Alessandro Gisotti: Đức Phanxicô, người xây cầu trên con đường
vaticannews.va, Giada Aquilino, 2019-03-12
Kỷ niệm năm thứ sáu ngày Đức Phanxicô được bầu chọn, Vatican News có bài phỏng vấn ông Alessandro Gisotti, quyền giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Cuộc đối thoại nêu lên các điểm mạnh triều giáo hoàng của ngài.
Sự bình tâm, chú ý đến mọi người, đến người khác, lắng nghe, tính tập đoàn: đó là các chữ quan trọng mà tiến sĩ Alessandro Gisotti nói về sáu năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Ngày 13 tháng 3-2013, từ ban-công Loggia của Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô chào tín hữu, ngài bắt đầu xem mình như “người hành hương cho tình huynh đệ, tình yêu và niềm tin.” Vài tháng sau, ngài cho thấy điều này trong chuyến đi thăm người di dân ngày 8 tháng 7 – 2013 ở Lampedusa: một chuyến đi không dự định trước. Sau này ngài giải thích, đơn giản vì ngài thấy cần phải đi. Một phong cách ngài không thay đổi sáu năm sau. Ông Gisotti giải thích.
Alessandro Gisotti: Đức Phanxicô cho thấy, người di dân là những con người chứ không phải các con số, ngài đi thăm vì ngài luôn quan tâm đến họ. Đáng tiếc là chúng ta luôn thấy qua giới truyền thông, họ xem người di dân là cơn khủng hoảng nặng, của đắm tàu, của trường hợp khẩn cấp vì chiến tranh. Trong chuyến đi đầu tiên ở Lampedusa, ngài cho thấy mình gần gũi với họ và trong các chuyến đi khác, chuyến thăm trại tị nạn ở Lesbos, Hy Lạp, chuyến đi Marốc sắp tới vào cuối tháng 3, ngài sẽ đến thăm người di dân ở một trung tâm Caritas; chuyến đi Bulgaria, Cộng hòa Macédoine miền Bắc vào tháng 5 sắp tới, ngài cũng sẽ đến thăm một trại tị nạn.
Việc mở Cửa Thánh ở thủ đô Bangui, Trung Phi, việc giải hòa ở Cô-lông-bi, đi thăm người Rohingya ở Á châu: đó là các khía cạnh khác nhau của Đức Phanxicô bảo vệ cho hòa bình?
Hoàn toàn đúng. Đức Phanxicô đã làm nổi bật tên vị thánh mà ngài mang danh. Rõ ràng sáu năm trước đây ai cũng ngạc nhiên với tên “Phanxicô”, Thánh Phanxicô Axixi, con người của hòa bình, một người nghèo luôn cố gắng tìm cách đối thoại. Chúng ta thấy trong cuộc gặp với Quốc vương Al-Kamil Al-Malek trong chuyến đi thăm Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất. Như thế ngài nêu cao danh Phanxicô và cả sứ mạng của mình: giáo hoàng xây dựng cầu. Đôi khi chúng ta quên sứ mạng đặc biệt này của các giáo hoàng. Đúng vậy, như chúng ta đã thấy nhiều lần, không phải chỉ qua lời mà còn qua hành vi, Đức Phanxicô cho thấy nơi nào có tường, ngài phá vỡ các viên gạch để xây cầu. Tôi nghĩ, đó là hằng số chung của triều giáo hoàng của ngài, và chúng ta tiếp tục thấy mỗi ngày.
Các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Marta thể hiện điều gì trong triều giáo hoàng của ngài?
Theo tôi đó là trái tim của triều giáo hoàng, vì ở đây ngài gặp dân Chúa trong giây phút chủ yếu của một linh mục, một giám mục, Đức Phanxicô là giám mục của giáo phận Rôma. Qua cuộc gặp của Phép Thánh Thể và tín hữu mà các bài giảng được nảy sinh, đó là hồ chứa rất lớn, vì khi chúng ta đọc các tài liệu lớn của ngài, chúng ta thường bắt gặp những chuyện ngài đã nhắc lại hay liên hệ trực tiếp đến các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Marta. Tôi nghĩ, dù đã sau sáu năm, đây là một trong những chuyện đẹp nhất và mới nhất của ngài. Chính xác đây là trái tim của ngài.
Có phải tình bạn của ngài với giáo sĩ Ahmad Al-Tayyeb và với Thượng phụ Constantinople Báctôlômêô I cho thấy đối thoại là điểm đặc trưng trong sự dấn thân của Đức Phanxicô không?
Ngay từ những ngày đầu triều giáo hoàng, ngài đã nói về “văn hóa gặp gỡ” mà chủ yếu ngài thực hành dưới chủ đề tình bạn. Chẳng hạn, tôi thấy ngài rất xúc động trong tình bạn khi gặp Thượng giáo sĩ Al-Tayyeb, có mặt ở Abou Dhabi; tôi thấy hai người tìm nhau trong sự gần gũi, ý thức chữ ký của mình trong bản “Tuyên bố chung về tình anh em” là một cử chỉ can đảm và có tính ngôn sứ, chắc chắn sẽ mang lại thành quả, mà chúng ta sẽ gặt hái về sau. Vì thế chủ đề đối thoại chắc chắn là chủ đề trong quả tim của ngài, người luôn nhìn thấy nó qua đối thoại hữu nghị song phương này. Đó không bao giờ là cuộc đối thoại có một mục đích đặc biệt, nhưng đối thoại phát xuất từ cuộc họp mà chúng ta chắc chắn có thể nói điều này với Thượng Giáo sĩ Al-Tayyeb, cũng như với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác.
Sự dấn thân trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên đã đánh dấu triều giáo hoàng này. Đã có các chỉ trích về việc thiếu kết quả cụ thể đưa ra sau cuộc họp vừa kết thúc ở Vatican. Đâu là các kết quả cụ thể?
Đây là một cuộc họp cần thiết. Nhiều người nghi sự chính đáng của cuộc họp này, dưới khía cạnh này, Đức Phanxicô cho thấy ngài rất can đảm, và theo tôi, đó là sự can đảm mang tính ngôn sứ, vì đây là lần đầu tiên Giáo hội đứng trước một vụ tai tiếng kinh khủng, có thể tạo nguy hiểm không những cho uy tín của Giáo hội, mà trên một vài khía cạnh nguy hiểm cho cả sứ mạng của Giáo hội, vì thế ngài muốn triệu tập tất cả các chủ tịch Hội đồng Giám mục. Trước tiên ngài muốn chúng ta phải trả lời cho một vấn đề toàn cầu. Sau đó, tất nhiên là chủ đề của cụ thể, các biện pháp cụ thể. Trong nghĩa này, vào cuối cuộc họp, một thông báo theo dõi đã được đưa ra, có nghĩa là các giai đoạn phải theo, kế đó một Tự sắc sẽ được công bố, đó là tài liệu chỉ dẫn của Bộ Giáo lý Đức tin, một loạt các quy định, cũng như sáng kiến của các nhóm làm việc, có nghĩa là các chuyên gia sẽ giúp cho các Hội đồng Giám mục lên chương trình bảo vệ các trẻ vị thành niên. Như chúng ta đã biết, theo Đức Phanxicô, chủ yếu là hoán cải tâm hồn, khởi đi từ việc lắng nghe các nạn nhân.
Đức Giáo hoàng đã triệu tập ba thượng hội đồng và đã thay đổi cách làm việc: qua các chọn lựa này, Giáo hội sẽ đi về hướng nào?
Đức Phanxicô có cái nhìn của một “Giáo hội đi ra” và một Giáo hội là “bệnh viện làng quê”. Giáo hội đi ra giả định là Giáo hội tất cả cùng đi. Và “tính tập đoàn thượng hội đồng” có nghĩa là cùng đi với nhau. Trong tinh thần này, là mục tử, Đức Phanxicô thấy được chiều kích này, như ngài đã nói hồi đầu triều giáo hoàng của mình cách đây sáu năm, cùng với giáo dân, trước giáo dân, giữa giáo dân và sau giáo dân, trong căn bản là người mục tử luôn ở với đàn chiên của mình! Và tiếp đó Giáo hội là “bệnh viện làng quê”. Chúng ta đã thấy trong cuộc họp bảo vệ trẻ vị thành niên, một Giáo hội có can đảm nhìn vào vết thương của giáo dân trong thời của mình. Và cũng tốt khi nghĩ – đây cũng là một chút tầm nhìn của Đức Phanxicô – rằng Giáo hội không chỉ là ngọn đèn pha chiếu sáng ở một điểm cố định, nhưng là ngọn đuốc chiếu sáng cùng đi với Dân của Chúa.
Một kỷ niệm, một hình ảnh, một suy tư của Đức Phanxicô đã đánh động ông nhất trong sáu năm qua và cũng trong hai tháng rưỡi qua khi ông làm giám đốc tạm thời Văn phòng báo chí Tòa Thánh…
Sự bình tâm của ngài. Tất nhiên khi chúng ta sống, chúng ta không thể che giấu lúc này lúc kia – giáo hoàng cũng vậy – giây phút rất tế nhị, nhất là với tai tiếng khủng khiếp của các vụ lạm dụng. Tuy vậy, dù vẫn rất ý thức, dù rất can đảm, ngài không để mất bình tâm, thanh thản. Và đúng vậy, ngay cả khi thấy ngài trong những giây phút riêng tư, đã làm cho tôi rất xúc động, chẳng hạn khi thấy ngài cầu nguyện rất gần mình, bạn có thể thấy đây đúng là con người của bình an. Đương nhiên bình an này không đến từ thế gian, nhưng đến từ Chúa. Ngay cả với tôi, trong một thời điểm khó khăn, vì nhiệm vụ của tôi được sinh ra hoàn toàn bất ngờ, với các khó khăn khách quan hàng ngày, trong nhiều lần, ngài đã nói riêng với tôi: “Con đừng để mình rơi vào cay đắng, hãy giữ bình tâm”. Ngài nói như một người cha nói, trong tình phụ tử, và điều này đã mang đến sức mạnh và can đảm để tôi tiếp tục công việc, với một tinh thần hy vọng, biết chính xác Đức Thánh Cha cũng sống giây phút này với sức mạnh và bình tâm cũng lớn, như khi ngài mang lại cho chúng ta.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Đức Phanxicô, triều giáo hoàng của ngài “ngắn”, có thật không?
Kỷ niệm 6 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô: Điều thiết yếu