Ngày 13 tháng 5 năm 1981: ngày Đức Gioan-Phaolô II bị bắn
Ngày hôm đó, Đức Gioan-Phaolô II gục ngã tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài bị trúng nhiều phát đạn. Bốn mươi năm sau, vụ ám sát này vẫn trong hào quang bí ẩn.
lavie.fr, Sophie Lebrun, 2021-05-12
Đức Gioan-Phaolô II được các cận vệ cứu cấp sau khi bị Mehmet Ali Agca bắn ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 13 tháng 5 năm 1981. ARTURO MARI / OSSERVATORE ROMANO / AFP
Tấm bia không to, nhưng nổi bật hẳn: ở bên phải trên Quảng trường Thánh Phêrô, đối diện với Đền thờ Thánh Phêrô, cách hàng cột Bernini vài mét, một viên gạch lát bằng đá cẩm thạch trắng nổi lên giữa các viên đá màu xám. Phía trên có khắc một biểu tượng và các chữ số la mã: huy hiệu của giáo hoàng Gioan-Phaolô II và ngày định mệnh: 13-5-1981.
Ngày hôm đó, chính nơi này, Đức Gioan-Phaolô II bị bắn ngay giữa đám đông. Các chi tiết của ngày hôm đó đã được biết, với máy ảnh và máy quay phim đã làm cho vụ ám sát này được mọi người biết đến một cách nhanh chóng. Nhưng, bốn mươi năm sau, động cơ của thủ phạm và nguồn gốc chính trị các hành động của hung thủ vẫn là chủ đề của nhiều suy đoán.
Ngày 13 tháng 5 năm 1981
Hôm đó là ngày thứ tư, một buổi chiều nắng đẹp. Đức Gioan-Phaolô II ngồi trên chiếc xe jeep lớn hiệu Fiat màu trắng. Bên cạnh ngài là linh mục thư ký riêng Stanislas Dziwisz, và một số sĩ quan cảnh sát Ý mặc thường phục. Chiếc xe đi chậm giữa Quảng trường Thánh Phêrô có khoảng 25.000 người hành hương đến dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần. Ngài ban phép lành cho giáo dân, hôn trán các em bé, chạm các bàn tay đang dang ra, ngài vui cười trong tiếng reo hò sung sướng của giáo dân.
5:17 giờ chiều. Ba tiếng nổ xé toang bầu trời Quảng trường Thánh Phêrô. Các con chim bồ câu vội vàng bay. Một khẩu Browning 9mm vừa khạc ra hai viên đạn, một khẩu Beretta khạc viên thứ ba. Giáo hoàng mặc áo trắng gục trong vòng tay thư ký riêng của ngài, ông biết ngay ngài vừa trúng đạn. “Ở đâu?” linh mục Stanislas Dziwisz hét lên bằng tiếng Ba Lan. “Ở bụng!”, người bạn của linh mục trả lời, miệng hoảng sợ. Chiếc xe được cảnh sát bao quanh, lao nhanh đến xe cứu thương của Hội Chữ thập đỏ đang đậu ở phía bên kia hàng cột.
Giáo hoàng trong bệnh viện
Tám phút sau, Đức Gioan-Phaolô II vào bệnh viện Gemelli ở Rôma trong tình trạng bất tỉnh. Ngài bị bắn vào bụng, khuỷu tay phải và ngón trỏ của bàn tay trái, huyết áp xuống thấp một cách nguy hiểm, mạch không còn rõ… giáo hoàng hấp hối, được linh mục thư ký xức dầu trong xe cứu thương. Và sau đó đến lượt các bác sĩ lo cho bệnh nhân của họ.
Lúc 6 giờ tối, Karol Wojtila vào phòng mổ. Linh mục Stanislas Dziwisz cho biết: “Phải làm sạch bụng, cắt 55 cm ruột, khâu ruột già nhiều chỗ và truyền máu: ngài mất 3/4 máu!” Một trong các bác sĩ mổ sau đó kể lại, “máu chảy mọi nơi” nhưng sau khi cầm máu, nhóm y khoa biết không có cơ quan trọng yếu nào bị ảnh hưởng. Ngay tối hôm đó, các cơ quan truyền thông trên thế giới đều trấn an: Đức Gioan-Phaolô II còn sống. Sáng hôm sau, các bác sĩ xác nhận: “Ngài đã qua một đêm yên tĩnh và đã tỉnh lại.”
Thánh tích chiếc áo đẫm máu của Đức Gioan-Phaolô II
Ann Odre, nữ tín hữu bị chấn động
Trong lúc đó, ở Quảng trường Thánh Phêrô có hai phụ nữ cũng là nạn nhân của những kẻ xả súng được đưa lên xe cứu thương. Cô Rose Hall, 22 tuổi và bà Ann Odre, 58 tuổi, hai du khách người Mỹ, hai người có di chứng khác nhau của ngày định mệnh này. Cô Hall bị thương nhẹ ở khuỷu tay nhưng bà Odre bị bắn vào ngực.
Liên hệ với sứ quán Mỹ, con gái của bà bay sang Rôma ngay. Trong vali của cô, một mề đay của ông quận trưởng và chìa khóa thành phố Buffalo của ông thị trưởng cho mượn, nơi gia đình gốc Ba Lan này sinh sống. Bà Ann Odre ở bệnh viện la mã vài tuần trước khi bay về Mỹ vào tháng bảy. Sau chấn thương này, bà còn bị chứng rối loạn căng thẳng trong vài tháng.
Mehmet Ali Agça, người đã bắn giáo hoàng
Và những người bắn súng? Vài phút sau phát súng, dù rất kinh hoàng, một nữ tu bé nhỏ mặc đồ đen níu chặt một người đàn ông, áo khoác xám và áo sơ mi trắng, đang còn cầm khẩu Browning trên tay. Nữ tu Letizia hét lên: “Chính ông! Chính ông!” khi đó một cảnh sát mặc thường phục tóm lấy kẻ giết người, quật xuống đất và nhanh chóng được các người tiếp viện can thiệp. Đồng phạm, mang khẩu Beretta, kín đáo trốn thoát. Không bao giờ bắt được ông. Ngay lập tức dưới con mắt của các máy quay, hình ảnh Mehmet Ali Agça lan khắp thế giới.
Người đàn ông trẻ 23 tuổi, râu dài ba ngày chưa cạo, hàm vuông và tóc ngắn rối bù, có vẻ bình lặng, gần như nghiêm trọng. Tại đồn cảnh sát, ông tìm cách che dấu vết tích của mình. Ông khai ông người Chi-Lê, sau đó ông nói ông không có quốc tịch; ông tự thú mình là kẻ khủng bố, không đỏ, không đen nhưng “đỏ và đen”; giữa một loạt các đầu mối rời rạc và khó hiểu, ông là “tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại nhất!” Hai mươi bốn giờ sau khi bị bắt, ông bị buộc tội “mưu toan ám sát một nguyên thủ Quốc Gia, đồng lõa với một người chưa rõ danh tính”, còn giáo hoàng thì thoát chết.
Ai đã ra lệnh?
Những năm tiếp theo, các đầu mối đa dạng nhất đều được điều tra để giải thích hành động này của ông. Trước hết là lý lịch của Mehmet Ali Agça, ông có hồ sơ tội phạm dày đặc, với tiền án giết người. Người ta cũng phát hiện ra, ông đã từng nói những lời đe dọa chống giáo hoàng. Xuất thân từ Kurdistan, sinh ra trong một gia đình tan nát, khi còn nhỏ ông gia nhập tổ chức cực hữu của Thổ Nhĩ Kỳ, Những con Sói xám. Được mafia tài trợ, năm 1979, ông đã bắn một nhà báo trên đường phố và bị lên án tử hình.
Nhưng vài ngày trước chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng năm, Những con Sói xám tổ chức cho ông vượt ngục. Khi đó ông viết cho một nhật báo Thổ, ông sẽ “giết giáo hoàng.” Bị chận vào thời điểm đó, liệu ông kiên nhẫn chờ để hoàn thành “nhiệm vụ” đẫm máu này không? Vào giữa năm 1982, những lời khai đầu tiên của Agça ám chỉ các nhà tài trợ mafia, những kẻ buôn người quốc tế và những kẻ giết người khác.
Nhưng theo các thẩm phán, nhà báo và dư luận, thì “mạng lưới Bulgaria” đứng đầu danh sách bị nghi từ lâu: các mối liên hệ giữa các nhóm phát xít Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan mật vụ Bulgaria được đưa ra ánh sáng. Có phải rõ ràng những người này không theo lệnh của KGB, vốn đã có mối quan tâm lớn với giáo hoàng Ba Lan, người cực kỳ chống cộng sản, buộc phải im lặng không? Tuy nhiên, vào cuối năm 1982, Mehmet Ali thay đổi câu chuyện của ông và đi theo hướng: khi đó ông đưa nơi chốn, danh sách với độ chính xác gần như đáng ngờ. Các vụ bắt bớ diễn ra, các cuộc đụng độ ngoại giao cũng xảy ra. Tuy nhiên, bốn năm sau, nghi vấn bị bỏ dở vì “không đủ bằng chứng”.
Agça nhận bản án chung thân ở Ý nhưng được thả năm 2000… và khi về Thổ Nhĩ Kỳ ông bị ở tù thêm 10 năm. Năm 2013, trong quyển sách thú tội, ông tiết lộ một phiên bản khác: đó là giáo chủ Ayatollah Khomeini, người đứng đầu hàng giáo sĩ Iran, đã ra lệnh cho ông giết giáo hoàng. Giáo sĩ này nói: “Mehmet Ali, con phải giết giáo hoàng nhân danh Allah. Con phải giết phát ngôn viên của ma quỷ trên Trái đất, đại diện của Satan trên thế giới này. Giết người lãnh đạo những kẻ đạo đức giả, người hướng dẫn những kẻ bất trung. Bàn tay con phải giết giáo hoàng Gioan-Phaolô II.”
Uy tín bị thương tổn
Vào thời điểm đó, bà Anne-Cécile Juillet, nhà báo của tờ Le Parisien xin gặp “người đã bắn Đức Gioan-Phaolô II”. Bà nói với báo La Vie: “Tôi sinh ngày 13 tháng 5, đó là một ngày quan trọng đối với tôi. Câu chuyện này quá mạnh đến mức cuốn hút tất cả đầu óc của tôi: Tôi phải nắm cơ hội.”
Bà gặp ông ở sảnh đợi của một khách sạn ở Istanbul mùa xuân năm 2013. Bà nhớ lại, “đó là người đàn ông mặc vest, cao, gầy, mảnh mai và chỉnh tề, ông có vẻ bình thường… nhưng nhanh chóng, ông biến qua một dạng mê sảng, loại có thể tạo ra một kịch bản Mật mã Da Vinci khác.”
Theo nhà báo Bernard Lecomte, tác giả của một số sách về vụ này, “mối lo lớn trong vụ này, đó là Agça điên: ông nói hết điều này đến điều khác, rồi lại thêm một điều khác trong các lần xử án, thậm chí ông có thể nói bất cứ điều gì”. Cựu nhà báo, trong nhiều năm, ông tìm cách hiểu nguyên nhân vụ này: “Ngay từ đâu, nhân vật chính nói đủ chuyện và sau đó nói ngược lại. Đôi khi, ông rất thuyết phục… nhưng sau đó ông lại nói ‘Tôi là Chúa Kitô!’ Chúng ta không thể căn cứ vào lời nói của ông.”
Liệu ai đã lục tung các kho lưu trữ và đặt câu hỏi về gián điệp thì họ có được tin gì mới sau bốn mươi năm, cuối cùng được tiết lộ không? Bernard Lecomte cho biết: “Luận điểm rất khả thi đối với người này, nhà hoạt động của một phong trào mà bây giờ người ta gọi là phong trào hồi giáo, lớn lên trong một thế giới mà giáo hoàng bị cho là kẻ thù của Tiên tri Mohamet cần phải đánh gục. Và ông bắt tay hành động. Nhưng không có gì cho biết, một ngày nào đó bạn sẽ tìm thấy một tài liệu gây sốc trong kho lưu trữ của một quốc gia, làm cho mọi thứ đảo lộn thêm một lần nữa.”
Suy nghĩ của Giáo hoàng
Còn Đức Gioan-Phaolô II, ngài nghĩ gì về những điều đã xảy ra cho ngài? Ngài nghĩ mình là mục tiêu của ai? Đằng sau bức tường Vatican, người ra lệnh sát hại ít quan trọng hơn là lý do vì sao vụ ám sát bất thành: Đức Gioan-Phaolô II còn sống… và chúng ta không thể giải thích điều này. Rắc rối, các bác sĩ thì thấy đây là một phép lạ của ngành y khoa, viên đạn đã đi dích dắc để tránh các cơ quan trọng yếu. Còn đối với các chuyên gia an ninh, thì họ ngạc nhiên vì sao Mehmet Ali Agça, một tay súng dày dạn kinh nghiệm, chỉ đứng cách giáo hoàng vài mét lại bắn hụt.
Ngay ngày hôm sau vụ ám sát, linh mục thư Stanislaw Dziwisz đưa ra “những trùng hợp” dính đến thử thách Đức Gioan-Phaolô II phải chịu và việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, ở Bồ Đào Nha: lần đầu Đức Mẹ hiện ra là ngày 13 tháng 5 năm 1917. Lòng hiếu kỳ của giáo hoàng được khơi dậy. Ngài rất sùng kính Mẹ Maria và chưa bao giờ đến thăm đền thờ Fatima, ngài tìm hiểu và khám phá ra “đó là cùng ngày, cùng giờ, và cùng phút! … và giữa giây phút!”, ngài kêu lên.
Trong cuộc gặp Đức Mẹ Fatima, các em bé mục đồng nhắc lại, Mẹ xin cầu nguyện và ăn năn trở lại, nhưng nhất là ba “bí mật” đáng sợ của Fatima. Ngày 18 tháng 7 năm 1981, một phong bì gởi đến Đức Gioan-Phaolô II: phong bì có một trong ba bí mật chưa được tiết lộ và Vatican giữ bí mật cho đến năm 1950. Bí mật nói đến, một “giám mục” mặc áo trắng.” Nữ tu Lucia, em bé mục đồng thấy Đức Mẹ hiện ra sau này đi tu Dòng Kín cho biết: “Chúng tôi cảm nhận đó là giáo hoàng bị đau khổ và đau buồn”, ngài ngã xuống dưới làn đạn. Không nghi ngờ gì, có thể đó là Đức Karol Wojtila: Đức Trinh nữ Maria đã cứu giáo hoàng, “giám mục áo trắng” Sau này ngài nói với một người bạn: “Một bàn tay bắn, một bàn tay khác làm viên đạn chệch hướng.” Năm 1982, Đức Gioan-Phaolô II đến Fatima để tạ ơn “người bảo vệ” ngài. Và nhất là năm sau, ngài vào nhà tù nơi Ali Agça bị giam, và dưới ống kính của máy quay, được chiếu sáng bởi đèn flash, ngài nắm cánh tay của kẻ muốn ám sát ngài: ngài tha thứ cho ông. Cuộc trao đổi, được giới truyền thông trên thế giới soi xét kỹ lưỡng, lẽ ra sẽ dẫn đến những tiết lộ: chúng tôi đã cố gắng đọc trên môi của hai người để tìm câu trả lời cho câu hỏi “ai đã ra lệnh”… Nhưng những lời nói cuối cùng rất thiêng liêng. Agça tâm sự với Đức Gioan-Phaolô II, ông tin có một “bà ảo thuật gia, một nữ thần” đã cứu mạng ngài, Đức Gioan-Phaolô II trả lời, “đó là Đức Trinh nữ Maria” và Mẹ cũng yêu thương ông.
Trên thực tế, theo Đức Karol Wojtila, sự sống còn của ngài mang một ý nghĩa, một sứ mệnh mới được trao cho ngài từ thiên đàng, đó là dẫn dắt Giáo hội và thế giới hướng tới hòa bình. Với một số người công giáo, sự kiện này được nhớ đến như một “phép lạ nhỏ”.
Còn với những người khác và các thế hệ mới, “câu chuyện về ngày mà giáo hoàng bị bắn là câu chuyện không thể tin được, vì nó chứa đựng tất cả các yếu tố của một bí ẩn hấp dẫn: Đức Thánh Cha, KGB, âm mưu chính trị, mafia và Fatima, người mang đến cảm hứng thần bí-tâm linh…” Đối với tác giả Bernard Lecomte, đây sẽ vẫn là một trong những “việc lớn” của thế kỷ 20.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Gioan-Phaolô II đã nói, giáo sư Crucitti đã cứu tôi
Các lời cảm tạ để lại trên mộ bia của Đức Gioan-Phaolô II