Nhưng thật sự, giáo hoàng làm gì cả ngày?
Trích sách “Vatican, Sự thật và huyền thoại” của nhà văn Christophe Dickès
Nhưng sự thật, một ngày của giáo hoàng không có một phút rãnh. Được lên lịch từng phút từng giây giữa các giờ cầu nguyện, công việc riêng và các tiếp kiến đủ loại.
Ngược với những chuyện hoang đường của những đồng mưu về các giáo hoàng và Vatican, quyển sách “Vatican, Sự thật và huyền thoại” của nhà văn Christophe Dickès không có chỗ cho các chuyện thần thoại và nửa-sự thật như quyển Da Vinci Code.
Trong loạt phim truyền hình của điện ảnh gia Paolo Sorrentino, Giáo hoàng trẻ Piô XIII (The Young pope, Pie XIII) do diễn viên Mỹ Jude Law đóng, cho thấy giáo hoàng đi hàng giờ ở vườn Vatican, hai tay chắp sau lưng đôi khi có vẻ như mơ màng nhớ nhung, đôi khi như tính toán, đôi khi trầm ngâm suy tư. Chia sẻ gói thuốc lá với các bạn rất hiếm, nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo có vẻ như người nhàn hạ và hoàn toàn chẳng có việc gì làm. Nhưng sự thật, một ngày của giáo hoàng không có một phút rãnh. Được lên lịch từng phút từng giây giữa các giờ cầu nguyện, công việc riêng và các tiếp kiến đủ loại.
Ở thời buổi này, các giáo hoàng thức dậy rất sớm. Đồng hồ báo thức reo lúc 5 h 30 sáng. Đức Bênêđictô XVI ngủ thêm nửa giờ. Còn Đức Phanxicô giữ thói quen thức dậy sớm từ cả chục năm nay: trong tất cả các giáo hoàng, ngài là người dậy sớm nhất vì ngài dậy lúc 4 h 30 sáng. Ngay lập tức khi thức dậy, Đức Gioan-Phaolô II đến bàn giấy gần giường ngài để suy niệm và viết. Sau đó ngài vào nhà nguyện cầu nguyện, ngài nằm dài xuống đất như các linh mục Ba Lan thường làm. Hồng y Dziwisz, thư ký riêng của ngài nói với chúng tôi: “Chúng tôi vó cảm tưởng như ngài đang đối thoại với Đấng Vô Hình”. Cũng vậy, Đức Phanxicô chìm đắm trong cầu nguyện và trong suy niệm lâu dài, gần hai giờ. Ngài đọc các bài phụng vụ và các bài khác để chuẩn bị cho bài giảng ngài sẽ giảng sáng hôm đó, với sự hiện diện các giáo dân được mời đến dự thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Marta, nhà nguyện có thể chứa đến cả trăm người (nhân viên Vatican, các vị trong giáo triều, các giáo dân giáo xứ Rôma, các khách người nước ngoài đến thăm…). Trên thực tế, cũng như Đức Piô X hồi đầu thế kỷ 20, giáo hoàng Argentina mời nhiều người bên ngoài đến dự lễ hàng ngày lúc 7 giờ sáng với mình. Đức Giáo hoàng Ba Lan cũng vậy, người tham dự thánh lễ ít hơn khoảng chừng mười mấy người vì Đức Gioan-Phaolô II dâng thánh lễ trong một nhà nguyên riêng và nhỏ ở căn hộ mà Đức Phanxicô từ chối không đến đó ở. Còn Đức Bênêđictô XVI thì dâng thánh lễ chỉ với hai thư ký của mình, người quản gia và bốn giáo dân sống đời sống thánh hiến lo công việc hàng ngày cho ngài.
Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI ăn sáng ở phòng ăn ở tầng ba của dinh thự tông tòa, còn Đức Phanxicô thì ăn chung ở phòng ăn tập thể của Nhà Thánh Marta, nơi đón tiếp các hồng y trong thời gian mật nghị, ngoài ra nơi này là nơi các giám mục, các linh mục, các tu sĩ trọ trong thời gian họ đến Vatican.
Ngược với những gì người ngoài nghĩ, giáo hoàng thường thay đổi nơi thường trú của mình. Đức Piô IX đã ở dinh Quirinal (hiện nay là dinh tổng thống) cho đến năm 1870. Được bầu lên năm 1878, Đức Lêô XIII thích ở căn phòng có thể nhìn ra Vườn Vatican. Đức Piô X ở đó và trong kỳ bầu chọn năm 1903 khi ngài còn là hồng y, có nghĩa là ở tầng thứ ba của dinh thự. Ngược với truyền thuyết, các căn hộ của giáo hoàng thường thanh nhã, thậm chí còn khắc khổ đến mức khi Đức Bênêđictô XVI được bầu, ngài xin sơn sửa lại toàn bộ, bỏ thảm, sơn lại, bắt lại hệ thống điện và bếp. Đức Phanxicô không ở đây, ngài không thích sống cô lập, ngài thích sống đời sống cộng đoàn ở Nhà Thánh Marta, còn Đức Bênêđictô XVI thì thích nếp sống tu viện hơn.
Đúng ra là các phòng khác nhau ở tầng hai dinh tông tòa mới thật sự thấy hết sự huy hoàng và mỹ thuật của thời Phục Hưng: Phòng Clementin, phòng Công nghị, các phòng Raphael… Buổi sáng, tại các phòng này, giáo hoàng tiếp các nguyên thủ Quốc gia, các giám mục trong chuyến đi ngủ niên viếng mộ Thánh Phêrô và Phaolô (ad limina apostolorum) và tất cả các khách xin tiếp kiến. Tiếp kiến có thể chung hay riêng, theo nghi thức hay không. Trong các buổi tiếp kiến này, giáo hoàng có thể chào một nhân vật chỉ một vài giây, hoặc nói chuyện lâu hơn và có thể đọc một bài diễn văn trong trường hợp các đại sứ đến trình ủy nhiệm thư. Giáo hoàng cũng tiếp các nhóm, các hiệp hội, khi đó ngài nói với mọi người trên một chủ đề đặc biệt. Các tiếp kiến riêng thì thường ở thư viện, bên cạnh phòng Clementin.
Ngày thứ tư hàng tuần, giáo hoàng có buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô với cả hàng chục ngàn giáo dân, hoặc ở Hội trường Phaolô VI bên trái Đền thờ Thánh Phêrô. Tiếp kiến ở Hội trường Phaolô VI thì tùy theo thời tiết và số người dự giới hạn hơn. Trong buổi tiếp kiến chung ngài luôn có một bài diễn văn hoặc bài giáo lý bằng tiếng Ý, được dịch tóm tắt ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cuối cùng là ngài chào giáo dân.
Ngày chúa nhật, đúng trưa, giáo hoàng xuất hiện ở cửa sổ văn phòng riêng của ngài ở tầng ba để đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho giáo dân đến chào ngài. Chính trong văn phòng này mà giáo hoàng làm việc ở đây buổi sáng: ngài đọc báo quốc tế, chuẩn bị lịch làm việc với các thư ký của mình, xem các thư từ đã được lọc, viết hoặc đọc cho các thư ký trả lời. Cuối cùng là ngài nghiên cứu các hồ sơ của các ban bộ đưa lên. Giám mục chủ tịch Phủ giáo hoàng tháp tùng và ở bên cạnh ngài trong các công việc này, bên trong cũng như bên ngoài Vatican.
Sau các công việc buổi sáng, giáo hoàng đi ăn trưa. Thực đơn thay đổi tùy theo khẩu vị của từng giáo hoàng. Lẽ tự nhiên mỗi giáo hoàng có khiếu ẩm thực riêng mà một cận vệ Thụy Sĩ vừa viết trong một quyển sách… làm bếp có minh họa! Sau bữa ăn trưa, các giáo hoàng thường có giấc ngủ trưa, đi bộ ở vườn Vatican hoặc trên sân thượng các phòng của ngài. Đi bộ cũng là thời gian dùng để cầu nguyện, lần chuỗi, đọc kinh nhật tụng hoặc ngừng lại ở hang đá Đức Mẹ Lộ Đức trong vườn Vatican. Từ cuối thế kỷ 19 và từ khi các môn thể thao được xem như môn giải trí thì nhiều giáo hoàng chứng tỏ mình là… chuyên gia trong nhiều bọ môn. Trước khi là Giáo hoàng Piô XI, Đức Achille Ratti leo núi, đến mức ngài mở một con đường mới dẫn đến Núi Trắng và bây giờ con đường đó mang tên ngài! Trước ngài thì Đức Lêô XIII mê đi săn. Còn Đức Piô XII thì có phòng tập thể dục thể thao ở dinh tông tòa Vatican. Đức Phaolô VI thì đi bộ trên sân thượng dinh tông tòa.
Đức Phaolô VI cầu nguyện ở hang đá Lộ Đức trong vườn Vatican
Đức Gioan-Phaolô II đi trượt tuyết
Còn Đức Gioan-Phaolô II thì xây hồ bơi ở nhà nghỉ hè giáo hoàng Castel Gandolfo. Ngài cũng rất thích trượt tuyết và đi bộ ở các vùng núi Latium và Abruzzes. Thư ký của ngài là Giám mục Stanislas Dziwisz kể các chuyến đi này mới đầu thì kín đáo, nhưng sau vì lý do an ninh nên có nhiều nhân viên an ninh đi theo. Ngược lại với ‘truyền thuyết’, tuy không phải là người giỏi thể thao như Đức Gioan-Phaolô II, nhưng Đức Bênêđictô XVI là người rất thích đi bộ và đạp xe đạp vì ngài không có bằng lái xe. Sau khi được bầu chọn, ngài có chiếc xe đạp thể dục trong phòng.
Đúng 15 h 30, giáo hoàng trở về với công việc: viết, đọc, sửa lại các bài giảng, các bài diễn văn và làm việc với nhiều tài liệu khác nhau như tông huấn, thông điệp, tự sắc… Ngài theo dõi thời sự quốc tế qua mạng ngoại giao của Tòa Thánh, ngài nghe các trưởng ban bộ về các vấn đề của Giáo hội trước khi quyết định: bổ nhiệm các giám mục, các vấn đề giáo điều, các án phong thánh, phong chân phước, các quan hệ với các Quốc gia, các mâu thuẫn quyền lợi trong nội bộ, các cải cách đang tiến hành… Ngắn gọn, ngài cai quản guồng máy quốc gia Vatican và Giáo hội của một tỷ ba giáo dân với sự giúp đỡ của ‘Thủ tướng’, hồng y Quốc Vụ Khanh. Một khi công việc trong ngày đã xong, các giờ cuối trong ngày là ăn tối, đọc sách, rất hiếm giáo hoàng có các cuộc gặp riêng buổi tối. Đức Gioan-Phaolô II cũng như vị tiền nhiệm của ngài xem tin tức thời sự quốc tế và nước Ý trên đài truyền hình, rất hiếm khi ngài xem phim. Sau đó ngài có thể tiếp tục làm việc trên các hồ sơ của các ban bộ. Rồi thì giờ còn lại, giáo hoàng dành để đọc sách.
Còn về Đức Phanxicô, ngài có lời hứa khi còn trẻ với Đức Mẹ, ngài sẽ không bao giờ xem truyền hình. Chúng ta còn nhớ Đức XII là giáo hoàng đầu tiên đem máy truyền hình vào Vatican. Còn Đức Bênêđictô XVI kết thúc ngày của mình trên chiếc đàn dương cầm cũ Furstein Farfisa hay nghe nhạc Mozart, Bach, Palestrina… dù ngủ trễ hay sớm, giáo hoàng sẽ không quên đọc kinh tối trước khi đi ngủ: vì dậy sớm, Đức Phanxicô đi ngủ sớm khoảng 9 giờ tối. Đức Gioan-Phaolô II thì lúc 11 giờ khuya sau khi ban phép lành từ cửa sổ phòng ngài cho thành phố Rôma rực đèn.
Còn Đức Bênêđictô XVI kết thúc ngày của mình trên chiếc đàn dương cầm cũ Furstein Farfisa
Một ngày của giáo hoàng cũng như một ngày của tất cả các nguyên thủ quốc gia đều theo nhịp bắt buộc của chức vụ mình. Nghĩ rằng thì giờ của mình có hạn, Đức Phanxicô không nghỉ hè trong khi hai vị tiền nhiệm của ngài đều bỏ thì giờ ra để nghỉ ngơi. Đức Bênêđictô XVI thì dùng thì giờ này để hội họp các cựu sinh viên của mình để có những buổi hội thảo riêng, tiếp tục công việc trong lãnh vực thần học của mình. Cũng như Đức Gioan XXIII, Đức Gioan-Phaolô II thícch ra ngoài thành Vatican làm cho ban an ninh nhiều khi đổ mồ hôi lạnh. Đó là những giây phút riêng hiếm có của một đời sống tư mà kể từ khi được bầu chọn, những giây phút riêng tư này gần như không còn. Thực chất, giáo hoàng không còn thuộc về mình, ngài ở trong chức vụ của mình với một tinh thần phục vụ. Vì thế giáo hoàng được gọi là Kẻ phục vụ của những người phục vụ Chúa, Servus Servorum Dei. Về mặt thần học, theo Phúc Âm Thánh Luca (22, 32), vai trò của giáo hoàng là để củng cố đức tin anh em mình. Vì thế các chuyến đi của giáo hoàng là rất quan trọng, với sự phát triển các phương tiện di chuyển của thế kỷ 20, các việc đi lại trở nên dễ dàng. Còn về giáo luật, các chuyến đi dựa trên một nguyên tắc: nguyên tắc cứu rỗi các linh hồn là luật tối thượng, Suprema lex salus animarum. Ngoài các việc đột xuất không quan trọng trong ngày, ngày và hành động của giáo hoàng phải đặt trên hai luật tối thượng này của đức tin và của cứu rỗi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Trích sách “Vatican, Sự thật và huyền thoại” của nhà văn Christophe Dickès