Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 3-5

197

Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 3-5

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, Ronald Rolheiser

Bận rộn thái quá, Giải trí, Hiếu động

Jan Waigrave có lần phê bình rằng thời buổi này đã thực sự có một thông đồng để chống lại đời sống nội tâm. Điều ông muốn nói không phải là có một thông đồng cố ý nào đó để chống lại các giá trị riêng, các giáo hội, các linh đạo đích thực như chủ nghĩa bảo thủ cuồng tín thích tin như vậy. Điều ông muốn nói là ngày nay, một số bối cảnh lịch sử đã cùng mù quáng đi với nhau, tình cờ cùng nhau thông đồng tạo một bầu khí mà trong đó không những nghĩ về Chúa hay cầu nguyện là một chuyện khó, mà còn khó có một chiều kích nội tâm sâu xa nào đó. Không khí mà chúng ta hít thở hôm nay nói chung không dẫn đến sự hướng nội và có một chiều sâu.

Tại sao? Các yếu tố nào tình cờ gây ra như vậy? Trong một cuốn sách gần đây, Chiếc đèn lồng bị vỡ, The Shattered Lantern, tôi đã cố gắng đặt tên và phân tích những yếu tố này. Vì thế ở đây, tôi sẽ chỉ gọi tên chúng.

Trong số nhiều thứ chống lại chiều kích nội tâm ngày nay, có thể nêu ra ba thứ đặc biệt xấu xa: chứng tự mê, chứng thực dụng, và chứng bồn chồn không kiềm chế.

Định nghĩa đơn giản của chứng tự mê là quan tâm bản thân quá độ; chứng thực dụng là tập trung quá độ vào công việc, vào thành tựu, và các bận tâm thực tiễn của cuộc sống; và chứng bồn chồn là tham lam quá độ về kinh nghiệm, một thừa mứa, không phải về thức ăn nhưng trong nghĩa muốn hưởng thụ tối đa cuộc sống. Chứng tự mê là nguyên do của bệnh đau tim, chứng thực dụng là bệnh đau đầu, và chứng bồn chồn là mất ngủ. Rốt cuộc khi thường xuyên vướng vào ba chứng này, chúng ta thường bị đau tim, đau đầu, ham tích kinh nghiệm nên hiếm khi chúng ta có thì giờ và nơi chốn để tiếp xúc với dòng chuyển thâm sâu bên trong và chung quanh chúng ta.

Đề tài phân tích phong phú này thì không có giới hạn: Thomas Merton có lần nói rằng vấn đề thiêng liêng lớn nhất của thời đại chúng ta là tính hiệu nghiệm, công việc, thực dụng; nếu chúng ta tiếp tục để cho máy móc chạy thì chúng ta ít có thì giờ và năng lực để làm gì khác. Neil Postman đề xuất rằng, như một văn hóa, chúng ta tự vui đùa thỏa thích cho đến chết, nghĩa là, tự mình xao lãng trong hời hợt nhạt nhẽo ngu đần. Henri Nouwen đã viết một cách hùng hồn về sự tham lam để có kinh nghiệm, về chứng bồn chồn, thái độ thù nghịch, và chứng ảo tưởng gây ra, ngăn cản sự cô tịch, lòng hiếu khách và cầu nguyện trong đời sống chúng ta. Họ nói đúng. Điều mà mỗi tác giả này và vô số các tác giả khác nói là chúng ta, vì đủ thứ lý do, xấu hay tốt, đang đánh mất mình trong lãng quên thiêng liêng. Nó không có nghĩa là chúng ta có một cái gì đó chống lại Chúa, chiều sâu và thiêng liêng, chúng ta muốn những điều này, nó chỉ do thói quen chúng ta quá bận rộn nên không chiếu một trong các chuyện này lên màn hình của chúng ta. Chúng ta bận rộn hơn là xấu, xao lãng hơn là vô hồn, quan tâm đến rạp chiếu phim, sân vận động thể thao, trung tâm thương mại và thế giới kỳ lạ mà chúng tạo ra hơn là đi nhà thờ. Bận rộn thái quá, giải trí, hiếu động là những cản trở chính trong đời sống thiêng liêng của chúng ta hôm nay.

Nguyễn Kim Long dịch

Xin đọc thêm: Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 1-5

Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 2-5