Ronald Rolheiser, 2022-04-04
Theo Kinh Thánh, có bí mật được ẩn giấu không cho kẻ vô luân biết, chỉ có người đức hạnh biết. Sách Khôn Ngoan bảo rằng khi không sống đạo đức thì “chúng ta không biết những lời khuyên ẩn giấu của Thiên Chúa, cũng không hiểu được sự bù đắp của thánh thiện, không biết được phần thưởng của linh hồn ngây thơ.”
Thật đúng thay! Khó đến thế nào để biết, để nắm bắt một cách hiện sinh và thật sự tin tưởng rằng đức hạnh tự nó là phần thưởng và là hạnh phúc cao nhất. Chúng ta lại thường ghen tỵ với kẻ vô luân và thương hại người đức hạnh. Như nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis từng nói, đức hạnh ngồi trên cành cao nhất của cái cây, nhìn quanh mọi điều nó đã bỏ lỡ và khóc.
Vậy thì chúng ta nói được gì về điều này? Cuối cùng, ai đã bỏ lỡ trong đời?
Một thế hệ trước, Piet Fransen đã viết một quyển sách kinh điển về ân sủng (Sự sống mới của Ân sủng/The New Life of Grace) vốn được dùng làm sách giáo khoa trong các chủng viện và học viện thần học suốt nhiều năm. Ông mở đầu luận thuyết về ân sủng như thế này. Cứ hình dung một người hoàn toàn không quan tâm đến mọi sự đạo đức và tâm linh, mà chỉ quan tâm đến lạc thú của mình. Người đó sống vì lạc thú, lờ đi mọi giới luật. Người đó có rất nhiều tình nhân, không bao giờ từ chối bất kỳ lạc thú có thể nào, và người đó sống như thế suốt cả đời cho đến tận giờ hấp hối mới nhận ra sự vô trách nhiệm của mình, hối hận về cách sống của mình, thú nhận và chết trong vòng tay của Thiên Chúa và Giáo hội.
Rồi Fransen nhận định thế này: Nếu, dù chỉ trong một phút, bạn cảm thấy ghen tị (“Anh ta may mắn quá, cả đời làm bậy mà chẳng bị gì, chết vẫn được lên thiên đàng!”) thì bạn không bao giờ thật sự hiểu được ân sủng. Đúng hơn, bạn như người anh của đứa em hoang đàng, giận dữ với Thiên Chúa vì chào đón đứa con ương ngạnh đã từ bỏ cha mình để theo đuổi lạc thú trong khi bản thân mình, người con hiếu thảo, thì ở nhà và nghiêm túc từ bỏ nhiều lạc thú vì lòng trung thành.
Khi chúng ta là người anh nặng gánh trách nhiệm của đứa con hoang đàng, thì nhân đức hiếm khi được xem tự nó là phần thưởng, có khi còn chẳng phải là phần thưởng gì. Hầu như không một ai thật sự tin lời khuyên ẩn giấu của Thiên Chúa rằng sự đền bù cao nhất được ban cho sự thánh thiện và ngây thơ trong linh hồn. Đúng hơn, hầu hết chúng ta phần nào giận dữ và cay đắng vì sự trung tín của mình, ghen tỵ với người em vô luân của mình.
Tại sao lại thế? Nếu nhân đức tự nó là phần thưởng và là phần thưởng cao nhất, vậy tại sao chúng ta, như người anh của đứa em hoang đàng, lại quá thường xuyên ghen tị với sự phấn khích và lạc thú mà chúng ta hình dung sẽ có trong cuộc sống của đứa kẻ từ bỏ đức hạnh để chạy theo lạc thú trần gian?
Các lý do khá phức tạp. Trước hết, là do bản tính con người. Chúng ta không đơn thuần là những hiện hữu tâm linh đầy đức tin, mà chúng ta còn là loài thú có vú, là những sinh vật có máu có thịt, với những bản năng bẩm tại mạnh mẽ. Có những phần mạnh mẽ không nhượng bộ trong chúng ta muốn chúng ta nếm thử mọi lạc thú, bất kể nó có đạo đức hay không. Phần này là bẩm tại của chúng ta rồi. Một phần trong chúng ta cảm thấy không thể nào không ghen tị với những người lao mình vào lạc thú và dường như chẳng bị gì.
Hơn nữa, chính phần này của chúng ta không thể hiểu được ân sủng hay hạnh phúc. Khi người anh bày tỏ sự thất vọng với cha mình, một sự thất vọng không thèm giấu giếm sự ghen tị, thì câu trả lời của người cha đã tỏ lộ lời khuyên ẩn giấu của Thiên Chúa. Người cha bảo người anh, họ phải vui mừng vì em đã chết mà bây giờ đã về nhà. Cái mà bản năng con người chúng ta xem là cuộc vui chơi đáng ghen tị, một thời gian thoải mái tránh xa đạo đức, thật sự lại không phải là một chuyện hạnh phúc, vui vẻ hay đem lại sự sống chút nào, thay vào đó, nó là một thời gian của cái chết, chết với mọi thứ cấu thành hạnh phúc thật sự.
Nhìn bên ngoài, có thể trông như người con hoang đàng đã thoát tội, có thời gian vui chơi hưởng lạc mà không bị gì, và chúng ta thầm ước rằng giá mà mình có gan để làm như thế. Tuy nhiên, hình ảnh ngồi ăn với đàn heo và thèm khát đồ ăn thừa trong nhà cha mình đã minh họa rõ nét rằng dù những lạc thú của cuộc đời hoang đàng có đem lại gì cho anh đi nữa, thì cũng còn lâu mới là hạnh phúc. Tội lỗi, cũng như đức hạnh, cũng có phần thưởng của chính nó.
Khi chúng ta ghen tị với người vô luân, là chúng ta chưa hiểu được ân sủng và hạnh phúc. Nếu không biết được thế, thì chắc chắn chúng ta có phần bối rối khi lên thiên đàng và gặp một tội nhân khét tiếng trên đó. Sau khi đã sống cuộc đời trung thành, chúng ta giận dữ hỏi rằng, “Sao người này được ở đây, hắn sống như thế cơ mà?” Ngược lại, nếu chúng ta hiểu được ân sủng và điều gì làm nên hạnh phúc thực sự, thì thay vào đó, chúng ta cảm thấy vừa biết ơn vừa nhẹ nhõm khi thấy người tội nhân khét tiếng đó và nói rằng “Chúa ơi, con mừng vì anh ấy được vào đây! Con đã lo cho anh ấy!”
Tội lỗi tự nó là hình phạt và nhân đức tự nó là phần thưởng. Đến tận cùng, không gì tốt hơn nhân đức và không gì tệ hơn tội lỗi. Tuy nhiên, nhận thức đó không dễ tương hợp với những bản năng tự nhiên của chúng ta, đúng ra, nó là một sự thật mà chúng ta chỉ có thể hiểu được bằng cách sống nó.
J.B. Thái Hòa dịch
Bài đọc thêm: Trị liệu của đời sống chung