chính trị phức tạp mới nổi lên.  Như nhiều người dân ở ngay đây đã chỉ ra, chính bây giờ, hơn bao giờ hết, các chính trị gia cần phải thể hiện được sự thành thật, chính trực, và tận tâm lo cho công ích.  Như thế họ sẽ giúp bồi đắp những nguồn lực tự nhiên và nhân sinh phong phú mà Chúa đã ban cho đất nước này.  Nhờ đó, họ có thể làm chủ được nguồn lực đạo đức tinh thần cần có để đối diện với các đòi hỏi hiện thời, cũng như truyền lại cho thế hệ kế tiếp một xã hội hòa bình, đoàn kết, và công bằng đích thực.

            Điều tiên quyết để đạt được những mục tiêu quốc gia chính là sự tuân thủ đạo đức trong việc bảo đảm công bằng xã hội và tôn trọng phẩm giá con người.  Truyền thống kinh thánh cho tất cả mọi người trách nhiệm phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo.  Điều này buộc chúng ta phải phá vỡ nhưng giao kết bất công và đàn áp vốn gây nên sự phẫn uất, và tất nhiên là những bất bình đẳng xã hội đầy gương xấu.  Để cải tổ những cấu trúc xã hội đang duy trì sự nghèo đói và loại trừ người nghèo, trước hết cần đến sự hoán cải cái đầu và quả tim.  Các giám mục Phi Luật Tân đã xin cho năm nay dành riêng là ‘Năm của Người Nghèo.’  Tôi hi vọng rằng lời hiệu triệu mang tính ngôn sứ này sẽ đòi tất cả mọi người, ở mọi tầm mức xã hội, hãy loại bỏ mọi dạng tham nhũng đang tước đi các tài nguyên của người nghèo, và hãy có những nỗ lực có kế hoạch để bảo đảm sự quy tụ gồm tóm tất cả mọi người, đàn ông đàn bà trẻ em, vào trong đời sống cộng đồng.

            Một vai trò căn bản trong việc canh tân xã hội, tất nhiên, là của các gia đình, và đặc biệt là lớp người trẻ.  Một điểm nhấn trong chuyến công du của tôi là các buổi gặp gỡ với các gia đình và người trẻ ở Manila này.  Các gia đình có một sứ mạng căn thiết trong xã hội.  Chính trong gia đình, mà trẻ em được đào luyện cho những giá trị tốt đẹp, những ý niệm cao thượng, và lòng bận tâm thực sự dành cho tha nhân.  Nhưng như mọi ơn của Chúa, gia đình cũng có thể bị sai lệch và hủy hoại.  Gia đình cần đến sự hỗ trợ của chúng ta.  Chúng ta biết thật khó để nền dân chủ thời nay của chúng ta gìn giữ và bảo vệ những giá trị nhân văn căn bản, như phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi một con người, quyền tự do lương tâm và tôn giáo, và quyền tuyệt đối là được sống ngay từ khi chưa ra đời cho đến lúc già nua và ốm yếu.  Vì lẽ này, phải được nâng đỡ và hỗ trợ cho các gia đình và cộng đồng địa phương trong nỗ lực truyền đạt cho giới trẻ các giá trị và quan điểm có thể đem lại một nền văn hóa chính trực, nghĩa là nền văn hóa vinh danh sự tốt lành, sự thật, trung tín, và đoàn kết như nền tảng vững bền và chất keo đạo đức giữ xã hội gắn kết vững vàng với nhau.

            Trình ngài tổng thống, các giới chức, và các bạn thân mến:

            Khi mở đầu chuyến công du ở đất nước này, tôi không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Phi Luật Tân trong việc thúc đẩy thông hiểu và cộng tác giữa các quốc gia châu Á.  Tôi cũng phải nhắc đến những đóng góp thực sự nhưng lại hay bị lãng quên của người dân Phi Luật Tân xa xứ cho phúc lợi và đời sống của các xã hội mà họ đang sống.  Chính bởi di sản tôn giáo và văn hóa phong phú của đất nước này mà các bạn tự hào, tôi xin đưa ra cho các bạn một thách thức, và hứa sẽ động viên các bạn trong lời cầu nguyện.  Mong sao các giá trị tinh thần sâu sắc nhất của người dân Phi Luật Tân tiếp tục được thể hiện trong các nỗ lực của các bạn nhằm đem lại cho đồng bào của mình một sự phát triển nhân sinh gồm tóm hơn.  Như thế, mỗi người sẽ có thể hoàn thiện tiềm năng của mình, và đóng góp khôn ngoan và tốt đẹp cho tương lai của đất nước này.  Tôi tin chắc rằng các nỗ lực đáng biểu dương nhằm thúc đẩy đối thoại và cộng tác giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau, sẽ được minh chứng bằng hoa trái trong việc theo đuổi mục tiêu cao thượng này.  Cách riêng, tôi tin tưởng rằng tiến trình xúc tiến hòa bình ở miền Nam sẽ đạt được các giải pháp công bằng dựa trên các nguyên tắc nền tảng của quốc gia, cũng như tôn trọng các quyền bất khả phân ly của tất cả mọi người, kể cả những người bản xứ và các nhóm tôn giáo thiểu số.

            Tôi nguyện xin Thiên Chúa ban phúc dư tràn cho tất cả các vị, và tất cả mọi người, nam nữ trẻ em, của đất nước thân thương này.

J.B. Thái Hòa dịch