Đức Phanxicô, triều giáo hoàng của ngài “ngắn”, có thật không?
la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2019-03-12
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô ngày 6-3-2019
Ngày thứ tư 13 tháng 3 – 2019, Đức Phanxicô kỷ niệm sáu năm triều giáo hoàng mà từ đầu ngài nghĩ là khá ngắn.
Năm 2014, trên máy bay từ Nam Hàn trở về, Đức Phanxicô nói đến triều giáo hoàng của mình sẽ ngắn: “Hai hay ba năm, và rồi… đi về Nhà Cha!” Năm 2015 ngài lặp lại trên đài truyền hình Mêhicô: “Triều giáo hoàng của tôi sẽ ngắn. 4 hay 5 năm, tôi không biết, có khi 2 hay 3 năm. Tôi nghĩ Chúa đặt tôi ở đây một thời gian ngắn, không có gì lâu.”
Đức Phanxicô cảm thấy triều giáo hoàng của mình sẽ ngắn. Vậy mà sáu năm đã trôi qua kể từ ngày ngài được bầu chọn, 13 tháng 3 – 2013, sức khỏe của ngài tốt sau chế độ ăn kiêng quyết liệt vào mùa đông năm nay, dường như ngài chưa có ý định dừng lại. Ngay cả ngài còn tăng tốc độ, ở tuổi 82 ngài còn đi nhiều: từ đầu năm nay mỗi tháng ngài đi một chuyến.
Dù vậy khi hỏi về tương lai của mình, ngài luôn trả lời “không chắc năm tới tôi sẽ còn ở đây”. Phó thác vào Chúa Quan Phòng, người tu sĩ Dòng Tên được tôi luyện trong các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã quan niệm khi Chúa còn cho sức lực, thì sẽ tiếp tục sứ mạng đã được chỉ định cho mình trong lần mật nghị năm 2013: cai quản và cải cách Giáo hội?
Năm vừa qua là năm biểu tượng
Chắc chắn, cuộc cải cách lớn còn phải chờ. Tháng 2 vừa qua, Vatican đã loan báo sẽ phát hành Praedicate evangelium (Hãy rao giảng Tin Mừng), hiến chế tông đồ mới được Giáo triều điều chỉnh.
Nhưng chính cuộc cải cách toàn diện hơn của Giáo hội mà Đức Phanxicô đã lên chương trình để hành động. Một quan sát viên rành về Giáo triều ghi nhận: “Ngài biết mình phải dọn chuồng ngựa của Augias. Nhưng ngài không hình dung chuồng ngựa này đã thối rữa như thế nào”.
Năm vừa qua là năm biểu tượng của triều giáo hoàng của ngài: mở đầu là các vụ bao che ở Chi-lê, rồi đến vụ trục xuất hồng y McCarrick – một nỗ lực làm mất ổn định được thúc đẩy bởi một số lãnh vực trong Giáo hội công giáo Mỹ – rồi vụ của hồng y George Pell ở Úc, vụ của hồng y Philippe Barbarin ở Pháp.
Nhìn lại cách dùng uy quyền trong Giáo hội
Dù hai vụ cuối cùng này không cùng một tính chất, nhưng nó cho thấy sự cần thiết phải thay đổi tận cùng cách dùng quyền trong Giáo hội.
Đức Phanxicô, một suy tư lâu dài về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội
Đó là những gì Đức Phanxicô đã nêu lên trong thư ngài gởi cho tín hữu Chi-lê vào tháng 5 và cho toàn Dân Chúa vào tháng 8. Và đó cũng là những điều ngài muốn các chủ tịch các Hội đồng Giám mục thấm nhuần trong cuộc gặp về các vụ lạm dụng tình dục được tổ chức ở Vatican vừa qua.
Một số người chỉ trích ngài chưa đưa ra biện pháp cụ thể sau cuộc họp này. Nhưng Đức Phanxicô nắm được các giới hạn của một hệ thống, mà hơn 15 năm qua đã quyết định theo chiều dọc từ Rôma và đã không dẫn đến việc thay đổi não trạng.
Lạm dụng tình dục: Giáo hội bắt đầu cải cách. Ý thức được sự kém hiệu quả của các biện pháp chuyên quyền, và chính xác mong muốn xem lại cách dùng thẩm quyền trong Giáo hội, Đức Phanxicô đã chọn một phương pháp có chiều sâu hơn, dựa trên sự hoán cải của quả tim, được thuyết phục, như ngài đã thổ lộ với các tạp chí Dòng Tên, phải “dấn thân vào các tiến trình, đôi khi lâu dài hơn là chiếm khoảng không gian của quyền lực” dù điều này “đòi hỏi phải kiên nhẫn và chờ đợi”.
Ở tuổi 82 ans – Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm khi gần 86 -, Đức Phanxicô biết chắc chắn ngài sẽ không thấy các cải cách này đi đến cùng. Điều quan trọng đối với ngài là củng cố các quy trình đã tiến hành, để ít nhất các quy trình này không bị hủy. Và đó là những gì ngài hết mình làm cho triều giáo hoàng của mình bây giờ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Kỷ niệm 6 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô: Điều thiết yếu
Alessandro Gisotti: Đức Phanxicô, người xây cầu trên con đường