Làm thế nào để giúp trẻ em hướng nội?

44

Làm thế nào để giúp trẻ em hướng nội?

Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 10, 4.500 bạn trẻ, gia đình và nhân viên của tổ chức Những người Học việc ở Auteuil (Apprentis d’Auteuil) sẽ đi hành hương Lộ Đức. Bà Marie-Dominique Germette, điều phối viên mục vụ của trường nói lên chứng từ: “Bằng cách giữ thinh lặng, các bạn trẻ đi vào nội tâm của họ.”

la-croix.com, Gilles Donada, 2024-10-19

Lớp CM1 tại trường Notre-Dame-des-Anges. Philippe BESNARD / © Besnard/Apprentis d’Auteuil

Xin bà cho biết bà giới thiệu với các bạn trẻ như thế nào về hướng nội? 

Bà Marie-Dominique Germette: Hàng tuần tại trường Học việc Auteuil của chúng tôi, chúng tôi có một giờ bắt buộc có chủ đề “phát triển con người và tinh thần” nhằm mục đích giúp các em thấy mối quan hệ của các em với người khác, với thế giới bên ngoài để khám phá sự khác biệt. Trong chương trình này, trước mỗi cuộc họp, chúng tôi bắt đầu bằng phút thinh lặng, ba, bốn phút. Lần đầu tiên, các em ngạc nhiên, đôi khi chúng tôi phải lặp lại bài tập để các em im lặng hoàn toàn, nhưng ở các buổi tiếp theo, ngay từ đầu, các em đã im lặng!

Bà Marie-Dominique Germette, điều phối viên tại trường trung học Daniel-Brottier, ở Bouguenais (Loire-Atlantique). / Emmanuel Ligner/Apprentis d’Auteuil

Bà giải thích với các em như thế nào?

Bằng cách giữ im lặng, các em đi vào được nội tâm sâu thẳm của mình, nơi các em có những ham muốn, nơi các em thực sự tự do. Độ sâu lắng này là cột sống cho cuộc đời các em. Daniel Brottier, nhà sáng lập Hội của chúng tôi đã nói với các bạn trẻ: “Các con hãy sẵn sàng phát triển nhân cách Chúa đã ban cho các con qua giá trị tinh thần của con người.” Trên bảng, tôi vẽ một số vòng tròn và từ đó vẽ sơ đồ các chiều kích khác nhau của con người: thể xác, cảm xúc, trí tuệ và cuối cùng là tinh thần.

Tôi giải thích vòng tròn nhỏ ở giữa là nội tâm “ngôi vườn bí mật” của các con, để vào ngôi vườn này, các con phải tìm chìa khóa. Đôi khi cánh cổng bị hoen gỉ và ngôi vườn đầy cỏ dại. Thinh lặng là con đường đi về nguồn, đi vào ngôi vườn và vun trồng nó. Thánh Catarina Siêna nói về “tế bào của sự hiểu biết về chính mình”.

Triết gia Pascal đã nói: “Mọi bất hạnh của con người đều xuất phát từ một điều, đó là chúng ta không làm sao ngồi yên một chỗ trong phòng.” Vì chính nơi rất mật thiết này chúng ta gặp Thiên Chúa, Đấng, theo Thánh Augustinô “mật thiết với chúng ta hơn chính chúng ta”. Tôi nói với các em, giữ thinh lặng sẽ có ích cho các em khi các em trưởng thành: các em có thể rút lui khỏi cuộc sống đầy sóng gió, đi sâu vào tâm hồn mình để có những lựa chọn quyết định.

Có khó khăn với các em không?

Có, ở buổi học đầu tiên, một số các em không quen, các em cảm thấy ngượng ngùng. Giữ im lặng không phải là điều dễ dàng, các em lo lắng, các em phải gom lại những vấn đề các em gặp phải. Các em không quen và thường nói chuyện với nhau. Đó là thế hệ sinh ra đã có “ống nghe ở tai”. Im lặng là quá trình học hỏi, để không còn nghe tiếng ồn bên ngoài, để đối thoại với chính mình và để gặp Chúa. “Ngay cả trước khi tạo nên con trong bụng mẹ, Ta đã biết con” (Gr, 1). Sau đó là giờ thảo luận về mối quan hệ của các em với thinh lặng, đó là cả một phong phú khi làm nổi bật các nét đẹp chưa bao giờ được các em nói ra.

Bà nhận được phản ứng nào?

Lúc đầu các em cười, nhưng sau khi thực tập, các em rất thích, tôi nhớ các em đã vỗ tay: “Thưa cô, cô là người duy nhất làm chúng con chịu im lặng!” Các em tự hào về mình: “Thinh lặng giúp chúng con yên nghỉ, cho chúng con bình an, bắt chúng con phải suy nghĩ.” Trong một chuyến đi trên thuyền, một trong các em thường có hành vi hung bạo đã quay qua người bên cạnh nói: “Téma, nhìn kìa, im lặng… thật đẹp.”

Im lặng giúp các em nói về những chủ đề cá nhân hơn. Cũng  đáng lo và cũng thật đẹp khi các em lên tiếng chia sẻ các kinh nghiệm sống mạnh như quấy rối, sức khỏe, bị ngược đãi. Thinh lặng tạo tin tưởng, tạo lắng nghe chăm chú. Trải nghiệm im lặng là cảm thấy mình được sinh ra trong chính mình. Tôi xúc động nhớ lại Christopher, một thanh niên sống thu mình, cuối cùng đã viết và đọc lời cầu nguyện trên một tấm vải: “Hãy tồn tại”.

Marta An Nguyễn dịch