Giáo hoàng Phanxicô – Diễn văn với các Ngoại giao đoàn

265

ANSA725692_ArticoloNgày thứ hai, Giáo hoàng Phanxicô có bài diễn văn truyền thống thường niên với thành viên của các Đoàn Ngoại giao đóng tại Tòa Thánh.

Sau đây là toàn văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha với thành viên của các đoàn ngoại giao.

BÀI DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

VỚI CÁC THÀNH VIÊN CỦA CÁC ĐOÀN NGOẠI GIAO

12 tháng 1, 2015

Thân gửi các quý ngài

và các quý ông quý bà,

Tôi cảm ơn sự hiện diện của các vị trong buổi hội kiến truyền thống này, một dịp cho tôi nhân thời điểm đầu năm, gởi đến các vị, gia đình và những người ủy quyền đại diện cho các vị, những lời chào thân ái và lời chúc của tôi. Tôi đặc biệt cảm ơn Trưởng các Ngoại giao đoàn, Đại sứ Jean-Claude Michel, vì những lời ông vừa gởi đến tôi thay mặt tất cả mọi người, và tôi cảm ơn mỗi một người các bạn vì những nỗ lực không ngừng trong tinh thần cộng tác tương trợ thăng tiến quan hệ giữa các quốc gia và những tổ chức quốc tế mà các bạn đại diện ở Tòa Thánh. Trong năm qua, những quan hệ này đã được củng cố nhờ có thêm các đại sứ thường trú ở Roma, và nhờ việc ký kết những hiệp ước song phương mới, vừa chung, như ký ước hồi tháng 1 năm ngoái với Cameroon, vừa riêng, như ký ước với Malta và Serbia.

Hôm nay tôi mong muốn được lặp lại một từ khá thân thương với chúng ta: hòa bình! Hòa bình đến với chúng ta qua lời các thiên thần trong đêm Giáng Sinh (Lc 1, 14) như một ơn quý báu từ Thiên Chúa, và cũng đồng thời là một trách nhiệm mang tính cá nhân và xã hội, cần chúng ta bận tâm và tận tụy đảm nhận. Nhưng cùng với hòa bình, hình ảnh Giáng Sinh cũng nói với chúng ta một hiện thực thương tâm khác: là sự loại trừ. Trong một vài tượng ảnh cả ở phương Đông và phương Tây, chẳng hạn như bức tranh huy hoàng về Giáng sinh của Andrej Rublev, Hài đồng Giêsu không nằm trong máng cỏ, nhưng là trong một nấm mộ. Hình ảnh này, vốn có ý liên kết hai đại lễ chính của Kitô giáo là Giáng Sinh và Phục Sinh, chỉ ra rằng việc vui mừng đón nhận trẻ bé mới hạ sinh này không thể tách rời khỏi toàn bộ dòng đời của Chúa Giêsu, chịu sỉ nhục và loại trừ, chịu chết trên thập giá của Ngài.

Các câu chuyện Giáng Sinh cũng cho chúng ta thấy tâm hồn chai đá của nhân loại thật kho để đón nhận Hài Nhi. Ngay từ đầu, Ngài đã bị đẩy ra ngoài, bị bỏ mặc ngoài trời lạnh lẽo, buộc phải sinh ra trong một chuồng bò bởi không còn chỗ trong nhà trọ (Lc 2, 7). Nếu đây là cách người ta đối xử với Con Thiên Chúa, thì người ta còn xử tệ thế nào nữa đây với nhiều anh chị em của chúng ta! Loại trừ là một thái độ mà chúng ta ai cũng có, nó khiến chúng ta xem người thân cận của mình không phải là anh chị em để đón nhận, nhưng là những thứ không đáng để chú ý, một thù địch, hay một người phải nghe theo lời chúng ta. Đây là tâm thức đã tăng cường cho ‘nền văn hóa vứt đi’ vốn chẳng chừa bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì: tự nhiên, con người, và ngay cả Thiên Chúa nữa. Nó nảy sinh một nhân loại đầy đau khổ và luôn bị xâu xé bởi các căng thẳng và xung đột đủ loại.

Và tiêu biểu cho điều này, trong trình thuật Giáng sinh, là Vua Hêrôđê. Cảm thấy quyền lực của mình bị Trẻ bé Giêsu đe dọa, ông đã ra lệnh giết tất cả trẻ em ở Bê-lem. Chúng ta nghĩ ngay đến Pakistan, nơi cách đây 1 tháng, hơn 100 trẻ em đã bị tàn sát dã man không nói nổi. Với gia đình họ, tôi mong muốn một lần nữa gởi đến lời an ủi và hứa chắc sẽ tiếp tục cầu nguyện luôn, cho quá nhiều trẻ vô tội đã thiệt mạng.

Chiều hướng loại trừ của cá nhân, chắc chắn đi kèm với chiều hướng loại trừ của cả xã hội, một nền văn hóa loại trừ cắt đứt những gắn kết nhân bản sâu sắc nhất và chân thật nhất, dẫn đến sự sụp đổ của xã hội và nảy nở bạo lực và chết chóc. Chúng ta thấy các bằng chứng đau lòng của chuyện này trên tin tức hàng ngày, chứ không chỉ là cuộc tàn sát thương tâm vừa mới xảy ra tại Paris mấy hôm trước. Những người khác ‘không còn được xem là hiện hữu đồng phẩm giá, là anh chị em nhân loại chung nữa, nhưng là những mục tiêu.’ (Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2015) Mất đi tự do, người ta bị nô lệ hóa, dù là nô lệ cho các mốt nhất thời, hay cho quyền lực, tiền bạc, hay thậm chí là cho những dạng tôn giáo lầm lạc. Đây là những mối nguy mà tôi đã chỉ ra trong Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới mới đây, nói về vấn đề đủ loại nô lệ hóa trong thời nay. Tất cả mọi dạng nô lệ này nảy sinh từ một tâm hồn thối nát, một tâm hồn không còn khả năng nhận ra và làm việc tốt hay theo đuổi hòa bình nữa.

Thật buồn lòng khi chứng kiến những hệ quả thương tâm của tâm thức loại trừ và ‘nền văn hóa nô lệ’ này trong những xung đột lan tràn không dứt. Như một thế chiến phân mảnh, với các dạng và mức độ căng thẳng khác nhau, tác động đến nhiều vùng trên thế giới chúng ta, bắt đầu từ Ukraine gần đây đã trở thành một nhà hát bi thảm cho chiến trận. Tôi hi vọng rằng qua đối thoại, sẽ gắn kết các nỗ lực hiện thời nhắm chấm dứt những thù địch này, và mong mỏi rằng các bên liên quan sẽ bắt tay sớm hết sức có thể, với một tinh thần mới thượng tôn luật quốc tế, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và hòa giải huynh đệ, nhắm đến chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện thời.

Suy nghĩ của tôi hướng về Trung Đông, bắt đầu với mảnh đất thân thương của Chúa Giêsu, và là nơi tôi đã được đến viếng hồi tháng 5 vừa qua, cũng như nơi chúng ta không ngừng cầu nguyện xin cho được hòa bình. Chúng tôi đã cùng nhau hết mình làm việc này, với cựu tổng thống Israel Shimon Peres, và tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, được thúc đẩy với một hi vọng chắc chắn rằng các đàm phán giữa hai bên sẽ được nối lại lần nữa, để chấm dứt bạo lực và đạt được giải pháp có thể cho người Israel và Palestine chung sống hòa bình bên trong những đường biên giới được xác định rõ ràng và được quốc tế công nhận, nghĩa là hướng đến ‘giải pháp 2 nhà nước.’

Đau lòng thay khi Trung Đông đang bị lôi kéo và các xung đột khác vốn đã kéo dài từ quá lâu rồi, với những hậu quả nhức nhối, cũng như do bởi sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố cực đoan ở Syria và Irắc. Hiện tượng này là hệ quả của nền văn vứt đi, khi nó vứt đi cả Thiên Chúa. Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, trước khi thanh trừng con người bằng những việc giết chóc khủng khiếp, thì chính nó đã thanh trừng Thiên Chúa, biến Đức Chúa thành một cái cớ thuần hệ tư tưởng. Trước những sự tấn công bất chính như thế đánh vào các Kitô hữu và những nhóm tôn giáo và sắc tộc khác trong vùng, cần có một phản ứng nhất trí đồng lòng trong phạm vi luật quốc tế, để có thể chấm dứt sự lan tràn các hành vi bạo lực, vãn hồi hòa hợp và hàn gắn các vết thương gây ra bởi những xung đột hiện hành này. Ở đây, trước sự hiện diện của các vị, tôi thỉnh cầu cộng đồng quốc tế, với các chính phủ có liên quan, hãy có những bước tiến cụ thể để đem lại hòa bình và bảo vệ những nạn nhân của chiến tranh và đàn áp, đã bị xua đuổi khỏi nhà và quê hương của mình. Trong thư gởi không lâu trước Giáng Sinh, tôi đã tìm cách bày tỏ sự gần gũi của mình và hứa cầu nguyện cho mọi cộng đoàn Kitô hữu ở Trung Đông. Đời sống của họ là chứng tá quý báu cho đức tin và lòng dũng cảm, bởi họ đóng vai trò căn bản là người thợ xây dựng hòa bình, hòa giải và phát triển trong các xã hội dân sự mà họ là một phần trong đó. Một Trung Đông không có Kitô hữu, là một Trung Đông hư hoại và què quặt. Khi thúc giục cộng đồng quốc tế không được làm ngơ trước tình cảnh này, tôi hi vọng rằng các lãnh đạo trí thức, tôn giáo và chính trị, đặc biệt là lãnh đạo của cộng đồng Hồi giáo, sẽ lên án tất cả những kẻ cực đoan và những kẻ diễn giải cực đoan tôn giáo nhằm biện hộ cho các hành động bạo lực của mình.

Thật đáng buồn khi có những hành động tàn ác tương tự, thường xâm hại đến những người nghèo và người dễ bị tổn thương nhất, đang diễn ra ở những vùng khác trên thế giới nữa. Tôi nghĩ đặc biệt đến Nigeria, nơi các hành động bạo lực tiếp tục xảy ra một cách bừa bãi và, không ngừng tăng thêm hiện tượng thương tâm của các vụ bắt cóc, thường là các em gái, để bán đi. Đây là chuyện mua bán kinh tởm, không được phép tiếp diễn! Đây là tội ác cần phải triệt tận gốc, bởi nó đánh vào tất cả chúng ta, từ các gia đình riêng cho đến toàn thể cộng đồng quốc tế (Diễn văn với các Tân đại sứ mới được ủy nhiệm tới Tòa Thánh, 12 tháng 12 năm 2013)

Tôi cũng lo lắng cho nhiều xung đột dân sự đang diễn ra ở nhiều vùng châu Phi, đầu tiên là Libya, bị tàn phá bởi cuộc nội chiến nồi da xáo thịt đa gây đau khổ không kể xiết cho người dân nước này, kèm theo những tác động nghiêm trọng đến sự cân bằng vốn dễ rạn vỡ trong vùng. Tôi nghĩ về tình trạng thương tâm ở Cộng hòa Trung Phi, nơi thật đáng buồn khi phải nói rằng, thiện chí nỗ lực tìm cách xây dựng một tương lai hòa bình, an toàn và thịnh vượng, đã bị những lợi ích đảng phái ích kỷ chặn lại. Những mối nguy này triệt tiêu hi vọng của người dân vốn đã chịu quá nhiều đau khổ và giờ đây đang mong mỏi được xây dựng tương lai trong tự do. Tôi bận tâm đến tình trạng của Nam Sudan, và một vài vùng khác ở Sudan, Sừng Châu Phi, và Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi con số thương vong dân thường đang tăng cao và hàng ngàn người, cả nhiều phụ nữ và trẻ em, đang bị buộc phải chạy trốn và phải chịu những hoàn cảnh đau khổ cùng cực. Tôi hi vọng có được một ủy ban chung đại diện cho các chính phủ riêng và cộng đồng quốc tế để chấm dứt mọi dạng chiến tranh, thù hận và bạo lực, đồng thời theo đuổi hòa bình và bảo vệ cho phẩm giá siêu việt của con người.

Chúng ta không thể bỏ qua việc chiến tranh có can dự vào một tội ác kinh tởm khác, tội hiếp dâm. Đây là xâm phạm nghiêm trọng nhất đối với phẩm giá người phụ nữ, những người không chỉ bị xâm hại thân thể mà còn bị gây hại tinh thần, tạo nên một vết thương thật khó để xóa đi và ảnh hưởng đến cả xã hội. Thật đáng buồn, khi ngoài những nơi xảy ra chiến tranh, vẫn có rất nhiều phụ nữ ngày nay đang phải chịu đựng nạn bạo lực.

Mọi xung đột và chiến tranh là hiện thân cho nền văn hóa vứt đi, bởi mạng sống con người bị những người có quyền chủ tâm chà đạp. Nhưng nền văn hóa đó cũng được thúc đẩy bởi những dạng loại trừ tinh vi và quỷ quyệt hơn nữa. Tôi nghĩ trước hết đến cách chúng ta đối xử với người bệnh, họ bị gạt sang một bên và bị loại ra ngoài rìa như những người phong hủi trong Tin mừng. Trong số những người phong hủi ngày nay, chúng ta có thể kể đến các nạn nhân của nạn dịch mới và khủng khiếp, Ebola, đặc biệt ở Liberia, Sierrra Leone, và Guinea, đã cướp đi hơn 60 ngàn sinh mạng. Hôm nay, tôi muốn công khai vinh danh và cảm ơn những nhân viên y tế, cùng với những nam nữ tu sỹ và các tình nguyện viên, đã dùng mọi cách có thể để chăm lo cho người bệnh, gia đình của họ và đặc biệt là các trẻ mất cha mẹ. Tôi cũng một lần nữa thỉnh cầu toàn thể cộng đồng quốc tế hãy cung cấp hỗ trợ nhân đạo thích đáng cho các bệnh nhân và có những nỗ lực cụ thể để chiến đấu với dịch bệnh này.

Cùng với những sinh mạng bị vứt đi do bởi chiến tranh và bệnh tật, còn có vô số dân tị nạn và người bị mất quê hương. Một lần nữa, chúng ta có thể cảm được thực tế qua suy tư về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, vốn soi rọi vào một dạng khác của nền văn hóa vứt đi đang gây hại cho các quan hệ và gây đổ vỡ xã hội. Thật vậy, bởi sự tàn ác của Hêrôđê, mà Thánh gia đã buộc phải chạy trốn đến Ai Cập, và chỉ có thể về lại quê nhà vài năm sau (Mt 2, 13-15) Một hệ quả của các cuộc xung đột có thể thấy trong làn sóng hàng ngàn người đang phải tháo chạy khỏi quê hương mình. Nhiều khi họ phải rời đi, không phải để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng chỉ là một tương lai, bởi nếu ở lại quê hương đồng nghĩa với cái chết chắc chắn. Biết bao người đã mất mạng trên đường tháo chạy thảm khốc này, làm mồi cho những kẻ cướp tham lam và vô lương tâm. Tôi đã nói đến vấn đề này trong chuyến viếng thăm Nghị viện châu Âu, nhấn mạnh rằng, ‘chúng ta không thể để cho Địa Trung hải thành một nấm mồ tập thể’ (Diễn văn với Nghị viện châu Âu,Strasbourg, 25 tháng 11, 2014) Rồi còn có một sự thật đáng báo động là nhiều di dân, đặc biệt ở châu Mỹ, là những trẻ em không có người giám hộ, tất cả các em đều dễ gặp nạn hơn, và cần được chăm sóc, chú tâm và bảo vệ hơn nữa.

Thường khi không có giấy tờ mà đến một nơi mình không nói được tiếng ở đó, các di dân sẽ thấy mình thật khó để được người ta đón nhận và tìm được một công việc. Ngoài những bất trắc trên đường tị nạn, họ còn phải đối mặt với thảm kịch bị loại trừ. Chúng ta cần phải thay đổi thái độ, đi từ sự lãnh đạm và sợ hãi, đến việc đón nhận người khác một cách thật tâm. Đây tất nhiên là lời kêu gọi cần ‘ban hành pháp chế thỏa đáng để bảo vệ quyền của … các công dân và bảo đảm đón nhận các dân tị nạn.’ Tôi cảm ơn tất cả những người, bằng mọi giá kể cả mạng sống mình, đang làm việc để giúp đỡ những người tị nạn và di dân, và tôi thúc giục các chính phủ và tổ chức quốc tế hãy dùng mọi nỗ lực để giải quyết những vấn đề nhân đạo nghiêm trọng này, và giúp đỡ các quốc gia quê nhà của các di dân bằng những hình thức viện trợ có thể thúc đẩy phát triển xã hội và chính trị đồng thời chấm dứt các xung đột trong nước, vốn là nguyên nhân chính của hiện tượng này. ‘Chúng ta cần hành động chống lại các nguyên nhân chứ không chỉ các hệ quả.’ Điều này cũng sẽ cho phép các di dân, đến một thời điểm nào đó, trở về và góp phần phát triển quê hương mình.

Cùng với các di dân, những người mất quê hương và tị nạn, có có nhiều người ‘lưu đày giấu kín’ (Kinh Truyền tin 29 tháng 12, 2013) trong nhà và trong gia đình chúng ta. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người già, người khuyết tật và thanh niên. Người già phải đối mặt với việc bị loại trừ bởi họ bị xem là ‘sự hiện diện gánh nặng,’ còn thanh niên bị vứt đi bởi họ bị khước từ các viễn cảnh cụ thể về công ăn việc làm nhằm xây dựng tương lai. Thật vậy, không có sự nghèo đói nào tồi tệ hơn việc bị lấy đi công việc và phẩm giá làm việc (Diễn văn với các tham dự viên của Hội nghị Thế giới về các Phong trào Chung, 28 tháng 10, 2014) hay biến công việc thành một dạng nô lệ hóa. Đây là những gì tôi đã tìm cách nhấn mạnh trong buổi gặp mới đây với các phong trào chung đang làm việc để tìm các giải pháp thích đáng cho một số vấn đề thời nay, bao gồm thảm họa thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ, lao động bất hợp pháp, và tình trạng bi đát của rất nhiều công nhân, đặc biệt là trẻ em, những người bị bóc lột vì thói tham lam của ông chủ. Tất cả những điều này đi ngược lại phẩm giá con người, và là kết quả của một tâm thức chăm chăm vào tiền bạc, lợi ích, và lợi nhuận kinh tế, đến mức độ gây hại cho người đồng loại của mình.

Rồi còn, gia đình cũng thường bị vứt đi, do bởi sự lan tràn của chủ nghĩa cá nhân và nền văn hóa quy ngã vốn chia lìa các mối dây giữa con người với nhau đồng thời dẫn đến sự sụt giảm trầm trọng tỷ suất sinh, cũng như các pháp chế thiên về các kiểu sống chung khác hơn là nâng đỡ thỏa đáng đối với gia đình vì lợi ích của toàn xã hội.

Trong số những nguyên do của các hiện thực này là một kiểu toàn cầu hóa vốn san bằng mọi khác biệt và thậm chí còn thải loại các nền văn hóa, cắt bỏ các yếu tố vốn định hình đặc tính từng dân tộc và tạo nên một di sản thiết yếu cho sự phát triển xã hội vững mạnh. Trong một thế giới cào bằng vô danh, thật dễ để hiểu được những khó khăn và nản lòng trong nhiều người đã thực sự mất đi ý thức mình đang sống. Tình trạng bi đát này bị trầm trọng hơn nữa bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, vốn thổi bùng chủ nghĩa bi quan và xung khắc xã hội. Tôi đã có thể thấy được tác động của nó ở Roma này và nhiều nơi khác ở Ý, nơi tôi gặp nhiều người đang rơi vào những hoàn cảnh chật vật.

Vậy nên, gởi đến nước Ý thân yêu, tôi hi vọng rằng trong bầu khí xã hội, chính trị và kinh tế bất ổn hiện thời, người dân Ý sẽ không có ý muốn lãnh đạm hay chia rẽ, nhưng sẽ tái khám phá những giá trị của lòng bận tâm chung và tình đoàn kết vốn là căn bản của nền văn hóa và đời sống dân sự, và cũng là căn cứ để vững tin trong lúc này và tương lai, đặc biệt là với lớp người trẻ.

Nói về người trẻ, tôi muốn nhắc đến chuyến công du Hàn Quốc hồi tháng 8 vừa qua, nơi tôi đã gặp hàng ngàn người trẻ quy tụ trong Ngày Giới trẻ Á châu lần thứ sáu. Ở đó tôi đã nói về nhu cầu cần phải trân quý tuổi trẻ của chúng ta, ‘tìm cách truyền lại di sản của quá khứ và áp dụng vào những thách thức hiện tại’ (Hội kiến với các giới chức, 14 tháng 8, 2014) Điều này đòi hỏi chúng ta phải suy tư về ‘cách làm sao để truyền tải cho tốt những giá trị của chúng ta cho thế hệ tiếp theo và suy tư xem chúng ta chuẩn bị trao lại cho các con em một thế giới và xã hội như thế nào.’

Đêm nay, tôi sẽ được vui mừng cất cánh một lần nữa đến châu Á, để thăm Sri Lanka và Phi Luật Tân, thể hiện sự chú tâm và bận tâm mục vụ của tôi với người dân ở châu lục rộng lớn này. Với người dân và các chính phủ, tôi muốn một lần nữa nói lên ước mong của Tòa Thánh là góp phần phục vụ lợi ích chung, sự hòa hợp và hòa thuận trong xã hội. Cách riêng, tôi hi vọng nối lại đối thoại liên Triều, hai quốc gia chị em chung tiếng nói.

Thưa các quý ngài, các quý ông quý bà.

Trong thời điểm đầu năm mới này, chúng ta không muốn viễn tượng của chúng ta bị đè nặng bởi bi quan, hay những khiếm khuyết và thiếu sót của hiện tại. Chúng ta cũng muốn tạ ơn Chúa vì những ơn sủng và phúc lành Ngài đã ban cho chúng ta, vì những dịp đối thoại và gặp gỡ mà Ngài đã cho chúng ta, và vì những hoa trái hòa bình ngài đã cho chúng ta được nếm hưởng.

Tôi cảm nghiệm được một dấu chỉ hùng hồn rằng nền văn hóa gặp gỡ là chuyện khả dĩ, nhân chuyến công du Albania, một quốc gia đầy những người trẻ hi vọng cho tương lai. Bất chấp những sự kiện đau thương trong lịch sử cách đây không lâu, quốc gia này vẫn đậm nét ‘chung sống và cộng tác hòa bình giữa những người khác tôn giáo’ (Diễn văn với các giới chức ở Tirana, 21 tháng 9, 2014), trong một bầu khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau giữa người Công giáo, Chính thống, và Hồi giáo. Đây là một dấu chỉ quan trọng cho thấy đức tin thành tâm vào Thiên Chúa khiến cho người ta mở ra với tha nhân, thúc đẩy đối thoại và làm việc vì sự thiện, còn bạo lực luôn là kết quả của việc bóp méo tôn giáo, dùng tôn giáo làm cái cớ cho các mưu đồ hệ tư tưởng mà mục đích duy nhất chỉ là áp đặt quyền lực trên người khác. Tương tự như thế, trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, một cầu nối lịch sử giữa Đông và Tây, tôi có thể thấy được hoa trái của đối thoại liên tôn và đại kết, cũng như những nỗ lực hỗ trợ cho dân tị nạn từ các nước Trung Đông. Tôi cũng thấy được tinh thần cởi mở này ở Jordan, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành hương Thánh địa, và trong các chứng tá ở Li Băng, nơi tôi cầu nguyện mong cho họ thắng được các vấn đề chính trị hiện thời.

Một ví dụ nữa trong lòng tôi về cách đối thoại có thể xây cầu nối là từ quyết định mới đây của Hoa Kỳ và Cuba, quyết định nối lại đàm phán vốn đã cắt đứt từ hơn nửa thế kỷ, và khởi xướng việc nối lại bang giao vì lợi ích của công dân hai nước. Tôi cũng nghĩ về người dân của Burkina Faso, những người đã được thấy một thời kỳ thay đổi quan trọng về chính trị và hiến pháp, với hi vọng rằng một tinh thần cộng tác mới sẽ góp phần phát triển một xã hội thân ái và công bằng hơn. Tôi cũng hài lòng nhắc đến hiêp ước ký hồi tháng 3 năm ngoái, chấm dứt nhiều năm căng thẳng ở Phi Luật Tân. Tôi mong muốn khuyến khích các nỗ lực bảo đảm hòa bình ổn định ở Colombia, cũng như những khởi xướng vãn hồi hòa hợp chính trị và xã hội ở Venezuela. Và tôi cũng bày tỏ hi vọng rằng sẽ sớm có một thỏa ước giữa Iran và nhóm 5+1 về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, và tôi cũng cảm kích các nỗ lực đã có cho việc này. Tôi hài lòng về ý định đóng cửa nhà tù Guantanamo của Hoa Kỳ, đồng thời ghi nhận thiện ý rộng lượng của một số quốc gia nhận trách nhiệm quản thúc đối với các nghi phạm này. Cuối cùng, tôi muốn bày tỏ lòng cảm kích và khuyến khích với những quốc gia đã tích cực thăng tiến sự phát triển của nhân loại, sự ổn định chính trị và sự chung sống văn minh giữa các công dân.

Thưa các quý ngài, các quý ông quý bà.

Ngày 06 tháng 8 năm 1945, nhân loại đã chứng kiến một trong những thảm kịch khủng khiếp nhất trong lịch sử. Lần đầu tiên, một cách mới chưa từng có, thế giới chứng kiến trọn vẹn tiềm năng hủy hoại của con người. Từ đống tro tàn thảm kịch vô cùng của Thế chiến II, các quốc gia đã nảy sinh một ý chí đối thoại và gặp gỡ mới, truyền cảm hứng thành lập Liên hiệp quốc mà chúng ta sẽ mừng lễ kỷ niệm 70 năm trong năm nay.  Trong chuyến viếng thăm tổng hành dinh Liên hiệp quốc cách đây 50 năm, giáo hoàng Phaolô VI đã lưu ý rằng, ‘máu của hàng triệu người, vô số đau khổ không được nghe đến, những cuộc thảm sát vô nghĩa và đống đổ nát khủng khiếp đã chuẩn y sự hợp nhất của các bạn trong một lời thề sẽ thay đổi tương lai thế giới: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao giờ chiến tranh nữa! Chính hòa bình, hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh của các quốc gia toàn nhân loại’ (Diễn văn với Liên hiệp quốc, 04 tháng 10, 1965)

Đây cũng là lời cầu nguyện đầy hi vọng của tôi cho năm mới này, mong muốn được thấy sự tiếp diễn của hai tiến trình quan trọng: soạn thảo Nghị trình Phát triển hậu 2015, với việc đưa vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và việc phác thảo một Thỏa ước Biến đổi Khí hậu. Điều kiện giả định bắt buộc cho tất cả những điều này là hòa bình, vốn không chỉ là chấm dứt chiến tranh, nhưng phải là hoa trái của sự hoán cải tâm hồn.

Với những cảm nghĩ này, một lần nữa tôi gởi đến các bạn, gia đình và dân tộc các bạn, những lời nguyện chúc tốt lành mong cho năm mới 2015 này sẽ là một năm đầy hi vọng và hòa bình.