Ronald Rolheiser, 2024-10-28
Các tín điều làm nền tảng cho chúng ta. Trong một công thức ngắn gọn, các tín điều tóm tắt các nguyên lý chính của đức tin và giúp chúng ta ghi nhớ những chân lý đã giữ neo để chúng ta cắm vào.
Là tín hữu kitô, tôi cầu nguyện với hai Kinh Tin Kính, Kinh của các Tông đồ và Kinh Nicea. Nhưng tôi cũng cầu nguyện với một Kinh Tin Kính khác, giúp tôi có nền tảng trong một số chân lý sâu sắc không phải lúc nào cũng được công nhận trọn vẹn trong các Kinh Tin Kính của chúng ta. Đó là Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Thành Êphêsô, rất ngắn và chỉ đơn giản như sau: Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta.
Chỉ vài từ nhưng nói lên rất nhiều điều! Kinh này tuy của kitô giáo nhưng bao gồm tất cả các giáo phái khác, mọi tín ngưỡng và tất cả những người chân thành ở khắp nơi trên thế giới. Mọi người trên hành tinh này đều có thể cầu nguyện với Kinh này, vì cuối cùng chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương tất cả chúng ta.
Điều này có các hậu quả sâu rộng với cách chúng ta hiểu về Chúa, về các giáo phái kitô khác, các tín ngưỡng khác, về những người không tin nhưng chân thành và hiểu cả chính chúng ta. Dù giáo phái nào, đức tin nào hay không có đức tin thì cũng chỉ có một Chúa, một Chúa duy nhất, Đấng Tạo Dựng, là cha mẹ yêu thương của nhân loại. Và Chúa duy nhất này không thiên vị, không ghét ai, không ghét một giáo phái, một đức tin nào, không bao giờ xem thường lòng tốt, lòng chân thành của ai, dù người đó có tôn giáo hay không có tôn giáo.
Và đây là một số hậu quả: Đầu tiên, Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta, Chúa là Đấng của mọi điều tốt lành. Thêm nữa, là tín hữu kitô, chúng ta tin Chúa có một số thuộc tính siêu việt, duy nhất, chân thật, tốt lành và đẹp đẽ. Nếu điều đó đúng (nhưng làm sao lại không đúng?) thì mọi thứ chúng ta thấy trên thế giới này là toàn vẹn, chân thật, tốt lành, đẹp đẽ, cho dù nhãn hiệu bên ngoài của chúng là gì (công giáo la-mã, tin lành, do thái giáo, ấn độ giáo, phật giáo, hồi giáo, thời đại mới, tân ngoại giáo hay hoàn toàn thế tục), tất cả đều từ Chúa mà đến và phải được tôn vinh.
Nhà văn Mỹ John Muir (1838-1914) đã từng thách thức kitô giáo với câu hỏi: Vì sao tín hữu kitô lại ngần ngại không để các loài vật vào thiên đàng keo kiệt của họ? Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô cũng đặt ra câu hỏi tương tự: Vì sao tín hữu kitô lại ngần ngại không để các giáo phái, các tín ngưỡng khác, những người chân thành nhân từ không có đức tin rõ ràng vào khái niệm keo kiệt của chúng ta có về Chúa, về đức tin và Giáo hội? Vì sao chúng ta lại sợ hiệp thông đức tin với các tín hữu thuộc các giáo phái khác? Vì sao chúng ta sợ sự hiệp thông đức tin với người do thái, người hồi giáo, ấn độ giáo, phật giáo và những người theo các phong trào New Age? Vì sao chúng ta sợ người ngoại giáo? Vì sao chúng ta sợ các bí tích tự nhiên?
Có thể có những lý do chính đáng. Đầu tiên, chúng ta cần bảo vệ chính xác những chân lý được thể hiện trong tín điều của chúng ta, chúng ta không muốn mình sa vào một loại pha trộn vô định hình, trong đó mọi thứ đều tương đối, mọi chân lý, mọi tôn giáo đều như nhau, yêu cầu duy nhất là chúng ta phải tử tế với nhau, dù trên thực tế, có một điều gì đó mang tính tôn giáo khi nói đến việc phải đối xử tốt với nhau, nhưng điều quan trọng hơn trong việc giữ nhau trong đức tin không có nghĩa mọi đức tin đều ngang nhau, giáo phái hay truyền thống đức tin cụ thể của một người nào đó là không quan trọng. Thay vào đó, xét cho cùng, điều quan trọng phải chấp nhận: tất cả chúng ta đều là một gia đình của một Chúa và chúng ta cần ở trong vòng tay nhau như anh chị em. Dù chúng ta khác biệt nhau, nhưng tất cả chúng ta đều có cùng một tín điều tận căn.
Ngoài ra, là người thiên chúa giáo, chúng ta tin Chúa Kitô là trung gian duy nhất giữa Chúa và chúng ta. Như Chúa Giêsu đã nói, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua tôi. Nếu điều này đúng, với tư cách là tín hữu thiên chúa giáo, chúng ta xem đây là tín điều, vậy với những người theo đạo hinđu, phật giáo, lão giáo, do thái giáo, hồi giáo, tin lành, New Age, tân ngoại giáo và những người không tin khác, họ sẽ nghĩ như thế nào? Làm sao họ có thể chia sẻ Nước Chúa với chúng ta, khi họ không tin vào Chúa Kitô?
Là người có đạo, chúng ta luôn có câu trả lời cho câu hỏi đó. Sách giáo lý công giáo thời trẻ của tôi nói về “rửa tội do lòng khao khát” như một cách để bước vào mầu nhiệm của Chúa Kitô. Thần học gia Karl Rahner nói các tín hữu chân thành là “những người ẩn danh theo đạo”. Frank de Graeve nói về một thực tế mà ông gọi “đạo Thiên chúa” như một mầu nhiệm rộng lớn hơn “đạo Thiên chúa lịch sử”; và thần học gia Pierre Teilhard de Chardin nói về Chúa Kitô như một cấu trúc nhân học và vũ trụ học cuối cùng trong chính quá trình tiến hóa. Tất cả những điều này đều nói lên mầu nhiệm Chúa Kitô không thể được xác định một cách đơn giản với các giáo hội kitô lịch sử. Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội của chúng ta và bên ngoài các khuôn khổ đức tin rõ ràng.
Chúa Kitô là Chúa và do đó Ngài được tìm thấy ở bất cứ đâu có bất kỳ ai trong sự hiện diện của hợp nhất, chân lý, lòng tốt và vẻ đẹp. Kenneth Cragg, sau nhiều năm làm nhà truyền giáo cho người Hồi giáo, đã gợi ý cần phải có tất cả các tôn giáo trên thế giới để thể hiện đầy đủ Chúa Kitô trọn vẹn.
Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa tội, một Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta – và vì vậy chúng ta không nên ngần ngại để những người khác, những người không cùng loại với chúng ta bước vào thiên đàng keo kiệt của chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch